Khó khăn khi xe về quê không còn ở bế
(Sóng trẻ) - Hàng nghìn người lao động Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... tại Hà Nội “ngậm ngùi” về thông tin điều chỉnh tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm.
Tính đến tháng 12 năm 2016, tại bến xe khách Mỹ Đình vẫn thường trực các tuyến xe khách Nam Định - Mỹ Đình, Thái Bình - Mỹ Đình, Nghệ An – Mỹ Đình…Điều này rất thuận lợi cho người đi làm và sinh viên các khu vực Cầu Giấy, Dịch Vọng Hậu, Bắc Từ Liêm khi về quê hoặc từ quê lên Hà Nội.
Gần Bến – Xa xe
Quyết định của Bộ Giao Thông Vận Tải khiến nhiều người đi làm và sinh viên ngậm ngùi về việc bến xe gần mà “lực bất tòng tâm”. Cạnh đó, nhiều người cũng hoang mang về việc sẽ đi đâu, đi như thế nào để có thể về nhà một cách an toàn, thuận tiện và tốn ít chi phí phát sinh nhất?
Nga (ĐH Thương Mại) chia sẻ: “Mình đã quá quen với việc ra bến Mỹ Đình để bắt xe về nhà, bây giờ điều chỉnh sang bến xe Nước Ngầm việc đi lại bỗng nhiên phức tạp hơn”.
N.T.Thúy (ĐH Sư Phạm) lo lắng: “Bình thường ra bến về nhà chỉ mất mười phút, giờ đến nơi để bắt được xe về là cả tiếng đồng hồ, tốn thời gian,nếu đi xe ôm mất ít nhất 60 nghìn đồng, bằng tiền vé về nhà rồi".
Hình ảnh tại bến xe Mỹ Đình
Việc bất tiện trong đi lại, tốn kém trong tiền bạc và hao phí thời gian khiến nhiều sinh viên tỉnh lẻ ngán ngẩm, lo lắng,khó khăn nối tiếp khó khăn. Nhiều sinh viên bức xúc đã kêu gọi phản đối quyết định này trên trang cá nhân của mình.
Không chỉ bất tiện với sinh viên mà điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công nhân, người lao động tại các tỉnh có tuyến xe bị điều chuyển đang làm việc trên địa bàn lân cận bến xe Mỹ Đình.
Trao đổi với phóng viên, chị T(Nghệ An) nghẹn ngào nói: “Làm sao có thể đi từ đây ra bến Nước Ngầm cơ chứ, đồ nhiều, con nhỏ, đường xá xa xôi,Tết nhất lại đến gần, thôi thì khổ trăm bề.”
Nhà xe bất bình đình công
Đến thời điểm 13h ngày 30/12/2016, hàng chục nhà xe khách có xe chạy tuyến liên tỉnh bị điều chuyển tổ chức đình công, không bắt khách, không chấp nhận việc chuyển sang bến Nước Ngầm. Nguyên nhân của loạt hành động đình công này là do “Cán bộ sở giao thông không kịp thời thông báo kế hoạch điều chuyển” vả lại “Cần câu cơm” bị “chia năm xẻ bảy” với các xe khác tại bến mới, chủ kinh doanh không thể làm ngơ.
Nhà xe bất bình đình công, người lao động và sinh viên hoang mang trước cảnh bến đây mà xe không thấy. Rất nhiều người đến bến rồi mới “ngã ngửa” vì thông tin trên. Ông A (Thanh Hóa) bức xúc: “Làm thế nào để chúng tôi về quê khi xe không bắt khách, nghỉ được vài ngày mà xe cộ như thế này thì hỏng việc”.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ban hành quyết định 583/BC-SGTVT nêu rõ, cần điều chỉnh các tuyến xe khách liên tỉnh đi tuyến QL1 từ phía Nam vào Hà Nội qua cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ do bến Mỹ Đình đã quá tải và vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội.
Quyết định này vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Người dân Hà Nội khá đồng tình với quyêt định trên, trong khi nạn tắc đường tại Thủ đô ngày một nghiêm trọng thì việc điều phối tuyến xe khách là một hướng đi đúng, làm giảm phần nào vấn đề trên. Song cạnh đó cũng có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt đặc biệt từ phía nhà xe bị điều chuyển và người lao động, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Hà Nội.
Nhiều tuyến xe bị điều chuyển
Trước tranh cãi gay gắt của dư luận, Sở Giao thông vẫn kiên quyết với phương án đã đề ra. Bởi đây là dự kiến được đề xuất và xem xét trong suốt ba năm (từ tháng 5/2013). Quyết định được coi là chiến lược mang tính lâu dài của Sở Giao thông Hà Nội nói riêng và Bộ Giao thông nói chung nhằm giảm tình trạng giao thông tại Hà Nội đang ngày một phức tạp và “hỗn loạn”.
Hiền Lương
Cùng chuyên mục
Bình luận