Hàng rong trên phố thị - Kỳ 2: Những phận đời chìm nổi trong đêm

(Sóng trẻ) - Trong cơn buốt giá của đầu đông Hà Nội, nhiều người bán hàng rong đêm vẫn phải rong ruổi trên khắp các con phố. Từ trung niên cho tới những người cao tuổi, họ lặn lội mưu sinh chốn đô thành mong đêm nhanh qua để được sớm về nhà.

Những xe chở hàng rong vẫn hối hả khi thành phố đã lên đèn. (Ảnh: Tuyết Hạnh)
Những xe chở hàng rong vẫn hối hả khi thành phố đã lên đèn. (Ảnh: Tuyết Hạnh)

“Ai xôi đi!”, “Bánh đúc nóng đây!”, “Ai… ngô luộc không?”,...những tiếng rao đêm lảnh lót len lỏi vào từng con ngõ, góc phố nhỏ Hà Nội trong đêm đen dài sâu hun hút. Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn đường vàng rực bắt đầu sáng, những người bán hàng rong đêm bắt đầu công việc quen thuộc. Tiếng bước chân cùng tiếng xe đẩy lạo xạo trở thành những thanh âm quen thuộc của chốn thị thành.

“Người Hà Nội chẳng ai làm nghề này cả!”. 

Tôi gặp xe đồ ăn của anh Nguyễn Trung tại phố đi bộ Hồ Gươm. Chiếc xe “đa zi năng” bán đủ loại đồ ăn vặt trông rất hấp dẫn. Anh sử dụng một bếp than nhỏ để làm bánh tráng nướng, một chảo dầu ăn rán xiên que và phía trên anh treo bánh tráng trộn và kẹo bông gòn. Anh còn treo bên hông xe một thùng xốp đựng nguyên liệu làm bò pía. Anh thường bán từ 9 giờ đêm đến 2 giờ sáng.

- Anh có phải người ở đây không ?- Tôi hỏi

- Không em ạ! Anh quê ở Nam Định nhưng lên Hà Nội làm, trọ ở phường Bạch Đằng. Người Hà Nội không ai làm nghề này cả - Anh cười

Người đàn ông 50 tuổi có nước da ngăm mặc chiếc áo khoác gió đen trùm kín đầu chậm rãi lật bánh tráng nướng cho tôi. Anh tâm sự: “Dạo này tối người ta làm chặt lắm, cả ngày chỉ có chạy ngược chạy xuôi, chẳng bán được gì cả.”

Anh Trung bên xe đồ ăn vặt. (Ảnh: Tuyết Hạnh)
Anh Trung bên xe đồ ăn vặt. (Ảnh: Tuyết Hạnh)

Vợ chồng anh chia nhau đi bán dạo quanh phố cổ để nuôi con và gửi tiền về cho cha mẹ ở quê. Có những ngày bán được 150 nghìn tiền lãi, anh chị đã phải nộp phạt hết cho công an vì không được buôn bán dưới lòng đường.

Đã hơn 10 giờ đêm, dòng người tấp nập trên những con phố lớn đã thưa đi nhiều, ai cũng trở về quây quần bên gia đình. Các hàng quán cũng tất bật dọn hàng, có quán thì đã đóng cửa. Những ánh đèn tắt dần, con phố Bạch Mai lại chìm trong bóng tối, mang dáng vẻ đìu hiu, tĩnh lặng. Vậy nhưng rực sáng cả một góc phố là hàng xôi của chị Vân (40 tuổi, Hà Tây), địa chỉ quen thuộc “cứu đói” cho người lao động đêm. Chị bán từ 6 giờ tối đến 4 giờ sáng.

Cái xe nhỏ chở hàng rong của chị được dựng trên phần vỉa hè giữa ngã tư. Chiếc xe nhỏ và cũ tới mức sơn xanh đã trầy chẳng còn rõ màu. Chị bày hàng trong tủ kính trông rất đẹp mắt và hấp dẫn. Chị trang bị một cái nồi hấp đề vừa đồ xôi, vừa làm nóng bánh bao và ngô. Bên cạnh nồi hấp là một cái bếp nhỏ với đầy đủ dụng cụ nấu ăn.

Hàng xôi “di động” của chị Vân giữa ngã tư. (Ảnh: Tuyết Hạnh)
Hàng xôi “di động” của chị Vân giữa ngã tư. (Ảnh: Tuyết Hạnh)

Tôi dừng xe hỏi mua xôi, chị Vân lấy ghế nhựa bảo tôi ngồi chờ. Bây giờ là cuối tháng 12, thời điểm rét nhất trong năm. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến tôi co mình, chưa kể xung quanh có nhiều toà nhà cao tầng hút gió. Thấy tôi co ro, chị hỏi: “Lạnh quá hả em?" và chỉ cho tôi sang ngồi ở khu vực kín gió bên kia đường. Lúc này tôi mới biết địa phận của chị không chỉ ở giữa ngã tư này. Chị đưa tôi hộp xôi đầy đặn nóng hổi.

“Vất vả nhất với những người bán rong trên phố như tôi là thời tiết. Mùa đông thì thường có nhiều khách hơn mùa hè, thế nhưng những ngày rét quá thì cũng chẳng có ai ăn. Mà mùa đông Hà Nội năm nay, nhiệt độ xuống thấp hơn những năm trước rất nhiều”. - Chị Vân tâm sự.

Với chị, nghề này tuy bấp bênh, nhưng vẫn mang lại thu nhập đủ cho bản thân và gia đình. Vì vậy dù đã hơn 20 năm gắn bó, chị Vân vẫn không từ bỏ chiếc xe hàng rong. “Làm nghề này phải có duyên và chịu được cái khổ, trước đây chồng tôi cũng từng bán hàng rong nhưng không bán được mấy, cũng phải bỏ mà làm việc khác.” - Chị vừa nói vừa đảo lại nồi xôi. Khói từ xe hàng và mùi thơm của xôi khiến tôi thấy ấm áp.

- Niềm vui lớn nhất của chị trong nghề là gì? - Tôi hỏi khi chị đang rảnh tay.

- Cuộc đời nghề hàng rong vui nhất là khi đông khách, khách đến ủng hộ nhiều là niềm vui và cũng là động lực của tôi. Nói chung làm nghề này vui có, buồn có. Nếu gặp được khách dễ tính họ ăn xong khen ngon sẽ ghé lại ủng hộ còn gặp khách nào khó tính thì họ chê ngay, có khi còn chửi mình bằng những lời lẽ thô tục. - Chị trả lời.

Mãi đến nửa đêm mới có thêm hai vị khách tới mua bánh mì. Tay chị nhanh thoăn thoắt bật bếp lên, tay còn lại lấy muỗng dài rót dầu vào chảo. Hộc tủ ở xe chị như một “căn hầm nhỏ", chị nhanh tay múc một muôi thịt lên chao đều.

Bỗng tiếng còi xe tuần tra vang lên từ xa. Chị đang làm trơn tru thì trở nên hấp tấp, liên tục quay lại đằng sau, ngó nghiêng xung quanh. “Công an dẹp đường” có lẽ là nỗi sợ lớn nhất với những người bán hàng rong như chị.

Chị nhanh chóng đưa cho khách hai chiếc bánh mì thập cẩm nóng hổi vừa làm rồi giục tôi thanh toán. Tắt bếp, cất chảo, dọn ghế, chị vội vã đạp xe đi, chẳng mấy chốc đã vụt mất khỏi tầm mắt tôi. Chị làm những việc này thành thục như thể chúng đã trở thành một phần nếp sống hàng ngày.

“Lão làng” nghề hàng rong

Con phố Tràng Thi 11 giờ đêm vắng tanh, lạnh buốt. Tôi tấp vào một cửa hàng tiện lợi ven đường để mua đồ. Hình ảnh một bà già cô đơn đội chiếc khăn vàng có kẹp một chú vịt trên đầu đang ngồi trước cửa hàng đã níu giữ bước chân tôi. Hỏi ra mới biết bà tên Thạch, quê ở Hà Nam, năm nay đã 80 tuổi. Ban ngày chẳng có chỗ nào cho bà ngồi, đến 8 giờ tối bà mới có thể ngồi trước các siêu thị để bán đồ trang trí. Sạp hàng của bà nhỏ nhắn, nếu không muốn nói là tối giản quá mức. Chỉ có một khay xốp cùng với mấy chục cái cặp tóc xinh xinh hình con vịt.

- Bà ơi cháu muốn mua vịt! - Tôi bắt chuyện với bà

- Mua đi con, vịt này không giống vịt bình thường mà nó đội mũ đấy. Bán hết đợt vịt này bà sẽ nhập về mấy bọn thỏ xinh lắm! - Bà giơ khay vịt ra trước mặt tôi.

Bà Thạch và “sạp” vịt nhỏ. (Ảnh: Tuyết Hạnh)
Bà Thạch và “sạp” vịt nhỏ. (Ảnh: Tuyết Hạnh)

Gắn bó với nghề bán hàng rong từ khi còn rất trẻ, xuất phát là đi bán gà ở chợ Bắc Qua, bà đã bán nhiều loại hàng hóa ở nhiều nơi khác nhau như bán rau ở chợ Hàng Thùng, bán nước giải khát ven hồ Gươm, bán nhiều đồ chơi, trang trí trên phố cổ,...Nhưng đó là hồi trẻ, có thể đi nhiều, bây giờ già yếu rồi, bà chỉ có thể ngồi ở những góc nhỏ trên phố lớn, nơi có nhiều người qua lại, cố gắng kiếm được một hai bữa ăn hằng ngày và đủ trả tiền trọ. Mỗi một chú vịt cặp tóc này có giá thành 10.000 đồng, mua nhiều thì giá chỉ còn 8.000 đồng một cái.

Bước sang tuổi 80, bà Thạch không tránh khỏi những trận đau ốm, bệnh tật. Nếu nhẹ thì bà vẫn cố gắng đi bán. Còn nếu bệnh nặng thì bà phải nằm viện, nghỉ bán. Dù khi khoẻ bà có cố đi bán lại, nhưng tiền lời eo hẹp chẳng bù lại tiền viện phí.

Bà kể với tôi: “Đôi khi bà cũng gặp được khách “sộp” đấy! Nếu có được vị trí đẹp, bày hàng đẹp thì sạp hàng của bà thi thoảng sẽ có nhiều khách du lịch ghé lại xin chụp ảnh và mua hàng về làm quà lưu niệm. Nhiều khi họ sẵn lòng trả cho bà từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi. Những lúc như vậy bà cũng mừng nhưng phải dành dụm để còn phòng đau ốm bệnh tật. Con cái ở xa bà cũng chẳng nhờ ai được, mà những vị khách hào phóng như vậy cũng rất ít, cả năm chỉ đếm được trên mấy ngón tay.”

Mỗi khi có người qua lại, bà Thạch lại nở nụ cười, giơ khay vịt lên mời mua. Tôi có thể nhìn thấy niềm vui, dáng vẻ tích cực của một cụ già vẫn còn yêu đời, yêu lao động và chăm chỉ mưu sinh.

“Kiếm được dăm bảy đồng thôi nhưng bà cũng không muốn phải hạ thấp mình mà đi xin xỏ người khác”. - Bà Thạch bày tỏ.

Đã 11 rưỡi tối, trời cũng bắt đầu nổi gió lạnh hơn, bà Thạch nói lời tạm biệt tôi: “Thôi về đi con, trời rét lắm. Mai, kia rét, con cố gắng rủ bạn bè ra ủng hộ bà thêm nhé". Nói rồi bà bọc khay hàng nhỏ vào một chiếc túi ni lông. Có thể bà sẽ lại rong ruổi đến một nơi nào khác trong thành phố hoặc trở về căn trọ nhỏ để tránh cái lạnh.

Giữa đêm đông gió rít gào, cái lạnh buốt vào tận ruột gan vẫn có những người vì mưu sinh mà luôn tất bật bên xe hàng rong của mình. Họ không phải không thấy lạnh, mà có lẽ vì cái ăn, cái mặc, vì người thân mà quên đi cả cái khổ. Mỗi mảnh đời là một hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng đều đang cố gắng từng ngày để có cuộc sống đủ đầy hơn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN