Hà Nội- Một đề tài vĩnh cửu của văn chương
(Sóng trẻ) - Đó là lời nhận xét của nhà văn Đỗ Phấn khi nói về Hà Nội tại buổi talkshow “Mình viết gì khi viết về Hà Nội” diễn ra vào tối ngày 25/10 tại Tiny Café, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Buổi talkshow diễn ra với sự góp mặt của ba diễn giả nổi tiếng cùng những người yêu thích văn chương.
“Mình viết gì khi viết về Hà Nội” là sự kiện được tổ chức bởi “Sống” - Thương hiệu sách tác giả Việt Nam, nằm trong chuỗi các sự kiện “Sống xưa”. Qua sự kiện, khán giả được giải đáp thắc mắc về chủ đề khi viết về Hà Nội.
Trong buổi talkshow, nhiều câu hỏi được khán giả đặt ra về nguồn cảm hứng văn chương từ Hà Nội, nét độc đáo, tinh tế khi viết về phố xá trước sự quen thuộc với nhiều người. Những thắc mắc khán giả đặt ra đều được giải đáp dưới góc nhìn chân thật, gần gũi từ các diễn giả.
Tác phẩm “ Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” là món quà mà BTC lựa chọn để tặng cho những bạn tham gia buổi talkshow
Buổi talkshow thu hút sự tham gia của những người lớn tuổi và các bạn trẻ có niềm đam mê văn chương, họ đến với talkshow với mong muốn được lắng nghe và viết tiếp những câu chuyện về nơi mà mình đang gắn bó.
Không gian nơi diễn ra talkshow có nhiều bạn trẻ tham dự
Chia sẻ tại buổi trò chuyện, nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ niềm hứng thú khi nói về Hà Nội trong sáng tác văn chương: “Tôi có vinh dự được ra mắt 4 cuốn tản văn. Cả 4 cuốn sách đều là những tản văn ngắn về cuộc sống, con người và cảnh vật Hà Nội. Tôi muốn ghi chép lại những gì mình được chứng kiến và ngẫm nghĩ về nó. Bởi không có nơi nào gắn bó với tôi hơn thế!”.
Nhà văn Trung Sỹ chia sẻ: “Nghề tôi không phải nghề viết. Nhưng Hà Nội có nhiều thứ, Hà Nội là cuộc sống của tôi. Đột nhiên nhớ về ông bà cha mẹ mình, muốn ghi lại, giống như một cuốn nhật ký vậy”.
Ba nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Trung Sỹ, Đỗ Phấn lần lượt từ trái qua phải
Làm thế nào để những sáng tác về Hà Nội mà các tác giả không bị trùng lặp với những người viết trước, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng: “Mỗi người nhìn thành phố quê hương mình ở một góc độ khác nhau, khi Hà Nội đã ngấm vào trong máu, và mình thể hiện nó qua trang viết, tự khắc Hà Nội của mình sẽ khác với Hà Nội dưới ngòi bút của người khác”.
Với nhà văn Đỗ Phấn, ông cho rằng kí ức về Hà Nội xưa không quan trọng, vì lịch sử đã ghi chép gần như đầy đủ. Quan trọng là “mình viết như thế nào” và cái chất văn học trong bản thân mình có làm bật được phong cách của mình hay không. Đồng tình với quan điểm của nhà văn Đỗ Phấn, nhà văn Phạm Tiến khẳng định: “Lịch sử Hà Nội chỉ cần khảo cứu bằng một cuốn sách dày một gang tay là được. Nhưng để viết về Hà Nội thì không bao giờ đủ. Chừng nào Hà Nội còn tồn tại, chừng đấy văn học về Hà Nội còn tiếp tục được viết”.
Các nhà văn thực sự đã mang đến cho các bạn trẻ những câu chuyện về Hà Nội xưa, những kỉ niệm của bản thân về một Hà Nội chìm trong bom đạn. Từ những lúc đói khổ, giặc càn đến khi hòa bình lập lại, Hà Nội trở về dáng vẻ bình yên vốn có của nó. Các diễn giả đã sống hơn nửa đời người ở đất Hà thành, họ coi Hà Nội như tri kỉ của đời mình.
Tham dự buổi talkshow, bạn Nguyễn Thị Việt Trinh (19 tuổi- sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ: “Tôi muốn viết về con người Hà Nội. Nhưng cái hay, cái đẹp của người Hà thành đã xuất hiện rất nhiều qua sách, báo. Qua buổi talkshow, tôi học được cách ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội theo cách riêng của mình”.
Nguyễn Thị Việt Trinh- khán giả tham gia buổi talkshow
Bác Trần Long- chú dượng của nhà văn Trung Sỹ, nhân vật trong “ Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” đến tham dự. Bác không kìm được nước mắt khi nhìn những giá sách cũ được bày trong căn phòng: “Tôi bước vào phòng, thấy những cuốn sách được bọc lâu đời, nó cho tôi cảm giác như thư viện của gia đình tôi 100 năm nay, đã bị đốt trong sân trường thời “văn hóa nô dịch”. Tôi nhìn lại, nó như là của tôi. Gặp được các bạn hôm nay tôi rất vui vì tôi được sống lại tuổi thơ của mình”.
Bác Long với những lời tâm sự về kí ức khó quên với thư viện sách trong thời Hà Nội bom rơi lửa đạn
Nhà văn Đỗ Phấn yêu Hà Nội từ cách ăn, cách nói. Ông khẳng định: “Nếu bảo tôi viết gì khác Hà Nội, tôi không thể làm được!”. Đến nay, nhà văn đã có đến 25 đầu sách viết về Hà Nội. Cả ba diễn giả đều mang trong mình tình yêu với Hà Nội, được thể hiện bằng những cách thức khác nhau. Nhà văn Trung Sỹ chia sẻ: “Tôi có thể viết về nhiều thứ khác nhưng Hà Nội lúc nào cũng trong suy nghĩ của tôi”.
Góp mặt cùng talkshow “Mình viết gì khi viết về Hà Nội” còn có các cô chú là nhân vật trong “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”. Mỗi người đều có một câu chuyện riêng về Hà Nội, những kỉ niệm không bao giờ quên.
Bác Vinh chia sẻ câu chuyện gắn liền với phố Hàng Mã của mình
Chị Đặng Hồng Thơm, 23 tuổi, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ kỷ niệm của mình với Hà Nội
Cuối buổi talkshow, nhà văn Trung Sỹ dành tặng đến tất cả mọi người bài hát “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sỹ Phú Quang. Không chỉ có tài sử dụng ngôn ngữ mượt mà, nhà văn còn biết chơi đàn và có giọng hát trầm ấm.
Nhà văn Trung Sỹ vừa đàn vừa hát ca khúc Em ơi Hà Nội phố
Bà Trần Hồng Ngọc- Bảo trợ truyền thông của thương hiệu “Sống” trao quà tặng cho ba diễn giả
Các bạn trẻ nán lại trò chuyện cùng diễn giả sau khi kết thúc buổi talkshow
Buổi talkshow diễn ra thành công, mang lại cho nhiều bạn trẻ những cảm hứng mới về Hà Nội, hiểu hơn những gì Hà Nội phải trải qua trong quá khứ và tự làm mới Hà Nội trong ngòi bút của chính mình.
Ngọc Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận