Hà Nội: Ưu tiên xây mới, cải tạo cầu xuống cấp ngay trong giai đoạn 2024-2025
(Sóng trẻ) - Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, nhiều công trình cầu trên địa bàn đã bộc lộ bất cập, không đảm bảo an toàn giao thông và cần được sửa chữa kịp thời.
Qua rà soát, đánh giá, trên cơ sở hồ sơ quản lý cầu, hồ sơ kiểm định, thử tải, Sở GTVT Hà Nội đã phân loại các công trình cầu tạm, cầu yếu, chia thành ba nhóm để lập danh mục và xác định thứ tự ưu tiên đầu tư. Cụ thể, nhóm 1 gồm 117 cầu cần đầu tư xây dựng cầu mới thay thế (25 cầu do TP quản lý, 92 cầu thuộc địa phương). Nhóm 2 gồm 34 cầu cần sửa chữa, cải tạo (16 cầu do TP quản lý, 18 cầu thuộc địa phương). Nhóm 3 gồm 21 cầu cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.
Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng cầu tạm, cầu yếu và cầu dân sinh đã xuống cấp trên cả nước. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều có những cây cầu đã hàng chục năm tuổi nhưng không được sửa chữa kịp thời do kinh phí hạn chế, dẫn đến tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm tăng nguy cơ tai nạn, đặc biệt khi gặp thời tiết xấu hoặc lưu lượng phương tiện quá tải. Những cây cầu yếu kém có thể trở thành mối đe dọa lớn cho người đi đường.
Tình trạng xuống cấp của nhiều cây cầu dân sinh đang khiến người dân vô cùng lo lắng, khi nhiều hạng mục hư hỏng và không được sửa chữa kịp thời. Việc di chuyển qua cầu trở nên nguy hiểm, đặc biệt là khi cầu bị yếu hoặc xuất hiện những vết nứt, gây mất an toàn cho người dân và phương tiện mỗi ngày.
Ông Ngô Khắc Trung (người dân tại Phường Phương Liệt, Thanh Xuân) chia sẻ: “Cầu Trắng đã được sửa chữa vài lần nhưng vẫn còn các ống kim loại bị rỉ sét, nhiều chi tiết lộ rõ sự hư hỏng. Kết cấu thép và nền bê tông dưới cầu có dấu hiệu bị mòn và lão hóa, gây nguy hiểm không chỉ cho phương tiện và người tham gia giao thông, mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân chúng tôi”.
Chia sẻ về tình trạng cầu xuống cấp, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Uỷ viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết: “Riêng ở Hà Nội, ngoài những cây cầu vượt tải như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, còn những cây cầu không những vượt tải mà chất lượng xuống cấp hàng trăm năm. Những cây cầu có hệ số sử dụng quá cao, nhưng công tác duy tu, bảo trì lại chưa được thực hiện đúng mức, dẫn đến tình trạng hư hỏng ngày càng nghiêm trọng. Việc thiếu sự đầu tư kịp thời khiến các cây cầu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”.
Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND thành phố kế hoạch triển khai giai đoạn 1, ưu tiên xử lý những cây cầu thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Các công trình cầu thuộc nhóm 1 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2025 và thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2028; Các công trình cầu thuộc nhóm 2 (cải tạo, sửa chữa) hoàn thành dứt điểm trong năm 2025. Trong giai đoạn từ 2026 - 2030, bước vào giai đoạn thực hiện đầu tư, bao gồm: tổ chức khởi công, thi công xây dựng; bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng; quyết toán dự án hoàn thành.