Khám phá phong vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội

(Sóng trẻ) - Trong không khí Xuân Giáp Thìn 2024 đang cận kề, ngày 01/2, Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phong vị Tết xưa Hà Nội” nhằm giới thiệu các phong tục ngày Tết truyền thống đến với công chúng.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS. TS Bùi Xuân Đính - chuyên gia nghiên cứu về người Việt và làng xã người Việt, TS.Trần Đoàn Lâm - nguyên Giám đốc nhà Xuất bản Thế Giới và nhiều chuyên gia văn hóa khác. Đây là một trong các hoạt động hướng đến mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 do Bảo tàng Hà Nội tổ chức, qua đó góp phần lan tỏa hơn nữa nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam đến công chúng.

02.jpg
Tọa đàm tập trung chia sẻ về hai chủ đề phong tục chuẩn bị Tết và phong tục lì xì (Ảnh: Phan Hoàn)

Chia sẻ về phong tục chuẩn bị Tết, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết phong vị Tết xưa được tạo thành bởi 5 yếu tố: sự no đủ, đoàn viên, khoan dung, mới lạ và tri ân. Trong đó, sự no đủ là quan trọng nhất. Bởi xưa kia, mặc dù Tết chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, người dân phải chuẩn bị Tết từ rất sớm, có khi là cả năm. Do đó, mâm cơm dịp này càng trở nên đặc biệt với những món đặc trưng như bánh chưng, thịt đông…

Tết xưa còn là sự mới lạ. Chỉ khi đến Tết người dân mới có điều kiện để trang hoàng lại nhà cửa, sắm sửa quần áo. Quang cảnh xóm làng thay đổi kết hợp với nét mặt hân hoan của mỗi người tạo nên bầu không khí đầm ấm, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Ngoài ra, nhắc đến Tết là nhắc đến sự đoàn viên với gia đình, khoan dung lẫn nhau và sự tri ân dành cho cha mẹ, ông bà, thầy cô, những người đã giúp đỡ mình. 

Vì vậy, quá trình chuẩn bị Tết có thể coi như “một hành trình” không hề đơn giản. “Hành trình chuẩn bị Tết gồm rất nhiều việc, mỗi việc có những yêu cầu riêng đòi hỏi mỗi người phải chu đáo, tỉ mỉ, sự đồng tâm hiệp lực cao trong gia đình và xóm làng”, PGS.TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh thêm.

01.jpg
Nhiều chuyên gia văn hóa khác tham gia trao đổi sôi nổi, đặc biệt là về ẩm thực ngày Tết (Ảnh: Phan Hoàn) 

Còn theo tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Tết là cả một quá trình đổi mới của tự nhiên và tâm thế con người: “Trong Triết học phương Đông có nguyên tắc ‘Xuân sinh, Hạ trường, Thu liễm và Đông tàng’. Do đó, vào thời điểm này, người ta có xu hướng kiểm điểm lại những gì đã làm trong năm cũ và ước vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Phong tục chúc Tết không chỉ thể hiện tình cảm của con người với nhau mà còn thể hiện khát vọng về tương lai tươi sáng, tạo động lực để chúng ta thực hiện được những điều mà năm cũ chưa hoàn thành”, TS. Trần Đoàn Lâm phân tích. 

Tuy nhiên, khi Hà Nội phát triển đô thị mạnh mẽ, một số phong tục Tết truyền thống đã có nhiều thay đổi theo hướng tối giản các bước chuẩn bị hay biến mất. Trước nguy cơ nhiều nét văn hóa đặc sắc đang dần bị mai một, TS. Trần Đoàn Lâm bày tỏ: 

“Tết âm lịch là một di sản văn hóa lớn và chúng ta khai thác ở khía cạnh nào cũng mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, sự phát triển của cuộc sống tất yếu sẽ làm biến đổi phong tục cũ và nảy sinh nhiều cái mới. Ví dụ như Tết bây giờ giới trẻ thích đi du lịch hơn, có những món ăn khác với thời ông bà ngày xưa. 

Chúng ta nên khai thác những mặt tích cực, còn những phong tục không phù hợp với cuộc sống hiện đại thì tất nhiên là không nên tái hiện hoặc chỉ nên tái hiện lại ở trong không gian của các bảo tàng. Để khi các bạn trẻ đến thăm, không chỉ được tìm hiểu văn hóa mà còn rút ra những bài học, giáo dục tình yêu đối với di sản, đối với truyền thống và rộng hơn là tình yêu đối với dân tộc”.

03.jpg
TS. Trần Đoàn Lâm chia sẻ tại buổi tọa đàm (Ảnh: Phan Hoàn) 

Trong khuôn khổ hoạt động, Bảo tàng Hà Nội còn trưng bày hai chuyên đề "Năm Thìn kể chuyện Rồng" và “Phong vị Tết xưa Hà Nội” giúp du khách cảm nhận rõ nét phong vị Tết truyền thống.

Đến với không gian của “Năm Thìn kể chuyện rồng”, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu hình tượng con rồng trong đời sống văn hóa Việt Nam qua hơn 100 tài liệu, hiện vật. Bên cạnh đó, bộ sưu tập ảnh “Phong vị Tết xưa Hà Nội” sẽ gợi nhắc lại các phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền như: tục dựng cây nêu, chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ đầu năm...

anh-3.jpg
Không gian triển lãm trưng bày thu hút sự quan tâm đông đảo từ du khách (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội) 

Bạn Đinh Thu Phương (20 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Khi tham quan triển lãm, mình được hiểu rõ ý nghĩa của nhiều hoạt động trong Tết cổ truyền như gói bánh chưng, làm cây nêu hay bày mâm ngũ quả... Sự kiện rất thú vị và giúp mình thêm yêu Tết Việt hơn". 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN