“Con nuôi” làng nghề

(Sóng trẻ) - Là một người trẻ đam mê và tâm huyết với làng nghề truyền thống, anh Ngô Quý Đức đã thành lập dự án “Về làng” với mong muốn mang đến một không gian kết nối và giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Anh Ngô Quý Đức cùng dự án
Anh Ngô Quý Đức cùng dự án "Về làng" (Ảnh: Thu Huyền)

“Về làng” tìm làng nghề

PV: Được biết anh đã đi và tìm hiểu rất nhiều làng nghề Việt Nam. Những chuyến đi đó đã cho anh những trải nghiệm gì?

Lúc đầu tôi đi vì đam mê, đi để xem họ làm những sản phẩm như thế nào, cuộc sống xung quanh của họ ra sao và cái nghề đấy có thể đem lại thu nhập cho họ hay không? Dần dần, qua những chuyến đi, tôi càng bị thu hút hơn. Những sản phẩm truyền thống của Việt Nam có một cái rất hay là đều được làm từ những chất liệu tự nhiên như là: mây, tre, giấy, đất. Từ những chất liệu và đôi bàn tay khéo léo của người thợ, họ tạo ra những sản phẩm vô cùng độc đáo. Nó không chỉ là sản phẩm thông thường mà còn mang cả ý nghĩa về giáo dục, về giá trị về văn hóa mà cha ông ta gửi gắm qua những sản phẩm cổ truyền.

PV: Tại sao anh quyết định ra mắt dự án “Về làng” trong thời điểm dịch bệnh?

Tôi nghĩ đó là một cái duyên. Trong khoảng thời gian dịch bệnh, nhiều công ty du lịch đang gặp khó khăn và gần như là phải đóng cửa. Chính lúc đó, tôi bắt đầu kết hợp cùng với các làng nghề ra mắt một số chuyến đi du lịch giới thiệu về các làng nghề. Khi du lịch quốc tế không có, du lịch nội địa đang giảm dần, nhiều người quan tâm về những chuyến đi trải nghiệm làng nghề của tôi và gần như là chưa có bên nào khai thác, thì đây cũng là một cơ hội rất tốt cho “Về làng” phát triển.

PV: Sau 2 năm hoạt động, dự án “Về làng" đã đem lại những giá trị nào cho làng nghề?

Từ khi ra mắt, tôi đã hỗ trợ rất nhiều các bên làng nghề để họ có thể phát triển hơn. Có những bên tôi xây dựng cho họ những tour du lịch, có những bên làng nghề mà tôi đã kết nối họ với những doanh nghiệp để họ có thể có đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra thì tôi cũng có kết hợp với các nghệ nhân lên những mẫu sản phẩm mới và đẩy mạnh truyền thông về các sản phẩm này. Những sản phẩm trước giờ của các làng nghề thường làm theo những mẫu sản phẩm cũ, việc sáng tạo trong các sản phẩm không được nhiều và sản phẩm không có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại. Tôi đang muốn thay đổi làm sao mà mình sẽ là người tạo ra những sản phẩm định hướng cho thị trường và biết là thị trường nó cần những gì, chứ không phải là để các nghệ nhân cứ phải chạy theo xu hướng.

Không gian trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống tại “Về làng” (Ảnh: Thu Huyền).
Không gian trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống tại “Về làng” (Ảnh: Thu Huyền).

PV: Đối tượng dự án hướng tới là tất cả mọi người, trong đó có nhiều dự án hướng tới người trẻ. Đây có phải tín hiệu đáng mừng khi các làng nghề truyền thống được thu hút trở lại?

Tôi thấy các bạn trẻ ai cũng có một cái gọi là tình yêu đối với văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng mà có thể là họ không được tiếp cận nhiều, thành ra họ đã tạm thời bỏ quên cái tình yêu đó. Nếu mà mình là người mà có thể kết nối cho họ thấy những vẻ đẹp văn hóa thông qua những hoạt động trải nghiệm làng nghề, thì họ sẽ biết nhiều hơn các giá trị của sản phẩm và tinh hoa các nghề truyền thống Việt Nam. Họ sẽ thêm yêu hơn và biết đâu họ sẽ cùng tham gia với tôi và có những dự án mà có thể giúp phát triển các làng nghề hơn.

Để làng nghề được tỏa sáng

PV: Có những làng nghề dần bị mai một, nhưng cũng có làng nghề phát triển và trở thành điểm sáng, thu hút được nhiều người quan tâm. Theo anh, điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Có rất nhiều vấn đề ở đây, ví dụ như những làng nghề như Bát Tràng, Vạn Phúc, thì vốn đã có tiếng từ lâu, không chỉ như vậy, những làng nghề này còn được nhà nước rót vốn đầu tư phát triển du lịch rất nhiều để có thể trở thành những điểm du lịch của Hà Nội cũng như của quốc gia. Còn một số làng nghề như Đồng Kỵ, thì ngay từ hồi xưa, họ đã có tiếng về làm đồ gỗ, bây giờ họ chuyển sang buôn gỗ, thành ra tài chính của các nhà trong làng khá là mạnh. Nhưng có rất nhiều làng nghề, cũng là làm gỗ, nhưng họ không phải là người đi buôn, họ chỉ là những người làm sản phẩm thuần túy thôi. Vậy nên, người đi buôn người ta sẽ biết cách làm hình ảnh tốt hơn, làm thương hiệu tốt hơn, thì họ sẽ làm cho danh tiếng của làng được đẩy mạnh, còn những người mà họ chỉ làm sản xuất thôi thì họ chỉ cần biết là làm ra sản phẩm, còn họ không có nhu cầu để để mạnh việc quảng bá thương hiệu cho mình. Điều này thì sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các làng nghề.

Anh Ngô Quý Đức cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (Ảnh: Thu Huyền)
Anh Ngô Quý Đức cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (Ảnh: Thu Huyền)

PV: Để phát triển văn hoá làng nghề, việc xây dựng và quảng bá hình ảnh liệu có đủ?

Theo tôi, cần phải có sự kết hợp giữa nhiều bên thì mới có thể đẩy mạnh các làng nghề lên được. Ví dụ như các bên về báo chí truyền thông thì lo những việc về truyền thông quảng bá là một, các bên du lịch làm sao phải đẩy được khách du lịch tới là hai, cả các bên về thương mại xuất khẩu cũng phải kết nối để có đầu ra cho các sản phẩm làng nghề truyền thống và cũng phải dựa vào chính các làng nghề nữa. Các làng nghề cũng phải có đầu tư vào cơ sở của mình để phát triển hơn thì mới có thể bền vững được.

PV: Anh nhận định thế nào về vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong việc giữ gìn và phát huy văn hoá làng nghề?

Người trẻ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, vì bây giờ có rất nhiều làng nghề họ đang bị một cái là không có thế hệ trẻ kế cận để có thể tiếp tục phát triển công việc. Đa số các làng nghề chỉ có những người thế hệ trước, trung tuổi còn giữ nghề, còn các bạn trẻ thì gần như là bỏ hết. Họ có những sự lựa chọn khác để có cuộc sống ổn định hơn như là đi làm ở các công ty, nhà máy, khu công nghiệp, còn làm nghề thì các người trẻ phải học nghề và phải bỏ rất nhiều công sức mà chưa chắc họ đã có thể thu lại được cái nguồn lợi ngay. Bây giờ phải làm sao mà để cho các bạn trẻ đó, kể cả những người không làm nghề,  họ hiểu rõ hơn về giá trị của các nghề thủ công của mình để họ có thể quay lại và sẽ có những bạn trẻ khác hỗ trợ về truyền thông, về sáng tạo, về các nguồn lực kinh tế và về kinh doanh nữa, như thế thì mới có thể giữ được các làng nghề của mình lâu dài hơn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN