Muôn vẻ rác làng nghề - Bài 1: Đổi đời nhờ phế liệu

“Sang trang”

Phế liệu từ tứ xứ được nhập về các làng nghề tái chế để “luân hồi” một vòng đời mới. Tại làng Khoai (Như Quỳnh, Hưng Yên) hàng hóa được nhập chủ yếu là nilon đã qua sử dụng. Hàng được mua theo cân với giá dao động từ 10 - 20 nghìn đồng, tùy chất lượng và độ ẩm. Hạt đã tạo có giá cao nhất từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, thường có màu trắng trong. Độ đục của hạt tỷ lệ thuận với giá thành. Tức là hạt càng đục, càng đen thì giá càng thấp. Vì theo một số chủ cơ sở ở đây, hạt đục là hàng kém chất lượng, tạp nham nên có giá thành tương đối thấp.

Hạt nhựa thành phẩm sau quá trình tái chế sẽ được xuất đi các địa phương trong nước. Thứ còn lại ở làng Khoai là tiền và phế thải. Số lượng thành phẩm mỗi cơ sở xuất đi hàng tháng rất lớn. Điển hình như cơ sở tái chế nhựa của gia đình anh Phùng Đức Vương (46 tuổi) có diện tích 250m2 với 5 nhân công làm việc liên tục. Mỗi tháng, cơ sở này có thể sản xuất được khoảng 80 tấn nhựa thành phẩm. Trung bình mỗi kilogam hạt có giá khoảng 17 nghìn đồng.

unnamed-28.png
Hệ thống máy móc hàng tỷ đồng được đầu tư để phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất của cơ sở sản xuất nhà anh Vương. (Ảnh: Minh Toàn). 

 

Thế nhưng chi phí vận hành, hao hụt của cơ sở này cũng không phải là con số nhỏ. Chị Nhuận (vợ anh Vương) cho biết: “Mỗi tháng đến cả trăm triệu tiền điện, chưa kể tiền nhân công, chi phí vận hành máy móc. Tổng chi phí vận hành mỗi tháng phải đến cả tỷ…”. Con số quá đỗi khổng lồ đối với một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Không khó hiểu khi gắn bó gần 30 năm trong nghề, gia đình anh Vương đã đổi đời, xây được nhà lầu, tậu được xế xịn. Theo thống kê, mỗi hộ kinh doanh sản xuất tại đây thu về trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí.

Theo đánh giá sơ bộ của ông Vũ Đức Đoàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh: “Về mặt chuyển đổi cơ cấu kinh tế, làng chuyển từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân có một mức thu nhập tương đối ổn định và cao. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân một số tỉnh miền núi phía Bắc và các vùng lân cận…”.

Bên trong thành phố Hà Nội, một ngôi làng khác cũng đã sang trang nhờ nghề tái chế phế liệu. Từ ngôi làng làm hương tăm truyền thống, người dân thôn Xà Cầu đã chuyển dần sang nghề “băm nhựa”. Đây được coi là một trong số những “thủ phủ” phế liệu lớn của miền Bắc.

unnamed-29.png
Núi rác lấn cả nghĩa trang. (Ảnh: Minh Toàn).

 

Nhựa xuất hiện từ đoạn quốc lộ 21B và chất đống khắp nơi dọc đường vào làng. Không chỉ dồn ứ ở các xưởng mà ngay trước cửa nhà, ngoài chợ, thậm chí là dưới đồng ruộng và nghĩa trang.

Anh Nguyễn Khả Huy (thôn Xà Cầu) - một tiểu thương chuyên phân loại rác nhựa cho biết: “Từ nhỏ anh đã phải sống chung với nhựa rồi, lớn lên xung quanh vẫn toàn là nhựa…”. Thế hệ của anh Huy, những người lớn lên từ nhựa dù quen thuộc với chúng nhưng cũng đang chật vật để thoát nghèo, để mưu sinh trong những bãi phế liệu khổng lồ ở Xà Cầu.

unnamed-30.png
Anh Huy lớn lên cùng rác nhựa và đang mưu sinh trên nhựa. (Ảnh: Minh Toàn).

 

Xưởng nhựa nằm bên ngoài, ngay trước cửa tầng 1 của căn nhà anh Huy. Không sai khi nói căn nhà của người đàn ông này mọc lên từ nhựa. Bởi tiền xây nhà tầng là tiền anh Huy kiếm được từ công việc buôn nhựa này. Có thể nói, nhựa đã ở Xà Cầu này được gần nửa đời người, có những người lớn lên trong nhựa, nhưng cũng có những người đã chết đi vì nhựa.

Kế sinh nhai

Những làng nghề tài chế như “mỏ vàng” cho nhân công ngoại tỉnh. Ở làng Khoai, nhiều lao động là người dân tộc thiểu số đổ về từ các tỉnh Sơn La, Hà Giang,… Ở trong các xưởng, công việc của nhân công thường là rửa, xay, nóng chảy, kéo sợi, cắt hạt. Do tính chất công việc tương đối nguy hiểm, thường xuyên phải tiếp xúc với những hợp chất độc hại bốc lên từ quá trình nóng chảy nilon nên mức lương của những người này cũng ở mức tương đối.

“Cái này khoán theo cân, 800 đồng/1kg, 800.000 đồng/tấn, mỗi tháng thu nhập của tôi cũng được 15 - 16 triệu đồng. Chẳng nguy hiểm gì, có mấy khi bỏng đâu”, anh Đinh Văn Dứ (39 tuổi, ở Sơn La) là thợ kéo sợi, cắt sợi để tạo thành những hạt nhựa thành phẩm.

unnamed-31.png
Anh Dứ làm công việc tạo hạt, cắt hạt với không một trang bị bảo vệ. (Ảnh: Minh Toàn).

 

Ở ngoài bãi, công việc của công nhân chủ yếu là phân loại, đóng gói nilon sau phân loại, bốc dỡ hàng. Mức thu nhập của họ tương đối rẻ mạt so với tính chất công việc. Anh Hoàng Văn Nam (64 tuổi, ở Sơn La) cho biết: “Ngày trước công lao động 250.000 đồng/ngày nhưng bây giờ nhiều người làm quá rồi nên chỉ còn 230.000 đồng/ngày. Ngày làm 10 tiếng, sáng từ 6h-12h, chiều từ 13h-17h…”. Số tiền đó đã bao gồm phí ăn trưa. Hầu hết anh chị em đều ăn trưa và nghỉ trưa luôn tại bãi để tiết kiệm thời gian.

Quy mô làng nghề càng lớn lượng hàng thành phẩm càng cao, nhu cầu về công nhân bốc dỡ hàng cũng tăng dần từ đó. Những người bốc dỡ được thuê với giá niêm yết 40.000 đồng/tấn.

unnamed-32.png
Làng Khoai hiện được phủ kín bằng những nhà cao tầng, không ít trong số đó là những cơ sở sản xuất nhựa. (Ảnh: Vượng Lê).

 

Thậm chí, ngay cả ngoài những bãi rác cũng có những người "kiếm ăn". Họ thu nhặt những nilon đã bị bỏ đi, phân loại rồi bán ngược về làng hoặc bán đi những làng khác để không "phí của". Chị N.T.M (nhân công nhặt rác ở bãi rác làng) cho biết: "Làm ở đây 10 năm rồi, ngày nhiều thì 300 nghìn đồng/ngày, ngày ít thì 100 nghìn đồng, có khi chỉ vài chục nghìn. Làm gần tối thì đốt rác xong về...".

Tại Xà Cầu, giá nhân công rẻ mạt hơn rất nhiều. Bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều làm công tác phân loại nhựa. Công việc dễ đến mức người già, trẻ nhỏ hay người ốm đều có thể làm được.

Với công việc phân loại, bà Nguyễn Thị Vui (67 tuổi) cho hay: “1.000 đồng/1kg thôi, bóc bỏ hết nhãn mác xong phân loại. Đi làm lấy mớ rau thôi chứ có ham gì nữa đâu, ở nhà buồn tay, buồn chân thì đi làm…”. Tối đa, một ngày bà Vui chỉ bóc và phân loại được khoảng 20kg. Phần do tuổi cao, phần do đang mắc một số bệnh về xương khớp nên không thể ngồi lâu được. Vì lẽ đó, mà tiền công mỗi ngày bà nhận được cũng chỉ 20.000 đồng.

unnamed-33.png
Bà Vui cảm thấy may mắn vì còn sức khỏe để làm việc, không bị phụ thuộc vào con cháu. Ảnh: Minh Toàn.

 

Bà N.T.M (54 tuổi) cũng nhận được mức thù lao tương tự như bà Vui. Tuy nhiên, bà M đang mắc những căn bệnh khiến bà phải uống thuốc suốt đời. Tiền công của bà cũng là nguồn tiền để chạy chữa, thuốc thang. Bà M nói: “Đi làm chả đủ tiền thuốc đâu nhưng mà không làm thì còn tốn nhiều hơn. Mấy lần thuốc men thì cứ vay khắp, khỏe dậy lại đi làm để trả nợ…”.

Khi được hỏi tại sao không làm nghề nào khác để tăng thu nhập, bà M ngậm ngùi: “Đau lưng có trồng được lúa đâu, có làm gì khác được. Cái này chỉ việc ngồi bóc nhãn mác rồi phân loại nó dễ chứ không phải là không muốn đổi nghề…”.

Có thể nói, tái chế đã giúp những ngôi làng này sang trang khi thứ họ kinh doanh là sự ô nhiễm. Khi vấn đề ô nhiễm được giải quyết cũng là lúc phương pháp kinh doanh “ăn sổi” này kết thúc. Những triệu phú này mất đi “cái cần câu cơm” hiệu quả nhất.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN