“Thiết bút thư sinh” gần nửa thế kỉ khắc chữ lên chuông

(Sóng trẻ) - Trên căn gác 3 của ngôi nhà nằm ở số 46 phố Hàng Vải, Hoàn Kiếm, Hà Nội, có một người thợ già năm nay đã 76 tuổi, vẫn ngày ngày mài chiếc đục của mình, để khắc những con chữ trên chuông sao cho thật sắc nét. Ông lão đó được người ta quen gọi là “Thiết bút thư sinh” Nguyễn Đăng Hiển.

anh-nghe-nhan-1.png
Ông Nguyễn Đăng Hiển hoàn thiện bức thư pháp chữ Hán

Từ tuổi trẻ đầy biến cố đến cơ duyên với nghề cầm “bút sắt”

Chúng tôi đến thăm ông Hiển vào buổi chiều đầu tiên của tháng 6, khi ông vừa trở về sau chuyến đi khắc chuông ở Ninh Bình. Trong căn phòng rộng khoảng 20 m2, ông bày đầy những bức thư pháp, câu đối và bài thơ bằng tiếng Hán.

Rót trà vào chiếc ly trắng và mở bao thuốc, ông lão với mái tóc búi cao bắt đầu kể cơ duyên đến với nghề của mình.

Nguyễn Đăng Hiển sinh ra ở Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống về nho học và nghề đúc. Do chiến tranh nên gia đình ông phải di tảng về quê gốc ở Bắc Ninh, mãi đến năm 1950 mới trở lại thủ đô.

Những năm ấy, Hán học đã suy tàn, nên gia đình phải kiếm sống bằng nghề thợ nguội, chuyên khắc khuôn ổ khóa, vòi nước và nhiều món đồ gia dụng khác. Gia cảnh tuy khó khăn, nhưng truyền thống hiếu học vẫn được giữ trọn.

“Mình con nhà nghề, hồi đang đi học, mình hay ngồi vào bàn làm việc của các cụ để xem các cụ khắc khuôn, mình mó máy thì các cụ đuổi, nói là mình tập trung học đi không cần ngồi vào đó, các cụ muốn mình học chứ không muốn mình làm thợ”, ông Hiển nhớ lại những ngày tháng còn tấm bé. Cậu học trò khi ấy hiểu chuyện, muốn giúp đỡ cha mẹ nên vẫn cố gắng ban ngày thì học nghề đúc, đến tối lại nghiêng bút luyện chữ.

Ngay từ khi còn là một nhóc 15, 16 tuổi, Nguyễn Đăng Hiển đã được tiếp xúc và học qua rất nhiều bộ môn khác nhau. Ông học vẽ ở Hàng Trống, học đàn ở Hàng Giấy ngoài ra còn học cả võ thuật. Đặc biệt, ông Hiển tỏ ra rất có năng khiếu trong vẽ truyền thần.

Tuổi thơ được học hành bài bản nhưng lớn lên trong một xã hội còn đầy rãy những khó khăn nên thời trai trẻ, ông Hiển trải qua nhiều nghề. Ông từng có thời gian làm công việc khảo sát đường thủy, sau lại bốc vác ở nhà máy rượu, đi vẽ truyền thần thuê rồi làm thợ nguội đúc khuôn ổ khóa.

Mãi đến năm 1979 – 1980, khi đã 34 tuổi, ông mới lại có cơ hội tiếp tục theo học và tốt nghiệp cử nhân Hán học. Sau đó, người thợ đồng vừa học vừa tự mày mò tìm hiểu về viết thư pháp. Thời gian này ông đã lập gia đình và được truyền nghề chạm chuông từ bố vợ.

Nhờ có kinh nghiệm khắc khuôn từ hồi làm thợ nguội, lại thêm khả năng vẽ và biết viết thư pháp nên thay vì chạm chữ, ông Hiển đã khắc nên những dòng đầu tiên của mình trên chiếc chuông đồng.

Từ “cậu học trò” 34 tuổi đến người làm nghề khắc chuông đã hơn 40 năm

Châm thêm một ấm trà nữa, người thợ đồng Nguyễn Đăng Hiển lấy ra một chiếc cặp đen và cho chúng tôi xem túi dụng cụ hành nghề. Đôi bàn tay chai sần rút ra một chiếc đục dài tầm 15 phân. Chiếc đục không có lưỡi phẳng như đục gỗ mà có mũi nhọn như mũi mác, là món đồ tự chế của ông lão.

anh-nghe-nhan-2.png
Chiếc dùi tự chế dùng để khắc chuông của ông Hiển

“Khi khắc chữ trên chuông quan trọng nhất là bố cục. Mình phải xác định được một khoảng bố cục có thể khắc được bao nhiêu chữ. Trên thân chuông luôn có 4 đường thẳng, chọn một đường thẳng trên chuông sau đó khắc chữ dọc theo đường đó, có như vậy thì chữ mới không bị lệch mới, mới đều”, ông Hiển vừa giảng giải, vừa vẽ hình minh họa để chúng tôi hiểu hơn về sự tỉ mẩn khi khắc chuông.

Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh, trong thư pháp có một câu là: “Nhất khí a thành”, nghĩa là cứ qua một hơi thở thì phải viết xong một chữ. Đối với công việc khắc chữ trên đồng thì chuyện nắm được nghệ thuật thư pháp là tối quan trọng. Bởi lẽ, cầm dùi cũng giống như cầm bút, có nét bút mảnh như sợi tóc thì cũng có nét bút to và sâu. Vì vậy, chỉ khi nắm được những điều cốt lõi thì những con chữ thực sự có hồn.

Lật giở cho chúng tôi xem những bài minh (bài thơ), bài ký tự tay viết, “Thiết bút thư sinh” vừa kể về thành tựu hành nghề của đời mình. Ông đã đi từ Bắc vào Nam, đến tận Vũng Tàu để khắc chuông.

Mỗi ngày, người thợ già có thể khắc được từ 200 – 300 chữ. Đến nay, bút tích của ông đã nằm trên hơn 5.000 chiếc chuông lớn nhỏ các loại. Đó chủ yếu là các bài kinh, bài ký, bài minh (bài thơ) hoặc các bài kệ thỉnh chuông. Nhiều khi, ông Hiển cũng nhận sáng tác các tác phẩm tiếng Hán theo ý tưởng của nhà chùa.

anh-nghe-nhan-3.png
Ông Hiển giải nghĩa một bài ký tự sáng tác

Quả chuông lớn nhất mà “thiết bút thư sinh” từng khắc nặng tới 7 tấn nằm ở đền Kim Ngưu thuộc phủ Tây Hồ. Chiếc chuông ông mất nhiều thời gian nhất để “chắp bút” nằm ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Quảng Ninh, phải mất đến hơn tuần lễ mới hoàn thiện xong.

Kể xong những kỉ niệm đáng nhớ với nghề của mình giọng người thợ đồng bỗng trầm xuống. “Con cái của tôi đều không theo nghề khắc chuông, cũng có những người xin theo tôi học chữ Hán, nhưng tôi thấy họ không đủ nhẫn nại nên học vài buổi rồi dừng”, ông Hiển rít một hơi thuốc dài.

Thế rồi, ông lại vui vẻ lại ngay, ông bảo không có nhiều người theo nghề kể cũng buồn nhưng thấy mừng vì nghề đã chọn mình. “Làm nghề gì cũng cần phải có đức, mình làm chuông, đồ thờ nên mình cẩn trọng, tỉ mỉ, thứ mình ham thích thì sẽ có kết quả tốt.”

Ông lão gần nửa thế kỷ thổi hồn vào những con chữ đồng, vẫn ngày ngày ngồi trên căn gác nhỏ. Với cây búa và chiếc dùi, người thợ tuổi thất tuần cẩn thận gõ từng nhịp, khắc từng chữ, để gìn giữ một nét đẹp nhỏ trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN