Hiểm họa khôn lường của rượu bia với trẻ dưới 18 tuổi
(Sóng Trẻ) - Trẻ dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thức uống có cồn. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại tại Việt Nam. Ảnh hưởng từ uống rượu bia gây ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý và sức khỏe của trẻ.
Học sinh cấp 3 của một trường tại Bắc Ninh uống rượu bia (Ảnh: Dân trí)
Thực trạng trẻ dưới 18 tuổi uống rượu bia tại Việt Nam
Theo báo cáo tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, năm 2017, sản lượng bia ở Việt Nam chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm đã lên tới 8,3 lít.
Thậm chí, tỷ lệ có uống rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) rất cao với 47,5%. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi.
Nhiều bạn trẻ đang học Trung học phổ thông, Trung học cơ sở được bắt gặp với những hình ảnh tụ tập uống bia, uống rượu trong các buổi liên hoan tổng kết và trong nhiều dịp ăn uống, vui vẻ khác. T.H.H (học sinh trường Cấp 3, Hà Nội) cho biết: “Chuyện uống bia, rượu với học sinh cấp 3 em thấy không có gì lạ. Trong những buổi tổng kết, hay trong những dịp tụ tập cùng lớp bọn em thường được uống. Giáo viên và bố mẹ chúng em cũng không cấm nhưng luôn nhắc nhở là uống vui chứ không để đến mức say”.
Thực trạng uống rượu bia của giới trẻ hiện nay (Ảnh: Khánh Linh)
Theo một số chuyên gia về luật cho rằng, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau năm năm, với tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%.
Theo nghiên cứu, số liệu về tai nạn giao thông công bố năm 2017 liên quan tới lứa tuổi học sinh cấp 3 cho thấy, tỷ lệ học sinh ở cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây.
Ba nguyên nhân hàng đầu khiến tai nạn giao thông trẻ em liên tiếp xảy ra như đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát. Nguyên nhân nhiều vụ thậm chí đến từ việc nhiều trẻ em có nồng độ cồn trong người gây tai nạn.
Hậu quả khôn lường
Rượu bia gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi – trẻ vị thành niên thì còn có những tác hại nghiệm trọng hơn. Theo Th.S - BS Lê Xuân Hưng (Giảng viên Viện đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Ở độ tuổi trẻ vị thành niên; đây là giai đoạn dậy thì của trẻ, đang phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Trẻ đang trong giai đoạn phát triển trí tuệ, chiều cao, các cơ quan sinh dục rất nhanh. Trong rượu bia có chứa cồn methanol nó ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào và mô làm thay đổi cơ quan chức năng của cơ thể trẻ như: giảm khả năng tư duy, chiều cao chậm phát triển, ảnh hưởng đến mắt và những bất thường về cơ quan sinh dục... Nài ra, uống nhiều rượu bia cũng gây nghiện”.
Đặc biệt, Th.S - Bs Lê Xuân Hưng cũng nhấn mạnh: Ảnh hưởng nguy hiểm nhất là gây rối loạn về tâm thần: kích thích thần kinh, gây ảo giác, không điều khiển được nhận thức và hành vi của bản thân gây tác động xấu đến xã hội.
Không chỉ ảnh hưởng tới não, trẻ dùng rượu bia sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận cơ thể khác như gan, thận, dạ dày,…
Hậu quả từ việc uống rượu bia tới sức khỏe (Ảnh: Khánh Linh)
Theo các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương (nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10).
Nài tác động trực tiếp lên người sử dụng, rượu bia còn ảnh hưởng đến tâm lý tiếp nhận của trẻ. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy 50% trẻ em sẽ phát triển các rối loạn về tâm lý, tinh thần khi chứng kiến cha mẹ say xỉn hoặc uống rượu trước mặt. Điều này cũng xảy ra kể cả khi cha mẹ chỉ uống 1-2 ly vào buối tối.
Kết quả điều tra xã hội học của thư viện Quốc hội chỉ ra hơn 70% người cho rằng nhận thức của người dân trong việc phòng, chống tác hại rượu, bia hiện chưa được tốt.
Như vậy, uống rượu bia gây hại tới sức khỏe người uống và ảnh hưởng tiêu cực tới cả cộng đồng, cộng đồng nên được nhận thức nhằm nâng cao kiến thức về tác hại của rượu bia.
Hiện tại Quốc hội vẫn đang bàn thảo và lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rươu, bia. Dự thảo này được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào ngày 09/11. Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương và 38 điều. Luật hiện chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 2 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam. Dự kiến luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 |
Khánh Linh – Ngọc Thúy
Cùng chuyên mục
Bình luận