Chùm ảnh: Quyết tâm bám biển, giữ nghề của ngư dân miền biển Hải Hậu – Nam Định
(Sóng Trẻ) - Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, công việc đánh bắt hải sản tuy lam lũ, song những ngư dân chài xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định vẫn quyết tâm ra khơi bám biển, giữ nghề.
5 giờ sáng là lúc những con tàu đánh cá đầu tiên trở về đất liền. Ra khơi lúc 1 – 2 giờ sáng, tùy thuộc vào thời tiết và lượng hải sản đánh bắt được, ngư dân mới về bờ. Nhiều thì 4 – 5 tiếng, ít thì 1 – 2 tiếng đồng hồ.
Bất kể mưa nắng, những con thuyền vẫn vượt sóng ra khơi. Với người dân làng chài Hải Lý, ra khơi không thuần túy vì kiếm sống, mà đó còn là niềm vui, niềm tự hào.
Đánh dậm ở biển khó hơn nhiều so với ở sông ngòi, bởi ngư dân vừa phải đi xa cả chục mét so với bờ, vừa phải đối mặt với những con sóng lớn. Vì vậy, chỉ những người đàn ông khỏe mạnh và có kinh nghiệm mới làm được việc này.
Phần lớn tàu đánh cá ở Hải Lý mang quy mô hộ gia đình. Mỗi tàu chỉ có 1 – 2 người. Cũng có những tàu lớn (khoảng 7 – 10 người) nhưng vì chủ tàu lấy hết lãi lời, thu nhập của thuyền viên chẳng đáng là bao nên người dân cố gắng tích góp, vay mượn để tự sắm tàu thuyền hoặc xuồng, tự mình làm chủ. Vì vậy với những ngư dân ở đây, nó là cả gia tài.
Vụ cá chính vào tháng 3, 4 (âm lịch) hàng năm, trung bình ngư dân ra khơi khoảng 25 ngày. Những tháng còn lại thường là 15 – 20 ngày, thậm chí có tháng người dân chài chỉ đi biển chục ngày nếu thời tiết xấu
Ngư dân Hải Lý đánh bắt nhiều loại hải sản, thường xuyên hơn là cá bơn và ghẹ. Thời gian này (tháng 9) không phải vụ chính nên chỉ bắt được loại vừa và nhỏ. Mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 1 yến sau mỗi chuyến ra khơi
Hai vợ chồng đan lưới để chuẩn bị cho hôm sau ra khơi. Đây là công việc đòi hỏi sự cẩn thận và tính kiên nhẫn, bởi phải mất 4 – 5 tiếng đồng hồ mới hoàn thành xong
Tranh thủ vài phút nghỉ ngơi để hút thuốc. Cuộc sống của ngư dân nơi đây gắn liền với biển, đàn ông từ sáng sớm đến chiều tối đều ở nài biển, phụ nữ ít hơn vì còn chăm sóc con cái và lo toan việc gia đình
Hai anh em xếp lưới lên tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Vì quy mô vừa và nhỏ nên tàu chỉ đánh bắt ở khu vực gần bờ. Đây cũng là điểm chung của phần lớn tàu thuyền ở đây
Một bát bún cả nhà chú Dũng chia nhau ăn. Những ngày không đi biển chú Dũng (40 tuổi, quê ở xã Hải Lý) thường đi làm thuê, kiếm thêm thu nhập lo cho con cái có cuộc sống đầy đủ hơn. Chú cũng tâm sự: “Chú gắn bó với biển chục năm nay rồi, dù thế nào cũng không bỏ được.”
Bé Xuyến, 4 tuổi, con chú Dũng, hiếm khi được bố mẹ đưa ra biển nên em có chút lạ lẫm và sợ người lạ. Chú Dũng tâm sự: Chú muốn các em dành thời gian học hành tử tế để sau này bớt khổ.
Mỗi kilogram cá bơn bán cho thương lái khoảng 30.000 đồng, thương lái bán ra thị trường khoảng 50.000 đồng (tương tự như thế, số tiền ngư dân bán ghẹ cũng chênh lệch 50.000 đồng – 70.000 đồng). Có những ngày biển dữ, số tiền thu về trừ tiền dầu máy chỉ được 100.000 đồng, thậm chí ít hơn. Thế nhưng, không vì thế mà người dân Hải Lý bỏ nghề.
Những ngư dân tại đây sống với nhau rất chan hòa, tình cảm. Với họ, dù thời gian có thể xóa đi tuổi trẻ, dù ông trời ngày càng khắc nghiệt, nhưng tình yêu với biển, với nghề chẳng bao giờ vơi cạn.
Huyen Vu
Cùng chuyên mục
Bình luận