Ngày sách Việt Nam 2014: Nơi giá trị văn hóa được tôn vinh
(Sóng trẻ)- Ngày 24/2/2014, Thủ tướng đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm làm ngày sách Việt Nam. Kể từ đây, cùng với Ngày sách và Bản quyền thế giới 23/4, Việt Nam cũng chính thức có ngày sách của riêng mình.
20 giờ ngày 19/4/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo TW, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày sách Việt Nam tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Buổi lễ có sự tham gia của những cán bộ cấp cao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bà Trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam và đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam.
Sau tiết mục hợp xướng công phu ở phần đầu chương trình, ông Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày sách Việt Nam. Theo đó, Ngày sách Việt Nam ra đời nhằm: khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, phát triển tư duy – giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí của sách trong đời sống xã hội, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác…; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của sinh viên cao đẳng múa Việt Nam
Những thông điệp của chương trình được gửi gắm rất tự nhiên đến người dân thông qua chương trình nghệ thuật đặc biệt do sinh viên trường Cao đẳng múa Việt Nam biểu diễn. Với giọng nói khúc triết, mạch lạc và đầy sức truyền cảm, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức đã thể hiện thành công lời bình của tác phẩm, tái hiện lại những mốc son chói lọi của lịch sử Việt Nam qua những cuốn sách bất hủ của dân tộc. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trau dồi lòng yêu nước mà còn là lời nhắn nhủ về vai trò của sách và việc đọc sách đến nhân dân.
Hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ nhất năm 2014, nhiều chương trình triển lãm, trưng bày, hội sách đã được tổ chức. Những con phố của thủ đô Hà Nội được giăng đầy các khẩu hiệu kêu gọi hướng về ngày sách Việt Nam. Ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng phụ nữ Việt Nam cũng đã diễn ra hội sách để chào mừng ngày lễ tôn vinh văn hóa đọc rất ý nghĩa này.
Ngày sách Việt Nam ở Văn Miếu
“Ngày hội sách từ quá khứ tới tương lai” có sự kết hợp của nhiều hoạt động có ý nghĩa và cũng rất thú vị: “Thi kể chuyện theo sách” dành cho học sinh các trường tiểu học, “Thi vẽ tranh cảm nhận của em” với sự tham gia của rất nhiều bạn nhỏ trên địa bàn thành phố, “Thi nhận diện tác giả, tác phẩm, nhân vật” với sự góp mặt của cả những bạn thanh niên trong niềm hào hứng tìm hiểu về kho tàng truyện kể Việt Nam, “Trò chơi vận động, đố vui” là nơi biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc…
Những hoạt động được tổ chức đã thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều tầng lớp nhân dân
Đặc biệt có ý nghĩa là triển lãm tư liệu: Sách – từ quá khứ đến đương đại và chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm với sự góp mặt của GS sử học Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phong Lê. Triển lãm đã trưng bày gần 1000 tư liệu tiêu biểu về sách Việt qua từng thời kỳ lịch sử: sách tạm chiếm, sách kháng chiến, sách Đông Dương và sách xuất bản sau 1975. Nài ra còn nhiều loại sách quý, hiếm, sách trên các loại chất liệu đặc biệt, sách hay – sách đẹp và sách Vua ban cho các cá nhân…
Giao lưu tác giả, tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm
Với những hoạt động đặc sắc và được diễn ra liên tục trong khoảng thời gian chào mừng Ngày sách Việt Nam 21/4/2014 và Ngày sách và Bản quyền thế giới 23/4/2014, đã thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong việc giữ gìn và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng, xã hội. Đó là sự tôn vinh xứng đáng cho một giá trị văn hóa quý báu và cần phải trường tồn.
Dương Vân
Báo mạng điện tử K33