Lễ hội Lồng Tồng – Nét văn hóa dần đi vào quên lãng

(Sóng trẻ) - Đi về phía Tây Bắc của tỉnh Yên Bái, điểm dừng chân của tôi là xã An Thịnh, huyện Văn Yên, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc Tày sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng lâu đời nhưng đang dần bị mai một theo thời gian.

Chiếm 18,2% dân số toàn tỉnh Yên Bái, từ lâu người Tày đã cư trú tập trung thành bản, ở ven các thung lũng với nhiều phong tục tập quán đặc trưng và hệ thống lễ hội truyền thống phong phú.

Giá trị truyền thống dần mai một 

Dưới ánh chiều tà, phảng phất làn khói bếp bốc lên từ những ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày, già làng Hoàng Thị Hào trầm giọng kể: “Dân tộc Tày có nhiều lễ hội đặc sắc, đó là những giá trị văn hóa cổ xưa, tín ngưỡng tốt đẹp của người đồng bào. Nhưng đã từ rất lâu, những lễ hội truyền thống đã không còn thường xuyên được tổ chức nữa…”

l1.jpg
Trang phục người Tày huyện Văn Yên – Yên Bái (Ảnh: NVCC)

 

Đi sâu vào trong bản, già làng dẫn tôi lên một ngôi nhà sàn. Ngồi bên bếp lửa với xung quanh là những bắp ngô vàng treo kín từ vách nhà lên tới xà ngang, ngắm nhìn những tấm hình kỷ niệm ít ỏi về các lễ hội truyền thống của dân tộc mình, mắt bà như nhòe đi vì chứng kiến những giá trị văn hóa của dân tộc đang dần bị mai một.

 “Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, bà con lại nô nức tổ chức các lễ hội. Nhưng dần dần các lễ hội cứ dần bị mất đi theo thời gian, mọi người không còn chú trọng tới việc tổ chức lễ hội nữa mà chủ yếu chỉ tập trung làm ăn kinh tế. Như lễ hội Lồng Tồng của chúng tôi được tổ chức lần cuối cùng vào năm 1957 và phải tới năm 2014 lễ hội mới lại được khôi phục sau 63 năm không được tổ chức.” Già làng tâm sự.

l2.jpg
Lễ vật cúng trong lễ hội Lồng Tồng (Ảnh: NVCC).

 

Lễ hội chỉ còn tồn tại trong trí nhớ...

Dạo một vòng quanh các bản làng, tôi nhận ra một điều đa số người dân sinh sống trong bản chỉ còn lại trẻ em và người già. Sau khi hỏi rất nhiều người về các nghi lễ trong lễ hội Lồng Tồng, thì chẳng có ai kể được chi tiết đầy đủ. Thế hệ già hiểu biết tường tận về lễ hội chỉ có cụ Hoàng Thị Xe còn minh mẫn. Theo lời chỉ dẫn của già làng, tôi tìm được đến nhà cụ Hoàng Thị Xe, để tìm hiểu sâu hơn về lễ hội Lồng Tồng.

“Lễ hội Lồng Tồng còn được gọi là lễ hội Xuống Đồng, là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Tày. Nó không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa mà còn là tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào chúng tôi. Lễ hội Lồng Tồng được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Nhưng hiện nay, mọi người chỉ tập trung chủ yếu làm ăn kinh tế, thanh niên đi học, đi làm xa, ít người ở lại bản làng để làm nông nghiệp. Vì thế lễ hội Lồng Tồng – Xuống đồng không còn được tổ chức thường xuyên nữa, lâu dần bị mai một.

Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội dân gian tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng. Lứa tuổi thanh niên là lứa tuổi có thể tiếp thu và phát huy lễ hội nhưng lại chư­a có ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc của mình nên dễ tiếp thu văn hóa bên ngoài không có sự chọn lọc, có biểu hiện xu hướng vọng ngoại, quay lưng lại với những sinh hoạt văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc kế thừa, phát huy nền văn hóa của dân tộc đối với thế hệ đi sau không phải là điều dễ dàng.” Cụ Xe kể.

Đau đáu nỗi lòng gìn giữ cho thế hệ mai sau

Quay trở lại căn nhà sàn của già làng Hoàng Thị Hào khi bóng tối đang dần bao trùm bản làng, trâu bò đã về nghỉ dưới gầm nhà, qua làn khói bếp, tôi thấy nét mặt già làng dù tươi vui nhưng vẫn luôn thoáng một nét buồn. Bà luôn đau đáu về việc làm thế nào để lễ hội Lồng Tồng sẽ được tổ chức hàng năm, nhận được sự quan tâm của đông đảo đồng bào dân tộc Tày như ngày trước?

Trách nhiệm như đè nặng lên vai người già làng đã ngoài 70 tuổi về việc giáo dục cho con cháu hướng về cội nguồn, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau. Theo bà, phải thường xuyên hướng dẫn cho con cháu chi tiết các nghi thức, cách chuẩn bị lễ vật cho lễ hội nói chung và lễ hội Lồng Tồng nói riêng; Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về giá trị, bản sắc lễ hội trong các buổi họp thôn, trên đài phát thanh hàng ngày của thôn; Có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền các cấp địa phương về việc khôi phục, bảo tồn, phát huy truyền thống dân tộc.

Len lỏi vào làn khói bếp là làn sương đêm đang dần buông. Tiếng chó sủa, tiếng cóc nhái, dế mèn kêu râm ran khắp nơi làm bớt đi phần nào vẻ đượm buồn vốn có của bản làng. Có lẽ người đồng bào dân tộc Tày nơi đây đã dần quen với không khí im ắng bởi đã quá lâu rồi các giá trị tinh thần, lễ hội đặc trưng cho văn hóa, cho truyền thống tốt đẹp nơi đây đã không còn được đặt lên hàng đầu.

 

Lễ hội Lồng Tồng thường được tổ chức sau dịp Tết, vào khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 25 tháng Giêng và thường kéo dài trong 3 ngày. Không gian tổ chức lễ hội thường được diễn ra ở sân đình hoặc tại khu đất ruộng bằng phẳng giữa cánh đồng hay gò đất nơi thuận tiện cho hành lễ và vui hội.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu khi chiêng trống nổi lên từ nhà thầy mo, rồi thầy mo sẽ rước lễ ra đầu làng sau đó tất cả các ban ngành tổ chức, bà con nhân dân tập chung đông đủ để chuẩn bị rước lễ ra kệ tồng để làm lễ cúng Thần Nông. Kệ tồng gồm 3 cấp tượng trưng cho Thượng nguyên nơi đặt lễ của thầy mo, Trung nguyên nơi đặt lễ của các cơ quan đoàn thể, và Hạ nguyên là nơi đặt lễ của tất cả các gia đình. Khi lễ đã bày xong thầy mo sẽ làm lễ xin Thần linh phù hộ cho dân làng và xin thần cho dân bản được phép tổ chức lễ hội Lồng Tồng. Sau đó, chủ lễ xin âm dương (đây là nghi lễ rất quan trọng thể hiện sự kính trọng ngưỡng mộ Thần linh). Khi thần linh đã chấp nhận thì thầy mo sẽ mang đôi gà trống ra bờ mương cắt tiết ở đầu mương cho tiết chảy xuống nước. Làm song thầy cúng quay lại kệ tồng báo cáo với Thần Nông đã xong việc và xin phép được cho dân làng mở hội Lồng Tồng bắt đầu một mùa vụ mới.

Sau phần lễ là phần hội, sau khi Thầy cúng xin phép được mở hội thì phần hội đầu tiên là hội ném còn. Thầy cúng sẽ là người đầu tiên ném còn sau đó sẽ phát quả còn cho tất cả mọi người tham gia lễ hội. Người đầu tiên ném thủng vòng còn được cho là người may mắn nhất giúp cả gia đình và dòng họ làm ăn năm đó sẽ mát mẻ và thuận lợi. Nếu quả còn ném thủng hướng vào làng thì năm đó mùa màng sẽ tốt tươi, dân làng sẽ ấm no hạnh phúc, nếu quả còn thủng hướng ra ngoài thì năm đó dân làng ít may mắn hơn. Ngoài trò chơi ném còn thì còn có rất nhiều trò khác như thi đẩy gậy, kéo co, nhảy dây, thi cấy…

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN