Làm cô khó lắm… phải đâu chuyện đùa
Dạy trẻ luôn là điều chẳng hề dễ dàng và đối với những em bé mắc chứng tự kỉ thì hành trình nuôi dạy của các cô giáo lại càng gian nan và thử thách hơn. Nài sự kiên nhẫn, nhiệt tình, lòng yêu nghề thì các cô còn phải có tình yêu thương bao la đối với các em.
Dù mới là một sinh viên năm 4 đại học sư phạm nhưng Vũ Thị Phương Hoa đã có gần 4 năm kinh nghiệm làm cô giáo của các em nhỏ. Khi mới theo các ngành sư phạm nhất là ngành giáo dục đặc biệt này Hoa từng nghĩ mình không thể theo nghề: “Ngày xưa mình chỉ thích làm công an thôi, thi ngành này là theo yêu cầu của bà nại, chứ mình không hề thích thú gì, thậm chí là chán ghét lắm” Hoa chia sẻ.
Hành trình để trở thành một cô giáo yêu nghề
Những ngày mới đi dạy, gặp mấy em bé, em thì ngồi im không nói, không biết làm gì em thì tăng động chạy quanh phòng quát không được, cô giáo đôi khi chỉ biết ngồi im một chỗ khóc: “Những ngày đầu gian nan vô cùng, mình từng hối hận vì theo ngành này lắm. Những lúc ấy thấy chán nản vô cùng ấy”. Vì chưa có kinh nghiệm điều khiển hành vi của những em bé đặc biệt này, kĩ năng chuyên môn còn ít thế nên thời kì đầu với Hoa giống như “cơn ác mộng”.
Làm cô giáo dạy trẻ đặc biệt chưa bao giờ là điều dễ dàng
Tuy nhiên với tình yêu thương trẻ con và tình thương đặc biệt dành cho những em bé kém may mắn ấy Hoa luôn cố gắng học hỏi, tìm kiếm những phương pháp dạy mới để phù hợp với từng em bé: “Nhiều cái ở trường không dạy lắm, mình còn lên youtube để tìm phương pháp. Có những cái đơn giản như thổi bóng bay thôi cũng phải dạy các em đúng phương pháp. Dạy cả tuần các em mới có thể biết cách thổi, chỉ như vậy thôi là mừng lắm”.
Đến giờ sau gần bốn năm kinh nghiệm thì Hoa cũng đã tích lũy cho mình một số vốn kinh nghiệm: “Mình yêu bọn trẻ lắm, thương cũng nhiều, mình cố gắng giúp các em học, các em cũng giúp mình thay đổi nhiều trong hành vi và thái độ. Ngày trước mình vốn rất nóng tính, nói không được là sẽ quát các em, còn bây giờ mình biết đó là điều sai hoàn toàn, mình biết kiềm chế bản thân và dùng tình yêu để dạy các em”. Được tiếp xúc với các em hàng ngày, được dạy bảo, tình yêu dành cho các em cũng dần biến thành tình yêu nghề: “Mình nghĩ ai làm nghề này cũng vậy thôi, không có tình yêu thương thực sự sẽ không thể làm được đâu”.
Nỗi lòng ngày 20/11
20/11 năm nào cũng vậy, nếu có là những bó hoa, món quà thì cũng là từ phụ huynh nhưng điều hạnh phúc nhất của một cô giáo dạy giáo dục đặc biệt như Hoa có lẽ là một điều khác: “Thực sự cũng rất vinh dự và tự hào khi được các em gọi là cô, phụ huynh gọi là cô giáo, đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất với mình không chỉ trong những ngày này mà có lẽ sẽ là cả cuộc đời làm nghề của mình”.
Hoa và các thầy cô chụp ảnh kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam
Cũng như bao cô giáo khác, Hoa luôn mong muốn hơn hết là nụ cười, sự tiến bộ qua từng ngày của các em để các em bé đặc biệt có thể sớm hội nhập với bạn bè, với cộng đồng. Có lẽ đó mới là món quà lớn nhất mà những cô giáo dạy trẻ tự kỷ như Hoa nhận được.
Nghề giáo viên luôn là một nghề thiêng liêng và cao quý mà ai cũng trân trọng, với những cô giáo dạy trẻ tự kỷ có lẽ nó còn thiêng liêng hơn gấp nhiều lần. Hành trình dạy các em bé đặc biệt vốn gian nan nhưng chính học trò của các cô lại chưa nhận biết được những điều đó. Thế nhưng chẳng cần lời công nhận từ ai, các cô vẫn yêu thương và dạy dỗ, giúp đỡ các em từng ngày, từng ngày…
Việt Hà
Báo chí ĐPT K33
Cùng chuyên mục
Bình luận