Bánh trung thu "giả"
(Sóng Trẻ) - Chiều 13.8 âm lịch. Trung thu chỉ còn cách nhà nó 1 ngày nữa mà nó thấy xa vời vợi. Ngày gỉ ngày gi? Không biết! Nó tự an ủi, ừ, người lớn rồi còn trung thu gì nữa.
Bố mẹ cũng không có thời gian mà quan tâm. Ba chị em lớn cả rồi, trung thu trong thời kì suy thoái kinh tế như hiện nay, có được cái thức quà gì nhỏ nhỏ trên bàn thờ cúng cụ đã là một niềm hạnh phúc, chẳng cần biết, ấy có phải là bánh trung thu hay không!
Chiều 13.8 âm lịch. Phố phường đã rực rỡ lồng đèn, các cửa hàng bánh đã sửa soạn bánh trái từ hai tháng nay. Kì thực, cái bánh nhiều tiền kia là dành cho các sếp lớn chứ người nghèo như tụi nó, cũng chỉ dám mơ ước, nhìn thòm thèm qua tủ kính thôi.
Khổ thân cái bánh, cuộc đời dâu bể đưa nó đi “du nạn” hết nhà này tới nhà khác. Thôi thì, ai thương thì thương, “tác giả” không thương, thương mày thì hỏng việc của tao. Quanh năm có vài dịp gọi là tỏ lòng thành kính… Nghĩ mà buồn thay cho những người nghèo…
Chiều 13.8 âm lịch. Nhà nó vẫn im ắng. Ừ, thì nhà không khá giả, bố mẹ hiện tại đang thất nghiệp, chị em nó cũng lớn cả rồi, hơi đâu mà nghĩ đến Trung thu nữa.
Nó bình thường, im lặng, dù cũng theo đám bạn có mấy cái ảnh Trung thu phố cổ Hà Nội, gọi là “bằng bạn bằng bè”. Chiều nay, mẹ về quê, mẹ bông đùa về chuẩn bị bánh Trung thu. Mẹ đâu có quên ngày này nhỉ, dù tụi nó đâu còn là trẻ con nữa.
Mẹ từ tốn:
- Hai chị em ở đây, mẹ về quê chuẩn bị làm ít bánh nhợm, mai đem lên cho mấy đứa đón rằm.
Nó trộm nghĩ, ra mẹ cũng còn nhớ Trung thu cho tụi nó. Nhưng phụng phịu trong lòng: “Bánh nhợm à, thay bánh trung thu? Không phải là Kinh Đô hay Hải Hà… Bánh made by Mama. Lại nhân đậu, chẳng có vị gì. Chán thế!”. Nó nghĩ vậy thôi, chẳng nói ra với mẹ. Mẹ lặng ra về.
Hà Nội, ngày trở gió…
Chiều, nó ra nài đi chợ, tranh thủ hít khí trời cho dễ chịu, lòng vẫn chưa thôi ấm ức vụ “bánh trung thu giả”. Chợ chiều, ở cái nơi xa thành phố nên có nhiều những người công nhân, những cửu vạn và phụ hồ. Họ cũng có một gia đình đợi chờ ở đâu đó trong Hà Nội này.
Khuôn mặt họ thoáng hiện nét mệt nhọc, cái gánh nặng mưu sinh khiến đôi vai gầy yếu trĩu xuống. Đôi mắt nặng trĩu những sầu tư thức tỉnh nó. Giọng con nhỏ mẹ đèo xe theo sau đi chợ làm nó bừng tỉnh. Nó nheo nhéo sau xe:
- Mẹ ơi, đèn ông sao, mua cho con đèn ông sao đi mẹ. Bánh Trung thu kìa mẹ!
Mẹ nó mặt mày méo xệch. Trung thu, Trung thu là gì nhỉ? Là cái nợ mà những người làm cha mẹ phải đeo. Nhìn lại mình, nhìn lại con, chị dịu dàng dỗ dành con:
- Mẹ đi mua bột về làm bánh nhé! Cả gia đình cùng làm. Bánh trung thu đắt lắm, sao nn bằng bánh cả nhà mình cùng làm được, đúng không con?
Con bé nghĩ đến túi bột, tới cái điệu xoay tròn, nặn bánh, rồi ngồi canh nồi bánh, nó mỉm cười rạng rỡ:
- Thế con không đòi bánh mẹ mua nữa đâu, nhà mình tự làm mẹ nhỉ?
Nụ cười em giòn tan trong ánh vàng chiều thu. Em đáng yêu quá, cuộc sống khó khăn đã dạy em biết đón những những niềm vui giản dị thay vì những “hạnh phúc” giả tạo lớn lao, đôi khi đánh đổi cả bằng nước mắt và lao lực của mẹ cha.
“Mẹ ơi, mai mẹ về đem bánh nhợm quê mình lên cho con nhé! Con thích bánh mẹ làm hơn mẹ ạ!”. Nó trộm nghĩ, những thứ xa xỉ bày bán nài kia chẳng dành và cũng không cần dành cho những người như nó. Đêm trăng này, nó có “bánh trung thu” của mẹ.
Phí Thị Thu Hằng
Lớp Truyền hình K.31 A1
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận