Giao lưu trực tuyến: Hành trình vạn dặm về miền sự thật

(Sóng trẻ) - Sáng 26/11, trang thông tin điện tử Sóng trẻ tổ chức giao lưu trực tuyến: “Hành trình vạn dặm về miền sự thật” nhằm mục đích truyền cảm hứng cho sinh viên và các nhà báo trẻ có mong muốn dấn thân vào nghề báo nói chung, thể loại báo chí điều tra nói riêng. Buổi giao lưu diễn ra thành công và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả.

img_6246.JPG
Hình ảnh trực tiếp tại buổi giao lưu trực tuyến

Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu

Phần 1: Hành trình đi tìm sự thật

Tên tuổi của cả hai thường gắn với các bài phóng sự điều tra, nhiều người thắc mắc sao hai nhà báo lại chọn mảng đề tài “gai góc” này? (Nhiều độc giả)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Làm báo đã 25 năm, tôi lựa chọn thể loại điều tra với mong muốn hướng tới một điều: bài báo chúng tôi viết ra sẽ đem lại những giá trị cho xã hội. Sau một bài báo điều tra, có thể một ai đó sẽ bị bắt giam, bị cách chức, nhiều sự việc nặng nề xảy ra; nhưng trái lại, ở khía cạnh nhẹ nhàng hơn, có lẽ những bài báo tôi viết sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, để các bạn thực hiện những hoạt động vì cộng đồng, xã hội. 

Các hoạt động tác nghiệp của chúng tôi đều vì mong muốn rằng trong xã hội, người tốt sẽ tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp; người xấu nhận thấy không nên làm việc xấu nữa. Thậm chí, cao cả hơn, quyết liệt hơn, cuồng nhiệt hơn là chống lại tiêu cực, thay đổi những điều luật, đem những bi kịch mà cộng đồng đang gánh phải chuyển tới cơ quan chức năng để cùng giải quyết. Có thể nói, đây là những tham vọng của các nhà báo điều tra. Chúng tôi mong mỏi những hiệu ứng xã hội thật sự mạnh mẽ đến cộng đồng.

Nhà báo Hoàng Chiên: Tôi không chọn báo chí điều tra, mà ngược lại, chính báo chí điều tra đã chọn tôi. Sinh ra và lớn lên ở miền núi, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà báo, thậm chí là theo mảng điều tra có thể nói là vô cùng nguy hiểm.

Đối với tôi, viết một bài báo không chỉ là để nhận nhuận bút, hay thể hiện mình quá nhiều trong tác phẩm. Điều quan trọng là sau khi bài báo được hoàn thành, nó mang lại hiệu quả gì cho xã hội. Với những bài viết liên quan tới rừng của chúng tôi, tôi nghĩ những tác phẩm ấy sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân địa phương; hoặc, phê phán những người phá rừng; giúp cho Nhà nước và những cá nhân, tập thể có liên quan đưa ra những chính sách hợp lý để bảo vệ rừng.

Cơ duyên nào dẫn dắt nhà báo Hoàng Chiên và nhà báo Doãn Hoàng trở thành những người cộng sự, đồng hành cùng nhau trên nhiều chặng đường? (Nhiều độc giả)

Nhà báo Hoàng Chiên: Như đã nói, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một nhà báo. Sau một thời gian đi học, tôi biết đến lớp phóng sự điều tra của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ở tỉnh Yên Bái. Từ tháng 4 năm 2010, tôi bắt xe khách từ Hà Nam lên Yên Bái học. Từ lúc ấy, tôi và anh Hoàng quen biết nhau. Khi đó còn là sinh viên, tôi được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng giao công việc bóc băng, phỏng vấn, viết các bài  nhà báo giao. Sau một thời gian, Mỗi người một thế mạnh, chúng tôi phối hợp với nhau tạo nên những tác phẩm hay. Chúng tôi gắn bó với nhau hơn 10 năm, có nhiều tác phẩm mang hơi hướm của hai anh em.

Câu hỏi dành cho nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Được biết, bản thân nhà báo cũng từng bị đối tượng xấu hành hung. Điều này có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp cầm bút của nhà báo không? (Độc giả Minh Anh - địa chỉ: Hà Nội)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sau khi một sự kiện xảy ra, rất nhiều mối nguy tìm tới. Đủ các món đòn trả thù được những đối tượng xấu tung ra nhằm tấn công. Đó có thể là nhắn tin dọa dẫm, tung tin bịa đặt,... Tuy nhiên, với tư cách là những người làm điều tra, chúng tôi dám làm, dám chịu, dám đối mặt và chấp nhận những hiểm nguy ấy.

Những điều nói trên có thể coi như là tai nạn nghề nghiệp. Gặp phải nhiều tình huống xấu, bị đe dọa, thóa mạ, những nhà báo điều tra chúng tôi nghĩ rằng: "Nếu mình không làm tốt thì sao họ lại căm thù mình tới thế?". Có thể nói, sự căm thù của người xấu đối với tôi, tôi cho rằng đó chính là điều hợp lý. Vậy nên, mỗi khi những người cộng sự gặp phải tình huống như vậy, tôi luôn động viên họ: "Vì chúng ta thành công nên họ mới ghen ghét như thế". Chiến đấu vì tiêu cực một cách hiệu quả, tôi khiến nhiều kẻ làm ăn phi pháp rơi vào vòng lao lý, để rồi những kẻ đó căm ghét tôi. Nhưng tôi cảm thấy tự hào khi bị "tạm thời ghét" như vậy, và tôi nghĩ điều ấy không ảnh hưởng gì tới ý chí của mình.

z2968359611394_e6f14bf56713ebe7c0e38c1f06b7ea2f.jpg
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng giao lưu cùng các khán giả qua sóng livestream

Câu hỏi dành cho nhà báo Hoàng Chiên: Trong những chuyến tác nghiệp, chuyến đi nào nhà báo cảm thấy ấn tượng nhất hoặc bị ám ảnh nhiều nhất? (Độc giả Anh Vũ - địa chỉ: Hải Phòng)

Nhà báo Hoàng Chiên: Từ khi sinh viên, tôi đã có chuyến tác nghiệp về việc khai thác vàng trái phép ở Lào Cai. Di chuyển hàng trăm kilomet, vì là sinh viên nghèo nên tôi rất lo lắng về chi phí, tiền xăng xe, cũng chẳng có những trang thiết bị chuyên nghiệp.. Đến lúc tới, tôi lại không biết phải tiếp cận họ như thế nào, khai thác thông tin ra sao.

Tới nơi khai thác, tôi tỏ ra tự nhiên, lại gần bắt chuyện như những người thân quen. May sao ở đây toàn người dân tộc Tày, và tôi cũng biết thứ tiếng này, nên khi tôi nói họ không có chút nghi ngờ vì cứ nghĩ tôi là người bản địa.

Đứng trên hố khai thác, chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp rồi vội cất vào. Không may, lúc sau họ nghi ngờ chúng tôi là chính quyền. Ngay lúc đó tất cả phải vội rời đi thật nhanh. Khi về đến nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Đúng là một công việc đáng nhớ thời sinh viên.

Phóng sự là một thể loại báo chí nói lên sự thật, tái hiện toàn bộ sự việc một cách trung thực nhất. Điều đó có nghĩa là người thực hiện phải trực tiếp thâm nhập, đặt mình vào hoàn cảnh để hoàn thành tác phẩm. Vậy theo hai nhà báo việc phải đánh đổi thời gian cho bản thân hay gia đình để đi làm có bao giờ là một quyết định khó khăn với bản thân không? (Độc giả Ngọc Mai - địa chỉ: Hà Nội)

Nhà báo Hoàng Chiên: Khi chưa có gia đình, tôi đi đâu cũng được, thậm chí đi nhiều ngày, có vào những nơi nguy hiểm cũng không nghĩ nhiều. Nhưng khi có gia đình, mọi thứ khác hoàn toàn. Có lúc tôi xách balo chuẩn bị đi, con nhỏ thấy, hỏi: "Bố lại đi à?". Điều ấy khiến tôi thực sự suy nghĩ nhiều.

Hiện nay tôi làm về mảng điều tra. Dù đã cố gắng ẩn mình nhưng khi điều tra một vấn đề gì đó, họ vẫn có khả năng ghi lại qua camera và đăng lên 1 nhóm nào đó để cảnh báo. Chúng tôi thường phải thay đổi xe cộ, luân chuyển nhóm phóng viên. Những người như chúng tôi không dám chia sẻ về gia đình hoặc bạn bè lên mạng xã hội vì không biết điều gì đang diễn ra, liệu có người điều tra và theo dõi mình như mình làm với họ. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn cố gắng làm dù nguy hiểm bủa vây.

img_6278.JPG
Nhà báo Hoàng Chiên chia sẻ những câu chuyện tác nghiệp của bản thân 

Trong sự phát triển liên tục của báo chí, ngoài lối trình bày các tác phẩm điều tra thông qua các con chữ thì vẫn còn những hình thức thể hiện phong phú, bắt mắt khác như video, hình ảnh,... Vậy để sản xuất ra các loại hình đó yêu cầu nhà báo, phóng viên hiện nay cần phải có những kỹ năng như thế nào để thỏa mãn độc giả? (Độc giả Thành Công - Thái Bình)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thời xưa, Việt Nam không có Internet. Khi tôi đi làm báo chuyên nghiệp cũng không có điện thoại. Công việc chúng tôi làm lúc đó rất khó khăn, cũng chỉ có báo giấy, muốn gửi bài chỉ có thể viết ra giấy và chuyển tới tòa soạn.

27 năm sau, báo chí thay đổi đến chóng mặt, với sự xuất hiện của multimedia, có trí tuệ nhân tạo, tích hợp đa dạng. Cho tới bây giờ, có thể nói nhà báo cần rất nhiều kỹ năng. Nhiều tòa soạn hiện nay còn không chấp nhận tin gửi tới mà không có video. Yêu cầu càng ngày càng cao. Khả năng quay phim và chụp ảnh cũng cần được chú ý.

Độc giả không chỉ cần độ truyền tải, hiệu ứng xã hội mà còn cần phải đẹp, gây ấn tượng, tác động mạnh vào cảm xúc của độc giả. Nói vui thì có thể nói độc giả bây giờ cần "đặc sản" chứ không phải "ăn ngô". Chúng ta cần chất lượng cả về nội dung lẫn hình ảnh, hướng tới văn hoá nghe nhìn của công chúng. Đó có thể là hình thức trình bày đẹp mắt hơn, độc đáo hơn, phân tích bài viết sâu hơn, phải biết giữ chân bạn đọc. Đối với các phóng viên/nhà báo trẻ hiện nay, những yêu cầu này chính là thách thức đặt ra trong thời kỳ báo chí hiện đại để các bạn tự vượt lên chính mình và thành công.

Có những vấn đề khi được báo chí lên tiếng tạo hiệu ứng ngay, nhưng sau đó lại tái diễn. Như vậy theo hai nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và Hoàng Chiên, lúc này nhà báo cần phải làm gì? (Độc giả Tiến Hưng)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Có thể nói, báo chí sợ nhất rơi vào cảnh "đá ném ao bèo". Chúng tôi đã dành ra nhiều năm để làm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, và là một trong những người làm báo đầu tiên dám lên tiếng về vấn đề thực phẩm bẩn, tẩm nhiều hóa chất độc hại tại Việt Nam. Chiến đấu với các cơ sở thực phẩm bẩn, vậy mà 10 năm sau khi quay lại, các cơ sở đó vẫn hoạt động, và câu chuyện điều tra lại tiếp diễn.

Trong bất kì vấn đề nào, để không rơi vào tình trạng "nói từ lúc đầu còn xanh tới đầu bạc" mà vẫn không thể giải quyết được câu chuyện mình hướng tới, nhà báo buộc phải chiến đấu đến cùng. Chúng ta không chỉ phản ánh, mà còn điều tra, kiến nghị, vạch ra hướng giải quyết. Hãy có thái độ quyết liệt. Thậm chí các nhà báo Việt Nam có thể cùng với những nhà báo quốc tế cùng lan tỏa tới mọi người, cộng đồng, đưa ra những lời cảnh báo.

Tham vọng của các nhà báo khi viết một tác phẩm là có thể đi tới tận cùng của vấn đề, chứ không chỉ đơn thuần là để khoe khoang, phát tài, nhận giải thưởng. Chúng tôi mong rằng mình sẽ cố hết sức, làm đến tận cùng để khi nhìn lại có thể nhận ra được sự chân thành, cho thấy một quá trình thay đổi, về lượng và cả về chất. 

Phần 2: Trò chơi "Nghệ thuật nhập vai"

Tình huống 1: Giả sử khi đang đi thực hiện phóng sự điều tra tại một nơi vô cùng phức tạp và nhà báo bị ảnh hưởng tâm lý bởi những cám dỗ hoặc những điều ngoài sức tưởng tượng (ví dụ như bạo lực, cảnh tượng kinh hãi,…) thì nhà báo phải cân bằng lại lý trí và cảm xúc ra sao hay phải làm như thế nào để bình tĩnh lại được? 

Nhà báo Hoàng Chiên: Khi thực hiện điều tra chắc chắn sẽ có rất nhiều điều phát sinh. Nếu như gặp cảnh tượng kinh hãi liên quan đến chém nhau, đánh nhau, tôi nghĩ sẽ tùy tình huống diễn ra ở hoàn cảnh nào, thời gian nào mà ứng biến.

Có thể kể lại một lần chúng tôi làm về buôn bán động vật hoang dã ở Phú Thọ, một cá thể gấu đã cắn đứt tay của một em bé. Khi thực hiện, gia đình họ xông ra chửi mắng vì nhà báo tìm hiểu khi gia đình đang có sự thương tâm. Họ nói rằng chúng tôi là những người không có lương tâm, nhưng tôi lại nghĩ: "Nếu không đưa tin lúc này, mình sẽ đưa lúc nào?", bởi điều này không chỉ liên quan đến sức khỏe, công tác bảo vệ trẻ em, mà còn là công tác bảo vệ thiên nhiên.

Nhóm chúng tôi đã tìm đến hàng xóm, kiểm lâm, chính quyền, đặt câu hỏi vì sao em bé đi chơi mà bị cắn đứt cả hai tay. Trong quá trình tìm hiểu, ngay giây phút quan sát thấy chuồng gấu, cả nhóm ai nấy đều lạnh người vì quá nguy hiểm. Một cá thể gấu đáng sợ như vậy mà người ta lại nuôi làm cảnh, đặt chuồng ngay giữa khuôn viên. Có thể thấy, không chỉ em bé, mà còn nhiều người khác cũng sẽ có nguy cơ gặp hoàn cảnh tương tự.

Theo tôi, dù sau nay nếu gặp một cảnh tượng kinh hãi, tôi vẫn sẽ đương đầu để hoàn thành công việc, hoàn thành trách nhiệm với xã hội.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Trường hợp như vậy tôi gặp rất nhiều, phần vì những công việc tôi làm có phần khốc liệt hơn. Có một lần tôi đi Châu Phi điều tra, vào khu vực cần thu thập thông tin nhưng lại phải để hết đồ bên ngoài. Toàn bộ từ hộ chiếu, máy quay lén, thẻ nhà báo. Tôi buộc phải bảo rằng, mình không cảm thấy an toàn khi không có đồ bên cạnh, nếu không sẽ rất dễ bị lộ. 

Có những lúc điều tra giao dịch xã hội đen, họ đưa chúng tôi vào những khu ăn chơi, sex show để chúng tôi bộc lộ bản chất. Nhưng chúng tôi buộc phải giữ mình, bản lĩnh, rõ ràng, cố gắng giấu đi những thông tin cá nhân của bản thân. Chúng tôi luôn tính theo nhiều phương án để có hướng lui.

Theo tôi, điều quan trọng là phải giữ cái đầu lạnh khi điều tra, tìm hiểu kỹ đối tượng để tránh rơi vào tình huống nguy hiểm. Nếu người ta ma mãnh, hiểu mình thì phải từ bỏ, tìm hướng khai thác khác. Có thể nói là đối mặt nhưng tránh đối đầu, chú trọng đối thoại. 

Phần 3: Giải đáp thắc mắc khán giả

Trong bài viết “Lai Châu: Người đàn ông với khối u kì dị trên mặt” do hai nhà báo thực hiện có đề cập đến việc “Người đàn ông này bị khối u hành hạ, đau đớn, nên chán nản đã đổ đời vào dùng ma túy”. Nhưng ma túy là chất cấm, nếu bị cơ quan chức năng đọc được thì có ảnh hưởng đến cuộc sống của người đàn ông đó không? (Khán giả Minh Tâm)

Nhà báo Hoàng Chiên: Trường hợp anh Thào A Tu có rất nhiều người ủng hộ. Là một nhà báo chúng tôi rất cân nhắc khi đưa vào những chi tiết. Nếu mình có thể làm điều gì đó phi thường, giúp đỡ mọi người, mình sẽ thực hiện.

Về câu chuyện của A Tu, ban đầu má trái của anh có một khối u. Một thời gian ngắn sau khi cắt khối u bên trái, khối u khác lại mọc ở bên phải.Buồn hơn là anh thừa nhận mình bị khối u hành hạ, đau đớn, nên chán nản và cũng là "để cho nó đỡ đau đớn", anh dùng ma túy. Anh Tu nghiện ma túy nên càng lâm vào bần hàn hơn, gánh nặng gia đình ngày càng lớn.

Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn kêu gọi độc giả, các nhà hảo tâm chung sức giúp đỡ Thào A Tu, để anh thoát khỏi sự hành hạ của đau đớn và mặc cảm từ khối u quái ác. Đó cũng là động lực để anh có thể thoát khỏi bóng tối của ma túy.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Khi thực hiện bài viết về anh Thào A Tu, quả thật chúng tôi cũng đã rất trăn trở. Tuy nhiên, tôi đã tính rất kĩ khi viết rằng: "Anh Thào A Tu vì đau đớn nên mới sử dụng ma túy để giảm đau", điều này có nghĩa là khi không phải chịu đau đớn, anh ấy sẽ hoàn toàn phải không dùng tới ma túy. Bên cạnh đó, theo Chính phủ Việt Nam, người nghiện là một bệnh nhân đặc biệt, không phải tội phạm. Chúng ta nên có trách nhiệm chia sẻ, chăm sóc, yêu thương họ. Việc chúng ta kêu gọi từ thiện cho một bệnh nhân đặc biệt như vậy là điều hoàn toàn hợp lý.

Bản thân cháu tự cảm nhận mình là một người khá nhút nhát chưa năng động, nhưng lại ngưỡng mộ những người làm phóng sự điều tra bởi trong họ có bản lĩnh có niềm tin. Vậy hai nhà báo có thể đưa ra lời khuyên giúp cháu có thể thay đổi bản thân tự tin theo đuổi con đường này được không ạ? (Khán giả Kim Anh)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Con gái theo đuổi báo chí điều tra sẽ khó hơn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nhà báo nữ tham gia báo chí điều tra, như: Chị Thu Trang - Báo Phụ Nữ TP. HCM; chị Liên Liên - VTV. Là nữ, hãy phát huy thế mạnh của mình nhiều hơn. Trong điều tra, người nữ có sự nhập vai, thuyết phục người khác sẽ dễ hơn. Cách các bạn giao tiếp, nhắn tin, gọi điện,.. là kĩ năng mềm cực kì quan trọng. Gieo tính cách gặt số phận. 

Các bạn muốn trở thành nhà báo chuyên nghiệp, vậy các bạn cần phải có sự chuyên nghiệp trong cuộc sống, nghiêm khắc trong làm việc. Cần quyết liệt trong hành vi, phải biết giao tiếp để hiểu tâm trạng. Có sự tôn trọng với người khác. Cần có nguyên tắc sống, trở thành người khoa học, có tư duy, hiểu tâm lý đối tượng, hiểu quan điểm của toà soạn, của báo chí, của độc giả, của nhà nước. 

Chúng ta đã nói khá nhiều về những khó khăn của hai nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và Hoàng Chiên, vậy còn những thành công mà hai nhà báo đạt được sau khi phải trải qua vô vàn gian nan, vất vả thì sao? Và suốt chặng đường qua, bây giờ nhìn lại, hai nhà báo cảm thấy đâu là thành công lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút chiến đấu của mình? (Khán giả Tú Anh)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Mỗi 1 năm, người ta thường nhìn lại mình. Câu hỏi của bạn đã khiến tôi chợt nhìn lại. Gần 30 năm cầm bút, 20 làm điều tra. Chúng tôi luôn nhìn lại và cố gắng để không phí thời gian cầm bút. Các bạn trẻ cũng nên nhìn lại và tổng kết quá trình của mình.

Chúng tôi là những người hoạt động xã hội, không chỉ viết báo mà còn vận động phong trào về những hành động ảnh hưởng tới xã hội: buôn người, thực phẩm bẩn, phá rừng. Chúng tôi viết báo để chiến đấu lại những điều đó, và truyền tải tới các cơ quan chức năng để đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Bảo vệ con người trước bất công trong trang viết và ngoài trang viết. Các bạn trẻ cũng nên hướng tới xử lí những vấn đề của xã hội theo hướng nhân văn.

Anh Chiên ơi, theo như em tìm hiểu thì anh đã công tác tại báo điện tử Dân Việt khoảng 1 năm nay, và lĩnh vực chủ yếu anh đang theo là báo chí điều tra. Không biết ngoài thể loại này, anh còn đam mê với thể loại báo chí nào khác không ạ? (Facebook Huyền Nguyễn)

Nhà báo Hoàng Chiên: Tôi tham gia Dân Việt từ tháng 10/2020, trước đây cũng công tác ở trung tâm nghiên cứu môi trường. Có thể nói đây là cái duyên của tôi với điều tra, khi tôi cũng có cơ hội tiến hành tổ chức cho các nhà báo điều tra thực hiện các loạt bài. Qua quá trình công tác, được gặp gỡ, giao lưu với các nhà báo ở mọi miền Tổ quốc, tôi đã học hỏi, tìm hiểu cũng như sáng tạo nên nhiều tác phẩm.

Khi công tác tại báo Nông thôn ngày nay, tôi vẫn thực hiện các loạt bài phản ánh khác, theo dõi những địa bàn được giao, như theo dõi tin nóng, tin thời sự. Về mảng báo chí điều tra, tôi ở trong ban Bạn Đọc, trả lời những câu hỏi xoay quanh báo chí điều tra.

Theo cháu được biết có nhiều cuốn sách do chú Hoàng viết đã được xuất bản: “Đi hoang qua miền hoa lệ”, “Búi Thông thơ dại”, “Ở lại với ngàn sao”, vậy với chú làm báo và viết văn, chú kỳ vọng cái gì hơn cho mình? Và với chú văn chương có ý nghĩa như thế nào? (Facebook Thanh Hương Nguyễn)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi xuất phát từ người viết văn không phải người làm báo. Nhưng khi trở thành nhà báo, tôi đã đưa văn chương sang một bên vì tôi muốn tuổi trẻ và sức chiến đấu dành cho báo chí, tác động trực tiếp tới xã hội. Tôi đã in 31 cuốn sách, ngoài liên quan tới báo chí, tôi còn có những cuốn tản văn, truyện ngắn,...

Tôi tin rằng tôi làm báo bằng cái đầu của người làm văn chương, với lối nói chuyện rất chân thành, và có thể trở thành những người bạn của các bạn. Mình sống bằng con người thật, tâm hồn thật của mình. Đó là một tâm hồn xúc cảm, nhạy cảm, văn chương. Khi cái chất đó đi vào báo chí, nó trở thành sự bình đẳng: bình đẳng trước nạn buôn người, bình đẳng trước tôn giáo,.. chúng tôi hướng tới những đề tài nhân văn. Khi các bạn có cảm xúc sống, đồng cảm với người khác, viết báo sẽ cảm xúc hơn. 

Hãy hướng tới gia trị cảm xúc, với giá trị cốt lõi của là hướng tới xã hội. Người làm báo chữ tâm nên đi đôi với chữ tài, và điều đó xuất phát từ cái hồn đã, đang và từng yêu văn chương.

Xin có một thắc mắc dành cho nhà báo Hoàng Chiên: Đại dịch COVID-19 vừa rồi có ảnh hưởng gì tới công việc điều tra, và nếu có ảnh hưởng thì ảnh hưởng thế nào? (Facebook Nguyễn Ngân)

Nhà báo Hoàng Chiên: Đại dịch có ảnh hưởng tới tôi và những người làm báo, đặc biệt là khi giãn cách xã hội, mình không thể đến nơi muốn tìm hiểu. Có lợi thế là đi mình được đeo khẩu trang kín mặt, giấu danh tính và có thể thực hiện phóng sự điều tra. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị và sẵn sàng khi hết giãn cách. Khi dịch ổn định, chúng tôi đã dành ra thời gian 2 tuần để thực hiện những đề tài mà mình ấp ủ từ lâu. 

Người ta thường nói nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là người "xê dịch", những chuyến rong ruổi tận trời Âu, Mỹ là nguồn “dưỡng chất” cho sáng tác. Có lẽ, nhà báo là người giàu có và may mắn trong làng báo? (Facebook Nguyễn Thị Xuyến)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi là một người giàu nhưng không phải về vật chất, không phải vàng bạc châu báu mà chính là quyển hộ chiếu. Thời kì cuối những năm 90, đầu 2000, tôi đã đi hết 64 tỉnh thành ở Việt Nam. Sau đó, tôi bắt đầu đi khắp thế giới, và tôi cảm thấy mình giàu có vô cùng vì được mở tầm mắt. “Mỗi ban mai thấy một khung trời mới", tôi nghĩ rằng di chuyển là một niềm hạnh phúc và đem lại những trải nghiệm cho mình. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN