Hành trình vượt định kiến giới nơi vùng cao của nữ sinh người Bru - Vân Kiều

(Sóng trẻ) – Giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi người và là một trong những yếu tố thúc đẩy bình đẳng giới. Đối với Hồ Thị Út – nữ sinh người Bru – Vân Kiều, giáo dục thực sự đã trở thành động lực để em vững bước hơn trên con đường tương lai. 

Hồ Thị Út sinh năm 2003, là con út trong một gia đình đông con, sống tại huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị. Bố mẹ Út chủ yếu làm nông và chăn nuôi nhỏ để dùng trong gia đình, ít khi quan tâm đến việc học của con cái. 

Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, Út cho hay cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn, tư tưởng của người dân tộc thiểu số còn rất lạc hậu. Đa số là người dân tộc Bru – Vân Kiều, Tà Ôi và Pa Kô cùng chung sống tại vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị.

anh-2-1.jpg
Nét đẹp lao động của nữ sinh dân tộc thiểu số kiên cường trong học tập (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với quan niệm “con gái không cần học cao” nhiều người dân trong vùng bày tỏ sự không đồng tình với việc Út tiếp tục con đường đại học. Đối với họ, con gái đến tuổi 16, 17 phải lấy chồng, vun vén cho gia đình và chăm lo đồng áng. 

Khi Út vừa tròn 16 tuổi, bố mẹ đã nhiều lần nhắc đến việc kết hôn và ngăn cản Út tiếp tục học cấp ba. Bởi lẽ bằng tuổi đó, một số bạn bè xung quanh đã nghỉ học, ở nhà lập gia đình, thậm chí sinh con khi còn trẻ tuổi. Chỉ con trai mới được phép học cao, đi xa, con gái phải “an phận thủ thường”. Chính tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tác động lớn đến bố mẹ Út, vậy nên thời gian đầu khi quyết định học lên tiếp cấp ba, cô nữ sinh chỉ nhận được những cái lắc đầu phủ quyết của bố mẹ. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, song Út không muốn con đường học tập của mình dang dở, càng không muốn khép lại cánh cửa tương lai của chính mình. Em đã ôn luyện ngày, đêm để thi vào trường Phổ thông Dân tộc Nội trú và lấy kết quả của sự nỗ lực đó để thuyết phục bố mẹ mình. 

Lời hứa 3 năm cấp ba sẽ đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và “Con nhất định sẽ đỗ đại học” năm ấy là lời hứa khẳng định bản thân với bố mẹ, lời hứa quyết tâm với chính bản thân và Út đã thực hiện được. 

Khi nhận giấy báo đỗ vào Học viện Ngoại giao, ngôi trường mơ ước bấy lâu nay của mình, Út đã vô cùng xúc động và vui mừng. Nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì một lần nữa, việc đi học hay nghỉ học lại khiến Út thêm đau đầu. Út tâm sự: “Hàng xóm biết mình đậu đại học đã nhiều lần bảo với bố mẹ không cho mình đi học nữa. Việc học cao trong quan niệm của người dân tộc vùng mình chỉ dành cho con trai. Con gái chỉ cần học cho biết chữ thôi là đủ, còn theo học một ngành nghề nào đó ở bậc đại học là điều vô nghĩa”. 

Thậm chí, nhiều người còn cho rằng nuôi con gái đi học chỉ tốn cơm, tốn gạo, vô ích, việc con gái đi học xa sẽ sa vào tệ nạn xã hội hay bị bắt đưa sang Trung Quốc. Đó là một vài trong vô vàn những định kiến về bình đẳng giáo dục giữa nam và nữ còn tồn đọng đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa. 

Thực tế cho thấy, khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều gia đình sống ở vùng sâu, vùng xa đã cho con cái học đến hết cấp ba. Thế nhưng việc cho con gái theo học đến đại học vẫn là con số vô cùng ít ỏi. 

anh-1-1.jpg
Những định kiến giới trong giáo dục ở vùng cao không dập tắt được ngọn lửa hiếu học trong lòng Út (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước sự phản đối gay gắt của bố mẹ, anh chị và người thân trong gia đình, Út cảm thấy rất tủi thân. Con đường tương lai rộng mở là vậy nhưng nỗi lo về tài chính, nỗi lo trước áp lực lớn của định kiến khiến em cảm thấy con đường đến trường trở nên chông chênh hơn bao giờ hết. Tuy vậy, chưa bao giờ Út có ý định từ bỏ, em biết mình cần phải đặt cho gia đình niềm tin mới và dùng sự cố gắng của bản thân để chứng minh quyết định đi học tiếp của mình là đúng.

Trên con đường học tập tại Học viện Ngoại giao, Út cũng không bị bỏ rơi hay đơn độc. Song hành với Út còn có sự quan tâm từ thầy cô, nhà trường và xã hội. Em được nhận những phần quà và những suất học bổng giá trị, đó là sự khích lệ, động viên để em có thể tiếp tục theo đuổi việc học. Thông qua đây Út cũng muốn gửi lời cảm ơn tới thầy cô và cộng đồng đã giúp đỡ, hỗ trợ để em có thể theo đuổi việc học dù còn nhiều gian nan, trở ngại phía trước.

“Điều mình muốn làm là sau khi ra được trường, mình có thể tìm được một công việc nào đó và phải thật thành công để chứng minh cho bố mẹ, anh chị mình biết mình không vô dụng như những người hàng xóm đồn đại. Từ đó, mình có thể thay đổi suy nghĩ của người thân, của hàng xóm, và có thể phạm vi rộng hơn là trong vùng mình sống để những định kiến về giới tính “Trọng nam khinh nữ” hoặc “nên đẻ con trai hay con gái” sẽ giảm bớt, việc cho con gái đi học cũng trở thành điều tất nhiên” - Út nói.

Cũng theo cô nữ sinh, những quan điểm lạc hậu về giới tính đều là những bước thụt lùi của thời đại, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, có quyền được đi học và có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Việc suy nghĩ con gái chỉ nên ở nhà lấy chồng và không được đi học, Út cho rằng đó là quan điểm hết sức sai lầm. Em mong muốn những tư tưởng đó được loại bỏ để xã hội có thể công bằng hơn, những bé gái ở quê hương Út có thể được tiếp tục đến trường theo đuổi ước mơ, bỏ xa những định kiến, vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
LCĐ Quan hệ Công chúng và Quảng cáo vô địch Olympic AJC 2024: Conquistar

LCĐ Quan hệ Công chúng và Quảng cáo vô địch Olympic AJC 2024: Conquistar

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Đội thi LCĐ Quan hệ Công chúng & Quảng cáo xuất sắc vượt qua 15 đội chơi đối thủ để đứng trên đỉnh vinh quang Olympic AJC 2024: Conquistar.

Hai đội thi xuất sắc lọt vào phần thi cuối Olympic AJC 2024: Conquistar

Hai đội thi xuất sắc lọt vào phần thi cuối Olympic AJC 2024: Conquistar

Tin nổi bật3 giờ trước

(Sóng trẻ) - Đội thi LCĐ Xã hội học & Phát triển và đội thi LCĐ Quan hệ Công chúng & Quảng cáo xuất sắc bước vào vòng Chung kết Olympic AJC 2024: Conquistar

Bước vào thế giới điện ảnh cùng đạo diễn Otis Fam

Bước vào thế giới điện ảnh cùng đạo diễn Otis Fam

Tin nổi bật4 giờ trước

(Sóng trẻ) - Ngày 4/11, tại 26 Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội, đã diễn ra buổi chiếu phim và trò chuyện cùng đạo diễn Ostin Fam “From home to home”. 03 bộ phim ngắn được đạo diễn mang tới gồm “Hành trình” (2012), “Bình” (2020) và “Những người bảo vệ cuối c

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN