Hà Nội: Khu tập thể Nghĩa Đô, Kim Liên, Thành Công xuống cấp trầm trọng
(Sóng trẻ) - Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.600 nhà tập thể, chung cư cũ xây dựng cách đây 50 - 60 năm, đa số đã hết niên hạn sử dụng, có nguy cơ sụp đổ và cảnh báo cấp nguy hiểm cao. Khu tập thể Nghĩa Đô, Kim Liên, Thành Công cũng không ngoại lệ.
Hình ảnh quen thuộc tại các khu tập thể cũ là những căn nhà nhỏ dao động từ 20m2 đến 50m2 san sát nhau, chật hẹp, thiếu ánh sáng và gây nhiều ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt. Bên cạnh đó, những công trình này còn gắn liền với tình trạng cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, những mảng tường mục nát, bong tróc, lan can nứt vỡ. Không chỉ mất đi mỹ quan đô thị, người dân nơi đây cũng chịu nhiều mối nguy hại tiềm ẩn.
Khu tập thể Nghĩa Đô nằm trên đường Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) bắt đầu hoạt động từ năm 1976 gồm hai dãy nhà A và B. Cả hai đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng sau hàng chục năm sử dụng mà không được sửa chữa và cải tạo. UBND quận Cầu Giấy đã công khai và lấy ý kiến cộng đồng về nhiệm vụ quy hoạch, đồng thời lập kế hoạch chi tiết triển khai các công việc liên quan. Dù đã kiến nghị về việc cải tạo nhưng quá trình vẫn gặp nhiều khó khăn.


Hệ thống dây điện chằng chịt chạy qua những bức tường ẩm thấp, mốc xanh tại đây cũng tiềm tàng nhiều nguy hại về chập điện, cháy nổ. Chị Hoàng Liên - 35 tuổi hiện đang sinh sống tại khu tập thể Nghĩa Đô chia sẻ: “Dù đã sơn lại và tự sửa chữa những chỗ thấm dột, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng dột nước, nứt vỡ lại tái diễn. Mỗi khi vào mùa mưa, tường bị ẩm mốc, bong tróc, trong khi hệ thống điện thì chằng chịt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn”.

Chị Liên chia sẻ về nỗi vất vả của chị và gia đình khi không gian sống chật chội khiến cho việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Nhà có bốn người, hai vợ chồng và hai con nhỏ, gia đình chị Liên buộc phải làm thêm vách ngăn để chia phòng khách và cơi nới thêm để làm phòng riêng cho các con.
Ghi nhận tại khu tập thể Thành Công, sau hơn 30 năm tồn tại, nơi đây được đánh giá là khu nhà tập thể nguy hiểm nhất tại Hà Nội. Công trình bao gồm 68 tòa nhà cao từ 2 đến 5 tầng, được xây dựng trong giai đoạn 1979-1982, là nơi sinh sống của khoảng 13.400 cư dân.

Phần lớn các tòa nhà trong khu vực này đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là nhà tập thể G6A Thành Công đơn nguyên 1-2, nơi đã xuất hiện tình trạng nghiêng đổ và tách rời với khe hở lên đến hơn 1 mét. Để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh, khu vực này hiện đã được quây kín bằng tôn, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại.


Khu nhà G6A nằm trong danh sách công trình cấp độ D, tọa lạc trên mặt đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Các hộ gia đình sinh sống tại đây đã phải cơi nới ban công, không gian phòng để đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt. Gần đây, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình nghiên cứu tu sửa, xây dựng nơi đây thành chung cư cao.
Khu tập thể Kim Liên, tọa lạc tại quận Đống Đa, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1959 đến 1965, bao gồm tổng cộng 42 tòa nhà. Sau gần 60 năm sử dụng, khu nhà này cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, với các vết nứt lớn xuất hiện trên tường và nhiều mảng tường bị bong tróc, gây ra những lo ngại về an toàn cho người dân sinh sống tại đây. Mục tiêu của UBND quận Đống Đa là cải tạo, xây dựng lại theo hướng tăng chiều cao, giảm mật độ xây dựng, tạo nhiều không gian mở, không tăng dân số hiện tại, và bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật cùng các tiện ích công cộng.

Không chỉ vậy, ý thức của một bộ phận cư dân trong việc bảo quản và gìn giữ không gian chung vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người đã tận dụng các khu vực công cộng để đặt đồ cá nhân, vứt rác bừa bãi, thậm chí còn có hiện tượng đốt tiền vàng, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và vệ sinh chung của khu vực. Những vấn đề này không chỉ làm giảm chất lượng sống của cộng đồng mà còn đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý và bảo trì khu tập thể.

Nắm được tình hình thực tế, Nhà nước đã triển khai một số giải pháp để tu sửa, xây dựng các khu tập thể cũng nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân và đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Thành phố Hà Nội đã phê duyệt các quy hoạch chi tiết cho các khu tập thể này theo tỷ lệ 1/500. Lập kế hoạch và quy hoạch để nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng, thay thế các hệ thống kỹ thuật đã lạc hậu như điện, nước, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình công cộng. Mục tiêu là không chỉ cải thiện chất lượng sống mà còn phát triển thêm các tiện ích công cộng, không gian xanh, và hạ tầng xã hội.