"Đỏ lửa" giữ gìn nghề đậu bạc truyền thống
(Sóng trẻ) - "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xá” là câu nói dân gian được lưu truyền từ xa xưa để ngợi ca bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất Kinh kỳ, trong đó có nghề kim hoàn Định Công. Để bảo tồn làng nghề trước nguy cơ thất truyền, hơn 20 năm qua, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn đang “cặm cụi” ngày đêm, gắn bó với nghề, tiếp nối cha ông gìn giữ và phát triển nghề xưa, mang lại danh thơm cho đất Thăng Long.
Cất bằng Đại học, về “uốn những sợi chỉ bạc”
Phóng viên: Được biết là một cử nhân đại học, thời điểm mới ra trường, anh có rất nhiều cơ hội công việc tốt. Vậy cơ duyên nào đã khiến anh quyết định theo đuổi và gắn bó với nghề đậu bạc?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Định Công được biết đến là vùng đất của nghề kim hoàn với ba ông tổ Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa, đã có lịch sử hơn 1000 năm. Tôi là người địa phương, cũng là con của nghệ nhân đậu bạc cuối cùng của làng (PV: Nghệ nhân Quách Văn Trường). Tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình với nghề truyền thống của địa phương, của gia đình. Làng nghề còn nhiều cơ hội để phát triển, khách hàng rất yêu mến sản phẩm nếu giờ mình bỏ lỡ thì rất phí. Cuối cùng, tôi quyết định theo học nghề để nối nghiệp bố tôi. Trong quá trình đó, tôi nhận ra đam mê của mình với nghề đậu bạc nên gắn bó với nghề đến tận bây giờ.
Phóng viên: Thời điểm mới bắt đầu học nghề, mở xưởng rồi có những lớp dạy nghề đầu tiên, chắc hẳn anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Vậy anh có thể chia sẻ thêm về những khó khăn đó không?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, thời điểm ban đầu luôn có rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, lúc mới bắt đầu, tôi hoàn toàn không biết gì về sản phẩm, bản thân tôi phải tự học rất nhiều. Tôi đã từng ngồi tỉ mỉ hàng mấy giờ đồng hồ để học nghề. Mỗi người thợ sẽ cần một bộ dụng cụ riêng với những nguyên vật liệu đắt đỏ nên phải tự bỏ vốn ra để đầu tư. Thời điểm đó, việc bỏ ra một số tiền lớn là điều rất khó khăn bởi tôi chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có quá nhiều tiền. Thị trường cũng là một yếu tố rất quan trọng, tôi không phải là người học về mỹ thuật nhưng nếu muốn theo nghề, tôi phải biết thiết kế. Những thiết ban đầu của tôi cũng chỉ dựa trên nền tảng kiến thức tôi có hoặc kế thừa từ các sản phẩm của bố tôi (PV: Nghệ nhân Quách Văn Trường).
Tôi vừa học vừa làm, thăm dò thị trường xem đã đạt yêu cầu chưa. Mỗi giai đoạn là một quá trình dài, có thể kéo dài đến vài năm. Thậm chí, lúc thị trường không có nhu cầu, tôi phải sử dụng đến nguồn vốn đi vay để tồn tại và tiếp tục gắn bó với nghề. Thực ra, giai đoạn khó khăn đấy cũng chỉ kéo dài 5-7 năm đầu, sau đó tôi đã vượt qua và phát triển như ngày hôm nay.
Phóng viên: Khi chế tác một sản phẩm kim hoàn, công đoạn nào mà anh cho là quan trọng cũng như là khó khăn nhất ?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Tất cả các công đoạn trong chế tác kim hoàn đều quan trọng bởi từng công đoạn phải được liên kết với nhau, muốn có sản phẩm cuối cùng hoàn hảo thì mỗi công đoạn đều phải thực hiện tốt. Thế nhưng trong quá trình rèn luyện và tích lũy, với cảm nhận của bản thân, tôi cho rằng công đoạn hàn gắn kết với các chi tiết là khó nhất. Bởi vì một sản phẩm sẽ bao gồm hàng ngàn, hàng vạn chi tiết nhỏ. Trong quá trình ghép càng chi tiết, người thợ phải làm sao để các mối hàn không bị lộ, thậm chí có những chi tiết rất nhỏ, mảnh như sợi tóc. Người thợ cần đủ tay nghề để tự cảm nhận nhiệt độ thế nào là đủ để mối hàn đảm bảo yêu cầu, kết cấu chặt, mượt và các chi tiết sẽ không bị rời ra. Muốn đạt được trình độ đó, người thợ cần học và tích lũy rất nhiều. Quá trình học nghề và rèn nghề đó sẽ không bao giờ có điểm dừng.
Phóng viên: Theo anh, bên cạnh việc có tay nghề cao thì người thợ kim hoàn cần yếu tố nào để trở thành một người thợ giỏi?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Muốn trở thành một người thợ giỏi, trong suốt quá trình làm việc, người thợ phải luôn đặt cái tâm lên hàng đầu. Mình phải tự đặt yêu cầu cao với bản thân, mình phải làm tốt từng chi tiết và không ngừng suy nghĩ, sáng tạo để làm sao cho sản phẩm đẹp nhất có thể. Bởi như tôi đã chia sẻ, trong thiết kế thủ công không có một giới hạn nào cả. Người thợ phải tìm hiểu, sáng tạo và vận dụng những cái kinh nghiệm đã có để phát triển sản phẩm với kỹ thuật cao hơn. Người thợ kim hoàn phải luôn thay đổi và phát triển để đáp ứng thị trường.
Phóng viên: Người ta nói thường nói muốn làm những nghề như chế tác vàng, chế tác bạc thì người thợ phải không có lòng tham vì vốn bỏ ra để làm những sản phẩm kim hoàn rất đắt đỏ. Quan điểm của anh là gì?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Thực sự, trong những thời điểm được tạo điều kiện quá tốt, lòng tham của con người rất dễ nảy sinh. Vì vậy, chính bản thân người thợ phải tự biết cân bằng, đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu. Ở xưởng của tôi, tôi cũng luôn phải tấm gương cho nhân công ở xưởng, họ sẽ tự đặt họ vào một môi trường trung thực và có cách hành xử đúng mực . Đây là công việc thiên về cảm xúc nên nhiều lúc, tôi cũng phải uyển chuyển, linh hoạt với các tình huống, sao cho giữ được hoà khí, sự đoàn kết giữa mọi người với nhau.
Phóng viên: Trong 20 năm làm nghề, sản phẩm nào để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Trong quá trình làm nghề của tôi, mỗi giai đoạn đều có những sản phẩm để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Như tôi đã nói, sự sáng tạo của người nghệ nhân không bao giờ có điểm dừng. Khi mình làm sản phẩm A, mình đã đạt được sự thỏa mãn nhưng cũng sẽ có sản phẩm B đòi hỏi mình phải có kinh nghiệm, tay nghề cao hơn mới thực hiện được. Đôi khi, có những sản phẩm không phải quá to lớn hay đắt giá nhưng lại là bước chuyển lớn cho tôi, để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Như một chiếc hộp kim long (PV: Sản phẩm Kim long lưu bảo”) mà tôi từng chế tác. Tôi đã đưa hình ảnh của các triều phục từ mũ vua đến hoàng bào vào trong một chiếc hộp, với mong muốn nâng niu và lưu giữ giá trị nét đẹp truyền thống. Đây là một sản phẩm tôi dành rất nhiều tâm huyết và thời gian, làm để thỏa mãn tất cả tinh hoa làng nghề mà không màng đến bất kỳ điều gì khác.
Phóng viên: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng từ mẫu mã đến giá thành. Có những sản phẩm làm gia công, giá vô cùng rẻ, mẫu mã lại giống hệt như hàng thủ công của mình làm. Vậy điều này thúc đẩy người thợ kim hoàn như thế nào để thích ứng kịp thời với nhu cầu của khách hàng, khẳng định giá trị sản phẩm?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Thứ nhất, điều thợ kim hoàn chúng tôi hướng đến là những sản phẩm đẹp, mang tính chất kỹ thuật thủ công cao. Đây là điều máy móc không thể làm theo được và đó cũng chính là lợi thế của sản phẩm thủ công, không cái nào giống với cái nào. Thứ hai, chính chúng tôi cũng sẽ phải liên tục thay đổi mẫu mã bởi vì chỉ có thay đổi mới có thể để sự sáng tạo của mình luôn tuôn trào. Sản phẩm mới mẻ, đạt yêu cầu cao về kỹ thuật khi đến tay người tiêu dùng sẽ khiến họ cảm thấy thích thú, yêu mến. Đó chính là nguồn sống của người thợ kim hoàn.
Niềm hy vọng về tương lai của nghề đậu bạc
Phóng viên: Có thể thấy, giờ đây, tên tuổi của đậu bạc Định Công đã được khẳng định trên thị trường. Tuy nhiên, nếu so với các làng nghề truyền thống khác của Hà Nội, đậu bạc làng Định Công có vẻ vẫn hơi “trầm”. Vậy anh có suy nghĩ gì về điều này và theo anh, đâu là lý do dẫn đến những quan điểm như vậy?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Hiện nay, sản phẩm đậu bạc của Định Công cũng đang rất may mắn, nhu cầu khách hàng nhiều hơn so với khả năng sản xuất. Đây cũng là một cơ hội lớn để làng nghề phát triển và tồn tại. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường cao nhưng nhân công lại không đủ đáp ứng nên số lượng sản phẩm được bán ra ngoài còn hạn chế. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do khiến đậu bạc Định Công chưa được phổ cập đến nhiều người. Thật sự, đây cũng là điều nghệ nhân chúng tôi trăn trở, phải làm sao để thu hút thêm nhân lực để họ học nghề và làm nghề. Qua đó, chúng tôi có thể vừa giữ được nghề vừa quảng bá, tăng thu nhập cho người địa phương.
Phóng viên: Ngoài việc mở xưởng, duy trì các lớp dạy nghề, anh làm thế nào để giữ được cảm hứng và tinh thần yêu nghề cho bản thân mình, và cho cả học viên?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Hiện tại, bản thân tôi luôn cảm thấy thiếu không gian để làm việc và rất yêu công việc này. Tôi còn rất nhiều ý tưởng trong đầu mà một sản phẩm hoàn thiện phải mất đến một, hai tháng. Đó cũng là động lực để tôi duy trì đam mê của mình. Nguồn cảm hứng của tôi luôn dồi dào, đến từ mọi thứ xung quanh cuộc sống. Ví dụ như nói về thiên nhiên thì luôn vô tận, nói về các con giáp thì vẫn là 12 con giáp đó, mình chỉ cần biến tấu một chút, nó sẽ mới lạ ngay. Bản thân mình phải tự luôn tạo động lực cho bản thân, luôn không ngừng sáng tạo và nỗ lực làm ra cái mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi ấy, các học viên của tôi cũng được truyền động lực để phấn đấu đạt trình độ cao hơn.
Phóng viên: Thực tế, người trẻ bây giờ không mấy mặn mà với nghề truyền thống, nhiều làng nghề giờ chỉ còn lại những người già. Vậy anh nghĩ thế nào về quan điểm bản thân nghề truyền thống phải tự mình thay đổi, tạo ra những cú hích để thu hút nguồn nhân lực?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Tự tôi thấy mình là người đã lựa chọn và tiên phong thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đó. Tôi phải tạo ra được những luồng không khí mới, tạo ra những cái mới cho sản phẩm để thu hút nhiều người học nghề. Ví dụ như tôi sẽ tác động đến một khía cạnh nào đó, có thể là về mỹ thuật hay về thu nhập. Có những người tìm đến để kiếm thu nhập, ổn định cuộc sống thì họ sẽ dừng lại ở mức độ làm việc và có thu nhập. Nhưng cũng có những người thực sự đam mê nghệ thuật, họ cũng muốn được chế tác và thỏa mãn những tham vọng về cả kỹ thuật và mỹ thuật. Dù với bất kỳ mục đích gì, tôi phải kích thích được họ để họ chịu học nghề và làm nghề.
Phóng viên: Anh có những dự định và mong muốn gì trong tương lai để tiếp tục quảng bá và giữ gìn hình ảnh của đậu bạc Định Công?
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh: Trước mắt, mong muốn của tôi là mở rộng việc đào tạo và sản xuất để có nhiều người học nghề hơn, tìm đến việc làm nghề và giữ nghề. Song song với đó, tôi cũng sẽ tìm cách phát triển về mặt thị trường, phát triển về mẫu mã. Hy vọng nghề ngày một hưng thịnh, thu hút khách du lịch tham quan. Tôi cũng mong muốn cùng chính quyền địa phương mở những phòng trưng bày truyền thống để các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu về nghề truyền thông để đậu bạc Định Công được yêu mến, trở thành niềm tự hào của nhân dân Định Công. Khi đã khơi gợi được tinh thần đó, tôi tin chắc các bạn trẻ sẽ tìm đến làng nghề nhiều hơn.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. Hy vọng với những nỗ lực của nghệ nhân, làng nghề đậu bạc Định Công sẽ ngày một phát triển hưng thịnh, để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.