Chợ Tết làng quê
(Sóng Trẻ) - Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Từ thành thị đến nông thôn, không khí đón Tết của người Việt tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Thế nhưng, chắc hẳn với những ai đã từng biết đến nếp sống của người nông dân Đồng Bằng Bắc Bộ không thể quên những phiên chợ Tết nơi đây.
( Ảnh minh họa)
Những phiên chợ Tết được họp cả buổi vào những ngày giáp Tết khiến cho không khí vùng quê càng thêm nhộn nhịp. Thường ngày thì những phiên chợ chỉ được họp vào các phiên theo định kỳ, khoảng 3-4 ngày lại mở một lần. Còn những ngày cuối năm, theo phong tục và cũng là do nhu cầu mua sắm lên cao, nên các phiên chợ được mở cả ngày và liên tục trong mấy ngày cận Tết. Vì trong ba ngày Tết người Việt kiêng đi mua sắm, ngưng mọi hoạt động sản xuất để đón xuân nên các gia đình phải chuẩn bị thực phẩm đủ để dùng trong ba ngày đó.
Những phiên chợ Tết thì vẫn mang âm hưởng như ngày xưa, thường rất đông vui, gồm nhiều thành phần, từ các cụ già đi mua cau trầu tới các em bé mếu máo đòi theo mẹ, theo bà ra chơi chợ Tết. Theo phong tục ngày xưa thì vào những ngày cuối năm các bà vợ thường thức trắng đêm may áo cho tất cả các thành viên trong gia đình để ngày mồng Một Tết cả nhà có thể diện những bộ quần áo tươm tất đón năm mới. Vì họ quan niệm rằng, mặc quần áo mới đón Tết là để rũ bỏ mọi cái cũ đã qua và đón nhận những cái hoàn toàn mới của một năm ấm no đầy đủ. Chính vì thế mà những ngày cuối năm các em nhỏ thường được bố mẹ, ông bà đưa đi chợ và chọn những bộ quần áo mình thích.
Những buổi chợ như thế này thường thì họp rất sớm, có thể từ 5-6 giờ sáng, vì người bán muốn tìm cho mình được chỗ ngồi đẹp, còn người mua thì ai cũng muốn tìm mua cho mình được những món hàng tươi và nhanh chóng được ra về vì biết trước chợ sẽ rất đông. Các bà, các cô đi chợ tranh thủ đi chợ từ sáng sớm để kịp mua hàng. Còn người bán thì phải quảy gánh hàng đi từ tờ mờ sáng để có thể tìm cho mình một chỗ ngồi trong chợ. Bọn trẻ con thì rủ nhau tung tăng đi bộ, có khi cả mấy cây số để tới chợ chơi, mua và ngắm. Chúng cũng chen cùng với những người lớn để có thể lọt được vào trong chợ. Với chúng như vậy là vui, nhưng với những người tham gia phiên chợ thì vô tình chúng đã tạo thêm cảnh chật chội.
Vì người mua hàng chủ yếu là để phục vụ cho những ngày Tết nên càng vào ngày giáp tết thì các phiên chợ này lại càng đông vui, đặc biệt là ngày 28,29 Tết. Chợ đông đúc nhộn nhịp, kẻ mua người bán.Những phiên chợ cuối năm khác xa mọi ngày thường. Những gian hàng bánh mứt kẹo rực rỡ, màu mè, gian hàng hoa giấy hoa ni lon đủ loại. Hoa Phong lan, Địa lan, Cẩm tú, Mặt trời, hoa Cúc vàng, Cúc tím, hoa Ly….giống y một rừng hoa thật. Một góc chợ nhìn thấy toàn màu xanh mát của lá dong, lá chít. Góc bên kia lại toàn là rau tươi, củ quả. Phía cổng chợ là một dãy hàng thịt tươi sống với những tiếng dao lách cách nghe đến vui tai. Ở chính giữa là dãy hàng quần áo với đủ loại sắc màu, đây thường là nơi được chú ý và đông vui nhất chợ. Đâu đó bên kia góc chợ những cụ già ngồi cạnh thúng cau trầu.
Tàn buổi chợ, trong các gánh hàng của các cô, các chị có những bó lá dong xanh mướt dùng để gói bánh chưng, những bó hương thơm, những mớ rau và cả những chồng bát mới… Về xế chiều buổi chợ vắng dần người nhưng vẫn còn đâu đó tiếng người mua và bán những món hàng được coi là ế ẩm.
Mỗi năm có một cái tết, cho người ta mua sắm,cho gia đình xum họp.Tết đến giá cả mọi thứ đều cao nhưng người ta không thể không mua sắm.Thôi thì tùy túi tiền, tùy gia cảnh.Dù sao thì chợ vẫn cứ đông đúc, cứ nhộn nhịp.
Dù đi đâu về đâu thì người dân Bắc Bộ cũng không thể quên được những buổi họp chợ Tết như thế này bởi qua đó người ta tìm được cái hồn của Quê hương và cái thanh bình nơi thôn quê. Những phiên chợ góp phần làm nên nét đẹp truyền thống Tết Việt Nam.
Hoàng Thị Phượng
Khoa lịch sử K55
ĐH KHXH-NV
Cùng chuyên mục
Bình luận