Những lá thư gửi về từ chiến trường

(Sóng trẻ) - Những bức thư nhuốm màu khói súng trở thành sức mạnh vô hình, là nguồn động viên, nuôi dưỡng niềm tin và ý chí người chiến sĩ nơi chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.

Thương nhớ gửi hậu phương

Trong những năm tháng chiến đấu của dân tộc Việt Nam, những bức thư được coi là phương tiện liên lạc, cầu nối giữa tiền tuyến với hậu phương và phản ánh cuộc sống nơi chiến trường. Người lính viết thư mọi lúc, mọi nơi, khi nghỉ ngơi, dưới hầm trú ẩn, lúc tạm nghỉ trên đường hành quân ra trận. Trong thư, các chiến sĩ gửi gắm tình cảm, động viên, dặn dò gia đình ở hậu phương hãy yên tâm, vững tin để các anh chắc tay súng chiến đấu. 

Trong đó có lá thư chưa kịp đến tay người nhận của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trước khi vào chiến trường Quảng Trị, anh là sinh viên năm tư khoa Xây dựng, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Trong thư, anh viết: “Con của mẹ đã đi xa, để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hi vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, ví như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Lá thư gửi gia đình của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. (Ảnh: Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị)
Lá thư gửi gia đình của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. (Ảnh: Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị)

Chiến sĩ viết thư vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm năm 1972, tại Thành cổ Quảng Trị. Bằng dự cảm, anh biết trước mình sẽ hi sinh, chàng trai xót xa, mong mẹ nén đau thương, anh không nuối tiếc khi được cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Sau khi anh ra đi, lá thư được gia đình, bạn bè, đồng đội cất giữ và trao tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị sau 40 năm. 

Không chỉ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, “mùa hè đỏ lửa” năm ấy, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có sinh viên tại các trường đại học, họ đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường để xông pha nơi chiến trường, họ là những người đã “sống mãi tuổi 20”.

Những cánh thư còn mang theo lý tưởng của người lính. Trong thư gửi vợ - bà Hoàng Thị Sâm - liệt sĩ, bác sĩ quân y Đỗ Trọng Hải dặn dò: “Anh phải xa gia đình, xa em để đi làm nhiệm vụ cao cả mà cả nước đang lên đường. Em phải tự hào, không được mảy may tính toán và yếu đuối trước những kẻ chỉ ngồi nhà nói ra toàn những màu xám… Anh hiện nay khỏe hơn trước nhiều rồi và cũng sẵn sàng tư thế để chuẩn bị lên đường đi phục vụ chiến trường”. 

Kỷ vật của liệt sĩ, bác sĩ Đỗ Trọng Hải. (Ảnh: Phương Anh)
Kỷ vật của liệt sĩ, bác sĩ Đỗ Trọng Hải. (Ảnh: Phương Anh)

Theo bà Đỗ Hoài Nam, con gái liệt sĩ Đỗ Trọng Hải, trong thời gian làm bác sĩ quân y tại chiến trường, cha bà vẫn cố gắng gửi thư về nhà đều đặn. “Hàng tháng, mẹ tôi thường nhận được một lá thư. Mẹ tôi kể, mỗi lần nhận thư, cả nhà mừng lắm. Mẹ thường cẩn thận đọc đi đọc lại từng dòng chữ. Những bức thư là niềm an ủi, là sợi dây kết nối duy nhất giữa cha tôi nơi chiến trường ác liệt và gia đình nơi hậu phương. Hơn nữa, nhận được thư, mẹ tôi cũng vui vì nó là minh chứng rằng cha vẫn còn sống, vẫn đang nghĩ về gia đình, điều đó mang lại biết bao hy vọng và sức mạnh ngày chiến thắng trở về”, bà cho biết.

Trong thư, liệt sĩ Đỗ Trọng Hải kể cuộc sống nơi chiến trường, tình đồng đội, nỗi nhớ gia đình và sự yêu thương dành cho bà Hoàng Thị Sâm. Ông luôn dặn vợ giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bố mẹ, các em thay mình và tin tưởng vào ngày đất nước hòa bình, gia đình đoàn tụ. Có đoạn, liệt sĩ viết: “Bốn tháng nơi chiến trường không lúc nào anh không thầm nhắc đến tên em. Lúc nhớ lại đưa ảnh ra ngắm để đỡ nhớ. Hình ảnh em, người vợ yêu quý của anh, lúc nào cũng ấp ủ trong anh. Em yêu thương! Xa em anh càng thấy yêu em, thương em nhiều nhiều lắm!”.

3-1.jpg
Liệt sĩ Đỗ Trọng Hải và bà Hoàng Thị Sâm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, theo thời gian, thư gửi về thưa dần do đơn vị của ông hành quân sâu vào Tây Nguyên, việc liên lạc trở nên khó khăn. “Mỗi lần thư đến là một lần hy vọng, nhưng cũng là một lần lo âu vì chờ đợi mãi mà không thấy tin. Có những khoảng lặng dài, mẹ tôi chỉ biết ngồi ngóng, lòng thấp thỏm không yên. Sau này mới biết cha tôi đã hy sinh nên không nhận được thư nữa. Trong bức thư cuối cùng, cha tôi mong ước sau này trở về được hôn người vợ đã sống thật sự xứng đáng và đứa con xinh đẹp, khỏe mạnh. Tình cảm chân thành, sâu sắc trong từng con chữ ấy khiến tôi nghẹn ngào mỗi lần đọc lại”, bà Đỗ Hoài Nam kể. 

Liệt sĩ Đỗ Trọng Hải hi sinh trên điểm cao 1015, mặt trận Tây Nguyên năm 1972, khi ấy, bà Hoàng Thị Sâm đang mang thai, ước nguyện được “hôn vợ, con” của ông còn dang dở. Đến nay, những trang thư, nhật ký, thơ ông vẫn được bà Hoàng Thị Sâm cất giữ cẩn thận, gửi tặng con cháu. 

Niềm tin gửi ra tiền tuyến

Nếu thư gửi từ chiến trường khắc họa tâm tư, tình cảm, cuộc sống chiến đấu của chiến sĩ thì thư của hậu phương gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ của người ở lại. Trong chiến tranh, chỉ một dòng thư cũng có thể tiếp sức cho người lính, giữ vững tư tưởng để chiến đấu vì Tổ quốc.

Ở nơi hậu phương, sau khi nhận được thư chúc Tết của chồng từ chiến trường, bà Kim Thanh, xã An Ninh, huyện Bình Lục vội viết thư hồi âm cho chồng là Lê Trọng Ngọ, hòm thư 9156 NĐ, K6,C3. 

Bà viết: “Anh cứ yên tâm chiến đấu, em mong anh chiến đấu sao cho xứng đáng là một Đảng viên ưu tú. Còn bao nhiêu công việc gia đình anh hãy tin em là người vợ đảm đang của anh, em sẽ đảm đương tất cả…”.

Đó không chỉ là lời nhắn nhủ, mà còn là một lời hứa, một lời tuyên thệ. Như bao người phụ nữ khác thời ấy, bà Kim Thanh trở thành trụ cột gia đình khi chồng ra trận, vừa lo toan ruộng đồng, vừa nuôi con, học văn hóa, tích cực tham gia bồi dưỡng chính trị để “xứng đáng với tiêu chuẩn” mà chồng dặn. Bà không viết nhiều về những nhọc nhằn, không than thở mà ngược lại, giọng điệu vẫn lạc quan, đầy tự tin và trách nhiệm.

Bà kể về những đổi thay sau ngày ông đi: “Mẹ vẫn khỏe, họ hàng yên ổn, còn bà thì ‘khỏe và béo lắm’, không còn yếu ớt như xưa, đang học tiếp lớp 6, quyết tâm thay đổi toàn diện để “bao giờ thống nhất anh về thì sẽ thấy em khác hẳn”. Đoạn thư như một cách để chồng bà ngoài mặt trận yên tâm rằng: phía sau lưng ông luôn có một hậu phương vững vàng. Tình yêu đôi lứa song hành với trách nhiệm và lý tưởng, cùng nhau chiến đấu vì đất nước.

Thư của bà Kim Thanh, giống như hàng triệu lá thư khác thời chiến, không chỉ động viên người ra trận, mà còn là minh chứng cho tinh thần toàn dân kháng chiến. Vợ chồng bà ở hai đầu Tổ quốc nhưng chung một mặt trận: mặt trận niềm tin. Họ tin vào một tương lai thống nhất, đất nước độc lập, tự do. Tình yêu trong chiến tranh không phải là những cuộc hẹn hò tay trong tay, mà là từng dòng chữ viết vội, là lời dặn dò cố gắng giữ gìn sức khỏe, là nỗi nhớ được nén lại: “Em muốn viết nhiều nhưng không cho phép, chờ khi nào thống nhất anh về em nói nhiều anh nghe”.

Ngoài thư từ hậu phương, các chiến sĩ còn nhận sự khích lệ từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bức thư cổ động được xem như  “mệnh lệnh từ trái tim”. Những cánh thư mang theo cả khát vọng thống nhất, là ánh sáng dẫn đường, “truyền lửa” cho người lính nơi chiến trường.

Ngày 19/12/1965, nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác gửi điện chúc mừng, cho thấy sự tin tưởng vào năng lực của Mặt trận: “Tôi tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc giải phóng, có lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị hùng mạnh, có kinh nghiệm dồi dào, có khối đại đoàn kết của nhân dân cả nước, lại được nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, đồng tình và ủng hộ, đồng bào miền Nam ta nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ được giải phóng! Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ được hòa bình, thống nhất! Đồng bào ta ở hai miền Nam Bắc nhất định sẽ được sum họp một nhà!”. 

Trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn ngày 10/3/1968, bằng văn phong giản dị, Người bàn về việc sắp xếp để vào Nam, thể hiện mong mỏi, khát khao và tình cảm dành cho nơi đây. Bác viết: “Chú Duẩn thân mến. Nhớ lại mùa nô-en năm ngoái, Chú có ý khuyên B (Bác) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. B rất tán thành. Nhưng nay, chỉ đổi chữ ‘sau’ thành chữ ‘trước’ ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (trong ấy) đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”. 

4.jpg

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn. (Ảnh: Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam)

Không chờ đến ngày thắng lợi mới vào thăm miền Nam, Bác quyết tâm đi trong lúc sục sôi chiến đấu, bởi như vậy "mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em". Dù ở xa, Người vẫn nắm thông tin, hướng về miền Nam ruột thịt. Tuy nhiên, khi ấy Người đã tuổi cao sức yếu, toàn miền Nam vừa thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, chiến trường ác liệt, điều kiện đi lại khó khăn. Mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đã không thành hiện thực. Song, cả nước đồng lòng thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Người. Mùa xuân lịch sử ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải. 

Nói về ý nghĩa của thư thời chiến, đại tá Phùng Quang Học, Phó Hệ trưởng Học viện Quốc phòng cho biết đó là những kỷ vật mang giá trị tinh thần to lớn, không chỉ với gia đình liệt sĩ mà còn có ý nghĩa giáo dục với thế hệ sau: “Những hiện vật, bảo vật có ý nghĩa giáo dục về “học tập suốt đời” cho thế hệ trẻ trong nước và quốc tế. Thông qua đó, thế hệ ngày nay hiểu được giá trị của hai tiếng tự do”. 

Đó là tư liệu lịch sử quý giá, phản ánh hiện thực chiến tranh, khắc họa tâm tư, tình cảm và lý tưởng, khát vọng của người lính. Những cánh thư là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp người trẻ ngày nay nhìn lại một thời hào hùng, khơi dậy niềm tự hào, biết ơn với thế hệ đã tạc nên dáng hình đất nước. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN