Môi trường nghệ sĩ và câu chuyện “giàu - nghèo”
(Sóng trẻ) - Môi trường nghệ sĩ có lẽ là một trong những môi trường có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất. Câu chuyện về cố NSƯT Văn Hiệp hay mới đây là nghệ sĩ Hán Văn Tình luôn là minh chứng cho nhận định “nghệ sĩ người giàu thì cực giàu, người nghèo thì vẫn cứ nghèo".
Khoảng cách… không hề nhỏ
Trên các mạng xã hội, trang tin, báo điện tử hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng công chúng không khó để bắt gặp hình ảnh một ca sĩ này khoe chiếc đồng hồ “hàng hiệu”, một diễn viên nọ khoe chiếc “xế” mới hay đơn giản là một tủ quần áo, tủ giầy với giá trị mà không phải ai cũng sở hữu được. Họ là những nghệ sĩ có thu nhập khủng trong giới showbiz, mời được họ tham gia một sự kiện hay một bộ phim không phải là đơn giản.
Nếu có có “khái niệm” giới thượng lưu trong giới nghệ sĩ thì có lẽ khái niệm đó sẽ dành cho họ, những ca sĩ “hạng sang” đắt show và nhiều tiền. Có người được vậy là nhờ chăm chỉ, tài năng đi lên bằng thực lực nhưng cũng có những người đạt được như vậy là nhờ chiêu trò, nhờ scandal hay đơn giản là thông minh và sành sỏi trong hoạt động nghệ thuật. Mỗi người mỗi cảnh có lẽ chẳng ai giống ai, nghệ sĩ cũng vậy.
Nghệ sĩ Văn Hiệp và nghệ sĩ Hán Văn Tình
Thế nhưng, trong giới nghệ sĩ cũng lại có những người có hoàn cảnh khó khăn, nếu không muốn nói là cùng cực. Một cố nghệ sĩ hài đã mất với những năm tháng cuối đời có thể nói là nhiều khốn khó, một vài nghệ sĩ sống trong chùa khi đã về già, một vài nghệ sĩ đi bán vé số không ai hay và mới đây có một nghệ sĩ vẫn được nhiều người yêu thích lại đang mắc căn bệnh hiểm nghèo mà không dám tiêm thuốc vì “sợ tốn kém”.
Nguyên nhân từ đâu?
Không bàn đến nguyên nhân về sự nhanh nhạy, năng lực hay vận may rủi trong khuôn khổ bài viết này người viết chỉ xin bàn đến vấn đề về loại hình nghệ thuật và tính chất nghệ thuật tạo nên khoảng cách giàu nghèo trong giới nghệ sĩ. Những người nghệ sĩ đang gặp khó khăn kể trên chủ yếu là những nghệ sĩ hoạt động trong ngành nghệ thuật truyền thống, cái mà hiện nay đang rất ít khán giả. Hoặc nếu không phải nghệ thuật truyền thống thì cũng là do gắn bó với nghệ thuật hàn lâm, cái mà xa lạ với nhiều nghệ thuật giải trí, thị trường hiện nay.
Chính thế mới có chuyện, trong khi một ca sĩ nhạc nhẹ thị trường thì chạy show không hết, mở liveshow dễ như “lật bàn tay” thì một nghệ sĩ lại phải đi chạy chương trình sân khấu, xin tài trợ khắp nơi này, nơi nọ từ cơ quan nhà nước đến người quen, khán giả trung thành. Họ làm thế đôi khi cũng không phải vì tiền mà là vì tình yêu đối với nghệ thuật chân chính hay vì sự đau đáu với nguy cơ mai một thất truyền của một loại hình nghệ thuật.
Chẳng hẳn ai cũng nhớ câu chuyện về cụ Hà Thị Cầu, có “báu vật nhân văn” nào khổ và thiếu thốn trăm bề như cụ. Một người dường như được xem là bậc thầy của xẩm., là một báu vật, một trong những nghệ sĩ xẩm cuối cùng của thế kỷ XX đã sống trong thiếu thốn những năm cuối đời. Và rồi ngọn nến đấy đung đưa trước gió và tắt vụt trong luyến tiếc và thương nhớ của biết bao người yêu xẩm.
Truyền thống và hiện đại vẫn nhiều khoảng cách, các loại hình nghệ thuật cũng nhiều khoảng cách và những khoảng cách đó đã tạo nên sự giàu nghèo trong môi trường nghệ sĩ Việt.
Quang Đức
BMĐTK32
Cùng chuyên mục
Bình luận