Nghệ nhân Nguyễn Phương Khánh: Người phục hưng giấy Dó “Kẻ Bưởi”

(Sóng trẻ) - Kẻ Bưởi xưa (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng là vùng đất với nghề làm giấy Dó. Tuy nhiên, bước vào thời hiện đại, công nghệ in ấn, khả năng sản xuất đại trà lớn của giấy công nghiệp đã khiến cho nghề làm giấy Dó dần bị mai một.

Trăn trở với giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, nghệ nhân Nguyễn Phương Khánh nung nấu quyết tâm phục hồi nghề giấy Dó để làm ra những sản phẩm độc đáo và đẹp cho đời. PV Sóng Trẻ đã may mắn nhận được những chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Phương Khánh xoay quanh nội dung này.

Nghệ nhân Nguyễn Phương Khánh
Nghệ nhân Nguyễn Phương Khánh

PV: Xin chào nghệ nhân Nguyễn Phương Khánh, ông có thể giới thiệu một chút về địa danh “Kẻ Bưởi”?

Nhiều người trong chúng ta nghe tới từ “kẻ” sẽ khó có thiện cảm. Bởi xã hội hiện đại, chữ “kẻ” mang hàm ý xấu. Tuy nhiên, Thăng Long xưa các vùng có cư dân sinh sống, có chợ để trao đổi, mua bán, được gọi là “kẻ”, tương đương với một vùng, một làng thời cận đại và hiện đại. 

Vùng Bưởi gọi là “Kẻ Bưởi”, nơi có làng nghề giấy Dó truyền thống, ở góc trái phía nam Hồ Tây, được bao bọc bởi dòng sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Qua biến thiên của thời gian, sông Thiên Phù bị cạn, lấp từ lâu còn sông Tô Lịch hiện nay cũng chỉ như 1 lạch nước.

PV: Theo ông, điểm độc đáo nhất ở giấy Dó là gì?

 Giấy Dó có đầy đủ và nhiều tố chất mà giấy khác không có. Đó là chất liệu về mặt giá trị thẩm mỹ, thuận lợi khi ứng dụng trong nghệ thuật, được họa sĩ ưa thích. Để sản xuất giấy Dó bằng phương pháp thủ công, cần dùng nguyên liệu là cây dó và cây mò từ vùng núi cao, sau ít nhất 10 công đoạn công phu như bóc, giã vỏ cây, nấu, lọc, seo giấy,… mới hoàn thành được sản phẩm giấy dó. Các khách hàng mua tranh cũng thích chất liệu này vì nó có sự khác biệt, mộc mạc hơn, dung dị hơn tranh lụa hoặc một số tranh khác. 

PV: Điều gì đã khiến ông quyết tâm phục hồi nghề giấy Dó khi mà cả vùng Bưởi không còn hình bóng của những người làm nghề đã tồn tại sáu, bảy trăm năm?

Trước hết, tôi muốn giáo dục cho thế hệ trẻ phát huy và tự hào tinh thần lao động, sản xuất sáng tạo trong truyền thống của cha ông ta qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. 

Bên cạnh đó, phục hồi nghề giấy Dó sẽ tạo môi trường du lịch văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn. Khách du lịch đến với quận Tây Hồ, ngoài việc được hưởng một bầu không khí trong lành, vãn cảnh đình, chùa, di tích lịch sử, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương; còn được giới thiệu về một làng nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội ngày nay.

Đặc biệt, hiện nay, vùng Bưởi vẫn còn khoảng 600 – 700 nghệ nhân dẻo tay, thuần thục nghề làm giấy, nếu được đầu tư chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng cao, duy trì được văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Đồng thời, tuy cực nhọc vất vả, nhưng nghề này lại là kế sinh nhai cho cả gia đình, dòng họ, cả một làng, một vùng rộng lớn.

PV:  Ông đã đưa ra những giải pháp nào để ngăn ngừa sự mai một của làng nghề? 

Trước tiên, tôi hoàn chỉnh mô hình sản xuất giấy dó để thu hút Nhà nước quan tâm, đầu tư và cho thuê một vùng đất để dân Kẻ Bưởi sản xuất giấy dó. Từ đó, có thể phục hồi làng nghề ở một địa điểm khác, chẳng như vùng Chèm.

Tiếp đến, làm cho nghệ thuật hội họa phát triển tức là làm cho làng nghề tồn tại, bởi đó là tác động hai chiều. Khi càng có nhiều người mua và vẽ trên chất liệu giấy dó thì làng nghề càng có cơ hội phát triển.

Tôi đã từng nhiều lần tham gia triển lãm tranh giấy dó ở nước ngoài và nhận ra rằng người phương tây rất mê sản phẩm giấy dó của Việt Nam bởi nó có độ bền cao nhất thế giới, có thể lên đến 600 đến 700 năm, trong khi giấy dó của Nhật Bản hay Trung Quốc chỉ có độ bền từ 400 đến 500 năm, dù điều kiện bảo quản của họ tốt hơn ta. Vậy nên, giấy dó cần được quảng bá nhiều hơn thì mới được biết đến.

Đặc biệt, tôi còn xuất bản cuốn sách “Kẻ Bưởi với nghề giấy Dó” để bạn đọc tìm hiểu về một nghề truyền thống của Bách nghệ Việt Nam. Tôi mong các nhà nghiên cứu, doanh nhân qua đó có thể phục hồi giấy Dó ở một địa điểm khác với quy trình cải tiến, giảm bớt sức lao động nhưng vẫn giữ được chất lượng như các thế hệ trước đã sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu của đất nước đang phát triển, nhất là văn hóa và du lịch.

Cuốn sách “Kẻ Bưởi với nghề giấy Dó” của tác giả Nguyễn Phương Khánh
Cuốn sách “Kẻ Bưởi với nghề giấy Dó” của tác giả Nguyễn Phương Khánh

PV: Giải pháp của ông giấy Dó sẽ chuyển ra vùng ngoại thành, cụ thể là vùng Chèm. Vậy thì tên gọi giấy Dó của vùng “Kẻ Bưởi” liệu còn được giữ?

Mọi người có thể gọi là “Kẻ Bưởi 2”, nghĩa là vùng Kẻ Bưởi lên đây để sản xuất, vùng này làm quy hoạch giấy Dó của Kẻ Bưởi, giấy sẽ được làm ra bởi những nghệ nhân lành nghề của Kẻ Bưởi. 

PV: Trong quá trình phục hồi nghề giấy Dó, ông cho rằng đâu là khó khăn?

Khó khăn nhất đó chính là địa điểm để sản xuất. Bởi làm giấy Dó cần rất nhiều nước, cho nên địa điểm vô cùng quan trọng. Phải là điểm gần sông, có quy trình xử lý nước thải đồng bộ vì việc sản xuất nhỏ lẻ sẽ vô cùng phức tạp và khả năng ô nhiễm môi trường cao. Hiện nay, ở vùng Bưởi nguồn nước đã cạn và bị ô nhiễm nghiêm trọng nên việc sản xuất là không khả quan. 

Khó khăn nữa, việc thu mua nguyên liệu, lựa chọn nguyên liệu cũng không được tốt như trước. Ngày xưa có những vùng chuyên canh trồng cây dó, nhưng hiện nay không còn, cho nên rất khó khăn cho người mua nguyên liệu. Đồng thời, người sản xuất bị ép giá, chất lượng dó cũng không tốt, có nhiều tạp chất. 

Bên cạnh đó, quy trình sản xuất hiện nay phải dùng máy để tiết kiệm sức người, giảm chi phí, kéo theo phải điều chỉnh chất lượng giấy sao cho phù hợp với người tiêu dùng. Còn nếu dùng sức người làm với chất lượng truyền thống, chi phí tăng, giá cả tăng, khó đến với người tiêu dùng. Đó là trăn trở nhất đối với những người làm nghề.

PV:  Hiện nay đến 80% các làng nghề sống được là nhờ sự phá vỡ truyền thống, các sản phẩm không còn mang tính thuần Việt nữa. Điều đó có khiến ông thay đổi quyết định phục hồi những giá trị truyền thống?

Tôi vẫn luôn phải căn dặn những người cùng làm nghề rằng: Dù thế nào cũng không thể có lỗi với những người trân trọng cái nghề truyền thống này, phải đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm tối ưu cho khách hàng. Vì vậy, dù công nghệ in ấn với độ chính xác cao, khả năng sản xuất đại trà lớn nhưng giấy Dó vẫn luôn giữ được những nét truyền thống.

 Với vẻ đẹp bền bỉ, mộc mạc gắn với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, giấy dó đã và đang dần trở lại, trở thành cầu nối giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn nghề làm giấy dó truyền thống là rất cần thiết để giữ lại nét đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN