Nghệ nhân Đinh Thế Văn - người nặng lòng với múa rối nước Đào Thục và một tâm nguyện còn đang dang dở

(Sóng trẻ) - Nghệ thuật múa rối nước là nét văn hoá cổ truyền dân gian của dân tộc Việt Nam. Tới nay, múa rối nước Đào Thục đã có hơn 300 năm tuổi. Hành trình vất vả, gian nan của ông Đinh Thế Văn để níu giữ nét văn hoá độc đáo này quả thực là một điều không hề dễ dàng.

Gặp ông Đinh Thế Văn trong một ngày se lạnh mùa thu Hà Nội nhưng tôi lại thấy “nhiệt" tỏa ra trong câu chuyện và tâm huyết của vị đại tá về hưu đã ngoài 80 tuổi. Trước khi “một lòng một dạ" với múa rối nước, ông đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong thời kỳ chiến tranh. Ở độ tuổi hoa niên, nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn say mê nói về nghề rối nước bằng một chất giọng hồ hởi, như đang nói về một thứ mà ta rất yêu, rất nặng lòng. Nếu đứng trước đôi mắt đầy nhiệt huyết ấy, tôi nghĩ ai cũng sẽ bị mê hoặc bởi cái tình ông dành cho múa rối nước. Sợi dây gắn kết đặc biệt ấy hiếm thứ gì có thể thay thế được. 

Được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước xứ kinh kỳ, làng Đào Thục ở huyện Đông Anh, Hà Nội là nơi gìn giữ văn hoá cổ truyền dân gian rối nước của dân tộc Việt Nam đã gắn bó hơn 300 năm tuổi. Chẳng phải tự nhiên mà nghệ nhân Đinh Thế Văn được ngợi ca là “người hùng" của nghệ thuật rối nước cổ truyền. Hàng chục năm qua, người nghệ nhân ấy vẫn hàng ngày cần mẫn với những con rối gỗ, tưởng chừng như vô tri vô giác nhưng lại chứa hồn văn hoá và tâm huyết cháy bỏng. Đã ngoài 80, ông Ðinh Thế Văn vẫn mải miết trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối nước, một di sản quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Những đóng góp bền bỉ, hành trình lặng thầm của ông được đông đảo khán giả rối nước cũng như giới nghiên cứu, bảo tồn văn hóa đánh giá cao.

PV: Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa ông tới với nghề múa rối nước?

Tôi thật sự là một người rất may mắn khi được tiếp xúc với múa rối nước từ thuở thơ ấu. Bố tôi nổi tiếng vì được mọi người biết tới là trùm rối nước thời bấy giờ. Phường rối nước có từ năm 1734 vào thế kỷ 17, được coi là nghề độc đáo của nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Cụ tổ nghề rối nước là Đào Đăng Khiêm, làm chức Nội giám thời nhà Lê. Khi làm quan trong triều, ông đã tiếp thu được nghệ thuật rối nước của phường rối biểu diễn phục vụ triều đình. 

Trước khi mất, bố tôi đã từng đặc biệt căn dặn: “Khi về nghỉ hưu thì nên tham gia với dân làng, củng cố và phát triển nền văn hoá của mình. Quý lắm đấy". Cùng với tình yêu múa rối nước từ thuở nhỏ, tôi đã gắn bó với nét văn hoá độc đáo này từ đó cho tới tận bây giờ. 

anh-1.jpg
Cho tới nay, nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn dành trọn tình yêu, “một lòng một dạ" với múa rối nước


PV: Nghề múa rối nước đã tồn tại được hơn 300 năm nay. Hành trình phát triển, lưu giữ nghề múa rối nước Đào Thục của ông bắt đầu từ khi nào?

Thời điểm đó, nhân nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII ra đời, tôi đã kêu gọi lên Bộ Văn hoá, Sở Văn hóa mong muốn được khôi phục nền văn hoá độc đáo này. Rối nước tới với tôi như một cái duyên đã định và chính điều đó đã thôi thúc tôi phải trực tiếp đi tìm con đường phát triển cho múa rối Đào Thục. Ngày đó, tôi lặng lẽ tìm đến Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc do GS Hoàng Chương làm Giám đốc nhờ giúp đỡ, phục hồi và tìm hướng phát triển. Cùng với tiếng nói của các phường rối nước khác và thời gian miệt mài xin tài trợ, đóng góp, tôi đã tiến hành xây dựng thuỷ đình. Đây chính là bước khởi đầu làm nên sự phát triển của múa rối nước Đào Thục sau này.

Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều phường rối tạo nên nét văn hoá bản địa dân tộc Việt, ông có thể chia sẻ điểm khác biệt của Đào Thục so với phường rối khác?

Rối nước Đào Thục có màn đốt pháo bật cờ khai mạc và dùng nhân vật Ba Khí giáo trò (Ba khí là đại diện chung cho cả hình ảnh người nông dân Bắc Bộ và anh Ba Khía Miền Nam) đại diện cho cái khí phách của người Việt chứ không chỉ là chú Tễu - anh nông dân đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa như các phường rối khác. 

Nếu như ở các phường rối khác, các con rối chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo thì ở Đào Thục, các nghệ nhân có thể điều khiển con rối sang trái, sang phải và đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Để điều khiển con rối, những nghệ nhân ở đây sử dụng loại máy sào dây giúp con rối có thể lắc đều và vung vẩy được cả hai tay. Từng động tác của những con rối được trình diễn thuần thục, ăn khớp với lời thoại, lời hát và tiếng trống, tiếng đàn của người nghệ sĩ. Hơn 20 tích trò được các nghệ nhân tái hiện trong các vở diễn. Đây là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá và các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa hay những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc.

anh-2.jpg
Ông Đinh Thế Văn dành riêng một căn phòng để lưu giữ kỷ niệm về thời chiến đấu oanh liệt và mối lương duyên với múa rối nước

 

PV: Ông có thể chia sẻ về vở diễn để lại trong tâm trí ông ấn tượng sâu sắc nhất ?

Tôi nhớ nhất là vở diễn “Hà Nội chiến thắng B52”, tái hiện lại trận đánh 12 ngày đêm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Lấy kinh nghiệm từ chính thời gian chinh chiến trong trận địa trước đó, tôi đứng ra làm đạo diễn, bắt tay vào làm mà không có bất cứ tài liệu, không tham khảo bất cứ cuốn sách, vở diễn rối có sẵn nào mà chủ yếu xuất phát từ vốn sống, từ thực tiễn chiến đấu đã từng trải qua. Tôi như sống lại những khoảnh khắc trong quá khứ, tưởng tượng từng cảnh đánh, lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất để đưa vào hình tượng rối. Bản thân luôn cố gắng để lột tả tính chất ác liệt của trận đánh, ca ngợi tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân Thủ đô. 

PV: Góp phần làm nên thành công trong vở diễn chính là những con rối với hình tượng, ý nghĩa đặc biệt. Ông có thể chia sẻ quá trình để làm ra con rối đó?

Ở làng rối nước Đào Thục, những con rối được chính những người dân trong làng sáng tạo ra theo hình tượng nhân vật trong các câu chuyện dân gian Việt Nam. Mỗi con rối thường cao khoảng 30 - 40cm, được làm bằng gỗ và phủ sơn bên ngoài màu sắc sặc sỡ để chống thấm nước. Con rối này đều được điêu khắc theo từng hình tượng nhân vật trong những câu chuyện dân gian Việt Nam. Công việc chế tác và khôi phục con rối cần sự tỉ mỉ và tập trung cao. Nhờ những con rối này mà những vở diễn đã ra đời, ghi lại hình ảnh, tập quán, phong tục thôn xóm, dân tộc mình. Có những tiết mục 300 - 400 năm nay mà múa rối Đào Thục tới hiện tại vẫn giữ được. 

anh-5.jpeg
Mỗi con rối đều mang một ý nghĩa đặc biệt và được chế tác tỉ mỉ, công phu

 


PV: Trong hành trình bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật múa rối nước có khi nào ông phải đối diện với những khó khăn?

Có chứ. Tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chủ yếu khó khăn là vấn đề kinh phí. Mỗi con rối chỉ được biểu diễn và sử dụng vài lần. Đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 này, khách du lịch và thăm quan không thể đến để xem được. Việc bảo quản các con rối trong thời gian này cũng vô cùng khó khăn và vất vả. Ngoài ra, diễn viên và nghệ nhân ở Đào Thục là bán chuyên nghiệp. Ngoài thời gian gắn bó với rối nước, họ cần thời gian làm công việc khác để trang trải cuộc sống. Để có được phường rối nước Đào Thục như hiện nay là cả một quá trình cố gắng và phấn đấu không ngừng nghỉ.

PV: Khó khăn chồng chất như vậy, có bao giờ ông nghĩ tới việc từ bỏ con đường này?

Chưa bao giờ tôi suy nghĩ tới điều này. Múa rối nước đã theo tôi từ khi còn nhỏ cho tới tận bây giờ. Đó là một “mối lương duyên" đặc biệt không thể nào cắt đứt được. Nét văn hoá này đã trải qua hàng trăm năm nay, tôi coi nghề rối nước như một báu vật của làng Đào Thục. Đó không chỉ là ước muốn, tâm huyết của tôi mà còn là trách nhiệm bố ruột đã dặn dò khi còn sinh thời. 

anh-5.jpeg
Từ những ngày đầu quyết định hành trình níu giữ nét văn hoá này, nghệ nhân Đinh Thế Văn gặp vô vàn khó khăn. Cho dù vậy, “người hùng rối nước Đào Thục" vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ


PV: Ông có thể chia sẻ thêm về mong muốn thực hiện với rối nước Đào Thục trong thời gian sắp tới? 

Trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao để nghề múa rối nước tiếp tục được duy trì, tiếp nối mãi về sau. Thông thường, một năm, phường chỉ diễn vài lần nhân dịp hội làng hoặc Tết Nguyên đán, chủ yếu phục vụ bà con trong thôn và các vùng lân cận tới. Tôi mong muốn không chỉ lưu giữ nét đẹp văn hoá này mà còn muốn quảng bá hình ảnh của nghệ thuật múa rối nước lớn mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng lớp trẻ sẽ học tập và gìn giữ nét văn hoá độc đáo này.

anh-6.jpeg
Ông Đinh Thế Văn hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, tiếp nối nghệ thuật múa rối nước Đào Thục phát triển hơn nữa trong tương lai

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN