Thờ cúng tổ tiên – đặc trưng văn hóa của người Việt
(Sóng Trẻ) - Khác với người phương Tây và một số quốc gia khác trên thế giới, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những nét văn hóa đặc trưng của mỗi gia đình Việt. Nó mang một màu sắc riêng, tiêu biểu cho văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam.
Người Việt thờ cúng tổ tiên trong gia đình xem đó như là một tín ngưỡng thiêng liêng, là sự tưởng nhớ, thể hiện tính nhân bản của người Việt Nam, lòng biết ơn của người sống đối với người đã khuất và có ý nghĩa triết lí sâu sắc.
Sự giao lưu của hai cõi âm dương
Xuất phát từ niềm tin vào phần hồn của con người, xưa nay, dân gian ta vẫn quan niệm rằng, khi chết đi con người chỉ chết về phần xác còn phần hồn sống mãi. Ông bà ở nơi chín suối nhưng linh hồn vẫn luôn hướng về con cháu, dõi theo thế hệ sau để phù hộ độ trì cho con cái cháu chắt; mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi. Điều này ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình; họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn cha mẹ buồn, đôi khi muốn quyết định việc gì đó cũng phải cân nhắc xem liệu khi còn sinh tiền thì cha mẹ có đồng ý như thế hay không. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng, với quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để 2 thế giới này gặp gỡ.
Bàn thờ tổ tiên được thấy ở nhiều gia đình làng quê Việt Nam (nguồn: Internet)
Người Việt Nam cũng rất thận trọng trong cách đặt vị trí bàn thờ. Bàn thờ thường quay ra cửa chính hoặc quay ngang vuông góc với hướng nhà, không đặt ngược với hướng nhà có thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, phản bội hoặc con cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị ảnh hưởng. Với người Việt Nam thì "đất có thổ công, sông có hà bá" nên bên cạnh bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng có bàn thờ thổ công. Thổ công định đoạt phúc họa trong gia đình nên là vị thần rất quan trọng. tổ tiên ngự ở bàn thờ tôn kính nhất – gian giữa, thổ công ở gian bên trái.
Bàn thờ luôn được sắp xếp, bài trí để thể hiện sự thành kính với tổ tiên (nguồn: Internet)
Nơi biểu hiện sự thiêng liêng
Hằng năm, cứ đến ngày giỗ, các dịp lễ, Tết thì con cháu trong gia đình lại có những mâm cơm thịnh soạn và hương, hoa, mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ tổ tiên. Lễ vật đặt lên bàn thờ kết tinh những giá trị nhân văn sâu sắc; đó đều là những tinh hoa của đất trời và do bàn tay cần cù chịu khó của dân mình tạo nên. Đây cũng là dịp để con cháu làm ăn xa quê trở về báo hiếu với những người đã khuất, cầu mong sự phù hộ của gia tiên cho con người được khỏe mạnh, công danh sự nghiệp tiến tới và cũng là thời điểm để con cháu được đoàn tụ với gia đình.
Phong tục lập bàn thờ của người VIệt có nhiều nét độc đáo, khác biệt so với những nước có cùng nền văn hóa Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc... Thạc sĩ Kato Atsufumi – Giảng viên bộ môn Nhật Bản học, chuyên nghiên cứu về văn hóa nói chung, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ về những điểm khác biệt trong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình người Việt và Nhật: “ Ở Nhật Bản tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã có từ lâu nhưng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi thấy phong tục thờ cúng tổ tiên ở đây có những nét riêng độc đáo. Gia đình người Nhật cũng đặt bàn thờ trong nhà nhưng đó là bàn thờ Phật chứ không phải là bàn thờ tổ tiên. Người Nhật đặt tượng Phật (hoặc tranh Phật) ở giữa và đặt bia thờ tổ tiên ở bên cạnh tượng Phật. Tục thờ cúng ở Nhật Bản không diễn ra thường xuyên mà chỉ vào một số dịp nhất định trong năm như ngày giỗ, ngày xá tội vong nhân và rằm trung thu… Việc bài trí trên bàn thờ cũng có nhiều điểm khác biệt. Trong nhiều chuyến đi thực tế, khi nhìn vào bàn thờ của mỗi gia đình Việt, tôi luôn thấy một không khí thiêng liêng và sự trang trọng trong đó”.
Người Việt xem tổ tiên là cội nguồn, là linh hồn sống để tưởng nhớ ghi ơn trong tâm khảm của họ. Bàn thờ tổ tiên luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình. Dù đi đâu hay trong hoàn cảnh nào, mỗi lần nhắc tới tổ tiên là một lần con người Việt Nam bày tỏ một tình cảm biết ơn và tôn kính sâu sắc.
Phan Huyền Trang
Lớp Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận