Giao lưu trực tuyến – Nhạc sĩ Giáng Son “khát” trong “Bóng tối Jazz”

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 5/11/2015, tại Hội trường B11 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ban biên tập Trang tin điện tử Sóng trẻ (Songtre.tv) tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến cùng nhạc sĩ Giáng Son với chủ đề: Nhạc sĩ Giáng Son “khát” trong “Bóng tối Jazz”. 

Giáng Son khiến người yêu nhạc bất ngờ với "Bóng tối Jazz"

Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: Nhạc sĩ Giáng Son "khát" trong "Bóng tối Jazz" có sự tham dự của Thạc sĩ Trần Phương Lan - Trưởng Ban Biên tập Sóng trẻ, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Trang - giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng đông đảo sinh viên, độc giả của Sóng trẻ. Tác giả "Hả Nội 12 mùa hoa" đã chia sẻ một cách cởi mở chân thành với độc giả Sóng trẻ xung quanh câu chuyện về âm nhạc, nghệ thuật và album mới ra mắt.

eb5f800b4_1.jpg
Thạc sĩ Trần Phương Lan - Trưởng BBT Sóng trẻ tặng hoa cho khách mời

Phần giao lưu trực tuyến:

8 năm kể từ khi cho ra mắt album đầu tiên, người yêu nhạc mới có thể cầm trên tay một sản phẩm mới của Giáng Son? Chị có nghĩ mình đã để người hâm mộ chờ đợi quá lâu không? (Phạm Minh Hà, Hà Nội)

Mình đã chọn Tùng Dương và Hà Trần là người thể hiện những ca khúc trong album thứ 2 này của mình. Trước khi làm CD thì Giáng Son có 1 số dự định với Uyên Linh, Hà Linh vì họ cũng có sự tinh tế, độ phiêu cho thể loại này. Tuy vậy, họ không có thời gian để làm việc với Giáng Son.

Đây là lần đầu tiên Giáng Son cộng tác cùng Hà Trần, trong đó có những bài quá quen thuộc cho Hà Trần như "Cỏ và mưa". Khi Hà thu âm các ca khúc này bên Mỹ, Hà tự xử lý bài mà không có Giáng Son bên cạnh. Theo Giáng Son, cách xử lý của Hà phù hợp với phong cách blue jazz. Còn đối với Tùng Dương thì những sáng tác của mình sáng tác ra thì kiểu gì Dương cũng hát được. do đó không thể thiếu Dương trong album này.

Sở dĩ người yêu nhạc phải chờ đợi lâu vì quá trình thực hiện album gồm nhiều công đoạn và thực sự quá trình hòa âm, phối khí thì mất rất nhiều thời gian. 



Ca khúc chủ đề "Bóng tối Jazz" có phải là ca khúc chị tâm đắc nhất trong sản phẩm âm nhạc này không? Tại sao? ([email protected])

Giáng Son có nhiều ca khúc tâm  đắc. “Bóng tối Jazz” là một trong những ca khúc tâm đắc nhất, đó cũng là ca khúc đầu tiên Giáng Son cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Minh Tiến – người cùng cộng tác nhiều ca khúc: “Giấc mơ trưa”… Tuy nhiên ca khúc hơi khác một chút nên Giáng Son giữ lại từ năm 2004 mà không cho vào sản phẩm âm nhạc đầu tay. Từ đó đến nay ca khúc này đã ra đời được 11 năm. Rất nhiều bản demo được các bạn ca sĩ yêu thích thích và muốn mua nhưng Giáng Son muốn giữ dành cho Hà Trần, và "Bóng tối Jazz" đã chính thức do Hà Trần thể hiện.



Thể loại Blues-Jazz vẫn được cho là kén người nghe. Vậy đâu là lý do khiến chị quyết định ra một album về thể loại âm nhạc này? (
Minh Đức, Đại học Sư phạm Hà Nội)

Giáng Son nghĩ rằng đây là loại nhạc khó nghe hơn nhạc nhẹ thông thường. Nhưng Blues Jazz là loại nhạc thực sự xuất phát từ trái tim nên sẽ đến được với mọi người. Những nỗi buồn, nỗi đau ai cũng có trong cuộc đời con người nên Blues Jazz sẽ nói được thật nhất mà không bị sến. Blues Jazz xuất phát từ Mỹ La - tinh, với những người học nhạc thì thể loại này khá phổ biến. Giáng Son muốn có 1 thể loại Blues Jazz của Việt Nam, do người Việt Nam sáng tác và phối khí.

1b309fd69_3.jpg
MC Quang Đức và nhạc sĩ Giáng Son



Chào chị giáng Son, em được biết 8 ca khúc trong “Bóng tối Jazz” được phổ nhạc từ thơ. Vậy việc phổ nhạc từ thơ có những thuận lợi và khó khăn gì? (Hồng Nhung 24 tuổi, Đà Nẵng)

Tôi nghĩ đây là một nhân duyên nào đó, không phải bài thơ nào hay có thể phổ được, không thể mở khóa được bởi nó đã quá hay, cái nhịp điệu âm nhạc nó đã có sẵn trong đó quá mạnh. Một người nghệ sĩ mà chạy theo thơ thì là người thất bại. Thơ phải theo giai điệu chứ giai điệu không thể theo thơ. Với một số bài thơ, Giáng Son thấy chính mình trong đó mới có thể phổ nhạc được.



Nếu như album Vol 1 Giáng Son của chị là những ca khúc thuộc thể loại pop, ballad, dân gian đương đại. 8 năm sau chị quay trở lại bằng album vol 2 "Bóng tối Jazz" là những ca khúc thuộc thể loại Blues Jazz. Đây có phải là sự trở lại bản ngã của mình không? (Cường Ngô - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Nhiều người nghe “Giấc mơ trưa” thì nói rằng phong cách này, bản ngã của Giáng Son. Nhưng cũng có người cho rằng Blues Jazz trong album mới ra mắt này mới thực là phong cách Giáng Son. Giáng Son cho rằng mình còn nhiều phong cách cần phám phá, vẫn đang đi tìm phong cách cho mình.



Nếu phải miêu tả cá tính âm nhạc của chị bằng một từ thì chị sẽ nói từ gì và tại sao? (Trần Thu Trang, Thanh Hóa).

Tôi dùng từ “nữ tính” để miêu tả âm nhạc của bản thân. Quả thực dù Giáng Son có những bài gai góc, quằn quại hay mãnh liệt thì mọi người vẫn nhận xét âm nhạc của Giáng Son “nữ tính”. Con người mình như vậy rồi, dù cho Giáng Son có viết Rock cũng không thể thay đổi được.



Nhiều sáng tác của Giáng Son phổ thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến hoặc Nguyễn Vĩnh Tiến viết lời mà đơn cử là ca khúc “Bóng tối Jazz” trong album này. Bắt nguồn từ đâu mà chị và anh Nguyễn Vĩnh Tiến lại có sự đồng cảm như vậy? (Lan Hương, Hải Phòng)

Giáng Son nghĩ trong cuộc sống thì ta gặp nhau, không gặp nhau, hay chúng ta yêu ai thì trước là phải có cái duyên còn phận hay không thì là chuyện khác. Giáng Son gặp anh Tiến cũng thế, hai người gặp nhau hết sức tình cờ khi tôi có cuộc gặp với nhạc sỹ Ngọc Đại, thẩm định bài hát “Bà tôi”. Lần đầu tiên nghe ca khúc anh Vĩnh Tiến vừa đánh đàn vừa hát, thấy rất là hay, rất Việt Nam, rất hiện đại. Giáng Son biết đây vừa là một nhà thơ, vừa là một người nhạc sĩ.

b6bcebfef_2.jpg
Nhạc sĩ Giáng Son tại buổi Giao lưu trực tuyến



Chị có suy nghĩ như thế nào về câu nói của Victor Hu: “Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng câm”? (Hoàng Sơn - 20 tuổi, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Giáng Son là người học piano từ năm 7 tuổi, là một người sống trong âm nhạc. Giáng Son nghe nhạc không lời rất nhiều, đúng như Hu nói, âm nhạc không lời nhưng nó nói được những lời sâu thẳm nhất. Tuy nhiên muốn nghe được nhạc không lời phải có sự hiểu biết, sự chuẩn bị. Những ca khúc có lời như dẫn chuyện, vẽ ra những câu chuyện dẫn dắt người nghe. Phần nhạc và phần lời phải ăn nhập với nhau.



Chị có bao giờ khóc khi viết nhạc không? (Thu Lan, Đại học Công nghiệp)

Khi chuẩn bị tốt nghiệp cao đẳng sáng tác, Giáng Son rất mê một bản nhạc, khi nghe mình khóc tràn trề không thể ngừng được bởi những gì bản nhạc mang lại. Bản nhạc không lời khiến mình khóc vì những cảm xúc chất trong đó, vì xúc động quá, vì tác giả viết hay quá, mình khóc vì nghĩ mình không thể viết được những bản nhạc đó. Lúc đó rất lo vì làm sao viết được 3 chương nhạc trong vòng 20 phút. Nghe những bản nhạc của các thiên tài như Beethoven, Mozart, Giáng Son cảm thấy mình quá nhỏ bé.



MC: Nghệ thuật phải “khát” mới thành công, phải điên mới khẳng định được mình. Giáng Son khát và điên như thế nào?

Thực ra cái "điên" giống như nhà thơ Đỗ Trung Quân nói, trong nghệ thuật thì phải đi đến tận cùng sự khao khát, đam mê, mình làm điều khác biệt, người khác chưa làm, không dám làm. Đối với người làm nghệ thuật không thể thiếu độ “điên”. Giáng Son "điên", nhưng chỉ "điên" trong nghệ thuật thôi, chứ không thể là cái điên rồ trong đời sống. Đối với nghệ thuật thì phải có cá tính nổi trội, nổi bật, vượt trội.



MC: "Khát" cũng là một sáng tác của Giáng Son, dường như chị đặt tên ca khúc rất ngắn, tại sao vậy?

"Anh", "Mưa", "Sóng", "Em", "Khát", "Mơ", đúng là ngắn gọn hết sức. Thời điểm đấy không nghĩ mình lại có thể đặt những tên ngắn gọn, xúc tích vậy đâu. Giáng Son chỉ nghĩ cái tên hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đề của ca khúc đấy.



Nhiều nhạc sĩ hiện nay viết chủ yếu theo đơn đặt hàng chứ không hẳn là từ nguồn cảm xúc của trái tim. Còn Giáng Son thì sao? (Bảo Nam, Đại học Quốc gia HN)

Cảm xúc có thật hay không và có nhiều đơn đặt hàng hay không là do năng lực của người sáng tác. Nhiều bài đặt hàng nhưng rất hay, sống cùng năm tháng. Theo tôi, đơn đặt hàng cũng là một cái rất hay để người nghệ sĩ sáng tác nhưng nếu quá nhiều sẽ khiến những người sáng tác lười biếng và lặp lại. 



Khi một nhạc sĩ cho ra mắt ca khúc mới thì thường có rất nhiều bình luận khen chê của độc giả. Giáng Son đón nhận những khen chê như thế nào? (Thu Phương 25 tuổi, Bắc Ninh)

Giáng Son là người khá cầu thị, nên việc đón nhận khen chê như một điều bình thường. Tất nhiên ai cũng thích những lời khen. Khi mình làm nên sản phẩm, mình sẽ yêu nó nhưng khán giả mới là những người đánh giá, nhìn nhận sản phẩm của mình. Giáng Son luôn mong muốn nhận được những lời góp ý thiện chí từ các khán giả.



Những ca khúc của chị thường mang giai điệu nhẹ nhàng, trong sáng, dễ đi vào lòng người. Vậy nguồn cảm hứng để chị sáng tác ra những ca đó là gì? (Trần Sơn, Vĩnh Phúc)

Từ xưa tới nay, giọng nữ rất nhiều, các bạn sáng tác rất hay nhưng rất ít. Chúng ta hát lên chúng ta thấy tâm sự của các bạn gái. "Giấc mơ trưa" là một ca khúc viết theo kiểu hết sức nữ tính. Giáng Son nghĩ sẽ thuộc về cảm nhận của các tác giả. 

Trong "Bóng tối Jazz", thì Giáng Son viết "Chạm" và "Tìm". "Chạm" viết về tình yêu, "Hãy chạm vai anh, tim anh, môi anh...". Giáng Son đóng vai một chàng trai để tỏ tình với một người con gái, Giáng Son cũng thấy hợp lý, không đến nỗi nào.



Có rất nhiều ca sĩ hát nhạc của Giáng Son trong các cuộc thi âm nhạc. Có bao giờ chị không hài lòng khi các giọng ca trẻ hát chưa tới ca khúc của mình không? (Phạm thị Hương, 28 tuổi, Hà Nội)

Có mốt số bạn trẻ hát nhạc của GIáng Son khi đi thi trong các cuộc thi truyền hình. Việc các bạn không xin phép tác giả Giáng Son đã gặp, có nhiều bạn hát sai lời. Ví như bản thu âm “Giấc mơ trưa” Thùy Chi thể hiện sai rất nhiều lời, thật sự đáng tiếc, "Giấc mơ tan" thì Thùy Chi lại hát thành "giấc mơ vắng". Các bạn gặp được Giáng Son, Giáng Son sẽ chỉ cho các bạn để hát được tốt hơn, làm được điều khác biệt hơn. 

Không chỉ Giáng Son mà các nhạc sĩ khác cũng luôn mong muốn các ca sĩ thể hiện tốt hơn ca khúc của mình.

e10585642_5.jpg
Quang cảnh khán phòng giao lưu trực tuyến



Chị thấy âm nhạc của mình thích hợp với giọng ca nào nhất? ([email protected])

Hà Trần, Tùng Dương là hai trong những ca sĩ mà Giáng Son rất thích khi cộng tác cùng, nói là ca sĩ nào nhất thì mỗi người có một giọng hát riêng. Đối với những ca khúc nhẹ nhàng thì Thùy Chi rất phù hợp, còn những ca khúc ma mị thì không ai có thể sáng bằng Tùng Dương, các ca khúc cần sự trải nghiệm thì cần Hà Trần. Nên nếu nói một người có giọng ca hay nhất trong âm nhạc của Giáng Son thì rất là khó.



Khi chị làm giám khảo của các cuộc thi âm nhạc, điều làm chị cảm thấy áp lực nhất là gì? (Trương Thu Hường, Đại học Sư Phạm Hà Nội)

Điều Giáng Son thấy áp lực nhất là chấm làm sao cho công bằng nhất. Tuy nhiên thực tế rằng ở cuộc thi quy tụ cả nước thì thường những đoàn trung ương bao giờ cũng rất mạnh, được đầu tư rất tốt. Nhưng những đoàn ở xa tuy không được đầu tư tốt nhưng họ rất đam mê và nỗ lực nên nhiều lúc mình phải cân đối.



Có người cho rằng Giáng Son là người khó tính trong âm nhạc đặc biệt là khi chị ngồi trong Hội đồng thẩm định âm nhạc, ví như "Bài hát yêu thích". Chị nghĩ sao?  (Nguyên Lê, ĐH Nội Vụ)

Tôi nghĩ rằng người ta mới chúng tôi vì họ cần chuyên môn. Khi mời Giáng Son đến Hội đồng thẩm định, chúng tôi chỉ đưa ra những lời cảm nhận chân thành nhất để các bạn thí sinh sẽ nhận được những lời góp ý chân thành nhất để các bạn tiến bộ. Tuy nhiên nhiều khi chân thành lại bị coi khó tính. Giáng Son chia sẻ chân thật, thẳng thắn, tôi nghĩ rằng trong xã hội cần có sự phản biện, phê bình.



Phong cách âm nhạc của chị khá đa dạng và không ngừng đổi mới. Mỗi bài hát dường như phảng phất một chút gì đó tâm sự rất riêng. Chị có thể nói rõ hơn về thế giới nghệ thuật của mình không? (Thu Hồng 28 tuổi, địa chỉ Bắc Ninh)

Thế giới nghệ thuật của Giáng Son được miêu tả rõ nét trong các sáng tác của mình. Con người ra sao âm nhạc đã diễn tả rất thật như vậy. Các bạn muốn hiểu được con người Giáng Son thì hãy nghe nhạc của Giáng Son.



Nhiều bài hát của chị có màu sắc dân gian đương đại. Điều này có phải bắt nguồn từ việc chị sinh ra và lớn lên trong nôi chèo không? ([email protected])

Giáng Son sinh ra trong 1 gia đình làm nghệ thuật chèo, bố mẹ là nghệ sĩ chèo, hai anh và một chị đều làm nghệ thuật dân tộc, mỗi mình bị bố bắt đi học piano nên mới đầu rất buồn. Mấy năm gần đây mới hiểu là vì bố Giáng Son là nhạc sĩ, nên ông cố tình cho con gái học piano thì đây đúng là âm mưu của ông ngay từ bé mà giờ mới hỏi.



MC: Được biết tên của chị cũng là do người cha thân sinh ra chị đặt, lại đặt theo tên một nốt nhạc nốt Sol giáng. Chị có nghĩ việc mình theo nghiệp âm nhạc là một định mệnh hay không?

Tôi nghĩ rằng đó chính là một định mệnh đấy. Tên của tôi có nhiều câu chuyện rất thú vị từ thời đi học và cho đến tận bây giờ, những câu chuyện mà kể ra rất buồn cười. "Giáng Son" như một định mệnh rằng mình phải theo âm nhạc.



Người ta nói chị thích cô độc và ngại sự nổi tiếng, điều này có đúng không? Ai là chỗ dựa vững chắc nhất trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình của chị? (Tuyết Loan, Nghệ An)

Giáng Son có thể chắc chắn một điều đó là gia đình mình. Giáng Son cảm thấy rất may mắn vì gia đình luôn ở bên yêu thương chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất với nhau. Bố mẹ Giáng Son vẫn bình an, yên ổn, Giáng Son thấy rằng đó là điều may mắn và hạnh phúc.

Giáng Son có thể chắc chắn một điều đó là gia đình mình. Giáng Son cảm thấy rất may mắn vì gia đình luôn ở bên yêu thương chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất với nhau. Bố mẹ Giáng Son vẫn bình an, yên ổn, Giáng Son thấy rằng đó là điều may mắn và hạnh phúc.



Sự nghiệp âm nhạc của Giáng Son luôn có sự dõi theo của thế hệ đi trước, cũng như bạn bè đồng nghiệp. Chị nghĩ sự dõi theo này có ý nghĩa như thế nào? (Hồng Nhung, Hà Nội)

Tôi nghĩ rằng do mình không bon chen, sống hòa đồng với mọi người và không kênh kiệu nên được nhiều đồng nghiệp quý môn. Đối với người nghệ sĩ sự dõi theo của thế hệ đi trước và bạn bè đi trước là rất quan trọng. Đó là động lực để tôi làm nghề. 



Dự định âm nhạc sắp tới của Giáng Son là gì? (Nguyễn Thị Thùy Trang 32 tuổi, Hưng Yên)

Sau CD mới. Giáng Son thấy cần nghỉ ngơi cho cảm xúc của mình. Giáng Son rất ngại nói trước điều gì, xin được chưa chia sẻ về dự định tương lai trong chương trình này.



Giáng Son kết hôn với một người đàn ông nước nài, chị có giao thoa văn hóa nại quốc để làm chất liệu trong các sáng tác của mình không?

Khi sáng tác các ca khúc trong ablum Blues Jazz, anh là người đã cung cấp rất nhiều tư liệu về các ca khúc, các CD về dòng nhạc này. Chính vì thế Giáng Son cảm thấy quyết tâm và tự tin hơn để bắt đầu thực hiện CD này. Đây thực sự là sự hỗ trợ đắc lực.



Giáng Son có suy nghĩ gì khi nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã đi qua? ([email protected])

Trong thời điểm Giáng Son học ĐH sáng tác, đó là thời điểm rất là hoang mang. Lúc ấy học thì ko biết ra trường mình học viết ca khúc đâu, chỉ viết nhạc không lời, khí nhạc. rất là hoang mang vì khí nhạc thì ai nghe, khi ấy sáng tác cũng chỉ là tập tọe, rồi không nghĩ âm nhạc dân tộc sẽ là chủ đạo của mình. May có thầy giáo của Giáng Son rất giỏi về âm nhạc dân tộc nên mình đã xác định được con đường âm nhạc của mình.

7976867a9_7.jpg

Giáng Son chụp ảnh lưu niệm cùng BBT trang tin Sóng trẻ

 
Clip buổi Giao lưu trực tuyến

Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc vào 16h30. Ban biên tập Sóng trẻ đã nhận được gần 100 câu hỏi từ quý vị độc giả. Tuy nhiên, vì thời lượng chương trình có hạn nên ban biên tập sẽ gửi các câu hỏi chưa được trả lời đến khách mời và cập nhật lên trang tin điện tử Sóng trẻ trong một chương trình hoặc bài viết thích hợp. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình! 

Sóng trẻ

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương

Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương

Tin nổi bật10 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm ”Cây Quân Tử” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ trẻ Hoàng Thiện Phúc lấy cảm hứng từ những nét đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa đang thay đổi tại quê hương - làng chài ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận.

Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại

Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại

Tin nổi bật10 giờ trước

(Sóng trẻ) - Triển lãm “Ngày rộng” không đơn thuần là nơi trưng bày về nghệ thuật mà là không gian để giới trẻ tìm về những khoảnh khắc yên bình, thoát khỏi cuộc sống hối hả và suy ngẫm về chính mình.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan

Tin nổi bật14 giờ trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa chỉ mới ở quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024 và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN