Ba thế hệ “vô danh”

(Sóng trẻ) - Giấy khai sinh – thứ giấy tờ mà ai sinh ra cũng có như một điều hiển nhiên. Nhưng với cô Lĩnh và những người con đang sống “ngoài vòng pháp luật” lại là niềm ao ước hơn bao giờ hết.

Một buổi chiều đông, tôi tìm về xóm ngụ cư ven sông Hồng thuộc địa phận phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Xóm trọ này được hình thành từ hơn 20 năm trước bởi những người lao động nghèo không nhà cửa vì gánh nặng mưu sinh mà tha hương từ khắp nơi đổ về. Họ sống trong những túp lều lụp xụp, chắp vá, mùa đông rét thấu xương, còn mùa hè nóng hầm hập đến mức khó thở. Ai nấy trong xóm trọ cũng biết đến cô Lĩnh vì gia đình cô có hoàn cảnh đặc biệt hơn những người khác. Khi tôi vừa đến nhà, cô bước ra với nụ cười thân thiện mời tôi vào. Thế rồi, cô bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện đầy gian truân của cuộc đời mình…

Cuộc đời “ba không”

Cô tên là Phạm Thị Lĩnh, quê gốc ở Bắc Giang. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô biệt xứ tha hương cầu thực từ năm 19 tuổi. Cô đã làm đủ mọi nghề từ đun đốt lò bễ, đóng gạch đến bốc vác, làm cửu vạn,...Những công việc nặng nhọc tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới, thế nhưng để kiếm miếng cơm manh áo nuôi bản thân, người phụ nữ ấy đã làm tất cả, bươn chải với dòng đời.

Năm 1986, cô Lĩnh chuyển sang Long Biên, ngày ngày đòn gánh trên vai đi bán rong. Cũng tại đây, cô đã gặp chồng mình. Vì phải bôn ba xa xứ từ sớm nên cả hai cô chú đều không có giấy khai sinh. Cô chia sẻ: “Tôi thương ông ấy “thân cô thế cô” nên hai người về chung một nhà, cũng chẳng có giấy kết hôn”. Thấu hiếu hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống mưu sinh, họ động viên nhau làm lụng, chắt chiu với hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng.

anh-1-2.png
Cô Phạm Thị Lĩnh – Phúc Xá – Long Biên – Hà Nội

 

Sau đó, vợ chồng cô chú đã có với nhau 4 người con gái và người 1 người con trai. Tuy đông con, nhưng với họ, tiếng cười của đàn con thơ chính là động lực để hai vợ chồng cố gắng làm ăn, vượt qua mọi khó khăn.

Thế nhưng đời dâu bể chẳng mãi một màu hồng… Chồng cô bất ngờ bị tai biến, liệt nửa người. Mong muốn điều kỳ diệu sẽ xảy ra, cô cầm hết số tiền vất vả bao năm làm lụng đưa chồng đi chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nhưng mọi sự cố gắng chỉ trả về con số không. Cuộc sống của gia đình cô từ đó ngày càng kiệt quệ. Kể đến đây, giọng cô nghẹn đắng lại...

 “Các con còn nhỏ quá mà về quê thì nhà cửa không, đất đai không, anh em không, chồng thì bại liệt, tôi không biết bấu víu vào ai. Cảm giác hoang mang, bước đi vô hướng, không biết cuộc đời các con tôi sẽ như thế nào?”

Thế rồi, người phụ nữ ấy một mình gồng gánh, ngày ngày miệt mài làm hết việc này đến việc kia chèo lái gia đình. Năm 2003, chồng cô đột nhiên dắt người con trai bỏ nhà ra đi. Cô cùng đàn con thơ đi tìm chồng khắp nơi nhưng bặt vô âm tính. Và rồi, cô quyết định bám trụ lại ở xóm thuyền với hy vọng một ngày nào đó chồng và con trai sẽ trở về.

Cô mua một chiếc thuyền để 5 mẹ con có chỗ “chui ra chui vào”. Cứ mùa bão hay gió mạnh, con thuyền chênh vênh trên mặt nước, rung lắc dữ dội, có thể lật bất cứ lúc nào. Những lúc cô đi chợ, mấy chị em ở nhà trông nhau. Một lần, hai đứa con gái cô trượt chân ngã xuống sông nhưng may mắn được hàng xóm cứu vớt thoát chết.

Từ đó, cô bắt đầu chuyển lên bờ sinh sống. Căn phòng cô thuê chỉ vỏn vẹn 10m2, nhưng lại có giá 1.500.000 đồng/ tháng được cô ví “như cái tổ vò vo”. Chi phí sinh hoạt ở trên bờ đắt hơn nhiều so với ở dưới sông. Điều đó đồng nghĩa với việc người phụ nữ ấy lại gánh vác thêm trên vai một khoản lo nghĩ.

anh-2-2.png
 Một góc nhà “ngổn ngang” đồ đạc nơi cô Lĩnh cùng các cháu sinh sống

 Công việc lao động nặng nhọc khiến cô bị chệch khớp đầu gối. Không có tiền chạy chữa nên cô cứ lặng lẽ chịu đau đớn. Những ngày đông, bị buốt lên lưng, cô lại nằm khóc. Cũng như phần lớn lao động xóm ngụ cư ven sông Hồng, hàng ngày vào khoảng 22h đêm đến 7h sáng hôm sau, cô đi bán hàng rong ở chợ Long Biên, sau đó lại tranh thủ nhặt phế liệu, mỗi tối kiếm được khoảng 75.000 – 100.000 nghìn đồng. 

Những vòng tròn luẩn quẩn

Các con của cô đã tìm được hạnh phúc riêng, thế nhưng hạnh phúc của các chị cũng ngắn ngủi như hạnh phúc của mẹ mình. Chị Thu và chị Thủy đã chia tay chồng và hiện tại đang ở với cô. Còn hai chị nữa thì biệt xứ tha hương cầu thực.

Cuộc sống mưu sinh cơ cực làm cô Lĩnh quên mất vai trò của giấy khai sinh. Cho đến khi trở thành người mẹ, người bà cô mới nhận ra: “Nếu biết được giấy tờ quan trọng thì không để xảy ra “án mạng” như thế này”. Tính đến thời điểm hiện tại thì gia đình cô tổng cộng có 8 người không có giấy khai sinh. Cả cô và chồng đều không có giấy tờ, vậy nên các con và ba đứa cháu ngoại của cô cũng không ngoại lệ.

Không có giấy khai sinh cũng đồng nghĩa là không có chứng minh nhân dân, không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, các con cô đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối. Lăn lội tìm kế mưu sinh, 4 người con gái chỉ còn cách lang bạt từ nơi này đến nơi khác sinh sống, ai kêu đâu thì làm đó, công việc cực khổ mà thu nhập chẳng bao nhiêu.

Để kiếm sống, người con cả để lại 3 đứa cháu cho cô trông nom. “Trước là con, giờ lại sang cháu, mải miết làm ăn mà cái nghèo vẫn bám theo”, cô Lĩnh thở dài trách số phận. Vì không có giấy tờ cũng như điều kiện kinh tế nên hai đứa cháu của cô chỉ đi học ở lớp tình thương xóa mù chữ.

Sau đó, khi biết được hoàn cảnh đặc biệt của cô, chính quyền địa phương giúp đỡ cho các cháu học ở một trường tiểu học gần nhà. “May mắn là nhà nước hỗ trợ để trẻ ăn học cho đỡ khổ. Nếu không được học hành đến nơi đến chốn thì tôi sợ chúng lại theo gót tôi sống một cuộc đời khổ cực, thậm chí sa ngã trở thành tệ nạn cho xã hội”, cô Lĩnh chia sẻ.

Nói đến đây, Sâu – tên gọi ở nhà của đứa cháu út chen ngang lời bà “Con không đi học đâu”. Cô Lĩnh tức giận quay sang mắng cháu “Tại sao lại không đi học? Con muốn sống khổ như bà à?”. Thấy bà mắng, cô bé Sâu đôi mắt rơm rớm nhìn bà. Có lẽ, đã sống một cuộc đời truân chuyên, khổ cực nên cô Lĩnh nhận ra rằng chỉ có con đường học vấn mới có thể mang lại ánh sáng, tương lai cho những phận đời bất hạnh này. 

anh-3-1.png
Bé “Sâu” – cháu ngoại của cô Lĩnh

 

Cách đây vài năm, cô quay trở về Bắc Giang để làm lại giấy khai sinh nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời nhất định. “Nếu năm xưa tôi không bỏ nhà ra đi thì cuộc đời có khi sẽ khác, không phải cực khổ vì giấy tờ như bây giờ. Tôi không có giấy tờ rồi, con cháu tôi cũng không luôn. Tất cả là do việc làm dại dột của tôi”, cô Lĩnh tự trách bản thân mình.

Mấy năm gần đây câu chuyện của cô được mọi người biết đến nhiều hơn. Những mạnh thường quân bắt đầu giúp đỡ, hỗ trợ. Thế nhưng, họa vô đơn chí, trong đợt dịch Covid – 19 vừa rồi, tất cả những hộ nghèo trong xóm được hỗ trợ duy chỉ có gia đình cô bị tổ trưởng tổ dân phố cắt mất phần. Khi tôi xin chụp ảnh, cô ái ngại “Cháu chụp ít thôi nhé không lên báo chí ông trưởng thôn thấy được thì…. Cuộc đời cô đã khổ lắm rồi…”

Cuộc đời của người phụ nữ ấy với đầy rẫy những nghiệt ngã, đau thương. Ngày mai đây, khi trời màn đêm bắt đầu bao phủ, cô lại tiếp tục với công việc bán hàng rong và lượm ve chai để mưu sinh. “Tôi mà ngã xuống đây thì cả đoàn tàu cũng đổ theo”. Liệu rằng đến bao giờ người phụ nữ đó mới hết gánh nặng trên vai? Thật khó tìm ra câu trả lời…

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN