Xu hướng giao tiếp “nửa Tây nửa Ta” của bạn trẻ
(Sóng trẻ) - Tại Việt Nam, tiếng Anh đang dần được sử dụng phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Kể cả trong giao tiếp hàng ngày, nhiều bạn trẻ cũng dùng tiếng Anh đan xen vào tiếng Việt.
Dùng tiếng Anh vì “dễ hiểu” hơn tiếng Việt
Từ trò chuyện trực tiếp để nhắn tin qua mạng, đây trở thành một thói quen của rất nhiều người. Chia sẻ về vấn đề này, bạn Trần Vũ Thắng, sinh viên trường Đại học Xây dựng cho biết: “Trong giao tiếp bình thường thì thi thoảng mình có chèn thêm vài từ như “Hey bro” (tạm dịch: Anh/em ơi), “Surpries!” (tạm dịch: Ngạc nhiên chưa) hoặc “What’s up” (Có chuyện gì thế) với bạn bè”.
Thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày, bạn Nguyễn Khánh Linh (học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần phú Hải Phòng tâm sự: “Mình hay sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Có những từ tiếng Anh khá phổ biến ở Việt Nam, nên khi mình dùng thì các bạn đều hiểu được hết. Ngoài ra, nếu mình dịch những từ đó sang tới Việt thì đôi lúc không được tự nhiên cho lắm”.
Là người tâm huyết với tiếng Việt và có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ánh Hồng (Giảng viên khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cảm thấy buồn khi một bộ phận người trẻ chưa chú trọng vào việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
“Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và rất đẹp và vì thế mà nhiệm vụ của các bạn trẻ là phải bảo vệ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta đang hội nhập quốc tế nên việc sử dụng tiếng Anh cũng là một lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, chúng ta không nên đan xen cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt trong giao tiếp. Tôi không cho rằng đây là một cái dụng ý xấu gì cả và tôi nghĩ rằng là các bạn sử dụng như một cái thói quen nhưng mà vô thức”, PGS.TS Nguyễn Ánh Hồng nêu quan điểm.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời đại toàn cầu hóa
Lý giải nguyên nhân và bản chất của hiện tượng này, PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho biết: “ Nguyên nhân thứ nhất là người ta không tìm được từ thích hợp để diễn giải trong tiếng Việt, nên người ta tạm thời “nhấc” cái từ đó sang tiếng nước ngoài để diễn giải nội dung mình muốn truyền đạt. Lý do thứ hai là cái từ đó đã thông dụng rồi, không thiết cứ phải dùng tiếng Việt. Lý do thứ ba đó là “sính” chữ, tức là sử dụng cái chữ nước ngoài để có vẻ “oách”, khoe chữ”.
Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tỉnh, một người không thông thạo tiếng mẹ đẻ của mình thì rõ ràng là chưa làm tròn bổn phận của người yêu nước. Ta chỉ có thể giỏi ngoại ngữ nào đó trên cơ sở giỏi chính bản ngữ của mình. Hãy cứ học tốt tiếng Việt. Khi đã thành thạo và sử dụng một cách thuần thục các kỹ năng thì đây chính là một cái tiền đề để học các ngoại ngữ khác.
Sự giao tiếp qua ngôn ngữ phải phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu nên việc sử dụng thường xuyên là rất bình thường. Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng tiếng Anh như một thuật ngữ khoa học trong các cuộc hội thảo.
Tuy nhiên, nếu chỉ giao tiếp đời thường hoặc là giao tiếp giữa người Việt với nhau, người trẻ không cần thiết phải sử dụng sử dụng tiếng Anh bởi vì tiếng Việt cũng đã đủ sức để đạt toàn bộ thế giới tâm hồn của người Việt. Không nên lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài vào những cuộc trò chuyện hàng ngày mà cần lưu ý hoàn cảnh, đối tượng để giao tiếp một cách hiệu quả mà vẫn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.