Nhóm “người hùng xanh” hồi sinh những dòng kênh đen
(Sóng trẻ) - Đã hơn 1 tháng nay, trên khắp các con sông, con kênh, mương lớn nhỏ trên địa bàn TP. Hà Nội đã xuất hiện hình ảnh những bạn tình nguyện viên của nhóm Hà Nội Xanh lặng lẽ đến dọn dẹp, vớt rác, làm sạch con kênh.
Mỗi tuần 3 lần, cứ đến ngày hẹn, nhóm bạn trẻ đến từ sớm, bắt đầu cùng nhau tập hợp như mọi lần để đi vớt rác. Lần này, cả nhóm hẹn nhau tại kênh La Khê, nơi không chỉ có làn nước đen kịt mà còn bạt ngàn những bọc rác, vỏ chai nhựa, vỏ hộp giấy... nổi lềnh phềnh, bốc mùi hôi thối đến mức chẳng ai muốn lại gần. Những bạn trẻ mỗi người một xe máy, trên xe lại treo lủng lẳng những dụng cụ vớt rác như găng tay, đồ bảo hộ, cào rác, rổ lớn, bọc nilon…
Công việc dọn rác của nhóm thường được bắt đầu từ rất sớm, tranh thủ thời gian rảnh do các thành viên còn phải đi làm để mưu sinh, trang trải cuộc sống. Để nhanh chóng hoàn thành công việc, các thành viên trong nhóm không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, phối hợp nhịp nhàng: người cào rác, người gom rác, người kéo và gom rác trên bờ.
Thời gian đầu, nhóm được thành lập với vỏn vẹn 3 thành viên nhưng chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động số lượng tình nguyện viên bây giờ đã hơn cả trăm bạn. Thành viên trong nhóm chủ yếu là sinh viên, người đi làm tranh thủ thời gian rảnh tham gia hoạt động tình nguyện. Các bạn không chỉ đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội mà còn có nhiều bạn đến từ địa phương khác như Lào Cai, Hưng Yên, Bắc Giang…
Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn mà đội gặp phải, anh Nguyễn Tiến Huy (1995, trưởng nhóm Hà Nội Xanh) tâm sự: “Từ lúc thực hiện dự án đã có rất nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là về công việc, những buổi lao động mình xuống và gặp phải kim tiêm, mảnh sành, xác con động vật người dân vứt ra mà nó đang phân huỷ. Thứ hai là vấn đề kinh phí, ban đầu chỉ có 3 thành viên nên kinh phí không nhiều, nhưng hiện tại đã hơn 100 thành viên vậy nên kinh phí bỏ ra cho một buổi lao động rất là nhiều".
Hiện nay, toàn bộ chi phí mua đồ bảo hộ, công cụ vệ sinh đều do nhóm tự chi trả. Sau thời gian hoạt động, được mọi người biết đến nhiều hơn, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các đơn vị vệ sinh môi trường…Không chỉ vậy, mỗi khu vực mà Hà Nội Xanh đi qua, lại nhận được vô vàn sự ủng hộ và yêu mến của những người dân nơi đó.
Dẫu còn khó khăn nhiều bề, nhưng khi được cống hiến hết mình vì môi trường, vì cộng đồng cùng những người đồng đội, trên gương mặt các thành viên không giấu nổi niềm tự hào và hạnh phúc. Dù chỉ mới là buổi đầu tham gia cùng nhóm, bạn Nga 20 tuổi đến từ Lào Cai đã nhanh chóng hòa nhập cùng mọi người: “Mình cảm thấy vui khi được góp sức mình cho môi trường xanh sạch đẹp hơn và mình mong rằng sẽ thêm nhiều buổi hơn để giúp cho một Hà Nội không rác”.
Những ngày đầu dự án, các thành viên còn chưa quen nên nhiều hôm đi làm về, ai cũng bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ hết tay chân, có người còn ốm mất mấy hôm liền. Thế nhưng chẳng vì thế mà “cái nhiệt”, “cái đam mê nhặt rác” của cả nhóm giảm đi.
Đáng buồn là một bộ phận người dân lại suy nghĩ môi trường ô nhiễm rồi, có giải quyết cũng không ăn thua. Nhiều người nói hành động của nhóm như "muối bỏ bể" vì họ cho rằng, rác sau khi được vớt và thu gom, dọn sạch hôm nay thì ngày mai vẫn sẽ xuất hiện trở lại. Nghe vậy nhưng anh Huy cùng các thành viên trong nhóm vẫn bỏ ngoài tai, thực hiện "đam mê nhặt rác" của mình. Dẫu vậy, cả nhóm vẫn luôn trăn trở về thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người dân hiện nay khiến môi trường bị ô nhiễm.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường không phải của riêng một cá nhân hay một đoàn thể nào cả mà là của tất cả chúng ta. Tất cả mọi người dân đều phải chung tay bảo vệ môi trường và coi đó như là trách nhiệm của bản thân. Chúng ta được sinh ra trên một mảnh đất màu mỡ thì phải biết bảo vệ, gìn giữ môi trường để các thể hệ sau không phải sống chung với rác thải.
Việc chia sẻ những video ngắn trong các buổi dọn rác lên mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, Hà Nội Xanh mong muốn mọi người thấy được sự vất vả để cân nhắc, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, bỏ rác đúng quy định để tương lai không xa, những dòng sông có thể được "thở", được chảy nguồn nước sạch mà chúng vốn có.