Chuyện những “em bé da cam”

(Sóng trẻ) - Chiến tranh đã trôi qua hàng chục năm nay nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn dai dẳng trong cuộc sống của những con người bất hạnh. Sự tàn phá của chất độc da cam vẫn nối tiếp diễn ra trong thầm lặng. Xoa dịu nỗi đau da cam luôn là nỗi trăn trở, tình cảm chung của cộng đồng. 18 năm qua, Làng hữu nghị Việt Nam đã trở thành mái ấm của hàng nghìn trẻ em là nạn nhân của chiến tranh.

Làng Hữu nghị Việt Nam được thành lập theo nguyện vọng của những người muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của nạn nhân trong chiến tranh trước đây. Ông Geogre Mizo là một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ông đã trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc và có mong muốn xây dựng một ngôi nhà có thể chăm sóc những cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam. Đầu những năm 1990, Làng Hữu nghị được thành lập và đón những đứa trẻ chất độc da cam về chăm sóc.

Ngôi nhà của hơn 100 đứa trẻ

Đến thăm Làng vào một buổi sáng chớm thu, là ngày thường nên các em đều đi học, khung cảnh từ nài bước vào khá vắng vẻ nhưng lại yên bình đến lạ. Khuôn viên của Làng khá rộng, có khu nhà ba tầng khang trang là nơi ăn nghỉ thường xuyên của cựu chiến binh và 5 dãy nhà T1 đến T5 là nơi ở hàng ngày của hơn 100 đứa trẻ. Xung quanh có khu hậu cần, ao cá, sân chơi, vườn cây, phòng y tế, khu hành chính, thư viện, lớp học. Không khí thật thanh bình như chôn vùi tiếng đạn bom, những luồng khí trắng đục đặc chất đi-ô-xin độc hại máy bay Mỹ thả xuống làng mạc, cánh rừng Việt Nam trong chiến tranh năm nào.

Vào trong khu nhà T1 đầu tiên, ở đây các mẹ đang dọn dẹp các phòng ở cho các em. Mỗi căn phòng có khoảng 3-4 bạn ở cùng nhau. Để các em có thể tồn tại và phấn đầu hằng ngày, sự hy sinh của các mẹ, những người chăm lo cho các em từng phút thực sự là điều vĩ đại. Mẹ chịu trách nhiệm chăm sóc cho các em từ những bữa cơm, những sinh hoạt hàng ngày nhỏ nhất như là tắm rửa, vệ sinh,... Vừa lau dọn bàn ghế, mẹ Ban vừa tâm sự: “Nhiều lúc các con tự nhiên gào thét, lao vào đánh các mẹ rồi tự làm đau mình, đứa thì đi vệ sinh lung tung, chưa kịp dọn xong đứa này thì đã đến đứa khác”. Vất vả là thế, trước đây khi mới vào làm mẹ cũng đã từng nghĩ đến chuyện từ bỏ, thế nhưng vì tình thương đối với các em ở Làng, mẹ lại không nỡ. 

Đến 10h trưa, các mẹ lại lên dãy nhà học văn hóa đón các em về. Hình ảnh các em bé xuất hiện bất chợt làm người ta như nghẹn lại, xúc động trong khoảnh khắc đó. Có những bé chỉ mới khoảng 5 tuổi, cũng có những bạn trông có vẻ già dặn, hỏi ra thì mới biết các bạn đã hơn 20 tuổi nhưng bị mắc các di chứng của chất độc da cam nên hành động lúc nào cũng như những đứa trẻ. Khi gặp người lạ, các em lại luôn miệng hỏi “Chị là ai thế?”, “Chị đến đây làm gì thế?”, “Chị tên là gì?”. Những câu hỏi được đặt ra với vẻ mặt hào hứng và những cái nắm tay siết chặt. Các em ở đây rất tình cảm với những vị khách ghé thăm. Bé Cường là một thành viên khá lâu năm của Làng, cứ lúc nào có khách đến, bé lại kéo tay các anh chị rồi đặt tay lên đầu mình vỗ về, âu yếm. Còn Hậu (25 tuổi) thì thích khoác tay các chị, hào hứng giới thiệu chỗ ở và các bạn của mình. Hải Đăng (18 tuổi) rất thích vẽ và vẽ khá đẹp, cậu bé vui vẻ chia sẻ những bức tranh mình vẽ và còn tặng cho những anh chị mình thích làm kỉ niệm. Các em ở đây rất đáng yêu và tình cảm.

63841c307_1.jpg

Các em hào hứng khoe những bài tập mình làm được ở lớp

“Nhiều cháu bị thiểu năng trí tuệ, tật nguyền mà tình cảm lắm! Đôi lúc bọn trẻ lại âu yếm và thủ thỉ với các mẹ khiến chúng tôi rất cảm động. Những lúc đấy thì tôi cảm thấy mọi sự vất vả của mình cũng đáng lắm.” – Mẹ Ban vừa nhìn các bé vừa cười.

Sự lạc quan vượt lên nỗi bất hạnh

Mỗi một đứa trẻ ở đây đến từ những quê hương khác nhau. Và phía sau đó là những hoàn cảnh, câu chuyện riêng. Khi được tiếp xúc với các em nhiều hơn thì có những em trông rất bình thường và hiếu động nhưng lại không có khả năng nói chuyện, có những em thì khả năng nhận thức rất kém, có bạn thì mắc chứng “tăng động” chạy nhảy khắp nơi và không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. 

Phạm Văn Mạnh (11 tuổi) bị câm, điếc. Các mẹ chia sẻ Mạnh khá thông minh, nhanh nhẹn, sống tình cảm, nhưng khi ngủ, Mạnh thường bị mộng du và hay đi lung tung. Vì vậy, các mẹ phải khóa trái cửa phòng em mỗi khi đêm xuống để em không bị thương. Còn bé Thương (8 tuổi) lại có một hoàn cảnh khác. Bố mẹ Thương mất sớm nên em được đưa vào đây. Thương rất thích chơi với các chị tình nguyện viên, thích mặc váy và luôn tự nhận mình là công chúa. Ban ngày là một cô bé đáng yêu là vậy, nhưng cứ đến tối thì Thương lại nói lảm nhảm một mình và còn hay đập đầu vào giường.

63841c307_2.jpg

Bé Cường là một trong những em út của Làng. Cường khá nghịch và hay chạy lung tung. Vì vậy, có đôi lúc các mẹ phải khóa cửa phòng để tránh việc em bỏ đi chơi.

Thiệt thòi là thế, nhưng phía sau những bất hạnh kia vẫn ánh lên những niềm tin, niềm vui và sự lạc quan từ một “gia đình”. Ở đây các em trở thành gia đình của nhau, là những người thân của nhau. Và có lẽ, Làng đã trở thành ngôi nhà chung thứ 2 của các bé. Những em lớn thì trở thành anh chị cả trong Làng, có nhiệm vụ để ý và chăm sóc cho các em nhỏ hơn. Khi được nhận quà từ các đoàn tình nguyện viên, các em chia sẻ với nhau từng cái kẹo, từng cái bánh và không bao giờ quên để dành phần cho các bạn khác. Cứ như vậy, cuộc sống ở đây vẫn rộn ràng hàng ngày, đầy ắp tiếng cười vui chơi của các thành viên trong gia đình.

63841c307_3.jpg

Các em ở Làng luôn ở cạnh nhau dù ở lớp hay ở nhà

Ở đây các em được đi học và vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác nài kia. Buổi sáng, các em lên lớp học văn hóa. Các lớp học đặc biệt được chia theo cấp độ phù hợp với từng bạn. Những em có nhận thức tốt hơn thì được học các môn văn hóa trình độ tiểu học như học tính, học viết chữ và vẽ tranh. Đối với các em bị di chứng nặng thì sẽ học cách làm những việc đơn giản nhất để phục vụ cuộc sống của mình như: tắm gội, rửa tay, tự lấy nước uống, vệ sinh cá nhân,... Các em lớn hơn, khéo tay hơn thì được học nghề may vá, làm hoa, học vi tính.

Kể từ khi vào Làng, tình trạng bệnh của nhiều em đã trở nên tốt hơn rất nhiều. Các em đều có sự thay đổi tích cực về sức khỏe và tinh thần, xóa được những mặc cảm tật nguyền. Có những em từ chỗ không có nhận thức, sau một thời gian ở Làng đã biết đọc, biết viết và làm được một số công việc đơn giản như quét nhà, rửa bát,... một số em được theo học các trường bên nài, tốt nghiệp THPT và các trường cao đẳng,... Còn có những em sau khi được học nghề thêu, nghề làm hoa, sử dụng thành thạo máy vi tính thì đã trở về gia đình và có thể tự nuôi sống bản thân. Các sản phẩm may, thêu, hoa của các cháu đem ra thị trường, đem lại chi phí tiết kiệm và chia cho các em khi về ăn Tết với gia đình. Đặc biệt hơn, có những bạn ở Làng lâu năm và đến tuổi lập gia đình thì được các mẹ dẫn đi hỏi vợ. Nhờ vậy, có rất nhiều bạn đã tìm và lập gia đình như bao người bình thường khác.

Cứ như vậy, hàng ngày các “em bé da cam” vẫn âm thầm vượt lên trên số phận bất hạnh của mình. Nhưng điều đáng quý hơn là các em vượt lên nó bằng chính tình thương, sự chia sẻ của cộng đồng, và đặc biệt là từ những anh chị em sống trong Làng. Nỗi đau sẽ vẫn còn đó, có thể các em sẽ phải sống chung với nó cả cuộc đời. Nhưng hiện tại, các em đang dần dần trở nên tốt lên, hòa nhập cuộc sống, và hơn cả, các em được cảm nhận và được cho đi tình yêu thương cùng với những “người thân” trong ngôi nhà chung ấy. 

PV

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN