Bình đẳng giới - Ngọn lửa giữ ấm yêu thương trong gia đình
(Sóng trẻ) - Bình đẳng giới bền vững trong xã hội là mục tiêu mà các quốc gia hướng đến, song đây vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để bởi những quan niệm khác biệt về mối quan hệ giữa nam, nữ trong gia đình xưa và nay.
Không thể phủ nhận, định kiến giới vẫn tồn tại ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực trong cuộc sống hôm nay. Mặc dù đã có sự nỗ lực để đẩy lùi định kiến giới ở nam và nữ nhưng vẫn có những quan điểm, suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người. Dễ dàng nhận thấy, nhiều cá nhân vẫn một mực khẳng định rằng nam giới phải là những người mạnh mẽ, không được yếu đuối, không được rơi nước mắt; ngược lại, nữ giới phải là người dịu dàng, hiền thục, đoan trang.
Cùng với đó, những tư tưởng mang nặng định kiến giới còn được thể hiện rõ nét trong gia đình. Điều đặc biệt, những định kiến ấy đã và đang trở thành những điều đương nhiên, được các thành viên chấp nhận và không có bất cứ ý kiến nào.
Vạch rõ ranh giới giữa đàn ông và phụ nữ
Suốt bao đời nay, bị ảnh hưởng bởi quan điểm Nho giáo “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, gia đình ông Phạm Văn Dân (65 tuổi, sống tại Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) luôn phân biệt rõ ràng vị thế của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Theo ông Dân, đàn ông phải là trụ cột vững chắc trong gia đình về mặt kinh tế, chăm lo đời sống vật chất cho tất cả thành viên. Cùng với đó, đàn ông sẽ là người đưa ra tất cả những quyết định quan trọng trong nhà; tiếng nói của họ luôn có uy quyền nhất.
Ngược lại, phụ nữ đóng vai trò là người giữ lửa yêu thương, vun vén, chăm sóc đời sống tinh thần cho gia đình. Mặc dù đã phát triển hơn so với thời đại trước, phụ nữ không cần cả ngày chôn chân quanh bếp núc, nhưng họ phải đảm bảo được những công việc quan trọng như chu toàn cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và nuôi dạy con cái.
Anh Phạm Văn Huỳnh, 33 tuổi, con trai của ông Dân cho biết rằng gia đình của anh là một gia đình truyền thống. Chính vì vậy, anh luôn cố gắng kiếm tiền, thậm chí là làm thêm nhiều công việc khác nhau để duy trì mức sống ổn định cho cả gia đình. Anh Huỳnh chia sẻ: “Gánh nặng về chi phí sinh hoạt cùng khoản nuôi 2 con ăn học khiến tôi vô cùng áp lực. Thế nhưng, là trụ cột chính trong gia đình nên tôi luôn cố gắng để người thân của mình được hạnh phúc”.
Anh Huỳnh cũng cho biết, anh thấu hiểu những nỗi vất vả của vợ khi vừa phải làm việc ở công ty, về nhà lại phải vội vàng xắn tay để lo liệu chu toàn cho gia đình. Nhiều lần, anh cũng muốn được phụ vợ các công việc lặt vặt trong nhà nhưng anh lại ngại lời ra tiếng vào của bố mẹ và bà con hàng xóm.
Cũng giống như gia đình ông Dân, nhiều gia đình vẫn giữ quan điểm trên, ngay cả trong cách nuôi dạy con cái. Không ít bà mẹ dạy con gái phải đỡ đần bố mẹ việc nhà, thông thạo bếp núc, giặt giũ, phơi phóng và dọn dẹp nhà cửa. Sở dĩ với quan niệm “con gái là con người ta”, nữ công gia chánh ngay từ nhỏ thì tương lai sẽ không phải chịu nhiều khổ sở. Ngược lại, con trai thì không cần quá quan tâm tới những việc như vậy mà phải thật sự chuyên tâm vào học hành và công việc. Nhận được quá nhiều kỳ vọng, nam giới thường phải gánh áp lực chồng chất.
Thấu hiểu và sẻ chia: Mũi tiêm tinh thần xoá bỏ định kiến giới
Thực tế cho thấy, mỗi gia đình đều đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện bình đẳng giới. Gia đình là nơi đưa ra các quyết định căn bản hình thành nên nhận thức của mỗi người như phương pháp giáo dục, vai vế từng thành viên… Từ đó dẫn đến cách định hình quan hệ giới mà bậc phụ huynh muốn truyền tải đến con cái.
Sinh ra và lớn lên khi đất nước chưa hoàn toàn được giải phóng, bà Hồng Phương (52 tuổi, Hà Nội) chịu một phần ảnh hưởng bởi những quan niệm xưa cũ về mối quan hệ giữa nam và nữ trong gia đình. Tuy nhiên do tính chất công việc được tiếp cận với nhiều thông tin hiện đại, bà đã thay đổi suy nghĩ và đem kiến thức tích cực về bình đẳng giới đến những thành viên trong gia đình.
Đối với bà Phương, muốn thay đổi nhận thức của con cái về định kiến giới trước hết phải nằm ở bản thân mỗi thành viên trong gia đình. Theo đó, thay vì phân công rành rọt vai vế hay áp đặt khuôn mẫu, mỗi người dưới một mái nhà đều được tham gia góp ý và quyết định công việc chung.
Con trai cả của bà Phương, anh Mạnh Cường (30 tuổi, Hà Nội) cho biết bản thân không quan tâm đến giới tính mà chỉ chú trọng vào năng lực của mỗi người khi xử lý công việc dù trong gia đình hay ngoài xã hội. “Trong gia đình mình, cả chồng và vợ đều đi làm, việc nội trợ phải san sẻ cho nhau chứ không so sánh ai làm nhiều hơn, cái gì chồng có thể làm thì vợ cũng vậy và ngược lại”, anh Cường chia sẻ.
Quan niệm về mối quan hệ giữa nam và nữ đang ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình không chỉ đề cao việc đòi quyền lợi chính đáng cho phụ nữ mà quan trọng hơn đó là hướng đến san sẻ công việc, chia sẻ trách nhiệm và sự đồng cảm giữa các thành viên.
Khi các thành viên trong gia đình nhận thức và hành xử đúng đắn về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới thì thế hệ sau sẽ được giáo dục và hưởng bình đẳng. Tiếp thu quan niệm đúng đắn về mối quan hệ nam và nữ trong gia đình không chỉ giúp giải phóng con người mà còn góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững, bởi để có sự bình đẳng thực sự đòi hỏi có sự tham gia của cả nam và nữ.