Hà Nội 2022: Nỗi đau mang tên 'những dòng sông chết'
(Sóng trẻ) - Giữa lòng Hà Nội - thành phố mang theo niềm tự hào, đại diện cho những giá trị đẹp đẽ của đất nước và con người Việt Nam - vẫn còn đó những dòng sông "chết”.
Hà Nội với hệ thống sông ngòi phong phú, phù sa màu mỡ cùng nguồn nước ngọt quý giá, từ lâu đã trở thành miền ký ức tươi đẹp của bao thế hệ. Thế nhưng, chúng ta sẽ chẳng được chứng kiến những dòng sông êm đềm, thơ mộng ấy bởi các dòng sông của Hà Nội đang “chết dần”.
Mỗi lượt tìm kiếm từ khóa “sông Tô Lịch” trên Google, kết quả hiện lên chỉ là: “sông Tô Lịch ô nhiễm”, “giải pháp cứu lấy sông Tô Lịch”, “Tô Lịch vẫn là dòng sông chết dù được cải tạo"... Ngày nay khi nhắc đến con sông này, chẳng còn ai nhớ tới những bài thơ tình ngọt ngào hay bất cứ điều gì khác, thứ hiện lên chỉ là một dòng chảy đen ngòm hôi thối với vô số rác thải, hóa chất trôi nổi.
Tô Lịch là một con sông chảy qua nhiều quận có mật độ dân cư đông đúc của Hà Nội như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì... Đây là một trong bốn con sông nội đô: Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu đã được kè bờ, đảm nhận chức năng tiêu thoát nước chính cho thủ đô. Theo khảo sát của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn tuyến sông hiện nay có trên 200 cửa xả lớn nhỏ, hầu hết là cống tròn đường kính 100mm đến 1.800mm và một số cống hộp lớn kích thước 1.200 x1.200mm đến 5.500x5.000 mm. Do đó chế độ thủy văn của dòng sông này trở nên phức tạp.
Nước sông Tô Lịch từ năm 1990 đến năm 1998 bắt đầu có hiện tượng ô nhiễm dần. Đặc biệt từ năm 1998 cho đến nay, tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Dòng nước có màu đen lẫn nhiều loại rác thải rắn, vào những lúc nắng to gây ra mùi hôi thối nồng nặc.
Kết quả quan trắc trong nhiều nghiên cứu cho thấy, nước sông Tô Lịch ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, thể hiện ở sự tăng quá cao nồng độ COD, BOD5, lượng Nitơ tổng, photpho tổng, … và hàm lượng rất thấp oxy hòa tan. Lượng kim loại nặng khá lớn, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở trong bùn thải nên hàm lượng trong nước vẫn đang nằm trong ngưỡng chịu tải.
Theo ước tính, sông Tô Lịch mỗi ngày phải hứng chịu hơn 150.000 mét khối nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ hơn 300 cống xả thải lớn nhỏ. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất, bệnh viện… chưa hề được trang bị hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp xuống lòng sông.
Ngoài ra, tại các chợ dọc hai bên bờ sông, các nhân viên vệ sinh môi trường cho hay: “Tiểu thương và người dân thường xuyên “tiện tay” vứt túi rác, ni lông, chai nhựa, thùng xốp... xuống sông”. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng. Chất thải, rác bị đổ xuống dòng sông đã tích tụ qua hàng thập kỷ khiến dòng nước sông bốc mùi và ô nhiễm nặng nề. Người dân mỗi khi di chuyển qua luôn phải đeo khẩu trang hoặc cho tay lên bịt mũi.
Sự ô nhiễm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở dọc hai bên sông nhiều năm qua. Một người dân kinh doanh quán ăn ở khu vực này cho biết: “Sông Tô Lịch bị ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình mình và các hộ dân sống gần sông. Hôm nào trời có gió, mùi hôi thối bốc lên từ sông khiến cho mọi người rất khó chịu, dần dần lượng khách đến quán nhà mình ăn chẳng còn bao nhiêu khiến cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn”.
Mặc dù, Tô Lịch hàng ngày vẫn được các công nhân vệ sinh dọn dẹp, đi thuyền vớt rác nhưng không thể cải thiện nhiều tình trạng ô nhiễm bởi số lượng rác thải quá lớn. Nguyên nhân chung cho vấn đề này chính là sự đô thị hóa, công nghiệp hóa với tốc độ khủng khiếp của thủ đô Hà Nội dẫn tới sự ra tăng dân số cùng lượng chất thải công nghiệp vượt ngưỡng cho phép.
Tuy các ban, ngành cùng nhiều chuyên gia môi trường đã vào cuộc để tìm ra phương pháp cải thiện nguồn nước, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa đạt hiệu quả rõ rệt. Sông Tô Lịch xanh biếc, êm đềm như trong các tác phẩm thơ ca chắc chắn sẽ còn rất, rất lâu nữa mới có thể tìm lại, bởi nhận thức, hành động của một bộ phận dân cứ "kém hiểu biết" không thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Không chỉ sông Tô Lịch, Hà Nội vẫn còn nhiều dòng sông khác cũng đang trong tình cảnh “chết dần, chết mòn”. Sông Nhuệ - một trong những dòng sông có các chỉ số ô nhiễm cao nhất miền Bắc Việt Nam. Theo một số đánh giá, sông Nhuệ giờ đây không khác gì một cống dẫn nước thải lộ thiên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân hai bên bờ.
Một người dân từng sống ở phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi mở một nhà hàng ở ngay sát mép sông Nhuệ cách đây mấy năm. Tuy nhiên, lượng khách cứ vắng dần do mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông Nhuệ. Chưa kể, những hôm nước sông cạn là cả một cực hình. Rác thải, ruồi, muỗi, nhặng, mùi hôi thối bủa vây, ám vào quần áo, chăn nệm không ngủ được. Các gia đình dọc khu phố này đều chịu cảnh sống chung với ô nhiễm từ nhiều năm nay. Đến năm 2015, tôi đã phải chuyển nhà hàng đi nơi khác làm ăn”.
Theo Tổng Cục Môi Trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong năm lưu vực sông ở miền Bắc. Đoạn chảy qua TP.Hà Nội, chỉ số WQI của sông ở mức 10-25, tương đương với cảnh báo "ô nhiễm nặng đến rất nặng”. Kết quả kiểm tra chất lượng cũng cho thấy, nước sông Nhuệ - Đáy chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy, không thể dùng với mục đích sinh hoạt, tưới tiêu.
Việc hàng trăm làng nghề lớn, nhỏ dọc hai bên bờ ngày đêm xả hàng ngàn mét khối chất thải chưa qua xử lý xuống lòng sông. Đồng thời, sự đô thị hóa và bùng nổ dân số với tốc độ chóng mặt của Hà Nội trong những năm trở lại đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự ô nhiễm của sông Nhuệ.
Ngoài sông Tô Lịch và sông Nhuệ, nhiều con sông khác của thủ đô cũng trong tình trạng báo động. Sông Lừ chỉ dài vỏn vẹn 3,6km nhưng phải gánh chịu 55.000 mét khối nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày. Sông Kim Ngưu với đặc trưng là dòng nước đen, bốc mùi hôi thối suốt nhiều năm. Những con sông ô nhiễm này thực sự là một vấn nạn với thủ đô Hà Nội, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của vùng đất nghìn năm văn hiến trong mắt bạn bè quốc tế.
Chẳng thể hình dung được nếu một vị khách quốc tế đang vui vẻ thưởng thức những ẩm thực đường phố của Hà Nội nhưng bên cạnh đó lại là một cống thoát nước thải hôi thối. Và cũng chẳng bất ngờ nếu một du khách nào đó đang dạo mát ngắm phố phường Hà Nội trên chiếc xích lô rồi bị đập vào mắt là một con sông đen ngòm, bốc mùi với đầy rác thải trôi nổi. Liệu họ sẽ nghĩ gì?
Không chỉ làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên bờ sông, sự ô nhiễm nguồn nước còn để lại nhiều hậu quả nặng nề cho hiện tại và tương lai. Nước sông tràn ngập rác và chất thải sẽ không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước mặt mà sẽ thấm xuống các mạch nước ngầm trong lòng đất. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, tăng gia sản xuất của nhiều hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Người dân sử dụng nguồn nước không đảm bảo hay ăn các cây trồng từ đất bị nhiễm bẩn sẽ trực tiếp đưa các chất độc hại vào trong cơ thể, sẽ phát sinh bệnh tật, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm, làm suy giảm sức khỏe cộng đồng.
Đây không chỉ là vấn đề của Hà Nội mà khi nhìn rộng ra cả nước, Việt Nam cũng có không ít con sông bị ô nhiễm bởi quá trình sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của con người. Năm 2008, nhà máy Vedan (Đồng Nai) phải chịu trách nhiệm cho sự ô nhiễm của sông Thị Vải sau quá trình xả thải trái phép suốt 14 năm. Hay vụ việc nhiều cơ sở sản xuất thi nhau xả thải xuống sông Cầu khiến người dân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh phải “kêu cứu”.
Nhìn rộng ra thế giới, “các dòng sông chết” được trải dài từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây. Sông Hằng - dòng sông thiêng liêng của Ấn Độ bị làm bẩn bởi những phong tục, nghi lễ tôn giáo của hàng trăm triệu người. Bên cạnh đó tại Trung Quốc, con sông Hoàng Hà liên tục bị bắt gặp hiện tượng “đổi màu” do chất thải ô nhiễm từ các khu công nghiệp của đất nước tỷ dân. Ngay cả tại một cường quốc có tiềm lực tài chính, khoa học mạnh mẽ như Mỹ cũng để cho dòng sông lớn nhất của họ (Mississippi) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy vậy, ngoài các yếu tố liên quan đến con người thì việc Mississippi đang “chết dần” còn liên quan đến biến đổi khí hậu khiến mực nước sông sụt giảm nhanh chóng.
Việc làm sạch và bảo vệ nguồn nước tại các con sông không phải chuyện đơn giản, càng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Ô nhiễm môi trường chính là hệ quả sau quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra quá nhanh.
Khó không có nghĩa là không thể thực hiện. Một số nước phát triển như Nhật Bản hay Singapore, là các quốc gia cực kỳ xuất sắc trong việc xây dựng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo ra các giá trị lâu dài, bền vững cho tương lai.