Cần đẩy mạnh Công tác xã hội hóa giáo dục
(Sóng trẻ) - Hiện nay, công tác xã hội hóa giáo dục đang là xu hướng phát triển giáo dục của nhiều tỉnh trên cả nước, đặc biệt là tại các huyện miền núi đang được chú trọng đẩy mạnh. Cùng gặp gỡ và trò truyện với Thạc sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Minh Hoa để biết rõ hơn về vấn đề này.
PV: Thưa thạc sĩ, thạc sĩ có thể cho biết công tác xã hội hóa giáo dục là như thế nào không?
T.S Nguyễn Minh Hoa: Công tác xã hội hóa giáo dục là một hoạt động mà cả xã hội đều tham gia làm công tác giáo dục chứ không riêng gì ngành giáo dục. Không chỉ nhà trường, mà cả gia đình, người dân đều cũng tham gia công tác giáo dục.
Có thể nói xã hội hóa giáo dục là thực hiện mối liên hệ có tính phổ biến, có tính quy luật giữa cộng đồng với xã hội. Thiết lập được mối quan hệ này là làm cho giáo dục phù hợp với sự phát triển xã hội. Xã hội hóa giáo dục tạo điều kiện để được học tập và học tập thường xuyên, học để biết cách sống trong cộng đồng, lao động để tồn tại và phát triển. Yêu cầu của xã hội hóa giáo dục chính là phải xã hội hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người đối với giáo dục và xã hội hóa quyền lợi về giáo dục.
PV: Được biết thạc sĩ làm trong ngành giáo dục đã hơn 20 năm, thạc sĩ đã theo đuổi vấn đề công tác xã hội hóa giáo dục từ bao giờ?
T.S Nguyễn Minh Hoa: Tôi công tác trong ngành giáo dục đã được 21 năm, năm 2009 làm luận văn thạc sĩ với đề tài về công tác xã hội hóa giáo dục miền núi. Phải nói đây là một vấn đề khó cho giáo dục miền núi nhưng cũng rất thiết thực. Để thực hiện được đề tài này, tôi đã nghiên cứu rất kĩ về thực trạng giáo dục, đời sống xã hội của các vùng miền núi, đặc biệt là vùng miền núi Kì Sơn- Nghệ An.
PV: Thạc sĩ có cho rằng công tác xã hội hóa giáo dục rất cần thiết cho ngành giáo dục ngày nay?
TS Nguyễn Minh Hoa: Rất cần thiết. Trên thế giới, ngành giáo dục các nước phát triển mạnh và có chất lượng tốt bởi phần lớn do việc họ biết phát huy tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Tại Việt Nam chúng ta, công tác này mới được chú trọng phát huy gần đây, nhưng chủ yếu ở những vùng thành thị và những vùng có điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân tốt . Còn ở khu vực miền núi thì đây là vấn đề thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
PV: Thưa thạc sĩ, xã hội hóa giáo dục có phải là một cách giáo dục hay không?
Xã hội hóa giáo dục là một cách làm giáo dục được xác định bởi các đặc điểm nhất định. Như là việc huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành có liên quan đến giáo dục vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục, là việc huy động các lực lượng của cộng đồng tham gia vào công tác giáo dục. Sự tham gia của các lực lượng này sẽ làm cho giáo dục gắn bó với cộng đồng, do cộng đồng thực hiện và vì lợi ích của cộng đồng. Một đặc điểm nữa là đa dạng hóa các hình thức giáo dục và các loại hình nhà trường. Việc mở rộng các hình thức giáo dục phi chính qui bên cạnh các hình thức giáo dục chính qui, đã mở ra khả năng huy động nhiều lực lượng xã hội tham gia công tác giáo dục, tạo điều kiện cho công tác giáo dục phát triển mạnh mã hơn, thực hiện hiệu quả hơn.
Đây không những là chính sách lâu dài trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Đảng ta mà còn là biện pháp cần thiết trong giai đoạn mà nhà nước chưa có đủ kinh phí cần thiết cho các hoạt động giáo dục. Phần lớn ngân sách giáo dục dùng để chi trả lương cho giáo viên, phần chi các hoạt động giáo dục khác còn lại quá ít,phần chi cho xây dựng – tu bổ cơ sở vật chất không có.
PV: Được biết thạc sĩ đang công tác tại huyện miền núi Kì Sơn, Nghệ An. Xin thạc sĩ cho biết huyện Kỳ Sơn có đang gặp những vấn đề gì trong giáo dục không?
TS Nguyễn Minh Hoa: Kỳ sơn là một trong 9 huyện miền núi nghèo nhất cả nước. Kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân về giáo dục, nhất là công tác xã hội hóa giáo dục lại càng thấp .
Nhìn vào tình hình kinh tế của huyện Kỳ Sơn cũng đã nhận thất được thực trạng khó khăn về kinh tế khiến ngành giáo dục rất khó phát triển. Nhiều học sinh vùng núi vẫn thường xuyên nghỉ học để giúp đỡ gia đình, điều quan trọng là chính gia đình của các em cũng không động viên việc học hành mà chỉ chăm lo vào làm ăn, nương rẫy. Giáo dục của huyện Kỳ sơn cũng như kinh tế chủ yếu vẫn là phụ thuộc vào bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước là chủ yếu ... Vì vậy chất lượng giáo dục còn rất thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học.
PV: Thạc sĩ có cho rằng đây là vấn đề chung của nhiều huyện miền núi khó khăn khác?
TS Nguyễn Minh Hoa: Đây là vấn đề chung của giáo dục miền núi trên cả nước.
PV: Thạc sĩ có thể cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề đấy?
TS Nguyễn Minh Hoa: Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong công tác giáo dục thì rất nhiều. Trong đó, nhận thức của nhiều người dân về việc học, về công tác giáo dục còn thấp. Họ chưa xác định được rõ ràng mục đích, động cơ của việc học… Cơ sở vật chât, trường lớp thiếu thốn chưa đáp ứng yêu cầu ngày một cao của xã hội. Quan trọng hơn là chính chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp còn yếu nhiều.
Một nguyên nhân dễ nhận ra nữa là đời sống kinh tế địa phương nghèo, Kỳ Sơn phần lớn người dân sống ở là hộ nghèo và cận nghèo hàng năm phải nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Do vậy việc phát huy công tác xã hội hóa giáo dục là rất khó khăn. Các cấp chính quyền địa phương , các tổ chức chính trị- xã hội đã vào cuộc nhưng chưa quyết liệt trong công tác xã hội hóa giáo dục.
PV: Theo thạc sĩ, công tác xã hội hóa Giáo dục nếu được thực hiện liệu có khắc phục được những khó khăn trên?
TS Nguyễn Minh Hoa: Một khi đã triển khai thực hiện và có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các tổ chức chính quyền kết hợp với sự nỗ lực quyết tâm của toàn ngành giáo dục thì tôi tin rằng công tác xã hội hóa giáo dục ở miền núi vẫn có thể đạt được những kết quả nhất định.
PV: Thạc sĩ có thể cho biết là phải làm như thế nào?
TS Nguyễn Minh Hoa: Một số biện pháp thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục ở Kỳ Sơn có kết quả tương đối tốt. Ví dụ như việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác xã hội hóa giáo dục. Họ phải hiểu xã hội hóa giáo dục là gì? Vấn đề giáo dục là của toàn xã hội chứ không phải chỉ của riêng nghành giáo dục. Nài ra phải có đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất trường học đảm bảo yêu cầu.
Nâng cao hơn chất lượng của giáo viên, về trình độ, về nhận thức, trách nhiêm, kỷ cương nhà giáo. Và Nhà nước cần có nhiều chính sách đãi ngộ hơn cho giáo viên công tác miền núi đề động viên họ yên tâm và công tác tốt ở miền núi lâu dài. Công cuộc công tác xã hội hóa giáo dục cần sự tham gia vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức chính tri- xã hội từ cấp huyện đến xã, bản. Nài ra, cần thu hút được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và nài nước hỗ trợ tài chính, vật chất cho giáo dục.
PV: Với những biện pháp như vậy, hiệu quả đạt được sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Minh Hoa: Với những biện pháp cơ bản nêu trên nếu được thực hiện tốt thì chất lượng giáo dục giáo dục sẽ được nâng lên. Cơ sở vất chất trường lớp được thay đổi, nhận thức của toàn xã hội cũng như các thế hệ học sinh được đào tạo cũng sẽ thay đổi khi tham gia công tác xã hội hóa giáo dục.
Xin cảm ơn thạc sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Lương Chi
Báo mạng K31
Cùng chuyên mục
Bình luận