Ảnh Film – Chất gây nghiện kỳ lạ
(Sóng Trẻ) - Cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa rồi Hà Nội có một triển lãm khá lạ, Triển lãm ảnh “Film và Hà Nội”. Triễn lãm mang tới cho người dân thủ đô những góc cạnh của thành phố thông qua những tấm ảnh film, một công cụ cứ tưởng rằng đã thành dĩ vãng trong thời đại công nghệ hiện nay. Việc ghi lại một hình ảnh đẹp bằng chiếc máy kĩ thuật số hay thậm chí là smartphone thực sự rất dễ dàng chẳng có gì vất vả, thế nhưng những cái lỉnh kỉnh, cũ kĩ, tốn công, tốn sức khi chụp phim lại là một chất “gây nghiện” thực sự.
Những lý do đến với Film
Phong trào chụp phim trong vài năm gần đây lên khá mạnh mà công sức gầy dựng đế chế phim trên ngưỡng suy tàn phải kể đến công của ngành thời trang. Mấy năm gần đây phong cách ăn mặc của chị em (và cả các anh em) ít nhiều cũng theo xu hướng vintage, retro… theo kiểu những năm 80 90 của thời đại trước. Film với Vintage trước nay đã là một cạ, ăn mặc hoài cổ cầm máy ảnh phim thì đúng là Ton-sur-ton.
Trình độ phát triển, kinh tế nước nhà cũng đi lên, người ta cũng bắt đầu thích ghi lại khoảnh khắc nhiều hơn, một chiếc smartphone tích hợp những phần mềm chỉnh màu ảnh như Instagram, VSCO… ăn theo cái nước ảnh film chẳng khác nào quảng cáo miễn phí.
Nài mấy chuyện màu mè về phim thì người trẻ đến với phim phần nhiều còn vì giá thành rẻ. Một chiếc máy hoạt động tốt chỉ có mức giá 700 nghìn đến 2 triệu đồng. Tiền phim với tráng rửa cỡ 100 nghìn một cuộn. Tính đi tính lại cũng chẳng là gì so với đầu tư một chiếc DSLR mà chất ảnh thì tương đương. Thậm chí ảnh phim còn được đánh giá có chiều sâu hơn, độ tương phản tốt hơn, màu sắc hơn, những hạt hóa chất trên tấm phim in màu thời gian mà ảnh kĩ thuật số không thể bắt chước được.
Hoàng Anh, 24 tuổi ở Sài Gòn kể rằng: “Hồi đó mình có thích một bạn, nhưng mà bạn ý lại có người yêu rồi và người yêu bạn ấy lại chụp ảnh rất đẹp. Vì gato nên mình quyết định tập chụp ảnh và lựa chọn máy film vì giá cả hợp túi tiền do hồi đó còn là sinh viên và quan trọng hơn cả là ảnh film có nước ảnh hoài cổ rất đẹp.”
Trung Del, 30 tuổi một lomographer cho biết: “Hồi tháng 9/2012 tôi có làm nhân viên phục vụ café ở Zone5 – một trong những lab tráng film tốt nhất ở Hà Nội cho đến thời điểm hiện tại. Làm việc ở đó, hàng ngày được gặp người chơi film, xem ảnh đẹp từ film khiến tôi thấy thích ảnh film, được nhìn thấy, được cầm rất nhiều những máy ảnh film rất đẹp, rất tinh xảo, rất bền bỉ khiến tôi có ấn tượng đặc biệt với film. Và tôi bắt đầu chụp film từ tháng 12/2012.”
Chuyện của Phương Nhi lại là: “Mình muốn làm một cái gì đó để chứng tỏ với người yêu cũ là chia tay xong đời mình vẫn đẹp. Thế là mình chụp ảnh, bằng chiếc máy phim của người yêu mình bây giờ nè.”
Và còn vô vàn câu chuyện khác, nhưng đều hao hao nhau hoặc đầy màu phim hoặc đầy tình yêu lứa đôi hoặc một túi tiền eo hẹp. Bằng cách này hay cách khác, những người đã đến với phim vẫn tiếp tục chụp phim như thể bị vướng vào một “chất gây nghiện” không thể gọi tên. Khi đó phong trào chơi phim trở thành một thứ sang trọng hơn gọi là thú chơi film.
Và những lý do để ở lại
Thú chơi phim không có điểm khởi đầu. Giống như tình yêu, có thể gặp lần đầu là yêu, có thể tìm hiểu qua lại giữa hai bên một thời rồi mới yêu có thể kề bên nhau cả đời mà chẳng yêu được cũng có thể chưa gặp đã yêu rồi.
Chơi phim rồi như người đang yêu. Ăn với phim ngủ với phim, nhìn cuộc đời qua cái ống kính máy phim. Ăn tiêu cẩn thận khi nào cũng nghĩ để dành mua máy, mua phim. Phim không đắt nhưng mỗi tấm chụp lại vô cùng chắt chiu, giống như một món quà, một nụ hôn của người yêu vậy.
Tuấn 20 tuổi, Hà Nội: “Có lần giữa đêm mình lắp phim vào máy xuống đường Hà Nội chụp ảnh. Đi bộ từ nhà mình lên Bờ Hồ rồi loanh quanh từ 2 giờ sáng đến 5 giờ sáng mới về nhà, thấy bao nhiêu cái đẹp, chụp vào máy nhiều lắm, hi vọng nhiều lắm. Bữa sau đi rửa thì lab báo là phim trắng. Hóa ra là mình lắp phim không cẩn thận, bị tuột phim. Nhận lại cuộn phim mà buồn thối ruột, về nhà chỉ có nằm nhìn lên trần chả ăn chả uống gì.”
Người ta bảo chụp phim nhiều cảm xúc, không chỉ cảm xúc nhiều trong tấm ảnh chụp mà cảm xúc nhiều cả quá trình chụp. nhiều khi sung sướng vô cùng nhiều khi đau khổ không tả xiết. Người ta cũng bảo muốn học nhiếp ảnh thì phải học chụp phim.
Chơi phim mới biết vặn nét bằng tay, đo sáng bằng mắt. Khuôn hình, ánh sáng lúc nào cũng phải chuẩn vì một đi là không trở lại, không có nút xem lại, không có nút xóa. Một cuộn phim nhiều nhất là 36 kiểu mà chụp mãi vẫn không thấy hết. Đôi khi giơ máy lên ngắm một lúc lâu rồi lại buông xuống không chụp, đôi khi không phải vì không thấy đẹp, đôi khi thấy đẹp quá mà chỉ muốn giữ lại cho riêng mình, không muốn chia sẻ cho ai khác.
Chụp phim kì lạ là vậy. “Chụp ảnh bằng máy ảnh nói chung có nhiều điểm tương đồng. Chụp film có một số điểm khác như không chỉnh được độ nhạy sáng (ISO) mà phải phụ thuộc vào film; một cuộn film chỉ có 9 – 14 frames (medium format) hoặc 36 frames (máy chụp film 135), đặc biệt là không thể xem lại ảnh ngay sau khi chụp nên người chụp sẽ phải “đắn đo” nhiều hơn; một số máy film không có hệ thống đo sáng nên người chụp phải nắm rõ quy tắc đo sáng (ví dụ Sunny F16); phải phụ thuộc vào các lab trong quá trình tráng + scan.” Trung Del cho biết.
Phong trào chụp phim có một thời gian rất mạnh mẽ, trở thành xu hướng. Những người đã từng chơi DSLR đều sắm thêm 1 máy chụp film kèm theo. Tuy nhiên các group ảnh film sau một thời gian hoạt động đều đi xuống với rất nhiều lý do. Lý do mạnh nhất vẫn là đa số chụp theo phong trào, chụp theo sở thích cá nhân, không có định hướng, phong cách rõ ràng, bản ngã cá nhân quá cao.
Nguyên nhân thứ hai thì có thể là do kĩ thuật chụp phim khó đối với những người mới chơi. Nên nhiều người chọn việc chụp film như là một thú vui, đôi khi có dịp thì lôi ra dùng, ghi lại những khoảnh khắc đẹp xung quanh mình.
Có lên có xuống, tuần hoàn đều đặn như biểu đồ hình sin. Film mang trong mình những những thứ cổ lỗ, nặng nề của thời đại cũ khiến người chụp phải dày công với nó nhưng đó cũng lại là nét quyến rũ của film khiến người ta ở lại. Nét sắc cạnh trên chiếc máy của thời đại cũ, mùi hương đặc biệt của tấm phim nhựa…
(Ảnh của thành viên nhóm Film Photo CLub)
Trịnh Tây
Cùng chuyên mục
Bình luận