Giao thông cho người khuyết tật: Có cũng như không
(Sóng trẻ) - Hơn 2 năm qua, Hà Nội đã “thay áo” cho vỉa hè bằng việc lát đá tự nhiên, đáng chú ý là sự xuất hiện của đường lăn, các vị trí hạ hè dành cho người khuyết tật di chuyển. Tuy nhiên, toàn bộ tuyến đường hiện nay đang bị các xe ô tô chiếm dụng làm nơi đỗ xe.
Ghi nhận của PV trên phố Yết Kiêu (Hà Nội), tình trạng ô tô, xe máy đỗ tràn lan trên vỉa hè dù là điểm trông giữ xe được Sở GTVT cấp phép, hay do người dân, các công ty, công sở tự ý dừng đỗ.
Khi gửi xe máy tại một điểm trông giữ và thắc mắc rằng xe đã chắn đường lăn dành cho người khuyết tật, chúng tôi được nhân viên lý giải như sau: "Vạch đây rồi còn gì nữa! Người mù có đi đâu, người mù đi làm sao được".
Tình trạng tương tự: hàng quán, xe cộ chiếm dụng vỉa hè cũng xảy ra trên nhiều tuyến đường khác mới được lát đá tự nhiên, từ những vỉa hè nhỏ chỉ đủ một vài xe máy như: Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đến những vỉa hè rộng đỗ được vài ba hàng ô tô như: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,…
Theo một số người dân, đường dành cho xe lăn chỉ là “hình thức”, bởi ngay cả khi không bị chiếm dụng thì người khuyết tật cũng không thể sử dụng vì gạch vỡ, gồ ghề:
"Mang tiếng đá 70 năm nhưng làm gì được, mấy tháng là nó vỡ hết thế này. Đường đi vẫn vướng nhiều, xe cộ để vỉa hè thế này thì người ta đi vào đâu?", chị Hoa (Yết Kiêu, Hà Nội) bức xúc.
Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý đã có những chính sách hỗ trợ giao thông cho người khuyết tật, nhưng việc thực hiện và giám sát còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí và hiệu quả thấp. Và rào cản về giao thông tiếp tục cản trở người khuyết tật đi học, đi làm và nhiều cơ hội phát triển khác.
Trên thế giới, tại một số đô thị như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản… luôn chú trọng đến giao thông tiếp cận cho người khuyết tật. Ở Nhật Bản có làn đường dành riêng cho người khiếm thị và vỉa hè không bị lấn chiếm như Hà Nội nên người khiếm thị dễ dàng đi lại trên đường.
Tại Singapore, hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ tại một số khu vực trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trang bị cả hệ thống thang máy dành riêng cho người khuyết tật vận động lên xuống một cách dễ dàng.
Tại các ga tàu điện ngầm nhiều đô thị, luôn bố trí những làn đường tiếp cận với nhiều biển chỉ dẫn rõ ràng, trên các phương tiện giao thông công cộng luôn được bố trí ghế ngồi, không gian dành riêng cho người khuyết tật...