"Tình bút mực" : Hành trình nhận - cho - nhận của nhà báo Hữu Thọ
(Sóng trẻ) - “Tôi tự tổng kết đời làm báo của mình với “ba bằng đại học” (Đại học chính trị, đại học văn hóa và đặc biệt là đại học đường đời do cuộc sống cấp bằng – trích Tố Hữu) và năm chữ “S” nghĩa là phải “Sống sâu sắc, say sưa” với sự nghiệp của đất nước và nhân dân” là tâm sự chân thành của nhà báo Hữu Thọ trong bài viết “Anh Tô dặn dò” trích ấn phẩm “Tình bút mực” xuất bản năm 2014.
Đúng như nhan đề cuốn sách, "Tình bút mực" là tình cảm tốt đẹp, tri ân, tri kỷ của những con người đồng cảm hoặc là đồng chí, đồng đội, không cũng là đồng nghiệp, bạn bè thân thiết. Cuốn sách được xem như một câu chuyện "cho và nhận" ở đó, nhà báo Hữu Thọ hiển nhiên là chủ thể. Ông đã nhận được nhiều lời căn dặn, chỉ dẫn tận tình của cấp trên, thế hệ đi trước và rồi ông chia sẻ tất cả những điều đó với bạn bè đồng nghiệp, thế hệ đi sau để rồi với họ ông được xem là một tấm gương sáng về nhân cách và sự nghiệp làm báo. Một hành trình nhận - cho - nhận.
Phần Một - “Ơn thầy, nhớ bạn” là tuyển tập các tác phẩm nhà báo Hữu Thọ viết về các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bậc tiền bối, những người đã tiếp thêm sức mạnh, bài học lý luận, thực tiễn cũng như lòng nhiệt huyết trong sự nghiệp làm báo của ông. Thông qua quá trình làm việc trực tiếp cũng như thời gian nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của các vị lãnh đạo cấp cao nhà báo Hữu Thọ đã có những ấn tượng sâu sắc về những con người hết lòng vì nước vì dân và sở hữu tầm tư tưởng, văn hóa, nhân cách lớn.
Hữu Thọ đã chia sẻ những ấn tượng về cố Tổng Bí Thư Trường Chinh với một cuộc đời trong sáng, trung thực, về cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn với “Tình thương và lẽ phải” hay nhớ về những lời dặn dò, chỉ bảo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là những người hết mực gần gũi và nắm vững tình hình báo chí và những người làm báo. Hữu Thọ nhiều lần vinh dự được tường thuật các chuyến thăm, làm việc với cơ sở hay thậm chí còn là đặc phái viên bám sát hoạt động của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nhờ vậy mà ông có cái nhìn chân thực về nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Bìa cuốn sách "Tình bút mực" của nhà báo lão thành Hữu Thọ
Ông còn viết về những người thầy trong nghề, những người bạn tri kỷ, tri âm trong cuộc đời làm báo từ nhà báo Hoàng Tùng (cố Tổng biên tập báo Nhân Dân), nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện, cây bút phóng sự chính trị hàng đầu Thép Mới, nhà thơ Xuân Diệu, nhà báo Hồng Hà (cố Tổng biên tập báo Nhân Dân) đến nhà báo Thái Duy, cây bút Lê Văn Ba hay người phác thảo xuất sắc chân dung các nhà khoa học Hàm Châu. Hữu Thọ đã viết về họ như viết về mỗi nỗi nhớ đầy ân tình, có những câu chuyện thuộc về quá khứ nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Qua những câu chuyện mà nhà báo Hữu Thọ kể, người đọc cảm nhận tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của một thế hệ những người làm báo đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.
Phần Hai – “Trong lòng đồng nghiệp” là tuyển tập các bài viết của các nhà báo đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, giảng viên báo chí về nhà báo lão thành Hữu Thọ và các tác phẩm của ông. Hữu Thọ là một cây bút lão luyện trong làng báo với hơn 60 năm cầm bút. Cuộc đời làm báo của ông đã minh họa rõ nét trong các tác phẩm báo chí cũng như các cuốn sách nghiệp vụ, trong đó có tác phẩm là cuốn sách “gối đầu giường” của một thế hệ những người làm báo và sinh viên báo chí. Sự say sưa, miệt mài đối với nghề của ông được đồng nghiệp trân trọng và nể phục.
GS.TS Hà Minh Đức – nguyên Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cho rằng Hữu Thọ sở hữu một phong cách báo chí mà ở đó tính thời sự luôn là một mặt mạnh của tác phẩm. Cùng chung quan điểm ấy, GS Hoàng Như Mai nhấn mạnh nhà báo Hữu Thọ có một phong cách viết tiểu phẩm với tinh thần xây dựng và ý thức trách nhiệm. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, TS. Đinh Thế Huynh hay PGS.TS Nguyễn Văn Dững cũng ghi nhận nhà báo Hữu Thọ như một “ngòi bút chiến đấu”, “người bàn luận”, người luôn “suy ngẫm. luận lý, đúc kết những kinh nghiệm nghề nghiệp”.
“Có những lúc phải biết nhu, giữ thế, nhưng làm báo thì phải dấn thân, mình có yêu cái sự kiện, nhân vật đó mười lần thì mới hy vọng làm độc giả yêu một lần.” Nhà báo Hữu Thọ đã nói vậy với tư cách một nhà báo đã dành hơn nửa đời người để lăn lộn với thực tiễn cuộc sống. Ông – một "người hay cãi nhưng cãi hay và cãi đúng", một người nhân cách và bản lĩnh. Và tác phẩm của ông luôn được xem là cẩm nang cho những nhà báo trẻ trên tất cả các khía cạnh từ kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế đến cách giao tiếp, cư xử, đối đãi với bạn bè, đồng nghiệp.
Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận