BTV Tuấn Tú: “Đừng làm một con vẹt, hãy làm chủ cuộc chơi"

(Sóng Trẻ) - Là sinh viên khoa lý luận nhưng lại trở thành Biên tập viên của Đài tiếng nói Việt Nam VOV ngay khi còn trên ghế nhà trường, với gần 10 năm trong nghề và đạt vô số giải thưởng báo chí, trong đó có giải C Báo chí Quốc gia năm 2015, Biên tập viên Nguyễn Tuấn Tú đã có những chia sẻ thú vị về nghề phát thanh. 

“Qua lâu rồi cái thời phát thanh viên cầm giấy lên đọc” 

Xin chào anh Tuấn Tú. Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa anh từ một chàng trai học khoa Lịch sử đảng quyết định rẽ ngang sang phát thanh?

Có thể xem đây là một cái duyên. Vì đáng lẽ sau khi ra trường, định hướng của tôi là sẽ trở thành giảng viên ở các trường Đại học và Cao đẳng bộ môn Lịch sử Đảng. Nhưng sau kỳ thực tập, tôi nhận ra bộ môn này và tính cách của mình có lẽ... không hợp. 

Tính cách mình thích đi lại, thích dịch chuyển, thích những gì đúng theo lứa tuổi 22 đang còn muốn tung tăng bay nhảy. Còn bộ môn này thì trầm ổn quá! 

Hơn nữa, lúc đó thấy bạn bè nhiều người không học báo mà vẫn làm báo rất tốt, thậm chí chuyên nghiệp. Nên tôi đã nghĩ tại sao mình không thử tham gia vào một môi trường mới, với những áp lực mới và thử thách mới. Vì vậy, mình đã học văn bằng hai về báo chí. Đang học thì thấy Đài VOV có đợt thi tuyển nên đăng ký, thế nào lại đậu. Và tôi gắn bó với phát thanh đến bây giờ. 

8a1639e5a__nh_1.jpg

Biên tập viên Tuấn tú ban thời sự đài VOV 

Vào làm việc tại một môi trường chuyên  nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã gặp những khó khăn gì?

Như các bạn học báo chí văn bằng 1 thì các bạn đã có lộ trình rõ ràng ngay từ đầu, được thực tập, làm quen với môi trường báo chí chuyên nghiệp từ sớm. Còn mình lúc đó chưa có nhiều cơ hội để thực hành, để cọ sát xem môi trường mới này như thế nào. 

Vậy mà đùng một cái vào VOV, lại ngay ban thời sự - nơi có thể nói áp lực nhất, là bộ mặt của đài, sức ép khủng khiếp. Những tưởng tượng ban đầu về nghề báo hoàn toàn sụp đổ. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản như mình dẫn một gameshow giải trí nào đó. Nhưng khi dẫn thời sự chính luận thì mới biết vô cùng khó bởi nó đòi hỏi người biên tập viên phải có kiến thức vô cùng chắc về xã hội, chính trị,... bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp. Bởi thời sự chính trị là phải nghiêm túc và chính xác. 

Các anh chị trong nghề ngày xưa vẫn nói “Nghề dạy mình” và tôi rất thấm câu đó. Không phải cô chú trong đài không muốn dạy mình mà áp lực công việc quá lớn nên gần như họ không có thời gian kèm cặp, “cầm tay chỉ việc” được. 

Không bao giờ có chuyện họ sẽ bảo mình rẳng cháu phải phỏng vấn người này, phải nói thế này, đề tài này hay,... không bao giờ có việc đấy. 
Nhiều bạn sinh viên bây giờ cứ nghĩ rằng đến cơ quan báo chí sẽ có người dạy. Nhưng không đâu. Tự mình phải quan sát và học hỏi, rèn luyện. Năng lực, khả năng phát hiện đề tài mỗi người là khác nhau và điều đó thì chẳng thầy cô, trường lớp nào dạy được các bạn. 

Khó khăn nữa là sự tiếp cận khoa học kỹ thuật. Thời của mình 7, 8 năm về trước trang thiết bị không có nhiều. Phòng thu trường mình cũng chưa có. Trang thiết bị hầu như là của truyền hình chứ phát thanh ít lắm. Còn không có để học chứ đừng nói đến việc được dạy sử dụng như thế nào. Để trang bị một cái máy ghi âm thôi với sinh viên cũng là khó rồi. 

Tôi luôn nói với các bạn sinh viên: Lý thuyết chỉ cho ta nền  tảng, còn đâu phải tự lăn vào làm. Cái nghề này của chúng ta không ai dạy mình hay bằng chính mình. Càng cọ sát, càng va vấp càng trưởng thành.  Chứ cứ ngại khó, ngại khổ thì không bao giờ làm báo được. 

8a1639e5a__nh_2.jpg

Dẫn chương trình thời sự chính trị yêu cầu sự nghiêm túc và chính xác.

Tại sao anh lại quyết định công tác ở Ban thời sự - nơi nhiều áp lực như vậy?

Vì lúc đó ban thời sự đang thi tuyển thôi (cười). Nói vậy chứ mình thấy ban thời sự là môi trường tốt nhất để rèn luyện bản thân. Dân thời sự hay có câu thế này “Thời sự là biết mọi thứ nhưng thật ra lại không biết gì”. Bởi vì Thời sự rất đa dạng, cái gì cũng cần biết một chút, nhưng lại không cần chuyên sâu, thành thử ra...chẳng biết gì. 

Nhiều người cũng bảo sao không vào kênh khác nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Nhưng bản thân mình cũng muốn thử thách bản thân, mình nghĩ đàn ông con trai làm sao mà không đương đầu được? Thứ hai gốc của mình là lý luận nên cũng có nhiều thuận lợi hơn. 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong suốt thời gian công tác ở đài là gì?

Kỷ niệm thì nhiều, phần đa là thỉnh thoảng sai sót trên sóng. Làm trực tiếp không tránh  điều ấy. Nhưng đáng nhớ nhất là có một lần công tác ở Tây Bắc, ngôi làng cũng xa. Thấy nhà một già làng có cái đài trong góc mới hỏi già có hay nghe đài không? Già bảo thích nghe đài vô cùng, ăn ngủ lúc nào cũng phải nghe. Mấy anh em vui lắm. Vì có người lại yêu đài đến vậy. Mình mới hỏi, cụ nghe đài nhiều như vậy thì cụ thích nhất Biên tập viên nào. Cụ mới bảo: “Tôi thích nhất anh Lại Văn Sâm”. (Cười)

Nên với người làm phát thanh đôi khi cũng có cái tủi. Người ta nghe giọng mình nhiều mà người ta không biết mình. Có khi gặp gỡ trò chuyện mãi họ mới nói: “À thì ra là anh, nghe suốt mà giờ mới biết”. 

Theo anh, một BTV phát thanh cần có những yếu tố nào? 

Các bạn hay nói MC truyền hình, MC Phát thanh, và MC Sự kiện nhưng mình nghĩ không nên chia như vậy. MC là viết tắt của một từ nước nài có nghĩa là người dẫn chương trình. Hay với phát thanh là phát thanh viên. Nhưng theo mình, thời đại bây giờ báo chí không có MC thuần túy nữa.
Qua lâu rồi cái thời nhiều người làm MC hay phát thanh viên tức chỉ cầm giấy lên và đọc những điều có sẵn. Còn mình, mình luôn khuyên các bạn rằng: Đừng làm một MC bình thường, bạn phải làm host – người làm chủ cuộc nói chuyện. Ta không phải là con vẹt, đưa gì đọc nấy mà phải tham gia quá trình sản xuất chương trình hay tác phẩm báo chí, phải thực sự hiểu và dẫn dắt được câu chuyện.

Còn về việc cần những yếu tố nào thì với truyền hình thì hình phải  đẹp, với phát thanh thì giọng phải đẹp. Nhưng thế là chưa đủ, bạn phải làm chủ được giọng nói của mình. Lên bổng xuống trầm, điều tiết nó thế nào.
Freetalk nhưng vẫn đúng chủ đề, thu hút người nghe mà không bị vô duyên mới là đỉnh cao của dẫn chương trình.

Điều tiếp theo là biên tập viên phát thanh phải có trình độ lý luận tốt ở góc độ chuyên môn của mình, không được hời hợt. Phải luôn cập nhật thông tin thời sự trong nước, quốc tế, văn hóa xã hội. Như mình dẫn thời sự, không phải mình chỉ đọc báo Nhân dân hay Tạp chí Cộng sản mà mình vẫn đọc những trang báo của các bạn trẻ, lướt Facebook,  Instagram,... để có kiến thức tổng hợp. Thời sự không phải điều gì đó cứng nhắc và khô khan đâu, mà là những thứ rất gần gũi, thiết thực, thu hút, có sức lan tỏa. 

Tiếp theo là kỹ năng nghề nghiệp và bản lĩnh để làm chủ chương  trình của mình. Phát thanh thường xuyên làm trực tiếp nên những trường hợp lỗi sóng hoặc những tình huống bất ngờ hay xảy ra. Khi đó, biên tập viên cần uyển chuyển xử lý tình huống. 

Bên cạnh đó là luôn cầu thị. Từng có những thính giả điện lên đài và nói rằng: “Anh Tú đọc  nhanh quá tôi không nghe kịp”. Sau đó tự mình phải có sự điều chỉnh. Luôn lắng nghe và biết sửa chữa chứ không cố chấp và cứng nhắc. 

Cuối cùng là nại ngữ. Từng có trường hợp một phát thanh viên đọc Hamburger ( Đội bóng Hăm-buốc) mà thành Hăm-bơ-gơ đó. Cho nên phải có nại ngữ để mình kiểm  chứng thông tin, cập nhật thông tin mới. 
Chứ không phải chỉ đến bán cái giọng. 

Nghề nào cũng vậy,thiên phú là điều kiện cần, rèn luyện là điều kiện đủ. Có thiên phú là rất tốt nhưng nếu không rèn luyện, không cập nhật, học tập thì rồi cũng chỉ quanh quẩn vài ba câu chuyện nhàm chán. 

“Tôi tin phát thanh vẫn sống tốt”

Hiện nay mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho những loại hình báo chí chính thống. Anh đánh giá thế nào về vấn đề này đối với phát thanh? 

Đúng là những tập đoàn truyền thông lớn cũng thực sự đang phải run sợ trước sức mạnh của mạng xã hội. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, những loại hình báo chí như báo in, phát thanh truyền hình báo mạng điện tử bước vào cuộc chạy đua gay gắt. Ngay cả loại hình tưởng như nhiều ưu điểm và dẫn đầu xu thế là báo mạng thực chất cũng đã trải qua thời kỳ đỉnh cao rồi 5 năm trước rồi. Giờ là thời đại của mạng xã hội lên ngôi. Nó đang chiếm thị phần lớn và đe dọa các loại hình báo chí chính thống. 

Phát thanh cũng vậy. Từ khi truyền hình ra đời thì số lượng thính giả của phát thanh đã thay đổi rồi chứ không phải bây giờ. Nhiều người nói, phát thanh rồi sẽ chết. Nhưng bạn thấy đấy, giờ phát thanh vẫn sống đó thôi. 
Và lúc này cũng vậy, khi nhiều cái mới hơn ra đời, ai cũng bảo phát thanh sẽ chết. Theo tôi đó là đánh giá sai lầm. 

Ở những nước như Mỹ, Châu Âu, phát thanh vẫn có vị thế quan trọng. Bởi nói về nhanh thì không loại hình nào hơn được phát thanh. Ví dụ đơn giản nhé! Nếu ngay lúc này, bỗng nhiên bạn thấy Ronando đang đi bộ trên đường Xuân Thủy, theo bạn loại hình nào sẽ đưa tin được đầu tiên? Mạng xã hội hay báo mạng? Với báo mạng, bạn phải gõ text, phải chụp ảnh, phải có thiết bị kết nối mạng,... Để đăng một status thì dễ hơn nhưng Fake news (tin tức giả) đang là vấn nạn lớn của mạng xã hội. Tin được không? 

Còn phát thanh thì đơn giản hơn nhiều. Với một chiếc điện thoại vài trăm nghìn và một cuộc gọi lên tổng đài, ngay lập tức kỹ thuật viên sẽ kết nối và bạn có thể kể trực tiếp câu chuyện này trên sóng quốc gia ngay thời điểm đó

Anh có vẻ rất lạc quan về tương lai của phát thanh?  

Tôi tin tương lai phát thanh vẫn sống tốt. (Cười) Nài những ưu điểm như dễ sử dụng, rẻ, tiện ích, nội dung của phát thanh cũng ngày càng phong phú và hấp dẫn. Bạn thích nghe thời sự tin tức thì mở VOV1, khoa giáo thì VOV2, tiếng nước nài thì có VOV5,... Không nghe VOV thì có Đài Hà Nội,...

Phương tiện như xe bus, tàu điện, ô tô... giờ được ưa chuộng. Trong khi di chuyển mà bạn vẫn muốn cập nhật tin tức thì chỉ có nghe đài là hợp lý nhất. 

Nói vậy không có nghĩa phát thanh trở nên chủ quan. Phát thanh cũng đang chuyển mình từng ngày từng giờ để theo kịp thời đại. 

Bản thân người làm phát thanh cũng có sự đầu tư rất lớn cho thay đổi này. Ví dụ đài VOV, hai năm nay đã bắt đầu livestream trực tiếp qua mạng xã hội. Thính giả có thể đặt câu hỏi và tương tác trực tiếp qua nhiều nền tảng thay vì chỉ bằng điện thoại. Đó cũng là nơi những người làm phát thanh thu thập phản hồi. 

Mỗi ban của VOV đều có phòng nội dung số. Các ban đều có fanpage trên Facebook, có kênh Youtube riêng. Nếu trước kia bạn khó có thể nghe lại những chương trình phát thanh đã bỏ lỡ thì bây giờ bạn hoàn toàn cố thể lên những trang web của các bạn khác nhau và tìm nghe lại chương trình. Ngay sau khi chương trình kết thúc là đã có tài nguyên được update trên web rồi. Và hoàn toàn miễn phí.

8a1639e5a__nh_3.jpg

Anh Tuấn Tú cùng đồng nghiệp tại đài VOV 

Studio phát thanh hiện nay ở VOV cũng được đầu tư rất hiện đại tương tự một studio đa phương tiện. Hệ thống giàn đèn, camera, hệ thống livestream sẵn sàng kết nối 24/24. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi vẫn xác định phát thanh làm nền tảng. 

Về yếu tố con người. Những lớp phóng viên cũ không thích ứng được nhanh nên đài cũng mở nhiều lớp tập huấn và mời chuyên gia nước nài về. Không chỉ đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật mà song song cả con người. Một phóng viên thời đại 4.0 vừa làm phát thanh, vẫn gửi tin bài về cho báo của đài, vẫn quay clip, làm truyền hình,... 
 
VOV hiện nay bắt đầu livestream trực tiếp nhiều chương trình, MC phát thanh giờ không phải chỉ cần “tiếng” mà cũng cần “hình”?

Đúng vậy! Nhưng với chúng tôi cũng không quá đặt nặng vấn đề nại hình. Mà quan niệm bản thân cần bổ sung thêm kiến thức về khung hình, bối cảnh, ngồi như thế nào, ăn mặc ra làm sao,...

Nại hình đúng là được chau chuốt hơn như các bạn trẻ vẫn hay nói là “tôn trọng người nhìn” đó. Nhưng cũng không quá cầu kỳ vì mình vẫn xác định lấy phát thanh làm gốc. 

Anh có lời khuyên nào cho những sinh viên đam mê chuyên ngành báo phát thanh?  

Lời khuyên của tôi là các bạn phải luôn giữ được đam mê với nghề. Có thực mới vực được đạo nhưng yếu tố tinh thần đôi khi vượt qua được cái bụng đói đó đấy. Tôi hay đi những chuyến  công tác vùng sâu vùng xa, tiền không có, muỗi, vắt nhiều, ốm đau, khổ cực... nhưng vẫn cố gắng lấy bằng được tư liệu mang về. Nếu không có đam mê thì sao mà làm được.
Còn nếu các bạn cảm thấy không còn đam mê thì tốt nhất nên có một cuộc ...ly hôn. Chứ đừng cố. Bởi không có đam mê thì chắc chắn không làm báo phát thanh được đâu. 

Thứ hai là phải không ngừng rèn luyện và sáng tạo. Không có gì là khuôn mẫu, mực thước đâu. Cuộc sống luôn thay đổi, khoa học kỹ thuật cũng thế. Nếu cứ tự bằng lòng với bản thân rẳng mình dẫn hay rồi, bài viết tốt rồi thì tự bạn đang đào thải chính mình. 

Bản lĩnh. Bản lĩnh trong khi làm chương trình để đối phó với mọi tình huống, bản lĩnh để giữ được cái tâm trong sạch, bản lĩnh để tự bảo vệ bản thân trước cám dỗ, trước cái xấu xa,....Dám nói, dám làm, dám viết và dám chịu trách nhiệm.

Cuối cùng là trau dồi nại ngữ và kiến thức xã hội. Không có nại ngữ thì khó mà hội nhập được. 

Cảm ơn anh Tú về cuộc trò chuyện hôm nay! Chúc anh nhiều sức khỏe và thành công trong công việc!

Khánh Như

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN