Gian nan bảo tồn loài gấu

(Sóng trẻ) - Tạ Thị Thương – cô gái với ngoại hình nhỏ nhắn nhưng lại mang một ước mơ lớn lao và khát khao cháy bỏng bảo vệ sự sinh tồn cho những loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài gấu. Không quản ngại vất vả và khó khăn, Thương đang từng bước thực hiện cuộc hành trình cứu lấy loài gấu khỏi bờ vực tuyệt chủng.

“Loài gấu đang phải chịu bạo hành và đau khổ phía sau khung sắt của những chiếc lồng tại các trại nuôi gấu. Sự tồn tại của ngành công nghiệp tàn bạo này không mang lại kết quả gì tốt đẹp, và mọi thứ chỉ càng tệ hơn đối với loài động vật này trên cả phương diện phúc lợi và bảo tồn” - Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cho biết.

Thực tế, chỉ trong 10 năm qua, số lượng gấu tại Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu là do nạn săn bắt để phục vụ “ngành công nghiệp” lấy mật gấu. Giờ đây, để có thể bảo tồn và phục hồi các quần thể gấu hoang dã, nhiều trung tâm cứu hộ, trung tâm bảo tồn đã được thành lập. Trong đó phải kể đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Đây là một trong những cơ sở cứu hộ động vật lớn nhất của Quần thể Rừng Quốc gia Cúc Phương. Những chú gấu bị bắt nhốt trong nhiều năm sẽ được đưa về đây để tiến hành chữa trị, chăm sóc và phục hồi các chức năng. Chính nơi đây là nơi mà Thương đã âm thầm, lặng lẽ tìm lại cuộc sống hoang dã cho những chú gấu ấy.

Cứu gấu giống như cứu người

Tạ Thị Thương - Trợ lý quản lý động vật tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình - là một người đã có nhiều năm làm việc trong môi trường cứu hộ động vật. Bản thân cô chia sẻ, đây là một nghề không hề đơn giản, nhiều vất vả, khó khăn, nhưng lại là một trong những nghề cô cảm thấy tâm đắc và thiêng liêng nhất. Khi trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi, cô đã luôn nhắc đi nhắc lại: “Bảo vệ động vật hoang dã cũng chính là bảo vệ con người”.

jjhn.png
Tạ Thị Thương - Người đã có nhiều năm làm công tác chăm sóc và bảo tồn gấu tại Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình (Ảnh: NVCC)

Cũng giống như những loài sinh vật khác, gấu cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong quá trình vận động của môi trường tự nhiên. “Khu bán hoang dã này ngày xưa là khu đồi trọc, gần như đất đai là bị bạc màu hết, chúng tôi phải sử dụng các loại cỏ địa phương để giúp làm giàu lại đất nhưng mà cũng không ổn lắm. May mắn là các bạn gấu ăn xong, còn lại thức ăn thừa, thế là các sinh vật khác lại quay đến làm hình thành hệ sinh thái. Theo nguyên tắc tự nhiên, gấu là loài mang phân tán các loại hạt cho các loại cây lớn. Gấu ngoài tự nhiên nó đi 10 cây số một ngày nên cái khả năng cây cối được phát tán rộng như thế nào” – Bà Trịnh Thùy Linh - Quản lý truyền thông của cơ sở chia sẻ.

Chúng tôi đến với Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình vào một ngày thời tiết mát mẻ và được theo chân Thương đến khu vực chăm sóc gấu. Chứng kiến những chú gấu tại đây chơi đùa trong khu bán hoang dã, ít ai biết được chúng đã trải qua một thời gian dài trong quá khứ “tối tăm”. “Trước khi được đưa đến khu bảo tồn, những bạn gấu này cũng đã bị nuôi nhốt hàng chục năm để lấy mật. Trong quá trình nuôi nhốt, các bạn bị hành hạ, phải sống trong một môi trường chật hẹp, thiếu ánh sáng. Chúng thường xuyên phải chịu đau đớn do tiêm thuốc, chích điện, bị lấy mật một cách tàn nhẫn. Nhiều bạn còn bị lấy đi một bộ phận nào đó trên cơ thể để phục vụ những nhu cầu vô lý của con người” – Thương kể với đôi mắt ánh lên sự thương xót vô cùng. Thực sự, đây là những hành động quá đỗi tàn nhẫn với những loài động vật vô tôi, được Mẹ Thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống này. 

Nghe những chia sẻ của Thương, chúng tôi nhận ra cô luôn tâm niệm sự sống và tự do của những chú gấu cũng bình đẳng giống như con người. Chúng ta không thể cho rằng chúng ta là loài động vật bậc cao nhất để rồi có thể hành hạ các loài động vật khác như vậy. Không thể phủ nhận, con người cũng đóng góp trong tiến trình vận động tự nhiên khi thực hiện các hành vi săn bắt, hái lượm. Nhưng chúng ta cũng cần biết đâu là điểm dừng và xoá bỏ sự tàn nhẫn, vô trách nhiệm của mình – cái mà đang đẩy các loài động vật khác rơi vào nguy cơ bị tuyệt chủng. Nếu chúng ta không chấm dứt những vấn nạn ấy thì một ngày không xa, con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra. 

Trong hoàn cảnh bị nuôi nhốt và săn bắt dã man, các trung tâm cứu hộ động vật chính là “phao cứu sinh” của những loài động vật đang dần bị tuyệt chủng và những trung tâm cứu hộ gấu như này chính là ngôi nhà an toàn của loài gấu. Là một người biết trân trọng và yêu thương những loài động vật hoang dã, Thương chia sẻ: “Hãy nghĩ rằng sự sống của gấu cũng quan trọng như sự sống của một con người, việc cứu những chú gấu cũng quan trọng như việc chúng ta cứu một con người ra khỏi đám cháy hay cứu những người di cư đang lênh đênh trên biển vậy”.

Đến với nghề trước, yêu nghề sau

Nghe những chia sẻ từ tận đáy lòng của Thương, chúng tôi có thể nhận ra tình yêu và tâm huyết cô dành cho những loài động vật hoang dã, đặc biệt là gấu. Song, không phải từ nhỏ cô đã mang trong mình tình yêu với động vật hoang dã lớn như vậy mà chính một cái duyên nào đó đã đưa cô đến với nghề này rồi thắp sáng, bồi dưỡng ngọn lửa đam mê trong cô. Những câu chuyện, những mảng tối, những bi thương mà những loài động vật phải trải qua đã cho cô tình yêu ngày một lớn hơn với chúng.

Thương đã làm công việc cứu hộ động vật được gần chục năm, trong đó có 6 năm cô dành cho Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Hành trình Thương đến với nghề không phải một con đường thẳng, cô chia sẻ: “Khi mà tôi tốt nghiệp đại học thì cũng làm nhiều mảng linh tinh lắm, nó không liên quan gì đến động vật cả. Tôi từng làm những việc liên quan đến tài chính rồi marketing các thứ. Tuy nhiên, những công việc đó có nhiều thứ khiến tôi bị áp lực”.

Sau đó, cô bén duyên với nghề nghiệp hiện tại khi được giới thiệu tới làm việc tại tổ chức Save Vietnam's Wildlife. Sau 3 tháng làm việc tại đây, cô nhận thấy công việc này vô cùng thú vị, không còn căng thẳng như trước, và hơn hết, cô thấy được nhiều hơn về vai trò của động vật với môi trường. Không lâu sau, cô tiếp tục chuyển tới Cơ sở cứu hộ rùa tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Sau 9 tháng làm việc tại đây, cô chính thức chuyển qua công tác tại Cơ sở bảo tồn gấu hiện tại.

Theo Thương chia sẻ, lý do cô đến với nghề đơn giản chỉ là muốn thay đổi môi trường làm việc, muốn đi nhiều hơn, hiểu nhiều hơn. Khi dừng chân tại cơ sở bảo tồn gấu này, cô biết đây chính là nghề phù hợp nhất với mình. Cô thực sự cảm thấy được mình yêu nghề và muốn được bảo vệ loài gấu cũng như những loài động vật khác. Thương khẳng định: “Thời gian tới mình vẫn sẽ còn gắn bó với công việc này lâu dài”.

Cho đến bây giờ, cô đã trang bị thêm cho mình rất nhiều kiến thức mới về động vật cũng như mang một lòng thương cảm sâu sắc với những chú gấu bị bắt nhốt lấy mật. Mỗi khi giúp được bất kỳ chú gấu nào khỏe mạnh hơn, có thể sinh hoạt bình thường trở lại thì đó là niềm vui to lớn nhất với cô.

kk.png
Hằng ngày tiếp xúc với những chú gấu mang lại cho cô rất nhiều niềm vui (Ảnh: NVCC)

Với sự trân trọng ấy dành cho các loài động vật hoang dã, Thương không khỏi phẫn nộ khi nói đến thực trạng mua bán, săn bắt trái phép động vật hoang dã trong xã hội hiện nay. “Các loài động vật hoang dã là thuộc về tự nhiên, những hành vi săn bắt, mua bán động vật trái phép cần bị lên án và ngăn chặn. Nhà nước cùng chính quyền địa phương cần có biện pháp hữu hiệu hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã và nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này” – Thương bày tỏ.

Bảo tồn gấu – Công việc tuy vất vả nhưng nhiều niềm vui

May mắn được theo chân Thương đến với khu chăm sóc gấu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy công việc của cô và những đồng nghiệp tại đây. Là một trợ lý quản lý động vật giàu kinh nghiệm tại cơ sở bảo tồn gấu, mỗi ngày Thương đều phải làm khá nhiều loại công việc: Từ phân công nhiệm vụ cho các nhân viên chăm sóc động vật; huấn luyện các chú gấu cho đến việc chịu trách nhiệm bảo trì cơ sở hạ tầng cho cơ sở.

Công việc của Thương bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều, nhưng không phải ngày nào cô cũng làm việc đều 8 tiếng như vậy: “Tại cơ sở, nhiều lúc vẫn xảy ra các trường hợp, sự cố ngoài ý muốn, buộc những người cứu hộ phải có mặt để khắc phục bất cứ khi nào. Ví dụ như xung quanh các nhà gấu có các hàng rào điện bảo vệ được kết nối với hệ thống điều khiển trong văn phòng. Hàng rào này không gây chết người nhưng giúp ngăn cho gấu không thoát ra ngoài. Nhưng vào đêm những hôm mưa gió hay có nhiều loài động vật nhỏ bị mắc vào khiến hệ thống cảnh báo. Lúc đó các nhân viên sẽ phải có mặt và xử lý để đảm bảo an toàn ngay giữa đêm”.

Thương cho rằng việc huấn luyện gấu không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có sự học hỏi nghiêm túc từ những người có kinh nghiệm và phải được chuyên gia hướng dẫn. Những người huấn luyện gấu như Thương cần trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về các công đoạn huấn luyện gấu cũng như tình hình sức khỏe và tập quán của những chú gấu mình cần hợp tác. 

Việc huấn luyện này nhằm mục đích phục hồi tâm lý, các hành động bản năng của gấu cũng như hỗ trợ công tác kiểm tra sức khỏe cho gấu, giúp gấu làm quen với nhân viên y tế hay các mũi tiêm gây mê: “Với các bạn gấu này thì cần phải huấn luyện để các bạn tình nguyện cho tiêm vào tay. Mục tiêu là mình có thể tiêm vắc-xin hoặc gây mê mà chúng không bị căng thẳng. Bởi trước đây có khá nhiều bạn bị gây mê để trích hút mật nên chúng tự nhiên hình thành ký ức không tốt. Mỗi khi bác sĩ thú y cầm cái ống gây mê thôi thì chúng sẽ liên tưởng ngay tới những quá khứ đau khổ ấy. Thế nên việc huấn luyện động vật vô cùng quan trọng, nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của động vật”.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc huấn luyện các chú gấu, Thương cùng các đồng nghiệp cũng gặp không ít trở ngại trong công tác tiếp nhận các chú gấu: “Các chủ trang trại gần như không cung cấp đầy đủ thông tin như nhận chú gấu ấy về từ bao giờ, chế độ dinh dưỡng như thế nào, cách họ chăm sóc động vật ra sao… Các thông tin ấy họ gần như không cung cấp đầy đủ cho mình bao giờ”. Vì lý do đó, cơ sở rất khó để nắm bắt được tình hình sống trước đó của các chú gấu, dẫn đến việc khó khăn khi huấn luyện và quá trình đưa chúng về với sinh hoạt hàng ngày. Nhiều chú gấu thậm chí còn mắc các bệnh kinh niên, khó hòa nhập với môi trường sống, thường xuyên có các hành vi mất kiểm soát gây nguy hiểm cho người cứu hộ.

Nhưng với Thương, điều khiến cô lo lắng và căng thẳng hơn cả là khi bệnh tình các chú gấu trở nên nghiêm trọng, không được chữa khỏi. Dù đã cố gắng dùng mọi biện pháp, song nhiều chú gấu vẫn không thích ứng được với môi trường sống mới, không có dấu hiệu khỏe lại khiến cho các cứu hộ viên đều rất nản lòng và buồn phiền.

nnn.png
Tuy khó khăn, vất vả do đặc thù công việc nhưng niềm đam mê và sự nhiệt huyết của chị dành cho ĐVHD, đặc biệt là gấu không hề vơi đi (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc được hỗ trợ bởi các chuyên gia, Thương và các cứu hộ viên tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình luôn biết cách dành thời gian cho các chú gấu tại nơi đây. Họ học về gấu, chăm sóc, chơi đùa để nắm được sở thích, tập tính của chúng, rồi làm ra cả những đồ chơi, món ăn ưa thích của chúng. Chính tình yêu nghề, những kinh nghiệm và kiến thức của bản thân đã khiến cô gái bé nhỏ ấy vượt qua bất kỳ khó khăn nào. 

Hành trình tìm lại sự tự do cho những chú gấu hoang dã

Nhìn cảm xúc hiện hữu trên khuôn mặt cô gái ấy, tôi thấy niềm hạnh phúc của Thương khi nói về những chú gấu tại đây. Cô cho rằng mỗi chú gấu đều xứng đáng được tự do, được sống trong môi trường hoang dã tự nhiên của chúng. Chỉ vì những lợi ích ích kỷ của con người mà ta đang khiến chúng xa rời tự nhiên, đây là điều vô cùng đáng lên án. Chính vì vậy, Thương và các đồng nghiệp tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình luôn cố gắng để khôi phục tập tính tự nhiên cho những bạn gầu này.

Thương chia sẻ, để đưa được những bạn gấu về với tự nhiên, cô và các đồng nghiệp phải từng bước chăm sóc cũng như huấn luyện để chúng tập quen dần với môi trường hoang dã. Trước đó, các chú gấu này cũng phải trải qua một thời gian kiểm tra và cách ly tối thiểu 3 tuần. Trong khoảng thời gian đó, chúng sẽ được các chuyên gia và bác sĩ thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện các bệnh truyền nhiễm cũng như kiểm tra sức khỏe và tâm lý. Bên cạnh đó, các chú gấu này cũng sẽ được cung cấp thức ăn, đồ chơi mới để tập làm quen với môi trường sống tại cơ sở. Nếu như có bất kỳ chú gấu nào bị mắc bệnh hay còn căng thẳng, sợ hãi thì sẽ được các cứu hộ viên quan tâm đặc biệt và chữa trị bằng nhiều biện pháp. 

Sau khi đã ổn định về sức khỏe và tâm lý, những chú gấu này sẽ được đưa lên nhà gấu để làm quen với các chú gấu khác. Thương tâm sự: “Nhiều bạn mới đến còn sợ hãi, trốn trong nhà, không muốn ra ngoài tiếp xúc với các bạn khác. Những lúc đó chúng tôi phải làm nhiều cách để dụ bạn ra ngoài như rải thức ăn yêu thích của các bạn từ cửa chuồng ra tới ngoài vườn”. Cũng để hỗ trợ phục hồi bản năng hoang dã cho gấu, các cứu hộ viên cũng khuyến khích các chú gấu hoạt động nhiều hơn như bơi lội, leo trèo hay đập các loại quả cứng.

Thực tế, các trung tâm cứu hộ gấu có thể bảo đảm việc bảo vệ và chữa trị cho các chú gấu nhưng khó có thể giúp chúng trở về với môi trường sống tự nhiên thực sự. Gấu bị nuôi lấy mật thường bị bắt nhốt từ 15 đến 20 năm trong một môi trường sống chật hẹp, thiếu nước, thiếu ánh sáng, bị lấy mật quá nhiều dẫn đến việc bị các bệnh kinh niên và không còn đủ sức khỏe để đảm bảo có thể sống ở môi trường hoang dã thực sự. Không những vậy, việc bị bắt đi từ bé khiến các chú gấu này không có khả năng và thiếu kiến thức sinh tồn ngoài tự nhiên mà vốn dĩ được học từ gấu mẹ. Do vậy, dù có thả chúng về tự nhiên cũng khó đảm bảo chúng có thể tồn tại lâu dài ngoài đó. “Thêm nữa, ở Việt Nam chưa có một khu tự nhiên nào được bảo vệ nghiêm ngặt 100% nên nguy cơ các bạn gấu bị bắt lại là khá lớn. Việc tái thả phải được theo dõi và kiểm tra định kỳ, việc này tốn chi phí khá lớn và chưa ai hay một tỏ chức nào làm được. Cho nên, việc tái thả lại gấu về với tự nhiên là rất khó khăn tại Việt Nam”, Thương khẳng định.

kjkk.png
Sau khi được cứu chữa, những chú gấu cơ bản có thể thích nghi với môi trường tự nhiên và hòa nhập với những bạn gấu khác

Nhí Nhố - Chú gấu đặc biệt

Làm việc tại đây đã lâu, có nhiều kỉ niệm đáng nhớ cũng như tiếp xúc với nhiều các chú gấu gấu khác nhau, nhưng có lẽ Nhí Nhố là chú gấu để lại nhiều ấn tượng và sự ngạc nhiên nhất cho Thương và các nhân viên cứu hộ tại đây.

Trước đây, Nhí Nhố còn có tên gọi khác là “Hai Chân” bởi khi được đưa đến khu bảo tồn nó đã bị mất 2 chân trước. Các cứu hộ viên cũng không biết nguyên nhân tại sao Nhí Nhố chỉ còn 2 chân sau, có thể là người chủ trước đã chặt chúng đi vì lợi ích cá nhân hoặc nó bị thương do mắc bẫy. Khi nhìn thấy Nhí Nhố, mọi người đều có cùng suy nghĩ: Chú gấu này sẽ rất khó để phục hồi và làm quen với môi trường sống xung quanh.

Tuy nhiên, Nhí Nhố đã khiến Thương hết sức ngạc nhiên và vui mừng bởi sự phục hồi nhanh chóng của mình. Tuy chỉ còn 2 chân nhưng Nhí Nhố lại không gặp quá nhiều khó khăn trong di chuyển, thậm chí nó còn có thể bơi rất điêu luyện. 

Không thua kém bất kỳ chú gấu nào khác, Nhí Nhố leo trèo cũng rất giỏi. Thậm chí, nó còn là một trong những chú gấu khỏe nhất tại đây. Khi những chú gấu khác dùng tay để đập vỡ quả dừa thì nó lại chỉ cần dùng răng cắn nát. Nhí Nhố cũng vô cùng tinh nghịch khi làm đổ cả một bụi chuối mà các nhân viên cứu hộ trồng cho các chú gấu khác vui chơi.

Có thể thấy rằng, gấu tuy là một loài nguy hiểm trong môi trường hoang dã nhưng chúng cũng vô cùng đáng yêu và lạc quan. Chỉ cần cho chúng cơ hội sống, chúng sẽ tự tìm cách tồn tại, đấu tranh sinh tồn bằng bản năng mà Mẹ Thiên nhiên đã trao cho chúng. Cũng như các loài động vật hoang dã khác, cơ hội để gấu được tiếp tục sinh tồn và thực hiện vai trò trong chuỗi sinh thái tự nhiên phụ thuộc một phần vô cùng lớn vào cách suy nghĩ và hành động của con người. 

Công việc cứu hộ gấu – Buồn, vui xen lẫn

Những bỡ ngỡ, khó khăn khi mới vào nghề sẽ mãi là những kỉ niệm quá khứ khó quên đối với Thương cũng như những cứu hộ viên khác tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Xen lẫn vào đó là những kỉ niệm vui buồn, những cảm xúc đặc biệt mà những “người bạn” gấu dành cho họ trong suốt thời gian gắn bó với công việc này.

 

Nhiều nhân viên cứu hộ chia sẻ rằng mỗi khi bản thân gặp chuyện gì phiền lòng hay lo lắng, chỉ cần tới chăm sóc các chú gấu thì cảm xúc sẽ được giải tỏa nhanh chóng. Cảm giác giúp đỡ những người bạn nhỏ yếu đuối giúp bản thân họ cảm thấy trách nhiệm hơn, mạnh mẽ hơn khi vượt qua những khó khăn của cuộc sống bên ngoài.

Theo chân Thương một ngày và nghe những câu chuyện của cô, tôi nhận ra rằng, sự tâm huyết của cô gái ấy với những chú gấu tại đây là không thể đong đếm. Thậm chí, cô còn đang từng ngày lan tỏa tình yêu thương, sự trân quý với loài gấu cho bất kỳ ai đã đặt chân đến nơi đây. Thương chia sẻ với chúng tôi: “Khi làm các công việc khác mình không thể tìm thấy những cảm xúc đặc biệt như mình có trong công việc cứu hộ động vật này. Bạn sẽ không thể hiểu được cảm xúc khi chứng kiến một chú gấu ốm yếu mới được đưa về từ 1 trại nuôi nhốt lấy mật. Bạn sẽ không cảm thấy xót xa khi thấy một chú gấu mãi mãi không khỏi bệnh. Và bạn sẽ không biết rằng tại sao những người cứu hộ có thể vui sướng như vậy khi thấy một chú gấu dần dần bình phục. Nếu có công việc nào có thể đem lại cho bạn những cảm xúc ấy thì có lẽ đó là nghề bác sĩ - nghề cứu người”.

Vất vả có, hạnh phúc có, song với Thương đây chắc chắn là công việc có nhiều cảm xúc đặc biệt nhất với cô. Dù đã phải đi một đường vòng mới có thể chạm chân đến với trạm dừng này nhưng Thương biết đây chính là nơi cô thuộc về, là nơi nuôi dưỡng tình yêu và cảm xúc với động vật, với tự nhiên trong cô. Công việc cứu hộ gấu nói riêng và cứu hộ động vật nói chung có thể không phải là một nghề nghiệp phổ biến, được nhiều người biết, nhưng chắc chắn đây là một công việc chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn không kém gì những nghề nghiệp khác trong xã hội.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN