Tết Nguyên Đán ở Việt Nam: “Sự sáng tạo, thông minh và bản lĩnh của người Việt”
(Sóng trẻ) - “Cái căn cốt nhất của Việt Nam là tiếp nhận văn hóa của người Trung Quốc nhưng hoàn toàn “thay máu” bằng cách Việt Hóa bằng phong tục, tập quán của người Việt”. Đó là lời khẳng định của TS. Nguyễn Thị Hồng – phụ trách khoa Văn Hóa Phát triển – Học viện Báo Chí và Tuyên truyền khi nói về sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Trung Hoa trong lễ tết Nguyên Đán.
PV: Theo nhiều quan điểm thì tết Nguyên Đán của Việt Nam đuợc bắt nguồn từ Trung Hoa, vậy điều này có phải là đúng, thưa cô?
Từ góc độ của một người nghiên cứu văn hóa, tôi phải thừa nhận với bạn một điều rằng tết Nguyên Đán mà bây giờ chúng ta vẫn đang duy trì là tết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và một trong những lý do mà một số học giả đề nghị Việt Nam nên bỏ tết Nguyên Đán chính là vì nó bắt nguồn từ Trung Hoa.
Nhưng nên nhớ một điều rằng trước khi chúng ta tiếp nhận hệ thống tết của Trung Quốc thì đã có hệ thống tết của riêng mình theo lịch pháp của người Việt cổ. Nhưng sau đó khi văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam thì chúng ta tiếp nhận nhiều yếu tố mà trong đó trước hết là do những giá trị của văn hóa tết của Trung Quốc cũng rất gần với những giá trị văn hóa tết của Việt Nam.
Vì thế cho nên xét về tên gọi thì duờng như mang tính chất của văn hóa Trung Hoa nhưng thực chất thì lõi văn hóa trong đó chính là lõi văn hóa Việt.
PV: Thưa cô, vậy từ sự tiếp xúc, giao lưu đó thì trong văn hóa tết Nguyên Đán giữa Việt Nam và Trung Hoa có những điểm tương đồng và khác biệt như thế nào?
Nói đến sự tuơng đồng thì trước hết là về thời gian, nói đến tết là nói đến âm lịch, mà nói đến âm lịch là nói đến lịch của Trung Quốc, mặc dù lệch nhau 1 giờ nhưng nó không phải là lớn.
Thứ hai là về các nghi lễ và quan niệm, ví dụ nói đến lễ thì đó đều là gắn với không gian linh thiêng, còn tết thì gắn với không gian đời thường.
Thứ ba là về những phong tục tập quán, những điều kiên kị, về cách hành xử của con người trong ngày tết cũng rất giống nhau, giống nhau về hình thức và khác nhau về mặt bản chất.
PV: Cô có thể nói rõ hơn về điều này không?
Ví dụ, cái tết của người Việt Nam được bắt đầu từ tết Táo Quân chứ không phải là từ ngày mồng một. Nhưng trong nghi lễ cúng của tết Táo Quân của người Việt thì bao giờ cũng có cái gọi là “Tam sinh”: cá chép sống, gạo sống, thịt sống thì đối với người Trung Quốc lại không bắt buộc. Nhưng trong tết Táo Quân của họ lại có một thứ mà ở người Việt không có, đó là những viên kẹo rất ngọt ngào, bởi vì trong niềm tin của người Trung Quốc thì Táo Quân đã chăm sóc cho đời sống của họ trong suốt một năm trời, vì thế nên đến lúc mà Táo quân về chầu trời thì họ muốn nhờ Táo quân nói những lời ngọt ngào để các vị thần linh phù hộ cho gia chủ, và đối với người Việt Nam thì lại không quan niệm như vậy.
TS. Nguyễn Thị Hồng – phụ trách khoa Văn Hóa Phát triển – Học viện Báo Chí và Tuyên truyền
PV: Nhưng sự khác biệt lớn nhất ở đây là gì, thưa cô?
Sự khác biệt lớn nhất ở đây là xuất phát từ sự khác nhau giữa văn minh nông nghiệp lúa nước của Việt Nam với nền văn minh nông nghiệp trồng khô của người Trung Quốc. Biểu hiện rõ rệt nhất là trong những món ăn cầu may trong tết của người Việt Nam và Trung Quốc đều rất khác nhau. Nếu như người Việt gắn liền với bánh chưng, bánh giày thì đối với người Trung Quốc thì đó lại là sủi cảo, mằn thắn, màn thầu.
Hoặc là trong tết của người Trung Quốc bắt buộc phải có múa lân trong khi ở người Việt thì chỉ múa lân vào rằm Trung Thu.
Một điều là cái tết của người Việt Nam là tết sinh hoạt mang tính cộng đồng, và cộng đồng nhỏ nhất được chú trọng là gia đình gắn với phong tục thờ cúng tổ tiên. Và tục thờ cúng tổ tiên ở đây cũng không giống nhau: người Việt thờ 3 đời, người Trung Quốc thờ 5 đời.
Vẫn có những khoảng khác biệt giữa hai nền văn hóa ở hai quốc gia: từ cái ăn, cái mặc, những phong tục tập quán – nghi lễ cầu may.
PV: Theo cô, trong phong tục tập quán, nghi lễ cầu may thì sự khác biệt là như thế nào ?
Trong những ngày tết, người Việt Nam sẽ đi đến những nơi “đất Vua, chùa làng”, hoặc ra đình, chùa, còn người Trung Quốc thì hướng tới những điểm sinh hoạt khác, và Đạo quán chính là nơi mà họ hướng đến đầu tiên bởi đó là đất nước của Đạo giáo.
PV: Vậy họ đến Đạo quán là để làm gì?
Họ cũng sẽ làm những nghi lễ giống như ở đình, đền của Việt Nam bởi đó là nơi thờ thần, nơi gắn liền với Đạo giáo. Nhưng họ sẽ có những trò chơi khác với Việt Nam.
PV: Theo em được biết thì các nước láng giềng cùng với Việt Nam như: Triều Tiên, Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng văn hóa tết của Trung Hoa, vậy thì mức độ ảnh hưởng của Việt Nam so với các quốc gia này như thế nào?
Có thể nói Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng một cách rất sâu nhưng cũng rất nhạt. Nếu nhìn từ bề nài thì sẽ thấy rằng văn hóa tết của người Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Quốc, nhưng về mặt thực chất bên trong thì không nhều lắm. Cái căn cốt nhất của Việt Nam là tiếp nhận văn hóa của người Trung Quốc nhưng hoàn toàn “thay máu” bằng cách Việt hóa bằng phong tục, tập quán của người Việt.
PV: Đó là sự sáng tạo của người Việt để làm nên bản sắc văn hóa tết Nguyên Đán của Việt Nam?
Đó không chỉ là sáng tạo mà còn có thể nói là trí thông minh và bản lĩnh của người Việt. Bởi lẽ văn hóa Việt Nam nằm trong khối văn hóa Bách Việt của ngày xưa, trong khi những tộc Việt khác bị đồng hóa bởi Hán hóa thì tộc người Lạc Việt vẫn kiên cường với ngọn cờ độc lập để xây dựng nên nền văn hóa đặc trưng phi Ấn, phi Hoa.
PV: Cô có nói là trong ngày tết ở Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự khác nhau về cái mặc, vậy xin cô cho biết sự khác nhau ở đây cụ thể là như thế nào?
Ngày xưa, đời sống còn nghèo nàn thì người Việt Nam chỉ hướng tới là “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, cách mà người Việt hướng tới chính là những chiếc áo hoa và quan trọng là áo mới. Bây giờ người Việt cũng hướng tới sắc màu nhưng là những màu tươi mát, rộn rã và màu nguyên trong văn hóa Việt là màu xanh, trong khi màu hướng tới trong văn hóa tết của Trung Quốc là màu đỏ.
PV: Thưa cô, từ khi có sự tiếp xúc, giao lưu với Trung Hoa đến nay thì tết Nguyên Đán của Việt Nam có sự biến đổi như thế nào trong suốt một chặng đường dài của lịch sử?
Có sự biến đổi rất nhiều. Ví dụ như các trò chơi của người Việt xưa mà ngày nay không còn nữa: Đánh đáo, Bắt trạch trong chum, đánh khăm, đánh đu… Hoặc hoạt động ném pháp đất mà bây giờ chỉ còn tồn tại trong lễ hội.
Thứ hai là người Việt xưa có tục nhờ thầy Đồ làm lễ “Đạp đất” thì bây giờ không còn nữa. Cây nên bây giờ cũng ít xuất hiện trong đời sống văn hóa của người Việt…Nhưng cái còn lại chính là “Sắc xuân” – chính là cái bản sắc mà người Việt phải giữ gìn: những thuần phong mỹ tục và đạo lí uống nước nhớ nguồn.
PV: Thưa cô, vậy thì trong phong tục ngày tết ở Trung Quốc có tục lệ “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” như ở Việt Nam không?
Trước hết phải hiểu rõ rằng đây là văn hóa Việt, và hiểu văn hóa Việt theo đúng nghĩa. Còn ở Trung Quốc thì đó là những ngày có thể sử dụng cho tất cả các sinh hoạt đời thường bởi vì họ không đặt ra những quan niệm bất thành văn như vậy.
Tuy nhiên, trong ngày tết ở Việt Nam hiện đại thì điều đó cũng không còn là những điều bất thành văn, có thể là những chuyến du xuân chứ không bắt buộc phải là “Tết cha”, “Tết mẹ” hay “Tết thầy”. Đó là quan niệm tết truyền thống và đã khác trong xã hội bây giờ, khi mà người ta đã có đầy đủ những giá trị vật chất thì người ta sẽ cân bằng những giá trị đó bằng cách hưởng thụ các giá trị tinh thần.
Vâng, xin cảm ơn cô!
Nông Thị Thuyết – Báo mạng điện tử k31
Cùng chuyên mục
Bình luận