Hình tượng Gà sống cùng Văn hóa dân tộc (Phần 2)

(Sóng Trẻ) - Phần 2: Hình tượng Gà trong đời sống tâm linh và tranh dân tộc 

Đời sống tâm linh lưu truyền hình tượng Gà

Từ thời Văn Lang – Âu Lạc đã có nhiều truyền thuyết gắn với hình tượng gà thần như “gà chín cựa” trong “Sơn Tinh, Thủy Tinh” thời vua Hùng; yêu gà trắng trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa đắp đến đâu thì lở đến đó, khi giết được yêu gà trắng mới xây thành thành công.

69045ee0b_ga_chin_cua.jpg
“Gà chín cựa” trong truyền thuyết chính là gà ở bản Cỏi (Phú Thọ)

Trong tín ngưỡng dân gian với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng thường gắn liền với biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Đặc biệt trong trù thứ 7 trong Hồng phạm cửu trù (Kinh Thư) tên là Kê Nghi, có nghĩa là hỏi gà – có thể coi đây là một di sản văn hóa có nguồn gốc từ người Lạc Việt. Thuật bói toán bằng chân gà hình thành từ người Lạc Việt được lưu truyền đến ngày nay. Mùng 3 Tết sau khi đã hóa vàng, dân ta thường bói chân gà luộc để biết “cát hung hoạ phúc” trong gia đạo và Âm dương trạch có động chạm hay không. Bói chân gà thường dựa vào màu da, hình dáng từng ngón, khe ngón…. Đôi chân gà đó treo cạnh bàn thờ gia tiên, trước cửa nhà ở như là vật thiêng liêng để xua đuổi tà ma, bảo hộ gia chủ. Đây là trích đoạn bài Thơ bói chân gà:
“Bói giò phải bói cho tinh 
Xem tường màu sắc chân hình rủi may 
Đôi giò cần để thẳng ngay 
Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu”.

Ở Việt Nam, gà cúng thường là gà trống thiến – gà luộc đem tới bàn thờ, không phải tế gà sống như một số nước ở phương Tây. Cách đặt gà thờ thường để gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Gà cúng đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân vàng… và quan trọng là chưa đạp mái (có ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết) thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm. Đêm 30 được cho là ngày “chim mặt trời cuối cùng” ẩn mình sâu nhất. Cúng gà là biểu tượng tâm linh gọi “chim mặt trời” thức dậy, tỏa ánh sáng sự sống cho nhân gian. Vì thế dù là năm Gà hoặc năm con vật khắc tinh với Gà, dân ta vẫn có thể duy trì tục cúng Gà.

69045ee0b_ga_cung.jpg
Tục cúng gà đêm giao thừa trở thành truyền thống trong gia đình Việt

Theo dân gian, mỗi năm có một vị hành khiển cai quản nhân gian. Giao thừa là thời khắc tiễn vị Hành khiển năm cũ, đón vị Hành khiển năm mới. Nghệ nhân làm tranh Hàng trống sáng tạo bộ tranh thờ 12 bức gọi là Lục Đinh, Lục Giáp thần tướng. Mỗi vị thần này đều được nhân cách hóa thành một võ tướng cùng với một vị phán quan giúp việc cho Hành khiển. Võ tướng mặc giáp trụ, tay cầm binh khí, nhưng mũ đội đầu (mão) mang hình tướng đặc trưng của 1 trong 12 con giáp.

0f6359f3d_than_tuong_ga.jpg
Đinh Dậu thần tướng – tranh thờ Hàng Trống

Tranh dân gian Việt Nam gắn liền với Gà

Tranh dân gian Việt Nam đã có từ lâu đời: thời Lý đã có những hộ gia đình chuyên làm khắc ván, làm tranh; thời Trần – thời Hồ đã in tranh dân gian lên tiền giấy; thời Lê sơ có kỹ thuật khắc ván in; thời Mạc, tranh dân gian được chơi phổ biến từ tầng lớp nghèo khó đến vua quan giàu có và đến thời kì sau, từng dòng tranh dân gian được phân hóa rõ nét, mang dấu ấn đặc trưng của từng làng tranh từ nội dung tới hình thức.  Nước ta có những dòng tranh dân gian chính: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế) – nét tương đồng là cách dựng hình theo kiểu lấy các nét khoanh, lấy các mảng màu và bao lại toàn hình; vẽ "sống" hơn "giống" với các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau. Mỗi dòng tranh lại có hai loại chính là tranh thờ và tranh Tết xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên. Hình tượng Gà phổ quát xuyên suốt các dòng tranh ý nghĩa thể hiện tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề trồng lúa nước và biểu trưng cho văn, võ, dũng, nhân, tín – tương đồng với đức tính của người quân tử nghĩa khí. 
Làng Đông Hồ (Bắc Ninh) có những bức tranh nổi tiếng như “Đàn gà mẹ con”, “Thư hùng”, “Dạ Xướng Ngũ Canh Hòa”, “Đại cát”, “Nghinh xuân”, “Chọi gà”, “Gà hoa hồng”…  Bức tranh “Thư hùng” vẽ một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông” (nghĩa là “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”) – đại diện cho tranh chúc tụng ngày Tết. Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc, tạo nên sự mềm mại. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên, tạo nên tư thế  chủ gia đình,  che chở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình và sự đoàn kết của đồng loại.

0f6359f3d_ga_thu_hung.jpg
“Thư Hùng” thuộc dòng tranh Đông Hồ - khắc ván, dùng ván gỗ để in tranh, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu lần in

0f6359f3d_binh_hoa.jpg
Bức tranh “Vinh hoa” vẽ một bé nam khỏe khoắn ôm gà trống là lời chúc gia đình sinh quý tử tài ba

Hàng Trống (Hà Nội) nổi trội với tranh thờ, “Đinh Dậu thần tướng” là bức tranh phù hợp treo trong năm Gà. Tranh Hàng Trống chỉ in "một nửa", tức là in những đường nét chính từ bản khắc gỗ, sau đó lại tô vẽ lại - tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quệt phẩm nước tạo những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế làm cho màu sắc uyển chuyển. 
Làng Kim Hoàng (Hà Tây cũ) thường làm tranh từ rằm tháng 11 âm lịch đến Tết với nền giấy Đỏ, giấy Hồng Điều, giấy Tàu vàng.

69045ee0b_ga_kim_hoang.jpg
Tranh “Gà trống” thuộc dòng tranh Kim Hoàng

Làng Sình (Huế) thường làm tranh thờ tín ngưỡng với nhiều kích cỡ khác nhau dẫn tới những kiểu in khác nhau. In tranh khổ lớn thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in đen chờ cho khô thì đem tô màu. Tranh làng Sình có đường nét và bố cục thô sơ, chất phác, hồn nhiên. 

5c442f1c8_khuon_tranh_ga_lang_sinh.jpg
Ván khắc hình Gà nằm trong bộ tranh 12 con Giáp của tranh làng Sình (Huế)

Tranh hiện đại Việt Nam 

Lấy cảm hứng từ Gà, những họa sĩ Việt Nam cũng nổi tiếng từ những bức vẽ độc đáo, giàu giá trị tinh thần. Họa sĩ Thành Chương lúc 7 tuổi với bức vẽ đôi gà tồ đã đạt Giải Vàng trong cuộc thi hội họa thiếu nhi tổ chức lại Anh. Năm 2017, ông tổ chức triển lãm kỉ niệm những bức tranh “bén duyên từ gà” với nét vẽ hiện thực và siêu thực đan xen, gửi gắm triết lý nhân sinh qua hình tượng gà.

5f37ecf55_thanh_chuong.jpg
Một bức tranh vẽ gà của họa sĩ Thành Chương

Họa sĩ Phạm An Hải từng có tranh tham gia trên sàn đấu giá Sothebys cũng nổi danh từ vẽ tranh 12 con giáp, trong đó có gà. Anh chuyên vẽ tranh trừu tượng với số lượng màu sắc và đường nét rất ít nhưng tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người xem.

5f37ecf55_pham_an_hai.jpg
Bức tranh “Gà đàn” của họa sĩ Phạm An Hải tạo cảm giác ngưng đọng, hỗn loạn 

Những họa sĩ trẻ vẽ gà theo hướng hiện đại và cách tân ở lối tư duy và phương thức thực hiện.

5f37ecf55_ga_hoa_hong_ve_lai.jpg
“Gà hoa hồng” được họa sĩ trẻ Xuân Lam vẽ lại từ tranh Đông Hồ bằng công nghệ đồ họa hiện đại.

Hình tượng Gà trong đời sống tâm linh của người Việt được bảo tồn qua bao thế hệ, những dòng tranh dân gian và tranh hiện đại vẽ gà tồn tại song song trong thời đại mở cửa và công nghệ số, tạo dấu ấn riêng biệt về văn hóa Việt Nam trong lòng khách du lịch quốc tế.

Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1
Ảnh: Internet

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN