“Chín mươi ba” – Lịch sử viết bằng ngòi bút Văn học
(Sóng trẻ) - Trên thế giới, có một Lịch sử được viết bởi các nhà sử học, những người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và một Lịch sử được dựng lên qua lăng kính tâm hồn và ngòi bút của nhà văn, nhà thơ. Và “Chín mươi ba” của Victo Hu là một tác phẩm như thế.
Vào lúc 18h ngày 27 tháng 3 năm 2014, trong không gian thân thiện của sách tại Thư viện Pháp của Trung tâm Văn hóa Pháp số 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết “Chín mươi ba” (Quatre-Vingt-Treize) được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt của dịch giả Phạm Toàn với bút danh Châu Diên. Tham gia đối thoại với khán giả cùng với ông còn có nhà văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
Dịch giả Phạm Toàn và Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
“Chín mươi ba”: Ý nghĩa trong nội dung và đẹp trong nghệ thuật…
“Chín mươi ba” ra đời vào năm 1874, thời điểm cuối cùng của trào lưu văn học lãng mạn ở Pháp và cũng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đại văn hào Victo Hu. Tiểu thuyết lấy bối cảnh những năm khốc liệt nhất của cuộc Cách mạng Pháp và tên gọi “Chín mươi ba” là chỉ năm 1793 – một năm bi thảm, bi hùng của Cách mạng Pháp.
Tuy được viết bằng bút pháp lãng mạn, nhưng “Chín mươi ba” vẫn rất chân thật và quyết liệt trong từng chi tiết làm sống dậy một thời kỳ lịch sử đen tối của xã hội Pháp. “Tôi đã sững người khi đọc đến cuốn tiểu thuyết này”, dịch giả của cuốn sách chia sẻ. Ông đã dành thời gian gần một năm cho việc dịch toàn bộ cuốn tiểu thuyết sang tiếng Việt.
Tiểu thuyết “Chín mươi ba” – Victo Hu
Đây là lần xuất bản thứ 2 bằng tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết này. Dịch giả cũng cho biết, lần này bản dịch sẽ giữ nguyên văn những tên và địa danh bằng tiếng Pháp và không phiên âm tiếng Việt nữa. Như thế sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu dễ dàng tìm thấy các đối tượng để nghiên cứu bởi phiên âm đôi khi không có sự nhất quán giữa các vùng miền, sẽ có những cách gọi khác nhau và gây nhiễu.
So với nhiều nền văn học khác, văn học Pháp sáng sủa, dễ hiểu và mơ mông hơn. Và Victo Hu, người chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn, đã thổi hồn vào tác phẩm của mình và góp phần làm nên một nền văn học mang đậm chất Pháp như thế.
Nói về những nét đặc sắc trong nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết “Chín mươi ba” và cách viết của Victo Hu trong đó, cả dịch giả Phạm Toàn và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đều tỏ ra rất tâm đắc. Trong tác phẩm, những đoạn văn “tả cảnh không đúng nhưng mà rất hay”, dịch giả Phạm Toàn nói. Cảnh được mô tả bằng hình dung. Mỗi đoạn văn rất dài, nhưng câu văn lại ngắn, được tách với nhau bởi những dấu chấm phẩy. Như thế làm cho tác phẩm mang đậm chất thơ. Ông Phạm Xuân Nguyên cũng nhấn mạnh rằng, văn trong tác phẩm đậm chất thơ, bay bổng, nhịp nhàng, đăng đối.
Không chỉ có thế, tiểu thuyết “Chín mươi ba” hay và lôi cuốn người đọc bởi những tư tưởng cao đẹp của nó, nhà văn đã đưa ra những chi tiết đối cực hoàn toàn với nhau để làm nổi bật lý tưởng mà mình muốn chuyển tải: Tinh thần nhân bản – dân chủ - bác ái. Đó là những điều tốt đẹp nhất mà nhân loại luôn hướng tới và khát khao có được.
“Chín mươi ba” vẫn sống giữa đời hiện đại…
Một lý do khác khiến cho “Chín mươi ba” không bao giờ cũ và vẫn luôn neo lại trong tâm hồn của những ai đã từng đọc tác phẩm đó chính là những câu hỏi, những dấu chấm lửng. Chúng không mang tính tức thời, chỉ dành cho thời đại mà Victo Hu đang viết về hay không gian xã hội mà ông đang sống để viết, mà chúng dành cho mọi thời đại.
Khán giả với những trăn trở của “Chín mươi ba”
Phải hiểu như thế nào cho đúng: Cách mạng là gì? Và thế nào là cái đẹp? Có rất nhiều ý kiến được đưa ra để trao đổi về khái niệm “Cách mạng”. “Cách mạng liên quan đến sự ra đời và suy thoái của một hệ thống tư tưởng” hay “Cách mạng là sự ra đời của cái mới. Nhưng có nhất thiết cái mới phải cao hơn cái cũ không?”. Dịch giả chia sẻ, mỗi người sẽ có một quan điểm riêng về “Cách mạng”, đối với ông “Cách mạng là sự biến đối trong tư duy của con người”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói, cái đẹp được khắc họa trong “Chín mươi ba” là cái thiện vốn có trong mỗi con người”.
Xã hội loài người đã bước thêm được 140 bước nữa, cách xa thời điểm cuốn tiểu thuyết được ra đời. Đến hôm nay, trên thế giới vẫn nhắc đến vấn đề chiến tranh, khủng bố, nội chiến bởi nó vẫn đang hiện hữu; loài người vẫn đang loay hoay đi tìm kiếm cái đẹp, giữ gìn cái nhân văn. Và trên hết, giá trị của tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ vẫn luôn được ngợi ca và không bao giờ là cũ. Điều đó có nghĩa là “Chín mươi ba” và những giá trị của nó sẽ vẫn còn sáng mãi đến muôn đời.
Ảnh: Dương Vân
Tin: Lê Loan
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận