Xóm trọ ung thư: Tình người ấp ôm nghị lực sống

(Sóng trẻ) - 'Xóm trọ ung thư' là nơi hàng nghìn bệnh nhân của Bệnh viện K Tân Triều đang chiến đấu với bệnh tật, giành giật sự sống với tử thần.

Sống chung với “tử thần” 

“Xóm trọ ung thư” nằm sâu trong con ngõ đối diện cổng Bệnh viện K Tân Triều (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Xóm trọ này được biết đến là nơi buồn nhất của Hà thành, không khí ảm đạm bao trùm một khoảng trời nơi thủ đô tấp nập. 

Bệnh nhân thuê trọ tại đây có đủ lứa tuổi, từ tứ xứ về chữa bệnh. Trung bình mỗi bệnh nhân phải đến bệnh viện xạ, hóa trị, khám bệnh 3 - 4 lần/tuần, có người may mắn chữa bệnh vài tháng rồi khỏe, có người phải "gắn bó" với xóm tới vài năm, có người lỡ vận thì đành chấp nhận "án tử".

Từ Ninh Bình lên thuê trọ, điều trị ở Bệnh viện K, bác Trường (ngoài 60 tuổi) cho biết bản thân mới phát hiện bệnh cách đây chưa đến 1 tháng. Khi đó, bệnh đã ở thời điểm khá muộn.

unnamed-3.jpg
Căn bệnh quái ác biến chứng thành giai đoạn cuối cũng là lúc bác Trường phát hiện ra bệnh.(Ảnh: Đức Minh).

Nỗi lo cơm áo gạo tiền có thể là rào cản ngăn bác Trường phát hiện tình trạng bệnh. Bác Trường tâm sự: “Dân lao động chúng tôi ngày đi làm, có khi nào đi khám đâu, chỉ đến lúc biết đau, đi khám thì cũng muộn mất rồi, giai đoạn cuối rồi". Khi căn bệnh quái ác đến với mình, bác Trường chỉ biết cách cam chịu: "Ung thư nó không tha ai đâu, chỉ là vận đen nó rơi vào mình thì đành chịu".

Cùng phòng với bác Trường là một bác trai 67 tuổi, vừa từ Thanh Hóa ra Hà Nội để điều trị ung thư vòm họng. Căn bệnh ác tính khiến ông không thể phát âm rõ ràng, dù đã cố gắng rất nhiều. Bác Trường thay lời bạn kể: "Ông ấy ho ra máu, đi khám thì mới biết ung thư vòm họng. Cái bệnh quái quỷ này có ốm đau gì đâu để người ta biết sớm. Đến lúc sút cân dai dẳng, thì đã rồi!"

unnamed-4.jpg
Ông lão thui thủi một mình nơi đất khách quê người (Ảnh: Đức Minh).

Ông Trường chẳng thể nhớ nổi tên người bạn già. Có lẽ, bởi ở nơi mà sự sống và cái chết luôn cận kề, người đến rồi rời đi cứ tiếp nối không ngừng, người ta chẳng hoài nhớ tên, nhớ tuổi của nhau. Chỉ biết rằng, câu chuyện về cuộc sống của bất cứ ai trong xóm trọ này đều chật vật, khó khăn. Ông Trường cho biết, ngoài việc lo tiền viện, những bệnh nhân ung thư ở đây còn phải xoay xở từng đồng để trang trải các chi phí khác như tiền ăn uống, tiền thuê trọ và những khoản sinh hoạt phí khác khi sống gần bệnh viện.

Căn trọ ông Trường dẫn chúng tôi đến chỉ rộng khoảng 15m2 chia thành 8 buồng nhỏ cho 8 người thuê, với giá 3 triệu/người/tháng. Mỗi “hộp ngủ” vừa đủ kê một chiếc giường đơn, một kệ để những vật dụng sinh hoạt và các loại thuốc cần thiết. 

Ông Trường giải thích thêm: "Ở đây ổn hơn các chỗ khác rồi, cầu thang rộng, đi lại thoải mái. Tôi đi xem thử các chỗ khác, lối cầu thang bé tí, mà tối u ám lắm. Ở đấy chết vì buồn trước khi chết vì bệnh".

unnamed-5.jpg
Những “hộp ngủ” này là nơi ăn chốn ở của các bệnh nhân xóm trọ ung thư. (Ảnh: Đức Minh).

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”

Theo lời ông Trường, ung thư có thể ập đến bất cứ lúc nào, không trừ một ai. Và những người lao động chân tay như bác lại càng khó có điều kiện để phát hiện bệnh từ sớm. Tuy nhiên, ung thư còn trở nên đáng sợ hơn khi tinh thần người bệnh bị suy sụp, bi quan. Chính vì vậy, để níu lại sự sống, những bệnh nhân trong "xóm ung thư" phải đối diện với sự thật và truyền tinh thần sống tích cực cho nhau.

"Lên đây thì chẳng ai biết ai, chỉ có sống và chết thôi", ông Trường cười giòn tâm sự. Họ từ khắp các tỉnh, thành đổ về, mỗi người một câu chuyện, một số phận ngặt nghèo.

unnamed-18.png
Từ những người xa lạ, những bệnh nhân không ngần ngại sẻ chia về bất hạnh của cuộc đời mình. (Ảnh: Đức Minh).

"Ở đây thoải mái hơn ở nhà, mình không ảnh hưởng tinh thần con cái. Khu trọ này vui lắm, tứ xứ đổ về đây, cũng bệnh tật cả. Tối đến ngồi hành lang nói chuyện, chỗ nấu ăn chung, có gì đem ra ăn với nhau", vừa nói bác Trường vừa giơ lọ chè quê cầm từ Ninh Bình lên.

Tại một khu trọ khác, sâu trong con ngõ nhỏ ở tổ 15, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, cô Liên (54 tuổi, Bắc Giang) và hai bệnh nhân ung thư vú nương tựa vào nhau để cùng chiến đấu với bệnh tật.

unnamed-6.jpg
Lạc quan và cố gắng đang là cách cô Liên kéo dài sự sống, sum vầy với chồng con. (Ảnh: Đức Minh).
 

Xoa nhẹ lên cái đầu trọc sau những đợt hóa trị, cô Liên chia sẻ: "Tôi truyền hóa chất nên tóc rụng hết, còn xạ trị thì nó lại đang mọc lại ít tóc. Phụ nữ mà mất tóc trông xấu đi nhiều lắm đấy, cũng không tự tin đâu vì trông già đi hàng chục tuổi!". Tuy vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, cô vẫn tươi cười và đong đầy hy vọng.

Ở tuổi ngoài 60, xa chồng xa con cháu, một mình vào Hà Nội chữa trị khi bệnh đã vào giai đoạn 3, cô Liên vẫn giữ vững quan điểm rằng mình phải luôn giữ tinh thần lạc quan và thoải mái. "Mới đầu biết bệnh, đêm nằm nghĩ ngợi, chán chường khóc suốt đấy. Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng không được ủ rũ, vì còn con còn cháu, cứ buồn mãi cũng ảnh hưởng đến nó, nó đi làm không yên tâm", cô Liên nói.

Chung phòng với cô Liên, cô Ngân (54 tuổi, Hải Dương) cũng đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú gần một năm nay. Chúng tôi gặp cô khi cô vừa đi mua thuốc về, cô cầm lọ thuốc nhỏ, đưa cho cô Liên xem và cảm thán: "Lọ bé xíu này mà tận 500.000 đồng đấy, đắt thật! Liên mở giúp tôi với!". Tình bạn giữa những người bệnh như những tia sáng xua tan u tối của bệnh tật, thắp lên trong họ hy vọng và khát khao về sự sống.

Ông Chu Văn Chánh (chủ nhà trọ số 40, tổ 15, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) là người đã mở phòng trọ được hơn 5 năm qua. Suốt ngần ấy năm, ông Chánh đã chứng kiến không ít hoàn cảnh éo le và tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều" mà những bệnh nhân ung thư dành cho nhau. Ông Chánh chia sẻ: "Người cùng cảnh thì thông cảm cho nhau. Bệnh hiểm nghèo thì xác định chiến đấu dai dẳng, từ tỉnh lên Hà Nội thì cứ nương nhau mà sống. Nhà trọ có bếp nấu dành riêng cho người thuê, người này mệt quá không nấu được thì người khác nấu cho ăn. Họ đồng cảm, động viên nhau vui vẻ, lạc quan".

Đến giờ, ông Chánh nhận thấy việc làm phòng trọ cho các bệnh nhân K là điều đúng lẽ, nên làm. Bởi ông cho rằng, ở ngoài kia, các mạnh thường quân còn tài trợ, giúp đỡ họ hơn ông rất nhiều. Có những bệnh nhân ở lâu, thiếu thốn, ông hỗ trợ cả tiền ga, tiền điện, một phòng 2-3 người ông chỉ thu 10.000 đồng. 

Xóm trọ có người, có người đi và có người ở lại nhưng nơi đây dù người mới hay cũ thì họ vẫn luôn sẻ chia, đồng cảm với nhau như anh em máu mủ ruột già. Trong bóng đêm của căn bệnh mà tử thần có thể ập đến bất cứ khi nào; ở đó vẫn luôn ẩn hiện, ngời sáng chất “vàng mười” của tình người ấm áp.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN