Hội chứng Overthinking “ăn mòn” cuộc sống giới trẻ
(Sóng trẻ) - Hội chứng Overthinking - Suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề trong quá khứ hay lo lắng thái quá về những việc trong tương lai đang khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ chìm trong hoảng loạn, lo âu kéo dài.
Luôn mắc kẹt trong “mê cung” suy nghĩ
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhận định: "Overthinking không phải là bệnh tâm thần, nhưng nó có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác. Overthinking thường liên quan đến chứng rối loạn lo âu tổng quát (GAD). GAD được đặc trưng bởi xu hướng lo lắng quá mức về một số thứ".
Áp lực từ cuộc sống hiện đại khiến nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy của những suy nghĩ chồng chéo lên nhau. Vòng xoáy này đang hút cạn sức lực, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, cảm xúc và hành vi của giới trẻ. Đáng lo hơn, hội chứng này có thể dẫn đến những căn bệnh tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm hay tự kỷ.

Hà Thương chia sẻ: “Chỉ cần sếp nói nặng vài câu mình lại bắt đầu suy nghĩ bản thân là kẻ thất bại. Mình cảm thấy mình không thể làm được gì cả, những suy nghĩ ấy sẽ đeo bám mình thời gian dài, khiến mình mất ngủ và stress, mình cũng không dám nhận bất cứ dự án nào khác…”. Bởi lý do đó, công việc của Hà Thương lại càng trở nên tệ hơn.
Câu chuyện của Hà Thương không phải hiếm gặp. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Michigan của Mỹ cho thấy 73% người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 - 35 suy nghĩ quá nhiều. Đáng ngạc nhiên, con số này ở mức thấp hơn, 52% đối với những người trong độ tuổi từ 45-55. Điều đó cho thấy, nhiều người trẻ hiện nay đang có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn so với người già.
Suy nghĩ quá nhiều vì những điều vụn vặt trong cuộc sống, đó cũng là vấn đề của bạn Hoàng Tuấn Anh (24 tuổi, Gia Lai). Kể từ khi yêu xa, bạn luôn cảm thấy lo lắng quá mức với những thay đổi nhỏ của đối phương.

Tuấn Anh chia sẻ thêm, bạn đã thử nhiều cách để tự mình thoát khỏi những suy nghĩ của bản thân: “Mình đã thử đi đá bóng, chơi thể thao, đọc sách hay nuôi chó để có thể giải tỏa căng thẳng, mình cho rằng khi bận rộn thì sẽ không suy nghĩ nhiều nữa.” Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ mang tính ngắn hạn, ngay sau khi kết thúc những hoạt động này, bạn lại bị cuốn vào luồng suy nghĩ của bản thân khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất tập trung.
“Liều thuốc” nào để thoát khỏi Overthinking?
TS Nguyễn Văn Tường - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết số lượng bạn trẻ mắc hội chứng Overthinking đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ.
Khi rơi vào overthinking, họ thường trở nên mệt mỏi; mất đi năng lượng và sự tập trung. Các suy nghĩ có thể đi từ một chủ đề rồi mở rộng ra các chủ đề khác hay trở thành vòng lặp khiến bạn bấn loạn, tiêu tốn rất nhiều thời gian và khó để thoát ra. Khi bị cuốn vào dòng chảy suy nghĩ, ta miên man và trì hoãn hành động; từ đó làm giảm hiệu quả công việc thường ngày.
Điều này bắt nguồn từ việc các luôn muốn tìm kiếm giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, đặt ra kỳ vọng hoàn thiện bản thân và đáp ứng các nhu cầu. Tuy nhiên, nếu không giữ được sự cân bằng giữa các mục tiêu, khả năng kiểm soát kỳ vọng và chấp nhận rủi ro sẽ dễ dẫn đến xu hướng lo lắng quá mức về mọi thứ.

Theo TS Tường, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể theo dạng đặc trị cho các cá nhân có vấn đề "overthinking". Đồng thời, hội chứng này cũng không phải là một dạng bệnh lý nên hiện nay chưa có thuốc đặc trị riêng. Cần sớm hỗ trợ, can thiệp trị liệu tâm lý và kết hợp với duy trì thói quen sinh hoạt tích cực, rèn luyện các kỹ năng thư giãn, thay đổi tư duy là biện pháp hữu ích hơn cả.
Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ Kim Hoàn - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chia sẻ thêm cách để có một sức khỏe tâm lý khỏe mạnh. Để tránh rơi vào tình trạng Overthinking mỗi người cần giữ gìn và nâng cao năng lực thích ứng với môi trường xung quanh. Xây dựng cho mình lối sống khỏe, sống có ích để nâng cao tố chất tâm lý và thể chất.
Với các vấn đề tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công việc và sinh hoạt hằng ngày, bác sĩ Vũ Kim Hoàn khuyến cáo mọi người nên đến các cơ sở chuyên khoa về tâm thần để khám và điều trị.