Báo chí trong cơn khủng hoảng (Phần 1)
(Sóng trẻ) - Câu hỏi hiện đang chiếm tâm trí của những người làm báo là nghề báo sẽ đi về đâu khi dường như báo chí đang đi vào chỗ bế tắc, cả về mô hình hoạt động lẫn vai trò đối với xã hội. Báo in không thể phát triển mạnh như trước trong khi báo mạng chưa đem lại doanh thu bù đắp chi phí; người dân dường như đang tìm đến thông tin từ các nguồn không chính thống và niềm tin vào báo chí đang sụt giảm chưa từng thấy.
Theo ý kiến của riêng tôi, báo chí không phải đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Báo chí chỉ đang thay đổi nhanh chóng và những biểu hiện bên nài là cơn đau nhằm thích nghi với những sự thay đổi sâu rộng này. Những thay đổi đó là gì và người làm báo phải thích nghi như thế nào?
Phần I: Tình hình báo chí thế giới
Người ta thường lấy tình hình báo giấy ở Mỹ và châu Âu để nói rằng báo chí đang chết. Chắc các anh chị đã đọc hay nghe quá nhiều về số phận từng tờ báo tên tuổi cụ thể phải đóng cửa hoặc chuyển sang chỉ làm ấn bản điện tử. Chúng ta cũng đã quá quen thuộc với con số thua lỗ của những tờ báo lớn trên thế giới. Tờ Boston Globe tổng kết tình hình bằng câu mô tả: Hiện nay chỉ có hai loại báo, một loại đang đương đầu với những khó khăn gay gắt và một loại sắp phá sản.
Tuy nhiên, số liệu ở toàn bộ các nước trên thế giới lại cho thấy một bức tranh ngược lại. Theo Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN), tổng số lượng phát hành của báo in trên toàn thế giới năm 2008 tăng 1,3%, lên 540 triệu bản in mỗi ngày. Chủ tịch WAN là O’Reilly cho rằng những cảnh báo về sự suy tàn của báo in là không có cơ sở và xu hướng quá nhấn mạnh báo điện tử là chưa chính xác.
Số liệu tăng giảm lượng phát hành báo chí ở các châu lục cũng có thể giúp chúng ta hình dung vấn đề: năm 2008, phát hành báo chí vẫn tăng 6,9% ở châu Phi, 1,8% ở Nam Mỹ, và 2,9% ở châu Á. Con số này lại giảm 3,7% ở Bắc Mỹ, 2,5% ở Úc, và 1,8% ở châu Âu.
Như vậy lượng phát hành giảm ở các thị trường mà số người đọc báo đã ở mức rất cao (70% ở châu Âu; 91% ở Nhật, 62% ở Bắc Mỹ). Thế hệ trẻ lớn lên, thay cho thế hệ lớn tuổi, đã không còn mặn mà việc mua và đọc báo hàng ngày – họ chuyển sang đọc tin tức trên mạng. Còn ở các nước đang phát triển, lượng người đọc báo trên tổng dân số còn thấp cho nên với sự phát triển của kinh tế và mức sống, số lượng phát hành báo vẫn còn chỗ trống để phát triển.
Theo tôi, kết luận đầu tiên, là báo in không dễ gì chết được. Có chăng là giảm ở các nước mà ngành báo in đã phát triển ở mức bão hòa nhưng vẫn còn tăng trưởng ở các nước đang phát triển, nhất là những nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Nhưng tách báo in ra để nói thì có lẽ không thấy hết quy mô của vấn đề.
Sự thay đổi lớn nhất của báo chí trong vòng năm năm qua, kể cả ở Việt Nam là nhu cầu phải duy trì sự hiện diện của một ấn bản điện tử song song với ấn bản in và từ đó tạo ra những tác động sẽ làm thay đổi phương thức làm báo và kinh doanh báo chí.
Tờ Economist nhận xét, theo tôi là chính xác, rằng trước nay một tờ báo được tổ chức như một cửa hàng bách hóa tổng hợp, có tin tức, giải trí, điểm sách, phê bình phim, thể thao, tranh châm biếm, đủ cả. Hình dáng cửa hàng bách hóa tổng hợp này cũng được dàn dựng thành các trang báo điện tử, cũng đủ thể loại, đủ các mục để giữ chân người đọc.
Và ở các nước phát triển, hàng chục năm qua, báo chí cạnh tranh theo kiểu tờ báo càng dày, càng đa dạng, càng phong phú càng tốt để cuối cùng một thành phố chỉ tồn tại một tờ báo duy nhất. Nay với Internet, người đọc bị lôi ra khỏi cái cửa hàng bán từ cây kim đến chiếc phi thuyền như thế để vào các chuỗi siêu thị kiểu Wal-Mart, tức là các nơi tổng hợp tin tức từ khắp mọi nguồn như ogle News hay các cửa hàng chuyên biệt như hằng loạt các website chuyên phục vụ một mục đích thông tin cụ thể. Vì thế các tờ báo thống lĩnh từng thành phố hay vùng lâm vào khó khăn như Boston Globe, Los Angeles Times… Cuộc khủng hoảng kinh tế càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Tình hình ở Việt Nam
Ở Việt Nam, theo tôi, tình hình khác hẳn. Đặc điểm đầu tiên là trước đây những người mua báo hằng ngày thường mua nhiều tờ cùng lúc. Chưa có tờ báo nào của Việt Nam tổ chức theo dạng “tất cả trong một”, ấn bản hằng ngày lên đến cả mấy trăm trang như báo ở các nước phát triển. Một ông xe ôm có thể mua tờ Tuổi Trẻ để biết tin tức trong ngày nhưng cũng mua thêm tờ Công an TPHCM để đọc loại tin “hấp dẫn”. Một nhân viên văn phòng sáng sáng có thể đọc tờ Thanh Niên nhưng cũng không thể thiếu tờ Thể Thao với những tường thuật sâu không thể tìm thấy ở báo khác. Chuyện mỗi sáng một người lướt qua năm bảy tờ báo không phải là chuyện lạ.
Nay đang có sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh, một mặt vì Internet một mặt vì tình hình kinh tế khó khăn là người ta giảm bớt số đầu báo chịu bỏ tiền ra mua, chỉ giữ lại một tờ yêu thích nhất và đọc các tờ còn lại trên mạng. Điều này đã dẫn đến lượng phát hành các báo sút giảm rõ rệt.
Ở đây có hai điều tôi có suy nghĩ khác với suy nghĩ thông thường.
Tôi cho rằng những gì đang diễn ra trên thế giới sẽ diễn ra tại Việt Nam nhanh hơn chúng ta tưởng. Nhiều người nói với tôi, báo giấy ở Mỹ có thể chết nhưng ở Việt Nam thì còn lâu vì số người tiếp cận với Internet để đọc báo mạng không bao nhiêu; người ta vẫn có thói quen cầm tờ báo trên tay mỗi sáng… Không hẳn như vậy. Vì đặc điểm hoàn cảnh với vài triệu người Việt ở nước nài, người dân trong nước từ lâu đã tiếp cận và sử dụng Internet nhanh hơn các nước khác trong khu vực, kể cả Thái Lan hay Malaysia. Bắt đầu là email, chat nay việc chuyển sang đọc tin tức chỉ là bước đi tất yếu.
Điều thứ hai, tôi không nghĩ những thông tin không chính thống đang lấn lướt báo chí chính thống. (Ở đây có sự yếu kém của giới quản lý nhà nước, đã đẩy một lượng độc giả xa khỏi báo chí chính thống đến các trang web thông tin khác nhưng chúng ta sẽ bàn chuyện đó sau). Nếu các anh chị chịu khó nghiên cứu sẽ thấy các dạng bài viết không chính thống có chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay; đa phần không mang tính báo chí mà chỉ là những bài viết mang tính suy nghĩ cá nhân, bình luận, hay phê phán, đả phá. Mà điều chúng ta đang bàn ở đây là báo chí với ý nghĩa cung cấp thông tin cho độc giả để họ hiểu được thế giới họ đang sống chứ không phải các loại diễn đàn.
Như vậy, vấn đề đầu tiên của báo chí Việt Nam cũng không khác lắm với vấn đề mà báo chí thế giới phải đương đầu: đó là người dân vẫn cần tin tức, vẫn muốn đọc báo, xã hội vẫn cần những nhà báo chuyên nghiệp thay mặt họ đi săn lùng tin tức và cho họ biết chuyện gì đang xảy ra. Thế nhưng vì Internet giúp họ những công cụ tìm kiếm thông tin nhanh hơn, vì có những trang web tổng hợp tin tức tốt hơn, độc giả đang bắt đầu giảm lượng báo in, thay vì mua nhiều tờ nay chỉ một hai tờ; trước mua một hai tờ nay chỉ lên mạng đọc… cũng những tờ đó. Vấn đề ở chỗ, báo chí chưa tạo ra được doanh thu từ báo mạng để bù đắp chi phí.
Giải pháp của thế giới và giải pháp của Việt Nam
Cho đến nay thế giới vẫn đang còn loay hoay tìm mô hình phát triển mới. Về hình thức và nội dung có thể ghi nhận những điểm sau:
- Báo in giảm trang, giảm mục (nhất là tin thế giới để cắt giảm chi phí duy trì văn phòng ở nước nài).
- Loại bài phân tích, bình luận chiếm tỷ trọng nhiều hơn trước.
- Ngay cả trong tin, lối viết giải thích cũng lấn lướt các lối đưa tin cổ điển (gọi là news-plus).
- Báo mạng đẩy mạnh các ưu thế tương tác của mạng như sau mỗi bài đều có phần phản hồi bình luận của độc giả, tên tác giả được chuyển thành dạng siêu văn bản để độc giả khi nhấn vào có thể hoặc đọc các bài của cùng người viết, hoặc gởi email trực tiếp.
- Nhiều báo mở blog ngay trong tờ báo và giao cho các nhà báo uy tín hay cộng tác viên nổi tiếng phụ trách.
- Thể loại bình luận cũng chiếm tỷ trọng lớn.
- Các báo tìm cách liên kết với các website thông tin khác để người đọc vào một trang có thể tìm đủ mọi loại thông tin họ cần như một siêu thị thông tin.
Nài ra, xu hướng tính tiền người đọc đang được thử nghiệm ở một số tờ báo lớn. Một xu hướng khác là dùng các thiết bị chuyên dụng như Kindle hay loại máy điện thoại thông minh để chuyển tải nội dung báo in đến tận tay người đọc.
Trong lúc báo in và báo mạng gặp khó khăn thì các nơi tổng hợp tin như kiểu ogle News hay Yahoo News lại phát triển nhanh chóng. ogle News nay đã có cả dịch vụ tổng hợp tin tiếng Việt. Dự báo trong thời gian tới, các dịch vụ tổng hợp tin tức này sẽ ngày càng đa dạng và sẽ nhắm đến từng nhóm đối tượng người đọc khác nhau. Rõ ràng chúng sẽ đóng vai trò ngược lại với những thông tấn xã trước đây. Phóng viên một báo viết một tin hay – ngay lập tức tin của anh này đăng trên báo của mình sẽ được hiển thị lên các trang tin tổng hợp. Và nơi đây sẽ phân phối lại tin này đến những nhóm độc giả riêng mình. Đây là xu hướng không tránh được vì nó hữu hiệu, nó tiết kiệm công sức thời gian và tiền bạc cho tất cả mọi người liên quan.
Thế còn giải pháp cho báo chí Việt Nam?
Tôi nghĩ cho đến nay chưa có một nỗ lực nào đáng kể để tìm hay định hình hướng phát triển của báo chí trong tương lai. Mà theo tôi lẽ ra các báo lớn phải ngồi lại với nhau để bàn và thực hiện ngay một số việc.
Việc đầu tiên là bảo vệ bản quyền báo chí.
Ở trên tôi đề cập đến các website tổng hợp tin tức nhưng không bao giờ họ chép nguyên xi một bài báo ở một website khác về website của mình. Cùng lắm họ chỉ đưa tít và vài câu mở bài mở tin, sau đó người đọc khi nhấn vào sẽ được dẫn đến trang web chính chủ của tin hay bài đó.
Ở Việt Nam năm nái khi nhiều người, trong đó có tôi, lên tiếng phê phán cách làm sao chép nguyên xi các bài báo của nhau ở nhiều trang tin điện tử, hiện tượng này đã gần như chấm dứt ở các trang tin đàng hoàng, nghiêm túc nhưng vẫn còn tràn lan ở các trang tin nhỏ hay loại trang chuyên đăng tin giật gân câu khách. Chúng ta phải có những chiến dịch mạnh tay ngăn chận chuyện này – nếu không sau này sự sụp đổ của báo chí ở nước ta về mặt tài chính sẽ còn nhanh hơn ở Mỹ. Không thể chấp nhận chuyện ăn cắp nguyên công sức của người khác về làm lợi cho mình như thế. Và có lẽ bây giờ chúng ta mới hiểu vì sao giới đầu tư phương Tây đến đâu cũng đặt nặng vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến thế. Không bảo vệ được bản quyền tin bài trên mạng, chúng ta sẽ không thể tiến hành các giải pháp mà thế giới đang thử nghiệm.
Việc thứ hai là thay đổi một số thói quen, dựa vào các giải pháp mà thế giới đang thử nghiệm thành công nói ở trên. Ở đây, một cách làm dễ thực hiện ở báo mạng để bổ sung cho báo in là phát huy tính tương tác: cho phép độc giả nhận xét, bình phẩm, phản hồi nhanh. Đây là vấn đề tâm lý mà chắc các anh chị cũng đã nhận ra. Một cách nữa là mở ra nhiều cơ hội cả trên báo in lẫn báo mạng cho các cộng tác viên ở mọi lãnh vực viết báo theo dạng columnists. Các anh chị thấy GS Krugman nổi tiếng nhờ NYT hơn là vị trí giảng dạy ở Princeton thì NYT cũng thu hút thêm người đọc nhờ cây bút bình luận kinh tế sắc sảo này.
Đối với báo in, xu hướng là làm sao mỗi tờ báo in là một cửa hàng bách hóa tổng hợp để giữ độc giả cho mình. Giai đoạn từ cửa hàng bách hóa này qua siêu thị Wal-Mart chưa xảy ra ở Việt Nam nên chưa cần phải lo lắm. Còn báo mạng thì phải nhanh chóng chuyển thành siêu thị sớm hơn nhiều. Tôi nghĩ, giai đoạn tới, sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các tờ báo ngày, sẽ có sự phân định rõ nét hơn chứ không phải bình bình như những năm trước. Giải pháp tốt nhất là tăng trang, tăng mục, đa dạng hóa thông tin – và mô hình này sẽ phát huy tốt ít nhất trong 5, 7 năm tới.
Trong tương lai xa hơn một chút, chúng ta cần phải suy nghĩ cách tính tiền người đọc báo mạng một khi nó đã trở thành trang web không thể thiếu. Việt Nam có thuận lợi hơn các nước là người tiêu dùng đã bước đầu làm quen với chuyện dùng điện thoại di động để trả tiền cho một số dịch vụ. Thử hỏi nếu người ta sẵn sàng nhắn một tin tốn 3.000 để đọc vài lời đoán số tử vi vớ vẩn, tại sao không thể kỳ vọng họ cũng sẽ nhắn tin, lấy mã số để vào trang web bị khóa để đọc tin hay bài họ đang quan tâm.
Ở đây chúng ta có thể thí điểm một số dạng, chỉ khóa những bài thật độc đáo, bài của một columnist uy tín, được mọi người chờ đọc… Và thử hỏi nếu giả thử một trang web thương mại cũng chỉ trả 3.000 để đọc và chép bài báo đó về trang web của họ thì làm sao việc thí điểm này thành công – từ đó mới thấy chìa khóa của giải pháp là bảo vệ bản quyền bằng mọi giá.
Nguyễn Vạn Phú (theo Vietnamjournalism)
Cùng chuyên mục
Bình luận