Hát xoan Phú Thọ - huyền thoại một làn điệu dân ca vùng đất Tổ

(Sóng trẻ) – Hát Xoan gìn giữ nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phường Xoan An Thái là một trong những địa điểm nổi tiếng về khởi phát, bảo vệ, truyền dạy và lan tỏa những làn điệu Xoan quý báu của vùng đất Tổ.

Hát xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục hay còn gọi là hát cửa đình, “Khúc môn đình”, kết hợp đa yếu tố gồm ca nhạc, hát và múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.

Tỉnh Phú Thọ là nơi đầu tiên khởi phát hát Xoan. Sau đó, làn điệu dân ca này lan tỏa tới các làng quê khác thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét. Năm 2017, hát Xoan chính thức được công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể quý báu của nhân loại

Nghệ thuật trình diễn đặc sắc thời Hùng Vương

Có rất nhiều huyền thoại giải thích về nguồn gốc của hát Xoan. Theo bà Nguyễn Thị Lịch – trùm phường Xoan An Thái kể lại: “Nghệ thuật hát Xoan được hình thành từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Cổ. Trải qua thời gian dài phát triển trong cộng đồng, hát Xoan dần được dung hòa giữa ca hát nghi lễ và ca hát dân gian nguyên thủy. Đến thời Hậu Lê, những bài hát Xoan đã được các nhà Nho biên soạn và lưu truyền cho đến ngày nay”

dinh.jpg
Đình An Thái là một trong nhiều ngôi đình có lịch sử lâu đời tại xã Phượng Lâu (TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã được tu bổ lại để trình diễn hát Xoan (Ảnh: Phan Hoàn)

Tại phường xoan An Thái, hát Xoan ra đời dựa trên câu chuyện kể rằng vợ Vua Hùng đau bụng đã lâu ngày mà vẫn không sinh nở, một nàng hầu gái bàn nên đón nàng Quế Hoa múa đẹp hát hay đến múa hát. Quế Hoa được gọi đến trước giường, uốn tay đưa chân, dáng như tiên, giọng như suối, sắc như hoa... Vợ Vua Hùng xem múa nghe hát quả nhiên vui vẻ sinh ra được 3 người con trai tuấn tú khác thường. Vua Hùng rất vui mừng, truyền cho các công chúa trong cung nữ đều học những điệu múa hát của Quế Hoa. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các điệu múa hát đó là Hát Xuân.

Hát Xoan xưa kia thường được trình diễn vào mùa xuân để chào đón năm mới, cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an, chúc tụng vua Hùng,...

anh-2-1.jpg

Một bài hát Xoan được trình diễn bởi các nghệ nhân phường Xoan An Thái (Ảnh: Phan Hoàn)

Khi trình diễn, hát xoan sẽ chia làm ba chặng lần lượt là hát Nghi lễ, hát Quả cách và hát hội. Hát Nghi Lễ để bày tỏ lòng biết ơn với Tổ Tiên, với vua Hùng nên thường mang giọng điệu nghiêm trang, thong thả. Hát Quả cách chú trọng vào hình thức hát, lối hát, thể hiện niềm vui trong lao động sản xuất, đời sống lứa đôi. Người hát có thể hát nói, hát ngâm, hát đồng ca, tốp ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đối đáp vì vậy sắc thái âm thanh sẽ dồn dập, tươi vui và khỏe khoắn hơn. Chặng cuối hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng để giao lưu với khán giả, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc.

Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các điệu múa đơn giản được thực hiện chủ yếu bằng đôi tay của các Đào cùng với sự di chuyển của đôi chân kết hợp với dùng các đạo cụ như quạt, phách tre, nậm rượu.

anh-4.JPG
Trống, quạt và chén rượu là những đạo cụ không thể thiếu khi trình diễn hát Xoan. Tiếng trống sẽ bắt nhịp cho bài hát và múa để minh họa cho lời ca (Ảnh: Gia Linh)

“Khi biểu diễn Xoan, có hai động tác chính: động tác múa thứ nhất là bốn ngón tay uốn tròn lại ôm lấy ngón tay cái, kết hợp với hai bàn chân chụm lại với nhau, tượng trưng cho những nụ hoa Xuân; động tác múa thứ hai là hai nụ hoa úp xuống, các ngón tay từ từ xòe ra và đưa từ trái sang phải, kết hợp với bàn chân bước sang ngang cùng chiều với tay, tượng trưng cho những bông hoa xuân đang nở, thể hiện sức đâm chồi nảy lộc của cây trái, hoa màu”, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch giải thích thêm.

Bảo vệ hát xoan trong thời hiện đại

Với những giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, UNESCO đã công nhận Hát Xoan của Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8/12/2017, sau 6 năm nỗ lực thực hiện cam kết bảo vệ loại hình nghệ thuật này, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Những hành động thiết thực như tu bổ lại không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan, thành lập lại những phường Xoan, đưa hát Xoan vào sinh hoạt trong cộng đồng và truyền dạy trên các lớp học... đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

anh-7.JPG
Hàng năm, tại phường Xoan An Thái đón tiếp rất nhiều đoàn du khách, học sinh, sinh viên về tìm hiểu và trải nghiệm Hát Xoan (Ảnh: Gia Linh)

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên cả nước, Phú Thọ còn rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như hát Xoan.

Tại phường Xoan An Thái, hằng năm sẽ tổ chức hai lớp dạy hát Xoan, gồm lớp cận nghệ nhân và lớp học hát Xoan cộng đồng. Thời gian học sẽ vào dịp nghỉ hè, chủ yếu các buổi tối thứ bảy vì các em còn phải đi học và bận những công việc khác.

“Tại địa phương, tôi thấy các bạn trẻ rất thích học hát Xoan và học rất nhanh. Nhưng vì thời gian ít nên chúng tôi chỉ có thể dạy những bài cơ bản, đơn giản. Cái khó nhất là làm thế nào để cho các em hiểu những giá trị quý báu của hát Xoan để các em tự động tham gia học tập và rèn luyện bộ môn này”, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Hà chia sẻ.

img_3346.JPG
Những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Lịch, Bùi Thị Hà không chỉ có niềm đam mê với hát Xoan mà còn là những người “thầy” chủ chốt trong việc truyền dạy, lan tỏa bộ môn này cho các thế hệ trẻ tại xã Phượng Lâu (Ảnh: Gia Linh)

Khi được hỏi về những chính sách hỗ trợ các nghệ nhân từ địa phương, cô Bùi Thị Hà cũng thẳng thắn cho biết tại xã có hỗ trợ nhưng còn nhiều khó khăn về ngân sách. Phần lớn các nghệ nhân tại phường Xoan An Thái là nông dân nên đóng góp được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu. Các hoạt động để tập luyện, trình diễn hát Xoan hiện nay chủ yếu dựa vào kinh phí khách hỗ trợ cho đoàn.

“Vì vậy, phường Xoan chúng tôi rất mong muốn chính quyền các cấp sẽ có thêm nhiều sự quan tâm đến di sản văn hóa này vì hát Xoan ẩn chưa nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp từ Tổ tiên, gắn liền với tín ngưỡng Thờ cũng Hùng Vương có từ nhiều đời”.

Hát Xoan ngày nay thường được biểu diễn nhiều nhất vào mùa Xuân. Những làn điệu hát Xoan cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Về tham quan mảnh đất Phú Thọ dịp đầu năm mới 2023, du khách thập phương sẽ được thưởng thức các làn điệu hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN