Báo động về các vấn đề sức khỏe tâm thần đối với sinh viên hiện nay
(Sóng Trẻ) - Những năm gần đây, tình trạng sinh viên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, stress, nghiện ma túy và tự tử không còn là chuyện hiếm gặp, thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, hầu hết các bạn sinh viên hiện nay đều chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề nguy hiểm này.
Xu hướng ngày càng tăng
Sức khỏe tâm thần đã và đang trở thành vấn đề nghiêm trọng của xã hội hiện đại. Tất cả các vấn đề như: trầm cảm, lo âu, không thể tập trung, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, … đều là các bệnh về sức khỏe tâm thần.
Bất kì ai cũng có thể mắc phải các bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các bạn sinh viên - những bạn trẻ vừa mới qua tuổi trưởng thành bước chân ra xã hội phải đối mặt với nhiều áp lực từ học tập, các mối quan hệ và các hoạt động xã hội. Nhất là các bạn sinh viên nhà có điều kiện, đi học không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc, nhưng lại không có đam mê và không biết mục đích sống của mình là gì.
Tuy nhiên, hầu hết các bạn sinh viên hiện nay đều chưa có nhận thức đúng đắn về căn bệnh nguy hiểm này. Theo khảo sát, 250 bạn sinh viên được hỏi đều khẳng định mình từng gặp các bất thường về tâm lý, nhưng có tới 240 bạn không biết hoăc chưa từng nghe đến khái niệm “sức khỏe tâm thần”!
Đáng quan ngại hơn, theo số liệu đưa ra tại hội thảo“Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên: “Thấu hiểu và hỗ trợ” do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại Hà Nội sáng 27/10/2018, Việt Nam hiện có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên đang có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Và sinh viên chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ trong số đó.
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Phạm Quỳnh
Cùng theo buổi họp báo, trầm cảm được xem là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong sinh viên hiện nay. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 đến 29. Việc tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần trong sinh viên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia, và có thể dẫn đến các hành vi nguy cơ như có quan hệ tình dục mất kiểm soát hoặc điều khiển phương tiện giao thông không an toàn. Bên cạnh đó, rối loạn ăn uống cũng bắt đầu là một mối lo ngại.
Theo Bác sĩ Nguyễn Song Chí Trung (Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV - ĐH Y Dược TP.HCM) phân tích, có rất nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến việc sử dụng các chất kích thích, gây nghiện ở sinh viên nhưng thông thường luôn có những lý do đằng sau như: sức ép của việc khẳng định bản thân và thuộc về nhóm bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, áp lực học tập, áp lực công việc, mất định hướng cho tương lai, …
BS. Nguyễn Song Chí Trung chia sẻ tại buổi hội thảo. Ảnh: Phạm Quỳnh
Chia sẻ với phóng viên, bạn Như Tùng (sinh viên năm hai, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết: “Mình vốn tưởng mình là một người có sức khỏe tâm thần bình thường, nhưng sau buổi hội thảo hôm nay mình mới biết rằng mình có khoảng thời gian đã bị trầm cảm, thời gian đó mình hút rất nhiều thuốc nhằm giải tỏa tâm lý. Thật đáng lo ngại khi bệnh rất dễ gặp trong mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên như mình, nhưng mọi người lại không nhận biết được và chủ quan, xem thường nó.”
Phát hiện sớm là chìa khóa giải quyết
Nâng cao nhận thức và sớm nhận biết các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh đối với sinh viên. Mặt khác, gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của rối loạn tâm thần ở sinh viên.
“Tất cả chúng ta, vào một lúc nào đó, đều có thể bị mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Càng phát hiện muộn thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, khiến cho những tổn thương do rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất thời gian hơn rất nhiều. Vì vậy, xin hãy quan tâm những người xung quanh ta” – BS Trung chia sẻ.
Phạm Quỳnh
Cùng chuyên mục
Bình luận