Bảo tồn chất liệu truyền thống trong trang phục biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật Việt Nam
(Sóng trẻ) - Trang phục sân khấu không chỉ là y phục, mà còn là linh hồn của từng vở diễn. Trong dòng chảy hiện đại hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Phục trang sân khấu là một trong những yếu tố cấu thành và tạo nên sự thành công của vở diễn. Thông qua phục trang, hình tượng nhân vật trong các tác phẩm sân khấu hiện lên rõ nét từ tính cách, thân phận cho đến thứ bậc trong từng bối cảnh lịch sử thuộc các triều đại khác nhau của dân tộc.
Để hoàn thiện một vở diễn đòi hỏi thời gian và sự đầu tư kỹ lưỡng trên mọi phương diện, đặc biệt là trong khâu xây dựng và thiết kế trang phục sân khấu. Hình ảnh các nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng thông qua những bộ phục trang được thiết kế cẩn thận. Tùy thuộc vào vai trò và địa vị của từng nhân vật, các nhà thiết kế sẽ lựa chọn kiểu dáng, chất liệu và màu sắc phù hợp. Những họa tiết, hoa văn được bố trí một cách tỉ mỉ để tạo điểm nhấn cho từng bộ trang phục, trong đó từng đường thêu đều được thực hiện thủ công với độ tinh xảo cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Tuồng - một loại hình sân khấu cổ điển, đậm chất hàn lâm của Việt Nam - được biết đến với những bộ trang phục công phu, sử dụng chất liệu truyền thống như lụa, gấm, và thổ cẩm. Trang phục của tuồng không chỉ được thêu thùa tinh xảo mà còn mang đậm dấu ấn về màu sắc và họa tiết, giúp khán giả dễ dàng phân biệt các nhân vật: từ những vị tướng uy nghi, đến những kẻ gian hiểm ác hay nữ tướng anh hùng. Đặc biệt, các loại vải như lụa tơ tằm hay gấm vóc được ưa chuộng bởi độ mềm mại và sự sang trọng, thể hiện đúng tinh thần trang trọng của nghệ thuật tuồng.
Cải lương, loại hình nghệ thuật ra đời vào đầu thế kỷ 20, thường kết hợp giữa yếu tố dân gian và hiện đại. Trang phục cải lương mang tính ứng dụng cao hơn so với tuồng, với sự phối hợp giữa các loại vải nhẹ nhàng như satin, chiffon, và lụa, tạo cảm giác bay bổng và linh hoạt cho diễn viên khi biểu diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, việc giữ nguyên chất liệu truyền thống trong trang phục cải lương cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong những vở diễn có bối cảnh lịch sử. Ví dụ, nhân vật triều đình hoặc quý tộc thường mặc những bộ trang phục lộng lẫy bằng gấm hoặc lụa thêu tay, giúp tái hiện chân thực hình ảnh xã hội Việt Nam xưa.
Chèo, một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, lại mang tính chất gần gũi và thân thiện hơn. Trang phục của chèo thường gắn liền với các loại vải đơn giản như vải đũi, vải thô và lụa nhuộm màu tự nhiên, nhằm giữ được nét chân chất, mộc mạc của nhân vật. Chẳng hạn, vai các cô gái quê thường mặc áo tứ thân, váy đụp với những tông màu trầm ấm, thể hiện rõ nét cuộc sống bình dị của người dân Việt Nam xưa. Sự giản dị trong chất liệu và thiết kế giúp các diễn viên chèo truyền tải được tinh thần chân thật và gần gũi của loại hình nghệ thuật này.
Nhiều nhà hát và nghệ sĩ đang nỗ lực tái tạo và bảo tồn chất liệu truyền thống thông qua các chương trình biểu diễn, workshop và hợp tác với các làng nghề. Việc tích hợp các chất liệu mới nhưng vẫn giữ nguyên tính truyền thống cũng là một hướng đi để bảo tồn và phát triển trang phục biểu diễn.
Bạn Thanh Hương - sinh viên ngành Quản lý Giải trí và Sự kiện (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN) chia sẻ: “Các buổi triển lãm trang phục của nghệ sĩ đã góp phần tái hiện sâu sắc hơn về bối cảnh, không gian và lịch sử của các loại hình nghệ thuật dân gian.”
Anh Nguyễn Văn Hiệu - trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm của thương hiệu Việt cổ phục Vạn Thiên Y chia sẻ: “Sự phát triển của cổ phục Việt trong tương lai là đầy hứa hẹn vì có sự ủng hộ nhiệt thành của thế hệ trẻ. Họ sẽ là những người tìm tòi lại giá trị xưa, khai thác và đồng thời cũng là khách hàng của chính các sản phẩm phát sinh từ văn hóa xưa trong đó có trang phục cổ.”
Việc nỗ lực bảo tồn các chất liệu truyền thống trong trang phục biểu diễn không chỉ là cách giữ gìn văn hóa mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về lòng tự hào dân tộc. Với sự chung tay của các nghệ sĩ, nhà quản lý và cả cộng đồng, hy vọng rằng sân khấu nghệ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục là nơi gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đến với công chúng trong và ngoài nước.