"Đổi góc độ tiếp cận sẽ đưa đến những hành động khác"
(Sóng trẻ) - Đó là chia sẻ của Lê Thu Thủy - Quán quân cuộc thi ASEAN Youth Video Competition về thông điệp được gửi gắm trong tác phẩm đoạt giải của mình.
Tại vòng chung kết cuộc thi ASEAN Youth Video Competition chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa, hướng tới lối sống bền vững” được tổ chức trực tuyến vào ngày 8/10 vừa qua với 10 ứng cử viên tham gia, Lê Thu Thủy (đại diện nhóm sinh viên Truyền hình K37.A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã xuất sắc được Ban tổ chức chọn trao giải thưởng cao nhất trị giá 750 USD.
Đây là cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu nước Na Uy (NIVA) phối hợp tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ ASEAN về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và hướng dẫn họ sử dụng nền tảng kỹ thuật số để thể hiện ý tưởng sáng tạo và đổi mới về giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Cuộc thi cũng nhằm hỗ trợ Kế hoạch Hành động khu vực ASEAN về chống rác thải đại dương tại các quốc gia thành viên ASEAN.
Tham gia cuộc thi với vai trò đạo diễn lần đầu tiên, Lê Thu Thủy đã mang đến một tác phẩm video với góc nhìn độc đáo cùng thông điệp sâu sắc. Nhằm tìm hiểu về góc nhìn mới mẻ mà nhóm sinh viên đang hướng đến, Sóng Trẻ News đã có cuộc trò chuyện ngắn với Thu Thủy.
PV: Đầu tiên xin chúc mừng chị (cùng các cộng sự của mình) đã xuất sắc đạt được giải Nhất của cuộc thi ASEAN Youth Video Competition với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa, hướng tới lối sống bền vững”. Cảm nhận của của chị như thế nào khi biết tác phẩm của mình nhận được đánh giá tốt và nhận giải thưởng cao như vậy?
Khi gửi bài đi dự thi, chị khá tự tin là mình sẽ vào được Top 10 vì cách thể hiện sáng tạo, nhưng để nghĩ mình sẽ đạt giải Nhất thì không nghĩ tới. Hôm chung kết, chị thấy sản phẩm của các ứng cử viên thuộc các nước Đông Nam Á khác có giá trị truyền thông mạnh và tính báo chí cao, chưa kể còn đưa vào đó những số liệu khoa học thực tế, còn sản phẩm của chị lại thiên về thị giác nhiều hơn. Bởi vậy lúc nghe tin mình được giải Nhất thì chị đã rất vui và cũng hơi ngạc nhiên nữa.
PV: Với chủ đề “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa, hướng tới lối sống bền vững”, có rất nhiều ý tưởng có thể khai thác. Vậy lý do chị lựa chọn ý tưởng sản xuất video trên là gì? Chị hãy chia sẻ một chút cho độc giả được biết về nguồn cảm hứng đã thôi thúc chị sản xuất và hoàn thiện nó.
Môi trường luôn là một chủ đề có thể khai thác bất tận vì hiện tại đang có quá nhiều vấn đề cần được nói đến và xử lý. Nhưng phần lớn chúng ta đã thấy những hình ảnh thực tế và số liệu quá nhiều rồi và chúng ta đã tiếp cận đến vấn đề đấy với một tâm lý hơi tiêu cực thông qua báo chí hay mạng xã hội. Điều đó có thể sẽ gây ra một hậu quả là: mọi người thấy việc này nghiêm trọng quá, việc này chỉ dành cho các nhà khoa học hay những người hoạt động vì môi trường thôi chứ không phải việc của mình.
Hay như những hình ảnh nhà máy thải khói ô nhiễm nhiều khi nó gần mà cũng rất xa, không phải ai cũng nhìn thấy được hình ảnh đấy cũng như không tận mắt chứng kiến hiện tượng tan băng khiến gấu trắng và chim cánh cụt không còn nơi sinh sống. Nhưng trong video của mình, chị đã cố gắng thể hiện việc ô nhiễm rác thải nhựa ở biển gần gũi hơn và mang nhiều tính ẩn dụ hơn, mục đích để người xem có một góc nhìn khác về thực trạng môi trường. Góc tiếp cận khác sẽ đưa đến một hành động khác.
Về nguồn cảm hứng cho concept thì cảm hứng của chị đến từ phim hoạt hình Winx, mỗi nhân vật đại diện cho một nguyên tố khác nhau và không thể tách rời, nên trong tác phẩm của mình, chị cũng chia thành 4 nguyên tố, 4 màu sắc của Đất, Nước, Lửa, Khí để triển khai ý tưởng.
Dù là phim hoạt hình nhưng Winx mang một thông điệp về sự hoà hợp của thiên nhiên sẽ chiến thắng cái ác. Chị đã mang thông điệp đó vào phim của mình: Mẹ Trái Đất là tổng hòa của 4 nguyên tố, một nguyên tố bị ảnh hưởng thì tất cả cũng sẽ bị ảnh hưởng.
PV: Độc giả đều muốn hiểu rõ hơn về thông điệp ekip muốn truyền tải qua tác phẩm. Chị có thể làm rõ điều này.
Vì sản phẩm dành cho cộng đồng, nên chị muốn đặt cộng đồng là cốt lõi để họ hiểu tất cả những gì họ làm là dành cho họ, nên tại sao không làm điều đúng đắn? Ngoài ra phim cũng mang đến một thông điệp ở cuối video rằng: “Những hành động nhỏ tốt đẹp sẽ mang đến một sự ảnh hưởng tích cực”. Cứ mỗi ngày, mỗi người góp 1 chút sức lực, thì cộng dồn lại sẽ tạo nên một sức ảnh hưởng rất lớn.
PV: Bên cạnh những vấn đề về cuộc thi, đã có nhiều độc giả muốn tìm hiểu về quá trình sản xuất nên tác phẩm của chị. Chị hãy chia sẻ quá trình sản xuất cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình đó hay không (tìm ý tưởng, thiết bị kỹ thuật, kinh phí,...)? Trước những khó khăn đó, chị đã vượt qua như thế nào?
Để nói đến khó khăn thì thực sự rất nhiều vì đây là lần đầu tiên chị giữ vai trò đạo diễn một phim ngắn. Nhưng vì có những kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hình ảnh ở các vị trí khác đã giúp chị rất nhiều trong sản phẩm lần này.
Khó khăn lớn nhất luôn là yếu tố về vấn đề con người - nhân sự. Nhóm chị phần lớn chưa ai có kinh nghiệm đi làm phim như chị nên để hướng dẫn và định hướng tinh thần, truyền tải được ý tưởng là một điều cần rất nhiều sự cố gắng. Nhưng may mắn chị có những người đồng đội tuyệt vời, mọi người đã đồng lòng cùng nhau vì một tác phẩm chất lượng. Thời điểm lựa chọn ý tưởng này là lúc bọn chị đứng giữa hai quyết định, chọn làm một sản phẩm theo mong muốn hay là làm một ý tưởng dễ được điểm cao. Và bọn chị đã quyết định chọn làm cái mà mình muốn vì dù sao đây cũng là môn học cuối cùng của đời sinh viên.
Tiếp theo phải kể đến khó khăn về dịch COVID19. Đây không phải ý tưởng đầu tiên nhóm hướng đến, vì tình hình dịch bệnh nên nhóm không tìm được bối cảnh cho phương án cũ nên phải cấp tốc thay đổi trong khi thời gian nộp bài chỉ còn khoảng 2-3 tuần. Chị và nhóm đã phải tìm rất nhiều tư liệu từ các lĩnh vực khác nhau như: điện ảnh, hội hoạ, thiết kế,... Lúc lên ý tưởng thì phải cân đối về chi phí, thời gian và khả năng thực thi,... nên quá trình hoàn thiện bộ phim này khá là “căng”.
Nói sâu hơn về vấn đề kỹ thuật và chi phí thì chị cũng được hỗ trợ khá nhiều từ gia đình, anh em, bạn bè,... Vì phim sinh viên không dư dả lắm nên ai có mối quan hệ ở lĩnh vực nào sẽ dùng thôi.
PV: Trong quá trình sản xuất, từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành tác phẩm và cuối cùng là tham dự cuộc thi Asean Youth Video Competition, nhóm có nhận được sự tham vấn, hỗ trợ gì từ phía thầy cô, những người có kinh nghiệm chuyên môn,…?
Vì đã phải bỏ đi khá nhiều phương án cũ (một trong số đó đã được giáo viên bộ môn góp ý nhưng nhóm không có khả năng thực hiện) kèm với thời gian gấp gáp nên nhóm cũng không kịp yêu cầu sự nhận xét, hỗ trợ,... từ phía giảng viên ở ý tưởng này.
Toàn bộ từ khâu tiền kỳ đến hậu kỳ đều là sự cố gắng của các bạn sinh viên, ai biết gì làm nấy, ai hỗ trợ được thì cũng chung tay vào làm luôn. Kể cả những người đi hỗ trợ nhóm trong cả quá trình làm phim cũng đều là sinh viên hết. Chị nghĩ rằng nếu nhận được sự tham vấn từ thầy cô hay người có chuyên môn thì sản phẩm lần này sẽ còn tốt hơn nhiều.
PV: Theo thông tin thì tác phẩm đồng thời là bài tập cuối môn Đạo diễn truyền hình, vậy thắc mắc đặt ra là tác phẩm dự thi của nhóm có phải là bài tập cuối môn được nhóm lấy đi tham dự, hay ngay từ đầu đó là sự chuẩn bị có chủ đích của cả nhóm?
Việc gửi bài đi dự thi hoàn toàn không nằm trong chủ đích. Bởi vì bài tập được hoàn thiện vào tháng 5, nhưng đến tháng 7 cuộc thi mới bắt đầu. Cơ duyên mang mang chị đến với cuộc thi là vì một bạn trong ekip đoàn làm phim vô tình nhìn thấy chương trình này, cảm thấy sản phẩm của chị phù hợp nên bảo chị gửi đi thi thử.
PV: Trước đây chị có từng tham gia các cuộc thi tương tự? Nếu chưa thì có thể xem đây là sự bứt phá không?
Chị đã từng tham gia các cuộc thi khác về sản xuất hình ảnh nhưng quy mô tổ chức đều khá nhỏ và chỉ trong phạm vi quốc gia. Vì sản phẩm này là sản phẩm đạo diễn đầu tay, gửi đi thi cuộc thi của khu vực Đông Nam Á nên cũng có thể coi đây là một sự bứt phá. Ở góc độ cá nhân, chị cho rằng đây là một hành động đi khỏi vùng an toàn của mình, vì chấp nhận làm 1 ý tưởng khác biệt là chấp nhận việc có thể sẽ nhận nhiều ý kiến trái chiều.
PV: Ở một cuộc thi mang tầm cỡ khu vực, tất nhiên trong giao tiếp cũng như trình bày về ý tưởng thì không thể dùng tới tiếng việt mà phải dùng tiếng anh. Vậy thì vấn đề ngoại ngữ có gây khó khăn gì cho chị? Khi chia sẻ về ý tượng bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ thì chị nghĩ những gì mà mình chia sẻ có truyền tải hết nội dung tác phẩm mà nhóm hướng tới?
Về phần thuyết trình bằng tiếng Anh thì khó khăn nhất là chị không có nhiều vốn từ chuyên ngành về lĩnh vực Môi trường. Nhưng về mặt truyền tải thì chị đã truyền tải được hết ý đồ và nội dung mà tác phẩm nhóm hướng tới. Sản phẩm này thiên về thị giác nên hầu hết thông tin đều nằm trong từng khung hình rồi, người xem sẽ tự cảm nhận và phân tích, chứ chị cũng không biết mình nên nói gì hơn. Nếu nói hết ra thì chắc chắn mình phải chọn cách thể hiện khác chứ không chọn thể hiện qua hình ảnh nghệ thuật. Ban giám khảo là những người có kiến thức và chuyên môn cao về lĩnh vực nên hầu như cũng không ai thắc mắc về ý đồ của chị ở từng khung hình cụ thể.
PV: Theo em được biết, trước đây chị cũng đã có nhiều tác phẩm đạt giải ASEAN Youth Video chẳng hạn như nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ vào năm 2015. Tuy nhiên cuộc thi lần này diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID19 diễn biến phức tạp, thay vì được tham dự lễ trao giải trực tiếp thì chị đã đại diện nhóm dự lễ trao giải trực tuyến qua Zoom. Liệu chị có cảm nhận khác biệt nào khi tham dự dưới hình thức này không?
Theo chị, dù là hình thức trực tiếp hay trực tuyến thì đều là những trải nghiệm rất đặc biệt và khó quên. Và ở mỗi trải nghiệm ấy chị đều có những đồng đội phía sau hỗ trợ và dõi theo. Đối với chị nhận được những tình cảm và kỉ niệm trong quá trình làm việc với mọi người là điều quý giá nhất.
PV: Là sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình, một thành viên tích cực của CLB Truyền hình sinh viên STV cũng như đã có kinh nghiệm tham gia rất nhiều hoạt động sản xuất khác. Chị có nghĩ những CLB nghiệp vụ, những hoạt động ngoại khóa là một “tài sản quý giá” giúp chị tự tin hơn trong việc sản xuất tác phẩm dự thi?
Chắc chắn rồi, phải khẳng định rằng nếu chị không có khoảng thời gian trau trau dồi ở CLB Truyền hình sinh viên STV hay tham gia các dự án bên ngoài chị sẽ không bao giờ có đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện sản phẩm này. Nhiều khi việc học thôi là chưa đủ, là một sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình thì bản thân xác định rằng mình phải lăn xả vào nghề nhiều hơn nữa thì mới tự tin được vì nghề Báo quý giá ở những trải nghiệm thực tế.
Cảm ơn chị với những chia sẻ trên, hy vọng chị có thể hoàn thành những mục tiêu của mình và ngày càng thành công trong cuộc sống.
Nguồn: Nhóm phóng viên Sóng Trẻ News