Đầu tư hơn 4 tỉ, lục bình vẫn gây ách tắc sông Vàm Cỏ Đông
(Sóng Trẻ) - Mặc dù Nhà nước đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng thuê công ty Thanh Sơn vớt lục bình nhưng trên nhiều đoạn sông Vàm Cỏ Đông vẫn xảy ra tình tắc nghẽn giao thông đường thủy . Mới đây, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Lo - phó giám đốc Sở GTVT để giải đáp về vấn đề gây bức xúc này.
Ông Trịnh Văn Lo - phó giám đốc Sở GTVT.
PV: Ông có thể cho biết khái quát mục tiêu của dự án xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông?
Ông Trịnh Văn Lo: Theo yêu cầu đề ra đối với công tác xử lý lục bình (đã được UBND tỉnh phê duyệt), 90 ngày sau khi ký hợp đồng, đơn vị thi công phải đảm bảo thông thoáng suốt tuyến sông Vàm Cỏ Đông dài khoảng 101km, từ đồn Biên phòng 839 (xã Hòa Hiệp-Tân Biên) đến rạch Tràm (xã Phước Chỉ, Trảng Bàng). Mặt sông cần được giữ thông thoáng liên tục ở chiều rộng trung bình 70m nhằm đảm bảo luồng tàu chạy.
PV: Từ khi công ty Thanh Sơn trúng thầu đến nay, hiệu quả xử lý lục bình ra sao, thưa ông?
Ông Trịnh Văn Lo: Trong hơn một năm qua, đơn vị thi công có triển khai trục vớt lục bình nhưng do lượng lục bình quá lớn mà năng lực của nhà thầu còn hạn chế, không bố trí đầy đủ thiết bị máy móc và nhân công xử lý nên hiệu quả rất hạn chế. Trong nhiều lần kiểm tra, Sở GTVT xác định lục bình dồn ứ lại gây ách tắc dòng sông ở nhiều đoạn với chiều dài khoảng từ 1 đến 3km.
Hiện đang vào mùa mùa khô, nước sông ít, không đẩy lục bình về hạ lưu được nên lượng lục bình trên sông ở nhiều đoạn lại dày đặc. Sau hơn một năm thực hiện gói thầu xử lý lục bình, Sở GTVT thấy rằng phương án xử lý và năng lực của nhà thầu còn nhiều hạn chế. Khi nhà thầu triển khai trục vớt vào mùa khô đã cho thấy nhiều bất cập. Các điểm tập kết đặt ở vị trí không thuận lợi. Chỗ có nhiều lục bình thì không đặt thiết bị xử lý mà đặt ở nơi không có lục bình.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ lục bình như trong phương án đấu thầu đã nêu gặp khó khăn do phải thuê mướn toàn bộ từ khâu trục vớt đến vận chuyển nên chi phí cao, không bán được cho các đơn vị đã đăng ký thu mua trước đây. Mặt khác, do thiết bị xử lý tự chế nên thường xuyên hỏng hóc, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý.
Sông Vàm Cỏ Đông tắc nghẽn vì lục bình.
PV: Theo ông đánh giá thì năng lực nhà thầu còn rất hạn chế, đây có phải là sự lựa chọn sai lầm của tỉnh trong việc đấu thầu xử lý lục bình không, thưa ông?
Ông Trịnh Văn Lo: Điều kiện để tham gia đấu thầu mà UBND tỉnh đã phê duyệt là: Nhà thầu phải chứng minh có vốn cố định và lưu động từ 3 tỷ đồng trở lên; phải có đủ phương tiện cơ giới dùng để vớt lục bình; công suất vớt lục bình mỗi ngày từ 78.000m2 trở lên; phải trình bày phương pháp, máy móc, thiết bị vớt hợp lý, khả thi để đạt công suất yêu cầu; phải chứng minh lục bình sau khi vớt được đưa vào bãi tập kết, sử dụng lục bình chế biến thành các sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài hoặc có nơi tiêu thụ ổn định, không gây ô nhiễm môi trường.
Công ty Thanh Sơn đã đưa giá chào thầu là 4.950.000.000 đồng (thấp hơn 1 tỷ đồng so với mức giá trần của tỉnh đưa ra), chưa phải là đơn vị đưa ra mức giá chào thầu thấp nhất nhưng được chọn. Lý do là công ty Thanh Sơn đã đáp ứng được các yêu cầu khác như năng lực xử lý, năng lực tài chính, hướng giải quyết “đầu ra” cho lục bình. So với các nhà thầu khác, Công ty Thanh Sơn “trội” hơn.
Nói chọn nhà thầu sai lầm thì hơi quá, bởi trong tình thế lúc ấy, nài Thanh Sơn ra, không thể chọn được đơn vị khá hơn. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý lục bình, Công ty Thanh Sơn đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tìm được đầu ra cho lục bình sau khi vớt nên chi phí đầu tư cao. Khả năng tài chính có giới hạn cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế của việc xử lý lục bình.
PV: Hơn một năm qua, công ty Thanh Sơn không bảo đảm yêu cầu xử lý lục bình nhưng vì sao tỉnh vẫn để nhà thầu này tiếp tục thực hiện dự án?
Ông Trịnh Văn Lo: Sở có làm việc với nhà thầu nhiều lần, yêu cầu phải xử lý lục bình đạt hiệu quả như cam kết. Sở cũng đã đề cập đến chuyện “cắt” hợp đồng với Công ty Thanh Sơn. Tuy nhiên, để đánh giá được đầy đủ kết quả xử lý lục bình thì phải cho nhà thầu thêm thời gian. Mới đây, Sở đã báo cáo UBND tỉnh kết quả xử lý lục bình của nhà thầu và kiến nghị tỉnh tổ chức đoàn công tác liên ngành khảo sát để xử lý nhà thầu.
Sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh cho tổ chức đầu thầu lại, chọn nhà thầu khác có năng lực hơn. Tuy nhiên, hầu như không có đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nào muốn tham gia xử lý lục bình. Lý do là họ cho rằng tỉnh chi mức dưới 6 tỷ để vớt lục bình trong 5 năm là không khả thi, không đủ chi phí bỏ ra.
PV: Dư luận bức xúc, cho rằng việc xử lý lục bình như hiện nay là lãng phí, “tiền tỷ trôi sông”. Nếu không có nhà thầu khác thì có phải công ty Thanh Sơn mặc nhiên tiếp tục xử lý lục bình không?
Ông Trịnh Văn Lo: Đúng là nếu kết quả xử lý lục bình kém sẽ gây bức xúc trong nhân dân. Sắp tới, Sở sẽ mời các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết đánh giá lại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông để thống nhất hướng xử lý.
Hiện Sở đã gửi văn bản cho nhà thầu, yêu cầu phải áp dụng mọi biện pháp có thể để xử lý lục bình hiệu quả hơn, không để xảy ra tình trạng lục bình lấp kín nhiều đoạn sông khiến các phương tiện không lưu thông được. Thời hạn cuối cùng mà Sở buộc nhà thầu phải xử lý lục bình bảo đảm luồng tàu chạy là 15/3/2013. Sau thời điểm này, nếu nhà thầu vẫn để lục bình gây ách tắc giao thông đường thuỷ, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh “cắt” hợp đồng với công ty Thanh Sơn, tìm phương án xử lý khác.
PV: Xin cám ơn ông!
Nhóm tác giả Nhóm 3, lớp báo chí K31B Tây Ninh
Văn Cư, Hoàng Anh (Tổng biên tập)
Đỗ Thanh Bình, Ngọc Diễm (Thư ký)
Hoan, Phạm Thanh Bình, Ninh Hải (Phóng viên)
Cùng chuyên mục
Bình luận