Đại công trường SaPa
(Sóng Trẻ) - “Mấy năm trước trông hoang sơ lắm, giờ thành như này đây”, đó là câu trả lời của bất cứ ai khi hỏi về thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Lào Cai, nơi đã từng mang đậm chất của núi rừng Tây Bắc. Nhưng mới chỉ sau 2-3 năm trở lại, nơi đây đã thay đổi chóng mặt.
Kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe vào đầu năm 2014, Sapa bắt đầu chuyển mình nhanh chóng. Những dự án nghìn tỷ cũng theo đó mà hình thành. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng,... mọc lên che khuất những hàng thông xanh và những thửa ruộng bậc thang vàng óng mỗi đợt ngày mùa. Giá nhà đất tại những con phố trung tâm thị trấn tang gấp đôi so với những năm trở lại đây, lên tới 100-200 triệu đồng mỗi m2.
Những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau trên những quả đồi để phục vụ cho du lịch, thay thế cho những rặng thông và thửa ruộng bậc thang trước đây.
Một công trình đang thi công dang dở với hướng nhìn về phía dãy Hoàng Liên Sơn.
Người thợ đang làm việc trên giàn giáo cheo leo giữa đồi. Khi công trình này hoàn thành, nó sẽ chắn hướng nhìn ra núi của những công trình nằm phía sau nó do quá cao tầng.
Nhóm công nhân đang thi công công trình tàu điện trên cao từ thị trấn dẫn đến điểm đi cáp treo lên đỉnh Fanxipan.
Những con đường nằm giữa trung tâm thành phố đầy ổ gà do phương tiện quá tải thường xuyên qua lại. Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, số lượng ôtô đến thị trấn Sa Pa mỗi ngày khoảng 5.000 - 8.000 chiếc. Các phương tiện kể cả xe tải đều phải đi qua trung tâm thị trấn gây ách tắc thường xuyên, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch. Trong khi đó, do khó khăn nguồn vốn, tuyến đường BOT kết nối Lào Cai-Sa Pa triển khai chậm. Tuyến đường sắt khổ rộng 1.435 mm chưa được nghiên cứu cụ thể và dự án sân bay Lào Cai vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Chỉ cần một cơn gió nhẹ, bụi cuốn từ mặt đường lên mù mịt.
Những chiếc oto nối đuôi nhau chậm rãi trên một con phố ở thị trấn.
Từ ngày Sa Pa "thay da đổi thịt" cuộc sống của những người dân nơi đây cũng dần bận rộn với xi măng, gạch đá. Hai người phụ nữ Dao - Thào và Cư (quấn khăn đỏ) quyết định bỏ lại ruộng nương ở nhà để lên thị trấn với mong muốn một công việc có mức thu nhập khá khẩm hơn. Một ngày đi làm, mỗi người kiếm được 250.000 đồng. Khách sạn mọc lên ít nhiều mang đến công ăn việc làm và thu nhập đảm bảo cho những người dân vùng núi.
Những người phụ nữ dân tộc đi ngang qua một công trình lớn đang thi công trong thị trấn. Dường như đối với họ, sự xuất hiện nhan nhản của những chiếc máy cẩu, máy xúc đã trở nên quá đỗi bình thường.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi chóng mặt như vậy. Người đàn ông Mông ngơ ngác nhìn những toà nhà đồ sộ đang được xây dựng qua khe hở của hàng rào tôn một công trình.
Một đoạn mương chứa đầy rác thải và phế liệu nằm ngay giữa lòng thị trấn.
Trẻ em chăn bò ngồi chơi ở phần còn lại của bãi cỏ, trước khi nó lại tiếp tục được chất đống bởi những núi đất thải và vật liệu.
Theo quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 5,2 triệu du khách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào đầu tháng 12/2017, nếu chuyển đổi mà làm mất đi văn hóa thì Sa Pa cũng không còn nữa: "Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường, mà văn hóa của người địa phương, của các dân tộc anh em ở đây là rất quan trọng. Chúng ta giữ gìn văn hóa để đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện để tương xứng với thị xã".
Mục tiêu này và thực tế xây dựng bùng nổ hiện nay có mâu thuẫn? Chúng ta nói rất nhiêu đến phát triển du lịch bền vững, nhưng điều đó trên thực tế thật khó làm sao...
Cùng chuyên mục
Bình luận