"Đối với chúng tôi, 8/3 cũng bình thường như bao ngày khác"
(Sóng trẻ) - Không quà, không hoa, không lời chúc trong ngày 8/3, những người phụ nữ lao động dường như quên đi ngày lễ dành cho chính mình. Bởi lẽ, mối quan tâm lớn nhất đối với họ là gánh nặng trên vai, là những nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là dịp thế giới bày tỏ sự trân trọng đến chị em phụ nữ, là ngày mà “phái yếu” được nhận món quà tri ân từ gia đình, xã hội. Thế nhưng, không ít người lãng quên hoặc chẳng dám nghĩ tới có một ngày dành riêng cho chính bản thân mình. Đó là những bóng lưng nhọc nhằn của người lao động khép mình trong chốn Thủ đô nhộn nhịp, xa hoa. Họ vất vả mưu sinh khi bắt đầu ngày mới từ tờ mờ sáng và trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Với họ, 8/3 không có gì đặc biệt bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn trĩu nặng trên vai.
Dẫu những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo, những mệt nhọc hằn rõ trên khuôn mặt nhưng cô Nguyễn Thị Ngọc (45 tuổi, Hà Nội) vẫn cần mẫn dọn dẹp đường phố, không phút nào ngơi tay. Là một công nhân vệ sinh môi trường, bao nhiêu năm qua, cô cũng chỉ được ngắm nhìn những đóa hoa, những món quà người ta bỏ lại sau ngày lễ. Cô tâm sự: “Đối với công nhân vệ sinh chúng tôi, ngày Quốc tế Phụ nữ cũng bình thường như bao ngày khác. Thậm chí, đó còn là ngày chúng tôi cần cống hiến nhiều hơn để giữ gìn đường phố sạch sẽ, không khí trong lành”.
Hoa, quà, lời chúc trong ngày 8/3 cũng là điều xa xỉ đối với những người phụ nữ lao động xa quê, bám trụ tại Thủ đô để kiếm sống. Cùng chung gánh nặng, cùng chồng chất nỗi lo, họ quên đi chính bản thân mình, quên đi niềm hạnh phúc tưởng chừng như người phụ nữ nào cũng xứng đáng được có.
Bao nhiêu năm gồng mình tại chốn thị thành, chị Bùi Thị Hiền, 36 tuổi (trọ tại Khâm Thiên, Hà Nội) đã quên đi ngày 8/3 và những ngày lễ khác. Cũng như bao ngày bình thường, chị quen với gánh hàng và những tiếng rao từ sáng sớm đến khi Thủ đô đã lên đèn. Chưa một lần được nhận quà, nhận lời chúc từ gia đình, xã hội trong ngày 8/3, chị thấy điều này dường như không quan trọng nữa.
Là một người phải rời xa quê hương, xa gia đình, xa chồng con, chị Hiền bám trụ lại nơi Hà Nội hoa lệ để kiếm sống, trang trải cho gia đình. Giãi bày tâm sự trong ngày 8/3, chị Hiền cho biết: “Đặc thù của nghề hàng rong là chấp nhận bám trụ ở đây bất kể ngày đêm. Xa chồng con cũng nhớ nhưng không kiên trì thì cuộc sống gia đình sẽ vất vả. Cũng mong quà từ chồng con lắm, chỉ vì bôn ba làm ăn xa nhà nên chẳng thể về bên gia đình được”.
Cũng giống như chị Ngọc, cô Hiền, cô Nguyễn Thị Hoa (42 tuổi, quê Thanh Hóa) lên Hà Nội làm nghề thu gom phế liệu, ngày 8/3 chẳng khác ngày thường là bao. Đã nhiều năm nay, công việc quen thuộc của cô là di chuyển xung quanh các điểm tập kết rác, miệt mài tìm kiếm nguyên vật liệu bị vứt bỏ để bán đồng nát.
Cô kể: “Có những dịp 8/3, nhiều điểm tập kết rác trở thành điểm tập kết hoa - món quà xa xỉ dù nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới vì cuộc sống còn khó khăn lắm, số tiền ít ỏi tôi kiếm được cũng chỉ dành hết cho con ăn học. Tuy vậy, “bó hoa” tôi mong muốn nhất lúc này vẫn là nhanh chóng trở về với gia đình”.
Tưởng chừng gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến gương mặt cô Hoa trở nên buồn bã nhưng đằng sau lớp khẩu trang ấy vẫn là nụ cười tươi: “Vất vả chứ, thậm chí vài tháng mới về thăm nhà một lần rồi phải đi ngay, nhưng tôi hạnh phúc bởi mình còn cơ hội để lao động, góp phần tái chế rác thải cho Thủ đô”.
Những người phụ nữ đặc biệt ấy đều là người lao động lam lũ, rời xa gia đình để mưu sinh và chưa có được một ngày 8/3 trọn vẹn. Với họ, mong ước lớn nhất trong dịp lễ có lẽ là bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền hơn để con mình được ăn học tử tế.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả món quà bằng hiện vật, các cô các chị như những “bông hoa” thầm lặng tỏa hương trong dòng đời vội vã. Bởi lẽ, thay vì nhận quà trong ngày Quốc tế Phụ nữ, họ chọn cách trao đi món quà tinh thần đến cộng đồng. Những người dân tại các tuyến phố thuộc quận Đống Đa và Ba Đình dường như đã quen thuộc với âm thanh rao hàng của chị Hiền, những chiếc bánh của chị trở thành thức quà chiều quen thuộc từ lúc nào không hay. Và cũng nhờ những người như cô Ngọc, cô Hoa thì Thủ đô mới trở nên sạch đẹp, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi